Mục sư Phan Thanh Bình: Bạn Đời – Người Lãnh Đạo
NGƯỜI LÃNH-ĐẠO
Nay chúng ta bước qua người thứ tư rất quan-trọng trong “trường đời” là Người lãnh-đạo.
30 tháng 4 năm 1975, chấm dứt chiến tranh Nam Bắc. Việt Cộng chiếm được Miền Nam vui thì ít mà lo thì nhiều vì những người “lãnh-đạo” đủ các cấp, phần tinh-anh của dân Việt Miền Nam vẫn còn hiện-diện. Vì lo-sợ mà chúng phải tiêu-diệt thành-phần “lãnh-đạo”. Đem tất cả thành-phần “lãnh-đạo” giam trong các trại tù “cải-tạo” để tiêu-diệt dần.
Sau này, một số “anh em cộng” với nhau muốn làm “lãnh-đạo” là bị chúng “loại’ bằng cách cho ra khỏi nước “tị-nạn chính-trị”. Trong nước hiện nay chỉ còn “lãnh-tụ” chớ chẳng có “lãnh-đạo”.
Người Việt mình thích làm “lãnh-tụ” hơn làm “lãnh-đạo”.
[/one_half]
Người lãnh-tụ
Điều-khiển
Dựa trên quyền-hành
Tạo ra sự sợ-hãi
Luôn nói: Tôi
Để ý nguyên-nhân gây ra “sự cố”
Nghĩ và nói về vấn-đề
Biết mình phải hoàn thành như thế nào
Ra lệnh: Làm đi
Người lãnh-đạo
Hướng-dẫn
Dựa trên thiện-chí
Khơi dậy lòng nhiệt tình
Luôn nói: Chúng ta
Tìm cách khắc-phục “sự cố”
Nghĩ và nói về giải-pháp
Biết hướng-dẫn làm thể nào để hoàn-thành
Nói: Chúng ta cùng làm
Bài ca-dao này nói lên cách lãnh-đạo:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cày cấy vốn nghiệp nông gia
Ta đâu trâu đó ai mà quản công
Bao giờ lúa chín đầy đồng
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Vào “trường-đời” chúng ta không cần “lãnh-tụ”, nhưng chúng ta cần “lãnh-đạo”, nhưng phải là “lãnh-đạo” khôn-ngoan.
* Lý lẽ và khả-năng phán-đoán là phẩm-chất của người lãnh-đạo.
* Người “lãnh-đạo” giỏi là người khiến người khác đi theo mình một cách vui-vẻ và tự tin.
Người “lãnh-đạo” trong “trường-đời” là người có ảnh-hưởng đến chúng ta. Tôi trích dẫn lời tặng của tác-giả nổi tiếng trong cuốn sách:
Tặng một nhà lãnh-đạo tôi yêu quý và học hỏi … Đó là cha tôi.
Chuyện một người cha trong giới Việt Cộng dạy con như vầy:
Người cha đặt đứa con mười tuổi lên trên chỗ cao rồi nói với con:
– Con hãy nhảy thẳng vào người cha, cha sẽ ôm lấy con. Người con nói:
– Con sợ lắm, nhỡ cha không ôm được con, con té xuống thì đau lắm. Người cha nói:
– Con hãy tin-tưởng nơi cha, cha không bao giờ để con té, con đau. Cứ tin-tưởng nơi cha, nhảy thẳng vào Cha. Người con tin lời, làm theo lời cha. Nhưng người con vừa nhảy thẳng vào cha, người cha lách qua một bên và người con té xuống, đau điếng, khóc òa. Người cha nói với con:
– Đây là bài học con phải nhớ suốt đời. Đừng tin ai hết, đến cha, con cũng đừng tin. Không biết người con này có thể “yêu-quý và học-hỏi” gì nơi cha mình.
Tác-giả cuốn sách đã được ảnh-hưởng của người cha. Nói theo Việt là “cha truyền con nối”. Nói theo tâm-lý là đưa người cha lên hàng mẫu-mực. Tiếng thời-đại ngày nay: “thần-tượng” là người được tôn lên hàng “mẫu-mực” của mình.
Vào “trường đời” chúng ta chịu “ảnh-hưởng” một vài người và chúng ta cũng “ảnh-hưởng” đến vài người.
Chủ-tịch Trung-Quốc Tập-Cẩn-Bình tới Việt-Nam, một quốc-gia đàn em của Trung-Quốc, nhưng dân Việt-Nam chẳng “hồ-hỡi phấn-khởi” chào đón đàn anh, cũng không mấy cảm-tình khi tiếp đón. Dân Việt tiếp đón vị lãnh-tụ quốc-gia đàn anh chỉ theo nghi-thức.
Nhưng khi Tổng-Thống Mỹ Quốc Barack Obama tới thăm Việt-Nam ngày 23 tháng 5 năm 2015. Dân Việt tràn ra đầy đường lộ-trình đoàn xe Tổng-Thống đi qua, giơ cao tay vẫy “cờ hoa đế quốc” hân-hoan đón tiếp. Tại sao trước đây quyết-định đánh cho “Mỹ rút, ngụy nhào”. Nay Mỹ đến, dân Việt lại “nhào” ra tiếp đón. Phải chăng hơn 30 năm, Việt kiều Mỹ về quê đã được bà con anh em đón tiếp nồng-nàn, vui-thỏa. Nay lại chính Tổng-Thống Mỹ tới, “ảnh-hưởng” nồng-nàn vui-thỏa phải tăng lên gấp bội.
Cô Trần-mỹ-Linh, 21 tuổi, sinh-viên, gái Hà-nội duyên-dáng mặc áo dài màu vàng tặng hoa chào đón Tổng-Thống. Cô viết trên trang Facebook: “…Tớ nói thật … là tay của Ngài Tổng-Thống ấm, ấm lắm!”
Một thanh-niên Hà-Nội, Phạm-Minh bày-tỏ thiện-cảm đối với vị Tổng-Thống qua bài thơ:
Chúc mừng dân tộc Việt-Nam
Có người bạn tốt đến thăm nước nhà
Một người sống rất chan-hòa
Bình-dân dung-dị như là bạn thân
Tuy xa bỗng hóa nên gần
Một người đáng mến như dân của mình
Ông đến như ánh bình-minh
Mở ra hi-vọng dân mình đợi mong …
Một người tên là Lê-Mẫn cũng có thơ bộc-lộ tâm-tư mình đối với vị “Lãnh-Đạo” mà mình quý-mến.
Tấm lòng ông tựa biển Đông
Như dòng sông mát mênh-mông đất trời
Một nhân-cách lớn trong đời
Chân-tình nồng-ấm, rạng-ngời nhân-văn
Mới gặp như đã quen thân
Những nơi ông đến, người dân đón mừng
Việt-Nam rộn-rã tưng-bừng
Mọi người đều hướng theo từng bước ông.
Điểm đặc-biệt là Tổng-Thống đã vào ăn bún chả Hương-Liên. Thanh-niên Duy-Tuấn cảm-nhận:
Obama ở Hoa-kỳ
Mà sao thấy chẳng khác chi dân mình
Vui-tươi giản-dị nghĩa tình
Ông ăn bún chả bình-bình như ai
Yêu sao cái đức cái tài
Cái tâm nhân-cách ít ai sánh bằng
Chẳng hề sang chảnh kiêu-căng
Nên gặp ai cũng thấy rằng “đáng yêu”.
Chỉ vài ngày viếng thăm mà Tổng-Thống đã để lại “ảnh-hưởng” của mình. Dân Việt đã tiễn ông bằng một bài thơ ngắn.
Một thời bom đạn đã qua
Xưa hai chiến-tuyến giờ là bạn thân
Siêu cường nhưng lại dễ gần
Quyền cao mà rất bình-dân đời thường
Ông sang người đón đầy đường
Ông về dân Việt nhớ thương ông nhiều
Nhớ Ngài Tổng-Thống thân yêu
Nhớ từng lời nói câu Kiều ông ngâm *
Ba ngày ông đến viếng thăm
Mối tình Việt-Mỹ ngàn năm vững-bền.
* Kiều:
Rằng trăm năm cũng là đây;
Của tin gọi một chút này làm ghi. (câu 355-356)
Tổng-Thống Barack Obama:
Please take from me this token of trust,
So we can embark upon our 100-year journey together.
Nhận biết mình là người “lãnh-đạo” khi có người theo gót chân mình. Có người theo gót chân mình là biết ngay mình có “năng lực thu-phục nhân tâm” – nói nôm-na là “được lòng” hay được tin-tưởng.
Kinh-nghiệm “trường đời” của tôi: Có những cuộc gặp mặt trong chốc lát, nghe vài lời đàm-thoại, thấy cách hành-xử hơi lạ, là đã để lại trong ta một dấu “ấn” sâu-đậm “ảnh-hưởng” đến đời ta đôi khi ta chẳng hay.
Nhạc sĩ Việt-Khang làm hai bài hát: Anh Là Ai và Việt-Nam Tôi Đâu đã “ảnh-hưởng” đến biết bao người. Hát thì nhiều, nhưng “theo gót” Việt-Khang được mấy người. Chỉ vì họ nhận định: Một trái tim vàng, một bộ óc thông-thái không thể tồn-tại trong một xã-hội mà lòng tốt và đạo-đức bị coi “rẻ mạt”. Chi cần mánh-mung, bịp-bợm, điêu-ngoa để “thích-ứng” với môi-trường trong “trường đời”.
Thời thiếu-niên, tôi theo một cán-bộ cao-cấp về Hải-phòng để hoạt-động. Nhưng khi đến “Kẻ Sặc” thì người cán-bộ cao-cấp bị phòng nhì Pháp bắt. Tôi về thành tự lập lại cuộc đời. Sau nhiều năm, gặp lại người cán-bộ cao-cấp đó, anh cho biết khi bị bắt, anh bị một người Việt tra-tấn trước sự chứng-kiến của người Pháp. Khi người Pháp vừa ra khỏi phòng, anh ta ghé tai nói nhỏ: Phe ta, đừng sợ. Nghe vậy, tôi có ngay dấu “ấn” trong tâm: trông vậy mà không phải vậy. Tưởng tay sai của Pháp, ai ngờ giữ việc “đánh người, tra-khảo người” là để bảo-vệ “phe ta”.
Tôi rất dè-dặt trong việc đoán-xét người. Tại quê nhà, có những người “luồn thật sâu, núp thật kỹ” theo cách người xưa “mai danh ẩn tích” vẫn là người đầy nghị-lực biết chờ “thời cơ” chớ không phải “nhu-nhược”.
Nhưng khi sống tại Mỹ, với tinh-thần cầu-tiến, với hi-vọng ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay, lòng tha-thứ, óc phục-thiện, trọng-dụng tài-năng với tinh-thần thượng-võ và công-bằng, “ảnh-hưởng” này khiến chúng ta học-hỏi lối sống thực-dụng của một xã-hội sinh-động, tôn-trọng pháp-luật, sòng-phẳng khi đối-xử, thẳng-thắn khi giao-thiệp, nghe phê-bình mà không phật lòng, nghe khen-ngợi mà chẳng hứng chí, cứ “bình chân như vại”, từ từ … tiến.
Vào “trường đời”, chúng ta cần người “lãnh-đạo” hướng-dẫn. Người “lãnh-đạo” chúng ta tự chọn để đáp-ứng nhu-cầu nào đó. Tôi may-mắn chọn được một vài người Mỹ “lãnh-đạo” chỉ-dạy tôi cách nào hòa-nhập vào xã-hội Mỹ. Hơn 30 năm trước, khi được mời giảng-dạy tại nhà thờ Mỹ, tôi thường “mặc cảm” về tiếng Mỹ của mình, phát âm rặc Việt với từ-ngữ theo “sách” chớ không theo “văn-hóa”. Nên khi giảng tôi thường nói: Xin quý vị thông-cảm tiếng Mỹ của tôi không thông-thạo, nên từ-ngữ rất đơn-sơ, thiếu văn-vẻ. Có lần sau khi giảng, vị Mục-sư Hội-Thánh đó nói với tôi:
– Anh không cần nói về sự yếu-kém tiếng Mỹ. Chúng tôi đây chỉ nói được một thứ tiếng, anh nói được hai thứ tiếng là giỏi hơn chúng tôi rồi. Vị Mục-sư này đã “lãnh-đạo” tôi trong lãnh-vực “tự tin” khi nói ngoại ngữ.
Năm 1978 đến năm 1980 tôi được mời tới nhiều Hội-Thánh Mỹ trên 20 tiểu-bang để thuyết-trình về người Việt-Nam tỵ-nạn đang cần bảo-trợ. Đi với tôi là một Mục-sư Mỹ. Chính Mục-sư Mỹ này là người “lãnh-đạo” tôi. Mỗi lần tôi nói về một vấn-đề nào đó chưa được rõ, vị Mục-sư đưa tay hỏi:
– Điều anh vừa nói, tôi hiểu như vầy có đúng không. Và ông cắt nghĩa rất rõ-ràng điều tôi nói. Và tất-nhiên tôi nói điều ông nói rất đúng ý của tôi. Nếu vị Mục-sư này thiếu “lãnh-đạo”, có lẽ đã hỏi tôi:
– Vấn đề này, xin anh nói rõ thêm.
Thì chắc tôi “thua”, làm sao có thể nói rõ thêm theo cách Mỹ được. Tôi luôn tỏ cho vị Mục-sư này biết ông đã “lãnh-đạo” tôi để hoàn-thành công-tác giáo-hội giao-phó.
Tôi theo học môn Lãnh-Đạo để lấy văn-bằng Tiến-sĩ. Môn Lãnh-Đạo của tôi trong lãnh-vực “lãnh-đạo” người Việt trong hai nền “văn-hóa” để giúp người Việt “hội-nhập” vào “văn-hóa” Mỹ mà vẫn giữ được “văn-hóa” Việt từ trong gia-đình đến ngoài xã-hội cách ôn-hòa. Có những điểm hai nền “văn-hóa – phong-tục” trái-ngược nhau, nhưng cũng có một số điều tốt với “văn-hóa – phong-tục” Mỹ mà người Việt mình không có, hay có một số điều tốt với “văn-hóa – phong-tục” Việt mình có mà Mỹ không có.
Nhờ học môn này và môn Tâm-Lý Gia-Đình mà tôi đã viết và ấn-hành 9 cuốn sách về gia-đình để giúp-đỡ người Việt mình sống tại hải-ngoại cách nào cho tốt-đẹp và còn “ảnh-hưởng” đến những người xung-quanh.
9 cuốn sách đó là:
- Xây-Dựng Gia-Đình Hạnh-Phúc
- Nghĩ Cho Nhau và Sống Cho Nhau
- Bảy Điều Căn-Bản Tạo Gia-đình Tươi Vui
- Tình … Già
- Nghệ-Thuật Sống Với
- Hài-Hòa Trong Tình Người
- Sống Thích-Thú
- Đời Ta
- Hôn-Nhân – Tình-Dục – Gia-Đình
Nếu chúng ta được ai đó có ý nhận chúng ta làm “lãnh-đạo”, hãy nhớ vài nguyên-tắc căn-bản về lãnh-đạo:
* Chúng ta không thể thống-nhất sự suy-nghĩ của người khác, nhưng chúng ta có thể thống-nhất người khác qua một mục-đích chung.
Muốn đạt được điều trên, chúng ta phải biết:
* Im-lặng trước khi có thể lắng nghe
* Lắng nghe trước khi có thể học biết
* Học biết trước khi có thể chuẩn-bị
* Chuẩn-bị trước khi có thể thi-hành
* Thi-hành trước khi có thể lãnh-đạo.
Tại Mỹ ngày nay, những vật dụng đầy chất-năng, đa dụng họ thường dùng SMART để chỉ vật-dụng đó. Hiểu theo tiếng Việt là Thông Minh, Khéo-léo. Có người đã dùng SMART trong “lãnh-đạo” như vầy:
Specific – Cụ-thể, dễ hiểu
Measurable – Đo-lường được
Attainable – Có thể đạt được
Relevant – Thực-tế
Time-bound – Thời-gian hoàn tất
Tôi là người Việt-Nam, làm “lãnh-đạo” phải tự nhủ:
Victory – Đắc-thắng
In – Trong
Every – Mỗi
Time – Lúc
Now – Bây giờ
And – Và
More – Hơn nữa
Cơ-đốc nhân chân-chính chúng tôi có đủ 4 người cần-thiết trong “trường đời”. Đặc-biệt chỉ một người mà có đủ cả. Người đó là Chúa Jêsus.
Chúa Jêsus là người Bạn. Ngài phán: “Ta thường ở cùng các người luôn cho đến tận-thế” (Ma-thi-ơ 28:20).
Chúa Jêsus là người Cố-vấn. Ngài phán: “Nghe và làm theo lời ta phán đây” (Ma-thi-ơ 7:24).
Chúa Jêsus là người Khích-lệ. “Hãy vui-vẻ và nức lòng mừng-rỡ, vì phần-thưởng các ngươi ở trên trời là lớn lắm” (Ma-thi-ơ 5:12).
Chúa Jêsus chỉ là người Lãnh-đạo khi Cơ-đốc nhân biết “Tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình” (II Phi-e-rơ 3:16).
Cơ-đốc nhân nào có Chúa Jêsus “lãnh-đạo” thì đạt đến “Chúa thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế-gian này” (I Giăng 4:17).
Phao-lô đã “bắt-chước” Chúa và muốn “lãnh-đạo” nên nói với mọi người: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (I Cô-rinh-tô 11:1).
Tôi đã “bắt chước” Chúa và Phao-lô, và muốn nối-tiếp làm người “lãnh-đạo”.
Chúa Jêsus kêu-gọi mọi người:
“Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta, thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng.” (Ma-thi-ơ 11:28-30).
Ai cần “đến” với Chúa Jêsus, tôi tình-nguyện làm người giúp quý vị toại-nguyện.
Mục sư Phan Thanh Bình
660 S. Third St.
El Cajon, CA 92019
Phone: 619 444-1106
Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.