Mục sư Phan Thanh Bình: Bạn Đời – Người Cố Vấn
NGƯỜI CỐ-VẤN
Đông phương, Đức Khổng-Tử nhận biết: Con người chỉ hơn con vật một chút. Cái “một chút” này nó huyền-nhiệm vô-cùng. Tây phương, Pascal nhận-định: “Con người là cây sậy có tư-tưởng”. “Một chút” của Đông phương là “tư-tưởng” của Tây phương.
Bởi tư-tưởng mà chúng ta có quan-điểm căn-bản: Ước-muốn, động-lực, chủ-tâm, mục-đích, giá-trị, nhu-cầu, khuynh-hướng, bản-năng, năng-động.
Ở “trường lớp” chúng ta không hiểu điều mình học thì “hỏi” thầy. Tiếng Việt mình hay – “học-hỏi” đi liền với nhau. Vào “trường đời”, biết bao điều chúng ta không hiểu, phải biết “hỏi” ai để tìm được lời giải-đáp “đúng”.
Vì nhu-cầu “hiểu-biết” tìm lời giải-đáp nên nảy sanh lắm “thầy đời” và “cố-vấn”.
“Thầy đời” đôi khi mình chưa hỏi đã được “thầy” dạy. Năm 1977 giáo-hội Báp-tít trung-ương muốn hiểu biết về người Việt tỵ-nạn nên họ tổ-chức một buổi hội-thảo để hiểu-biết về người Việt hầu giúp-đỡ đúng cách. Họ mời một số Mục-sư người Việt tới hội-thảo, ăn-ở trong Hotel. Tôi là một trong số hơn 10 Mục-sư được mời.
Tôi vừa bước vào Hotel, gặp ngay một Mục-sư chào đón tôi và giúp tôi ghi tên, lấy phòng. Vị Mục-sư này trông “già” hơn tôi, nên gọi tôi bằng “chú”. Vị Mục-sư thấy tôi có vẻ “ngờ-nghệch” nghĩ tôi vốn liếng tiếng Mỹ chẳng bao nhiêu, nên nhắc-nhở tôi:
– Nếu có điều gì không hiểu thì cứ hỏi tôi, tôi sẵn lòng giúp-đỡ “chú”. Tôi cảm-ơn sự “giúp-đỡ” của vị Mục-sư này.
Trong buổi hội-thảo, tôi là người lên nói sau cùng, được hai lần người dự nhóm vỗ tay và giải-đáp những câu hỏi của người Mỹ.
Sau buổi họp, vị Mục-sư này đến gặp tôi và nói:
– Hôm qua, tôi tưởng “chú” yếu tiếng Anh, ai ngờ tiếng Anh “chú” khá quá, sao “chú” không nói cho tôi biết? Tôi cười trả lời:
– Lâu-lâu có dịp để Mục-sư làm “thầy đời” cho vui. Về sau vị Mục-sư này không còn kêu tôi bằng “chú” nữa vì biết tôi “già” hơn Mục-sư đó 1 tuổi.
Những người ưa làm “thầy đời” luôn tỏ ra mình “rành đời”, cái gì cũng “biết”, thuộc loại “bá-tri bá láp”.
Câu chuyên “đừng đi quá chiếc giày” nhắc các “thầy đời”. Chuyện rằng có một họa sĩ vẽ bức tranh người cỡi ngựa để trước nhà và xin “ông đi qua, bà đi lại” cho ý kiến. Anh thợ giày ngắm bức tranh và thấy họa sĩ vẽ chiếc giày người cỡi ngựa có chỗ không đúng, anh bèn chữa lại. Ngày hôm sau, anh thợ giày đi qua, thấy bức tranh đã được họa-sĩ chữa chỗ anh chỉ ngày qua. Anh hứng chí ghi nhiều chỗ khác cần sửa-chữa. Người họa-sĩ thấy vậy bèn chạy ra nói với anh.
- Đừng đi quá chiếc giày.
Những người ưa làm “thầy đời” chúng ta chẳng nên trách vì họ bị mặc-cảm là người thiếu hiểu-biết, nên có cơ-hội là “nổ” ngay để cho mọi người “biết” mình.
Những người ưa làm “thầy đời” thường chê-trách người khác với chủ-đích để tỏ ra mình “biết” hơn. Chúng ta nên thông cảm vì họ làm không được nhưng chê rất rành.
Có lần tôi nói chuyện với một cụ và có ý cảm phục vị bác-sĩ tài-ba đã về hưu trong vùng. Cụ này cho biết cụ là “bạn học” cùng lớp với vị bác-sĩ này. Nhưng sau có dịp nói chuyện với vị bác-sĩ, tôi mới biết cụ này là “bạn học” với vị bác-sĩ thời xa-xưa ở “trường làng”.
Bước vào “trường đời” rất cần người “cố-vấn” để đi đến thành-công. Thời học sinh, “nghề” của tôi là “kèm trẻ” tại tư-gia, con nhà giàu. Giúp các em hiểu bài mình học, giúp các em làm bài tập. “Nghề” của tôi thăng-tiến là nhờ người bạn “đàn anh” trong nghề “cố-vấn”. Thay vì giúp các em hiểu bài đã học và giúp làm bài tập thì dạy các em trước một bài theo sách giáo-khoa. Nhất là môn toán, lý, hóa. Khi vào lớp, các em hiểu rõ hơn, làm bài tập đúng, được số điểm cao, thế là cuối tháng em lên được vài nấc trong bản danh sách – “tấn-tới” rõ ràng, thầy “giỏi” được thể-hiện. Cha-mẹ “muốn con hay chữ phải yêu quý thầy”. “Yêu” này thể-hiện bằng những món quà ngoài tiền trả công cho “thầy”.
Người Việt mình không làm “thầy đời” thường “dấu nghề”, chẳng muốn làm “cố-vấn” cho ai, nhất là khi hai người cùng làm chung một việc mà tỏ ra mình biết hơn, giỏi hơn người cùng làm là “có chuyện”.
Nhớ những năm đầu, khi làm việc chung với Mục-sư Mỹ. Mục-sư Woodall nói với tôi: Anh phải học theo tôi, và tôi bằng lòng coi ông là người “cố-vấn”. Sau một năm, ông nói với tôi: Bây giờ anh khỏi học theo tôi và tôi phải học theo anh. Tôi nghĩ, chỉ có người Mỹ mới dám nói như vậy.
Một người Việt-nam lớn tuổi được nhận làm việc trong một công-ty khá lớn ở xứ Mỹ. Gần một năm làm việc, người Việt này đã góp ý với ông chủ khi ông giao công-việc làm. Sau nhiều lần góp ý, ông chủ nhận thấy ý-kiến người này đã giúp hãng hoàn-chỉnh những thiếu-sót và phát-đạt. Một thời gian sau đó, người Việt này được ông chủ cho một văn-phòng ngay bên cạnh phòng ông với công việc “cố-vấn” và tăng lương lên gấp 4 lần.
Việc của người cố-vấn là “chỉnh đốn” và “chỉnh lý”.
Trong các ban ngành đúng-đắn đều có ban “cố-vấn”. Tiêu-chuẩn người “cố-vấn” là phải chuyên ngành.
Chỉnh đốn
Trong các buổi họp, nhiều lúc tôi ngồi yên, có người lấy làm lạ vì tôi hay có “ý-kiến” nay lại ngồi yên. Lý-do “biết gì mà nói”.
Những người hỏi ý-kiến mình, phần đông đều muốn mình đồng ý với họ vì ai cũng nghĩ “ý mình là nhất”.
Được người hỏi ý-kiến mình là “tôn-trọng” đưa lên hàng “cố vấn”. Cảm-mến lòng “tôn-trọng” của người nên không thể “phát ngôn bừa-bãi” mà phải đắn-đo như lời Kinh-Thánh dạy: “Khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho người nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29).
Người cố-vấn phải nhận-thức khi “đáng nói” – Là nói đúng lúc, đúng người. Lời nói phải mà không “đúng lúc”, “đúng người” thì khác nào “nước đổ lá môn” hay “đàn gảy tai trâu” – không hữu-dụng, có khi còn tác hại. Kinh-Thánh dạy rằng: “Đừng cho chó những đồ thánh, và đừng quăng hột trai mình trước mặt heo, kẻo nó đạp dưới chân, và quay lại cắn xé các người” (Ma-thi-ơ 7:6).
“Chỉnh-đốn” người thấp hơn mình, kém mình thì dễ, nhưng “chỉnh-đốn” cấp trên mình thì khó, có khi còn nguy-hiểm. Được “cấp trên” hỏi ý thì phải “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “im-lặng là vàng”. Nhớ thời xa-xưa đọc chuyện quan lớn may áo dài để mặc. Người thợ không biết may làm sao để lúc nào quan mặc hai vạt đều bằng nhau. Người “cố vấn” giúp ý người thợ may. Người thợ may thưa với quan:
– Tôi may áo dài cho quan. Có áo quan chỉ mặc khi vào chầu các quan lớn. Có áo quan chỉ mặc khi đi thăm dân. Có áo quan chỉ mặc khi đi đâu một mình.
Cái áo vạt trước ngắn hơn vạc sau một chút để mặc khi vào chầu các quan lớn. Quan khúm-núm nên hai vạt bằng nhau.
Cái áo vạt trước dài hơn vạt sau một chút để mặc khi đi thăm dân, quan ưỡn ngực nên hai vạt bằng nhau.
Cái áo hai vạt bằng nhau để khi quan đi một mình, người ngay thẳng nên hai vạt bằng nhau.
“Cố-vấn” không thể thay đổi con người, nhưng có thể thay-đổi cách hành-xử.
Trên “trường đời” chúng ta cần người “cố-vấn” để “chỉnh-đốn” sự sai lầm của mình.
Thời xa-xưa, chúng ta thường dùng “viết chì” để viết, để phác họa. Cây viết chì có đầu “chì” để viết và có đầu “tẩy” để xóa. “Tẩy” để “chỉnh-đốn”. Các kiến-trúc sư ngày nay vẫn còn dùng bút chì có đầu tẩy.
Trong “trường đời” nếu ta may-mắn thì có người “cố-vấn” giúp ta “tẩy-xóa” những điều sai-lầm. Những người “cố-chấp” khó được may-mắn này.
Trong “trường đời” tôi may-mắn gặp được nhiều người “cố-vấn” trong nhiều lãnh-vực. Người “cố-vấn” không cứ phải là người học cao hơn mình, kinh-nghiệm hơn mình, nhưng chắc-chắn biết điều nào đó hơn mình là mình cần “cố-vấn”. Nhiều người đã làm “cố-vấn” cho tôi cách thầm-lặng. Tôi nhận thấy sự “sai-lầm” của họ trong lãnh-vực nào đó. Chính sự “sai-lầm” đó đã giúp tôi tránh khỏi “sai lầm”. Tôi không tìm sự “sai lầm” của họ để chỉ-trích, chê-bai, nhưng để “học”. Người xưa nhận định: Người chê ta đúng là thầy ta.
Với chức-vụ Mục-sư, giảng-dạy lời Kinh-Thánh, tôi tự đặt mình vào thế “cố-vấn”, “đem lòng rất nhịn-nhục mà bẻ-trách, nài-khuyên, sửa-trị, cứ dạy-dỗ chẳng thôi” (II Ti-mô-thê 4:2). Những vị làm “thầy đời” vô-tư mạnh miệng “bẻ-trách, nài-khuyên, sửa-trị, cứ dạy-dỗ chẳng thôi” không cần “nhịn-nhục”, nhưng người “cố-vấn” phải biết “nhịn-nhục” chấp nhận sự chống đối, xuyên-tạc, khinh-khi, song với lòng thành muốn mọi người sống đúng như lời Kinh-Thánh dạy, nên phải “bẻ-trách, nài-khuyên, sửa-trị, cứ dạy-dỗ chẳng thôi“ để đạt đến cứu cánh.
Người “cố-vấn” sau khi “chỉnh-đốn” phải tiến đến “chỉnh ý”.
Chỉnh ý
Suy-nghĩ, nghiền-ngẫm, quy-tụ nội-dung ý-thức là nẩy sanh tư-tưởng. Con người cũng phân loại tư-tưởng: Tư-tưởng khoáng-đại, tư-tưởng hạn-hẹp; tư-tưởng sáng-sủa, tư-tưởng đen-tối; không đồng ý thì cho tư-tưởng sai, đồng ý thì cho tư-tưởng đúng. Bắt gặp một tư-tưởng mà mình đã biết – tất tư-tưởng cũ; bắt gặp một tư-tưởng mà mình chưa biết – quả tư-tưởng mới.
Giá-trị về tư-tưởng thì khó nhận-định. Phao-lô cho biết tiến-trình giá-trị tư-tưởng như vầy: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư-tưởng như con trẻ; khi tôi đã thành nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ” (I Cô-rinh-tô 13:11).
Con người vẫn có tham-vọng gieo trồng tư-tưởng để mọi người có lối sống như mình. Không dễ chấp-nhận có lối sống của người là có ngay “đấu tranh tư-tưởng”. Giới bạo-quyền thường dùng quyền-lực cải-tạo tư-tưởng. Truyền-thông vẫn là phương-thức cải-tạo tư-tưởng ôn-hòa. Tư-tưởng chớm nẩy, cải-tạo dễ, tư-tưởng đã ăn sâu thì muôn vàn khó-khăn cải-tạo.
Người “cố-vấn” không mong cải-tạo tư-tưởng, nhưng mong “chỉnh ý” tư-tưởng.
Hơn 30 năm về trước, vợ chồng tôi ra phi-trường ở Seattle, WA hơi sớm và gặp vị Linh-mục Việt-Nam ở phi-trường. Vị Linh-Mục thấy vợ tôi mặc áo dài, biết là người Việt, tới làm quen. Khi biết tôi là Mục-sư và vị Linh-mục Anthony Vũ-Hùng-Tôn có nhận được tờ Ánh-Sáng của tôi, vị Linh-mục mời vợ chồng tôi về văn-phòng ở gần phi-trường. Vì hơn một tiếng mới tới giờ bay, chúng tôi ngồi trò-chuyện thoải mái. Vị Linh-mục du-học từ năm 1972 về môn tâm-lý học. Vị Linh-mục hỏi thăm về việc học của tôi. Tôi cho vị Linh-mục biết tôi có học bổng du-học ở Úc năm 1967, nhưng vì chiến-tranh xảy ra nên không dám bỏ vợ con để đi du học. Qua đây tính đi học lại, nhưng thấy không cần, vì sách vở bên này quá đầy-đủ nên tính tự học. Vị Linh-mục cho tôi biết tự học rất tốt, nhưng không ai biết mình “tự học” đến đâu. Bằng-cấp mới chứng-minh trình-độ học của mình. Linh-mục khuyên tôi nên trở lại trường để lấy bằng cấp. Linh-mục nói với vợ tôi: Bà chị thúc ông anh đi học lại nhé. Vợ tôi nghe lời Linh-mục và tôi nghe lời vợ vào trường năm 1988. Thành quả tôi đạt được ngày nay, một phần nhờ lời “cố-vấn” “chỉnh ý” tư-tưởng tôi của vị Linh-mục này.
Người “cố-vấn” “chỉnh-ý” tư-tưởng của tôi ở xứ này là “sách”. Nhưng nhớ chọn “sách” nào giải-bày điều mình đang suy-nghĩ để được “cố-vấn”.
Chọn sách, chúng ta chú-ý đến tựa-đề cuốn sách, tên tác-giả, phía sau cuốn sách thường có vài lời về tác-giả. Xem qua mục-lục để hiểu khái-lược về cuốn sách. Nhiều sách có lời đề tựa (preface) giới thiệu tác-giả và tác-phẩm do người có chút danh tiếng để bảo-đảm chất-lượng cuốn sách.
Chọn một cuốn sách để đọc, để học, không cần đọc hết cuốn sách, mà chọn đọc những tiêu-đề cần-thiết cho sự hiểu-biết hay cần-thiết để đáp-ứng một nhu-cầu nào đó. Nhu-cầu có khi là giải-quyết một khó-khăn mà mình đang suy-tưởng hay đối-diện. Đọc để học là (stretch the mind) để tìm giải-pháp thích-ứng. Tôi đọc sách tiếng Anh rất mau vì trình-độ tiếng Anh của tôi đủ cho tôi hiểu ý chứ chưa đủ để thưởng-thức văn-chương.
Đây là 7 điều khi chúng ta đọc sách với chủ-đích “cố-vấn”.
Chấp-nhận “sách” nào “cố-vấn” cho mình phải đủ điều kiện:
– Chúng ta nhận-thức (awareness) tài-liệu dẫn chứng trong sách khả-dĩ tin được.
– Tài-liệu được công-nhận (recognition) chớ không thể mơ-hồ.
– Tài-liệu được kể lại (recitation) là cái khả-năng chúng ta có thể tường-thuật một sự-kiện được lưu giữ.
– Tài-liệu lãnh-hội được (comprehension) chớ không thể xem qua rồi bỏ.
– Tài-liệu dùng được (use) là áp-dụng vào cuộc sống.
– Tài-liệu biết tổng-hợp (generalization) là nắm được nguyên-lý căn-bản.
– Tài-liệu làm chủ được vấn-đề (internalization) là kết-hợp được ý-nghĩ và thái-độ.
Qua 7 bước này chúng ta nắm chắc “chỉnh ý” điều “sách” “cố-vấn”.
Ý-tưởng con người tùy theo sự tăng-trưởng.
Mong rằng trên “trường đời” chúng ta tìm được người “cố-vấn” cho mình, bằng không, hãy tìm “sách” làm “cố-vấn”.
Đối với tôi, những Cơ-đốc nhân chân-chính có cuốn Kinh-Thánh. Đây là cuốn sách “cố-vấn” quá kỳ-diệu đối với tôi.
Bất-cứ “vấn-đề” gì nan-giải, chúng tôi đều tìm ra cách giải-quyết thỏa-đáng theo Kinh-Thánh “cố-vấn”.
Bất-cứ “vấn-đề” gì khó hiểu cũng được Kinh-Thánh “chỉnh ý” khi chúng tôi “suy-gẫm ngày và đêm” (Giô-suê 1:8).
Bất cứ “vấn-đề” gì đưa chúng tôi vào thế “lưỡng-lự” chẳng biết phải quyết-định thế nào. Chính Kinh-Thánh là “ngọn đèn cho chân tôi, ánh-sáng cho đường lối tôi” (Thi-Thiên 119:105) để chúng tôi mạnh bước.
Được “cố-vấn” rồi thi quyết-định và chấp-nhận là do TA.
BÉN THEO BƯỚC CHÚA
“Chân tôi bén theo bước Chúa, tôi giữ đi theo đường Ngài chẳng hề sai-lạc.” (Gióp 23:11)
Theo bước Chúa, bén theo bước Chúa
Nghĩa là tôi để cho Chúa dẫn đầu
Bước đường nào, dầu Chúa dẫn đi đâu
Tôi theo bén, tôi không hề xa rời Chúa.
Xa rời Chúa, lạc đường là “cái chắc”
Đừng than-phiền là Chúa bỏ bơ-vơ
Đừng than-phiền là trách Chúa làm ngơ
Để mình lạc, mình rơi vào … hư-mất!
Nên, tốt nhất là tôi đi trước Chúa
Chúa theo sau, Chúa bén gót theo sau
Tôi đi đâu, tôi muốn đến chỗ nào
Chúa theo bén, nếu không thì … Chúa lạc
***
Chuyện ngược đời, tôi vẫn từng làm vậy
Biết tôi lầm, xin Chúa rủ lòng thương
Tôi nguyện luôn theo bước Chúa mọi đàng
Cho tới đích linh-trình, không sai-lệch
Tường-Lưu
Mục sư Phan Thanh Bình
660 S. Third St.
El Cajon, CA 92019
Phone: 619 444-1106
Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org