Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Lịch Sử » Bút Ký Của Giáo Sĩ Robert Jaffray Viết Vào Tết Năm 1899 Tại Hà Nội

Bút Ký Của Giáo Sĩ Robert Jaffray Viết Vào Tết Năm 1899 Tại Hà Nội

Lời Ban Biên Tập (2019):
Cách đây 120 năm, vào dịp Tết năm 1899, Giáo sĩ Robert A. Jaffray đã đến thăm Hà Nội. Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc một ít về bài bút ký của ông được viết trong chuyến đi này.

Robert A. Jaffray (1873-1945) là một giáo sĩ Tin Lành người Canada.  Ông là người có công rất lớn trong việc đặt nền móng cho Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp hoạt động tại Việt Nam.  Giáo sĩ Robert A. Jaffray đến Việt Nam lần đầu tiên vào mùa xuân năm 1899.  Ông đã ghi lại những cảm nhận của mình về chuyến đi này trong những bài viết được đăng trên tờ Christian & Missionary Alliance trong những tháng sau đó.

Bài viết này được trích từ sách Những Người Tin Lành Tại Việt Nam Trước Năm 1911, xuất tại San Diego, California vào năm 2011.   Sách tổng hợp rất nhiều sử liệu về giai đoạn đầu của Tin Lành tại Việt Nam. 

RobertAlexandreJaffrayGiáo sĩ Robert Alexander Jaffray (1873-1945)
(Tài liệu Christian and Missionary Archive)

Robert Alexander Jaffray sinh ngày 16/12/1873 trong một gia đình giàu có tại Canada.  Cha của ông là chủ của tờ Toronto Globe, một tờ báo lớn và có uy thế chính trị tại Canada. Thân sinh của Robert A. Jaffray kỳ vọng vào đứa con trai, và hy vọng rằng một ngày nào đó Robert A. Jaffray sẽ nối nghiệp để làm tổng giám đốc của cơ quan truyền thông mà ông đã xây dựng.

Trong những năm đầu theo học đại học, Robert A. Jaffray được Chúa kêu gọi để hầu việc Chúa trong chức vụ giáo sĩ.  Dầu bị gia đình chống đối, chàng thanh niên Robert A. Jaffray quyết tâm dâng hiến cuộc đời của mình cho Chúa. Robert A. Jaffray theo học tại Missionary Institute Training tại New York và tốt nghiệp vào cuối năm 1895.  Trong bài diễn văn tốt nghiệp, Robert A. Jaffray nhắc đến việc Chúa kêu gọi mình để truyền Tin Lành cho người Việt.

Ngày 12/1/1896 – chỉ vài tuần sau khi Robert A. Jaffray mừng sinh nhật 22 tuổi – vị giáo sĩ trẻ tuổi được Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp bổ nhiệm đến hầu việc Chúa tại khu vực truyền giáo Hoa Nam thuộc Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa.  Bên cạnh trách nhiệm làm giáo sĩ cho người Trung Hoa; trong thời gian này Robert A. Jaffray có trách nhiệm nghiên cứu việc truyền Tin Lành cho Việt Nam.

Tháng 4 năm 1898, Robert A. Jaffray và Martin Landis được bổ nhiệm làm giáo sĩ tại Nam Ninh, một thành phố cách biên giới Việt Nam khoảng 180 cây số.  Bảy tháng sau đó, Giáo sĩ Robert A. Jaffray thực hiện chuyến khảo cứu đầu tiên tại Việt Nam.

Giáo sĩ Robert A. Jaffray rời Nam Ninh, Trung Hoa vào ngày 25/1/1899.  Ông đến Lạng Sơn vào thứ ba ngày 7/2/1899.  Giáo sĩ Robert A. Jaffray thuật lại đêm đầu tiên tại Việt Nam như sau:

Chiều thứ Ba, chúng tôi vượt biên giới của nước Trung Hoa cổ xưa để vào nước Tong King [1] mới.  Lòng chúng tôi dâng lên lời ca ngợi Chúa vì cuối cùng Ngài đã cho mắt chúng tôi thấy xứ Anam.[2]  Tối đến, chúng tôi vào một thị trấn xa lạ là Đồng Đăng. Dân cư trong thị trấn là người Việt và người Trung Hoa, được lính Pháp canh giữ.

Chúng tôi không biết một ai ở đây.  Chúng tôi hỏi thăm lữ quán ở đâu để chúng tôi có thể trọ qua đêm.  Nhưng Cha của chúng ta biết; và khi chúng tôi tìm kiếm sự hướng dẫn từ mặt Ngài, chân chúng tôi được dẫn đi đúng hướng.  Chúng tôi đến một tòa nhà gần đó, đây chính là nhà của quan huyện.  Khi tiếp kiến vị quan, tôi nói với ông bằng tiếng Quảng Đông, xin chỉ cho chúng tôi nơi nào để có thể trọ qua đêm.  Vị quan nói với tôi: ‘Ông có thể ở đây.  Tôi có rất nhiều phòng.’  Không cần phải nói nhiều, chúng tôi cảm ơn lòng tử tế của vị quan hiếu khách. 

Ngay lập tức, ông dẫn chúng tôi vào khách sảnh, mời dùng trà, rồi đàm đạo.  Ông nói tiếng Quảng Đông trôi chảy và rõ ràng vì thế chúng tôi có thể chia sẻ với ông bài học đầu tiên về tình yêu của Chúa.  Tôi tặng ông vài cuốn Phúc Âm [3] và vài sách chứng đạo, và ông đón nhận với lòng cảm kích. 

Là một nhân vật ở trong vị trí như vậy, nhưng ông là một người rất khiêm tốn và vui lòng lắng nghe Lẽ Thật; không giống như một vị quan trung bình ở Trung Hoa, rất kiêu hãnh và khó tiếp cận.  Sự khác biệt này, dầu về một phương diện là vì các quan Việt Nam đang ở dưới sự cai trị của người Pháp, dầu chỉ trong danh nghĩa mà thôi. 

Chúng tôi tha thiết nài xin Chúa để sứ điệp Phúc Âm đầu tiên được truyền cho một linh hồn người Việt, sẽ đem người này về với Chúa và nhận phước hạnh từ nơi  Ngài; để rồi Ánh Sáng Chân Thật [4] sẽ chiếu vào tấm lòng tăm tối khốn cùng của ông bằng Lời của Chúa.  Chúng tôi cũng nhận từ vị quan này nhiều dữ kiện về đất nước và con người của quốc gia của ông.”

Giáo sĩ Robert A. Jaffray đến Hà Nội vào Tết Nguyên Đán ngày 10/2/1899. Hai hôm sau, ngày 12/2/1899, Giáo sĩ Robert A. Jaffray viết bài tường trình từ Hà Nội như sau:

Thật là một niềm vui không thể nào diễn tả khi tôi có vinh hạnh được viết cho các bạn từ đất Annam.  Đã từ lâu, lòng tôi có một ước vọng sâu xa muốn được thăm viếng xứ sở này trong danh Chúa.  Đức Chúa Trời đã làm thỏa nguyện ao ước của tôi – ít nhất một phần. Lời Chúa đã phán với tôi từ khi tôi rời quê nhà: “Hãy giục lòng mạnh mẽ!  Con đã làm chứng cho Ta tại Giê-ru-sa-lem thế nào thì con cũng phải làm chứng cho Ta tại Rô-ma thể ấy.”[5]

Ngày 25 tháng 1, tôi rời anh Landis và trung tâm truyền giáo của chúng tôi tại Nam Ninh Phủ, rồi tôi tung cánh cho đến bây giờ.  Tôi đã đến thăm những nơi sau đây:  Long Châu, Lạng Sơn, Phủ Lạng Thương, Hải Phòng và Hà Nội. Và bây giờ, tôi đang chuẩn bị để có thể nhanh chóng quay lại trung tâm truyền giáo của tôi. 

Nhà thờ Tin Lành Pháp tại Hải Phòng
(Tài liệu: Sở Bưu Chính Đông Dương)

Tôi vắng mặt gần một tháng.  Hành trình từ Nam Ninh Phủ đến Long Châu bằng tàu bánh xe của người Trung Hoa mất chín ngày;  đi ghe và kiệu từ Long Châu qua Lạng Sơn mất hai ngày rưỡi;  từ Lạng Sơn đi Lạng Thương bằng đường xe lửa mới làm của người Pháp mất sáu giờ với khoảng đường khoảng 150 cây số;[6]  bằng tàu hơi nước ban đêm của người Trung Hoa từ Phủ Lạng Thương đến Hải Phòng; bằng tàu hơi nước của Pháp từ Hải Phòng đến Hà Nội. 

tonkin_hanoi_eglise_protestante_01sNhà thờ Tin Lành Pháp tại Hà Nội
(Tài liệu: Sở Bưu Chính Đông Dương)

Tôi đến đây vào ngày 10/2/1899 và đã trải qua vài ngày hữu ích ở đây.  Sáng mai lúc 3:30 sáng, tôi sẽ rời đây bằng xe kéo đi đường bộ đến Phủ Lạng Thương; rồi trở lại Long Châu và Nam Ninh bằng xe lửa, kiệu và tàu.

Mục đích của chuyến đi là thu thập những dữ kiện về đất nước, con người; cũng như thái độ của chính quyền Pháp và Giáo hội Công giáo về việc truyền giảng Tin Lành tại miền Bắc Việt Nam,[7]

Tại bất kỳ nơi nào, tôi cũng được người Pháp tiếp đãi tử tế và rất lịch sự.  Dầu vậy, tôi cũng gặp một vài người nói tiếng Anh và cẩn thận hỏi họ về việc truyền giáo Tin Lành cho người Annam có được người Pháp cho phép hay không.  Câu trả lời luôn luôn không xác định; và tôi tin rằng chúng ta sẽ không bao giờ biết cho tới khi chúng ta cố gắng thực hiện.  Khi chúng ta đạt đến giới hạn, đứng trong đức tin chân thật, tôi tin: cánh cửa, bởi quyền năng kỳ diệu của cánh tay Chúa, sẽ mở.

Tôi biết rằng Chúa đang làm việc trong lòng dân sự Ngài tại quê nhà về đất nước này, cũng như Ngài đang làm việc trong lòng chúng tôi, những người phục vụ Ngài tại hải ngoại. Trong những ngày cuối cùng này, nguyện chúng ta không làm điều gì khác hơn là chân thành làm trọn mục đích  của Ngài cho mỗi chúng ta, để Ngài có thể đem mọi quốc gia, mọi dòng dõi, mọi dân tộc trở thành một dân trong danh Ngài.

FrenchReformedChurch_HanoiKhuôn viên nhà thờ Tin Lành Pháp Tại Hà Nội (1902)
(Tài liệu: Trois ans en Indochine – Ấn bản 1906)

Các bạn sẽ rất vui khi biết rằng Hội Thánh Tin Lành Pháp bây giờ đã có các mục sư ở đây. Tôi rất vui được gặp Mục sư G. M. Mereadier tại Hải Phòng và Mục sư Adolphe de Richemond, là người chủ nhà tử tế đã tiếp tôi tại nơi này.  Hai vị này, và gia đình của họ, đã đến đây được ba tháng, và họ đã bắt đầu công việc; dĩ nhiên, không phải công việc truyền giáo, nhưng chỉ lo cho những tín hữu Tin Lành Pháp tại Tong King, mà đặc biệt cho binh sĩ.  Số lượng người Tin Lành tại đây nhiều hơn tôi nghĩ.  Hội chúng của Mục sư Richemond tại Hà Nội có hơn 100 người.  Công việc của họ tiến triển rất khích lệ và họ sẽ làm nhiều điều để chuẩn bị cho việc truyền giáo tại miền Tong King.  Mục sư Richemond cho tôi biết là hội của họ cũng mong ước tổ chức hoạt động truyền giáo giữa vòng người Annam trong tương lai, nhưng đây là vấn  đề chưa được hoàn toàn xác định.

Mục sư Richemond rất hài lòng khi biết Hội Liên Hiệp của chúng ta dự tính mở công việc tại đây và đã khích lệ tôi rất nhiều.  Mục sư đã nhắc đi nhắc lại, và bày tỏ hết lòng, rằng ông sẽ vui lòng làm hết sức trong quyền hạn của mình để hợp tác và hổ trợ.

Sau chuyến khảo cứu của Giáo sĩ Robert A. Jaffray, do nhiều lý do khác nhau, Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đã không thể bắt đầu công tác truyền giáo tại Việt Nam vào năm 1899.

Mười hai năm sau, vào tháng 9 năm 1911, Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp chính thức khởi đầu công cuộc truyền Tin Lành tại Việt Nam.

Lược trích từ sách Những Người Tin Lành Tại Việt Nam Trước Năm 1911.

Thư Viện Tin Lành (2019)
www.thuvientinlanh.org

Đọc thêm:

Chú Thích:


[1] Trong các văn kiện ngoại quốc xưa, Tong King (Tongking, Tonkin, Tongquien, Tống Bình) là phiên âm của chữ Đông Kinh, tức Đàng Ngoài, Bắc Kỳ, Miền Bắc của Việt Nam.
[2] Một số văn bản Anh ngữ vào thế kỷ 19 đã dùng chữ Anam, thay vì Annam, để mô tả Việt Nam.  Giáo sĩ Robert Jarray đã dùng cả hai chữ Anam và Annam trong bút ký của mình.
[3] Phúc Âm Lu-ca, Mác, Giăng, Ma-thi-ơ, Công Vụ, Rô-ma, và Sáng Thế Ký đã được Thánh Kinh Hội dịch sang chữ Quốc Ngữ và chữ Nôm vào thập niên 1890. Những sách này đã được phát hành rộng rãi tại Việt Nam trong những năm sau đó.
[4] Giăng 8:12.
[5] Công Vụ 23:11.
[6] Nguyên văn 90 miles.
[7] Nguyên văn là Tonkin.

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top