Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Sống Với Thánh Kinh » Sống Với Thánh Kinh: 6/12/2013

Sống Với Thánh Kinh: 6/12/2013


Sống Với Thánh Kinh: 6/12/2013

Phi-lê-môn 1:8-21
Tha Thứ Khi Chúa Đã Tha Thứ

“Thật, Ta bảo thật các con, người nào tin Ta cũng sẽ làm những việc Ta làm, và sẽ làm những việc lớn hơn nữa, vì Ta đi về với Cha” (Giăng 14:12).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô gặp anh Ô-nê-sim trong hoàn cảnh nào? Sứ đồ Phao-lô nhận định thế nào về anh Ô-nê-sim sau khi đã được Chúa biến đổi? Muốn ông Phi-lê-môn chấp nhận anh Ô-nê-sim, Sứ đồ Phao-lô phải làm gì? Người Cơ Đốc phải hiểu giá trị của sự tha thứ quan trọng như thế nào?

Anh Ô-nê-sim vốn là một nô lệ của ông Phi-lê-môn, đã chạy trốn khỏi chủ mình, nhưng sau đó tình cờ gặp Sứ đồ Phao-lô trong chỗ ngục tù và được hướng dẫn trở nên tín hữu. Ngày trước, anh Ô-nê-sim chỉ là một đầy tớ vô dụng, nhưng sau khi tin Chúa đã trở thành một người giúp ích cho Sứ đồ Phao-lô rất nhiều. Tên Ô-nê-sim có nghĩa là một người hữu dụng, và anh đã không còn phải sống thẹn với cái tên mình nữa. Sứ đồ Phao-lô muốn ông Phi-lê-môn nhận lại anh Ô-nê-sim không phải ở địa vị của người nô lệ nhưng là một anh em trong Chúa. Dù anh Ô-nê-sim rất hữu dụng cho mình trong giai đoạn bị tù, nhưng biết được sự thật về hoàn cảnh của anh Ô-nê-sim, Sứ đồ Phao-lô khuyên anh nên trở về cùng chủ mình là ông Phi-lê-môn mà bày tỏ tấm lòng ăn năn hối lỗi của một người đã được Chúa biến đổi.

Sứ đồ Phao-lô biết Chúa đã tha thứ cho anh Ô-nê-sim thì không lý do gì ông Phi-lê-môn còn ghim giữ lại các quá phạm đó. Ông tin cậy lòng ăn năn thật của anh Ô-nê-sim, muốn ông Phi-lê-môn tiếp nhận lại anh như tiếp nhận mình (câu 17), Sứ đồ Phao-lô coi mọi thiệt hại mà anh Ô-nê-sim đã gây ra cho ông Phi-lê-môn như là trách nhiệm của chính mình, và sẵn sàng đền bồi cho những thiệt hại đó (câu 18-19). Sứ đồ Phao-lô kể việc ông Phi-lê-môn chấp nhận anh Ô-nê-sim trở lại là sự khích lệ cho mình trong chức vụ phục vụ Chúa (câu 20)…

Sứ đồ Phao-lô đã kinh nghiệm được sự tha thứ của Chúa cho mình, nên hiểu được giá trị của sự tha thứ người khác là quan trọng ra sao. Với tư cách là một người dẫn dắt ông Phi-lê-môn trên con đường theo Chúa, Sứ đồ Phao-lô có thể truyền bảo ông Phi-lê-môn thực hiện yêu cầu của mình, nhưng Sứ đồ Phao-lô không muốn làm thế. Trong Chúa Cứu Thế, bản chất của sự tha thứ không phải là điều ép buộc nhưng là điều tự nguyện (câu 14), không phải làm vì mệnh lệnh ràng buộc nhưng bởi lòng yêu thương (câu 8-9), không phải làm ở một chừng mực tương đối nào đó nhưng làm cho Chúa vui lòng (câu 21). Sự tha thứ không những chỉ làm hồi phục những gì của quá khứ, mà làm bàn đạp cho bước tiến của tương lai (câu 15), không chỉ để tìm lại những giá trị đã mất mà nâng cao những giá trị sắp nhận được (câu 16).

Khi bị đóng đinh trên thập tự giá, lời đầu tiên Chúa Giê-xu thốt lên là lời cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết mình đang làm gì” (Lu-ca 23:34). Chúa Giê-xu biết nhân loại nầy cần sự tha thứ của Đức Chúa Cha trước hết. Dĩ nhiên, tội lỗi phải có giá trả của nó. Chúa Giê-xu không cầu xin Cha bỏ qua tội lỗi của nhân loại, nhưng lời cầu nguyện đó có nghĩa: xin Cha trì hoãn sự đoán phạt trên nhân loại cho đến chừng Ngài hoàn tất sự đền tội cho họ bằng chính sự chết của Ngài. Để xin Cha ban cho sự tha thứ, Chúa Giê-xu phải đặt mình trong địa vị tội nhân. Sự chết của Chúa Giê-xu chính là sự đoán phạt của Cha trên tội lỗi nhân loại. Khi Chúa Giê-xu đã nhận chịu sự đoán phạt đó, thì Đức Chúa Cha không còn đoán phạt người đã tin và chấp nhận sự chết đền tội của Chúa Giê-xu cho mình nữa. Sự tha thứ được hoàn tất trong Chúa Giê-xu.

Bạn có buồn giận ai đến mức không tha thứ được chăng? Nếu đã hiểu tình Chúa cho mình, bạn có những quyết định nào?

Lạy Chúa, xin cho con hiểu giá trị của sự tha thứ Ngài đã dành cho con, để con biết tha thứ người khác.

*Đọc Kinh Thánh trong ba năm: 1 Cô-rinh-tô 6.

Văn Phẩm Nguồn Sống
http://www.vpns.org

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top