Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Sống Với Thánh Kinh » Sống Với Thánh Kinh: 11/09/2015

Sống Với Thánh Kinh: 11/09/2015


Sống Với Thánh Kinh: 11/09/2015

Giăng 4:1-30
Bắt Đầu với Chỉ Một Người

“Người đàn bà bèn bỏ cái vò của mình lại và vào thành…” (Giăng 4:28)

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa Giê-xu phải đi qua xứ Sa-ma-ri? Chúa Giê-xu ở trong vị trí nào khi đến với người phụ nữ Sa-ma-ri? Chúa Giê-xu đã phải vượt qua những rào cản xã hội nào? Những điều gì bạn cần phải vượt qua để chia sẻ Tin Lành của Chúa cho những người xung quanh?

Chúa Giê-xu giảng đạo cho đám đông nhưng Ngài cũng dành thì giờ cho từng cá nhân. Trong Giăng 3, Chúa nói chuyện và giảng dạy về Nước Đức Chúa Trời cho ông Ni-cô-đem, một người học thức và được kính trọng trong xã hội Do Thái. Trong chương 4, Chúa Giê-xu nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri, một phụ nữ ngoại bang và bị khinh khi ngay cả trong vòng dân tộc mình.

Kinh Thánh chép “Ngài phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri” (câu 4). Khi đi lên phía bắc, người Do Thái vẫn sử dụng con đường này vì ngắn hơn, mặc dù giữa họ và người Sa-ma-ri có một sự kỳ thị và hiềm khích rất lớn. Chúa Giê-xu phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri vì Ngài phải trực diện với vấn đề thù hằn dai dẳng giữa hai dân tộc trong công tác cứu rỗi của Ngài trên đất này. Chúa Giê-xu không né tránh vấn đề mà mọi người cho là điều cấm kỵ. Tin Lành của Chúa Giê-xu đụng chạm đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, nhất là những nơi sâu thẳm nhất trong đời sống cá nhân và xã hội. Đây là những nơi trói buộc con người một cách tinh tế nhất. Việc giữ khoảng cách giữa hai dân tộc có thể được bảo vệ bằng những lời lẽ rất cao thượng như “giữ gìn bản sắc dân tộc,” “gìn giữ sự thanh khiết…” Chúa Giê-xu phải đến để phơi bày và chữa lành căn bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, cách Chúa đến rất khiêm nhu và nhẹ nhàng. Kinh Thánh chép Ngài mệt vì đường xa nên ngồi bên giếng để nghỉ.

Trước hết, Chúa Giê-xu đến trong sự cảm thông. Ngài cảm thương sự yếu đuối của chúng ta (Hê-bơ-rơ 4:15). Ngài biết nhu cầu cần nước uống của một con người bình thường.

Thứ hai, Chúa đến trong sự can đảm. Về phương diện con người, Chúa Giê-xu phải vượt qua những rào cản của xã hội thời bấy giờ đó là: (1) Nói chuyện với một người Sa-ma-ri, và (2) xin nước từ một phụ nữ Sa-ma-ri. Chúa Giê-xu phải vượt qua điều cấm kỵ đã thiết lập lâu đời trong xã hội Do Thái đó là, “người Giu-đa chẳng hề giao thiệp với người Sa-ma-ri.” Ngay cả trong sự can đảm này, Chúa Giê-xu không đến trong sự hống hách tự phụ của một người làm ơn cho người người khác. Ngược lại, Chúa đến trong tinh thần hạ mình của một người đi đường cần nước uống.

Thứ ba, Chúa đến với chân lý. Dù hạ mình cảm thông với con người, Chúa Giê-xu không hề thỏa hiệp với tội lỗi. Nhiều khi chúng ta vì muốn người khác tin Chúa, đã tránh né vấn đề cốt lõi đó là tội lỗi của con người và nhu cầu được tha thứ.

Cuối cùng, Chúa đã đến với một con người, một người bị xã hội ruồng bỏ và khinh khi. Nhìn thấy những vấn nạn xã hội trước mắt, nhiều khi chúng ta cảm thấy bất lực vì nhận biết sự thiếu thốn của chính mình. Có quá nhiều người cần đến Chúa mà con gặt thì ít. Hãy cầu xin Chúa chỉ cho chúng ta biết phải làm gì vì có thể Chúa sẽ chỉ cho chúng ta đến với chỉ một người, một người tầm thường, nhưng qua người đó, cả làng đều tin Chúa, như trường hợp của người phụ nữ Sa-ma-ri (Giăng 4:30).

Lạy Chúa, xin cho con có sự yêu thương và can đảm của Ngài để đến với những người mà bấy lâu nay con bị cản trở vì những thành kiến cá nhân hoặc xã hội. Xin cho con có chân lý của Ngài và sự sẳn sàng để làm công cụ của Chúa trong xã hội này.

Xin vui lòng chuyển bài học Kinh Thánh để nhiều người cùng học. Bài học Kinh Thánh này do Văn Phẩm Nguồn Sống biên soạn. Nếu có thể được, xin vui lòng dâng hiến cho Văn Phẩm Nguồn Sống tại http://www.vpns.org

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top