Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Niềm Tin và Cuộc Sống » Mục sư Phan Thanh Bình: Dòng Đời – Khốn Khổ

Mục sư Phan Thanh Bình: Dòng Đời – Khốn Khổ

KHỐN KHỔ

Đức Phật nói một câu rất ngắn mà đầy ý nghĩa: “Đời là biển khổ” và “nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Nhưng tại sao con người là một sinh vật trội hơn hết trong mọi sinh vật lại phải chịu khổ thì triết-lý, tâm-lý giải-thích hơi nhiều, còn nguyên-nhân khổ thì khó kiểm-chứng. Bác-sĩ chuyên khoa tâm thần Lê-Phượng-Thúy đã “khổ” như vầy:

Tôi cố sống cho qua ngày khổ-cực
Quên cuộc đời, quên tuổi trẻ, tình yêu
Tôi cố sống như một người đã chết
Vẫn lao-đao, vẫn khóc sớm, buồn chiều.

Kinh-Thánh cho chúng ta biết sau khi tổ-phụ loài người là A-đam và Ê-va phạm tội, bị Đức Chúa Trời làm cho đời sống con người phải “khổ”.

“Ngài phán cùng người nữ (Ê-va) rằng: Ta sẽ thêm điều cực-khổ bội phần trong cơn thai-nghén; ngươi sẽ chịu đau-đớn mỗi khi sanh con; sự dục-vọng ngươi phải xu-hướng về chồng, và chồng sẽ cai-trị ngươi. Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa-sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó-nhọc mới có mà ăn. Đất sẽ sanh chông-gai và cây tật-lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ-hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi sẽ trở về bụi” (Sáng-Thế ký 3:16-19). Con người “khổ” về sinh sống không bao nhiêu, nhưng “khổ” vì tội-lỗi làm con người “đầy-dẫy mọi sự không công-chính, độc-ác, tham-lam, hung-dữ; chan-chứa những điều ghen-ghét, giết người, cãi-lẫy, dối-trá, giận-dữ; hay mách, dèm-chê, chẳng tin-kính, xấc-xược, kiêu-ngạo, khoe-khoang, khôn-khéo về sự làm dữ, không vâng-lời cha-mẹ; dại-dột, trái lời giao-ước, không có tình-nghĩa tự-nhiên, không có lòng thương-xót.” (Rô-ma 1:29-31). Bởi những điều “đầy-dẫy” này mà gây “khổ“ cho mình và cả cho người.

Tiếng Việt mình hay thêm chữ “khốn” vào chữ “khổ”. “Khốn” là tình-trạng khó-khăn nguy-hiểm – “nguy-khốn”. Khốn-khổ là khổ quá nhiều.

Những người thành-công trong cuộc đời là những người chấp-nhận “khốn-khổ”. Chính cái “khốn-khổ” phát sinh năng-lực do ý-chí chủ động, và giúp con người “sáng-tạo”.

Thời chúng tôi, mấy ai quên được cuốn tiểu-thuyết Những Người Khốn-KhổLes Misérables của văn-hào Pháp Victor Hugo. Nhờ “khốn-khổ” mà nhiều người đã thành công, thành danh.

Người Việt chúng ta, hầu như ai cũng biết Đoạn Trường Tân Thanh là cuốn chuyện bằng thơ của Nguyễn-Du. Đoạn Trường Tân Thanh – Tiếng Kêu Đứt Ruột Mới. Đáng lý chỉ có Đoạn Trường Thanh – Tiếng Kêu Đứt Ruột. Thêm chữ Tân vì Nguyễn-Du viết truyện dựa vào tác phẩm cổ “Kim Vân Kiều” của đời Minh Trung-Hoa. Chúng ta thường gọi vắn-tắt là chuyện Kiều. Nàng Kiều, một nhân vật đầy khốn-khổ trong cuộc đời.

Trong lãnh-vực Yêu-Đương đầy thích-thú thế mà “Yêu là Khổ”. Nhà thơ Việt Chí Nhân đã làm bài thơ YÊU như vầy:

Chỉ những người mình yêu
Làm khổ được mình nhiều
Mà mình vui lòng chịu
Mới thật là trớ-trêu!

Yêu là máu mình chảy
Bằng tim của người yêu!
Yêu là phổi mình thở
Bằng hơi của người yêu!
Yêu là xác mình sống
Bằng hồn của người yêu!
Ôi, yêu là cả mọi điều
Của mình là của người yêu mất rồi!

Lỡ người mình yêu đau
Thì chính mình rên la!
Lỡ người mình yêu khóc
Thì chính lệ mình sa!

Lỡ người yêu mình chết
Thì chính mình đời mình hết!
Chính mình đang bị người ta
Bỏ vào hòm để đưa ra ngoài đồng!

Ôi, yêu khổ bao nhiêu
Lại càng yêu bấy nhiêu!
Khổ thế nào thì khổ
Không khổ bằng không yêu!  

Trên đường tranh-đấu đầy khốn-khổ, nhà cách-mạng Phan-Bội-Châu đã dùng 2 câu thơ

Ví thử đường đời bằng phẳng cả,
Anh-hùng hào-kiệt có hơn ai.

để động viên bản thân và các đồng-chí cùng lý-tưởng. Chính những gian-lao, vất-vả, khốn-khổ mới là những thử-thách, đồng thời là môi-trường rèn-luyện nên những nhân tài, những bậc anh-hùng hào-kiệt. Hầu hết người thành-công trên đời, tài-năng bẩm sinh chỉ là 10%, còn 90% là khốn-khổ. Edison đồng thanh: Edison talked about his success as 10% inspiration and 90% perspiration.

Ca-dao cho ta kinh-nghiệm:

Cuộc đời khốn-khổ nuôi ta lớn
Bạn-bè khốn-nạn dạy ta khôn.

Những năm tháng tù-đày đầy “khốn-khổ” trong mỹ-danh “trại cải-tạo” đã tạo nên nhà văn Hà-Thúc-Sinh tốt-nghiệp “Đại Học Máu”.

Người Việt mình, một số chịu ảnh-hưởng huyền-thoại “thánh Gióng” – Truyện rằng: Vào đời vua Hùng-Vương thứ sáu, vua nhà Ân Trung-Hoa chuẩn-bị điều binh xuống xâm-lược. Vua sai mõ rao tìm nhân-tài cứu nước. Mõ rao ở làng Gióng:

Loa, loa, loa, loa
Ớ làng, ớ xã
Tài giỏi ai người?
Hãy ra giúp nước
Nhà vua trọng dụng
Làm tướng cầm quân
Đánh Bắc dẹp Đông
Rồi về lĩnh thưởng
Ớ làng, ớ xã
Loa, loa, loa, loa.

Ở làng Gióng, có bà mẹ vừa đưa nôi, vừa nghe thanh-la và tiếng rao đọc thì bổng mỉm cười và nói với con:

– Này con, có nghe thấy không? Sứ giả của nhà vua đang đi tuyển-mộ nhân tài để làm tướng cầm quân đấy! Giá con lớn nhanh mà đi đánh giặc rồi về lãnh thưởng cho cha mẹ được nhờ.

Nào ngờ, bà vừa nói xong, đứa con nhỏ thưa:

– Thưa mẹ, mẹ hãy ra mời ngay sứ giả vào đây cho con. Bà mẹ nghe lời con ra mời sứ-giả vào. Sứ-giả vào, thấy chú bé liền nói:

– Chú còn bé thế kia, làm sao có thể làm tướng cầm quân đánh giặc được mà cũng cho gọi ta vào? Chú bé đáp:

– Xin ông đừng lo. Chỉ vào ngày tới, nếu ông trở lại sẽ thấy tôi không còn bé nữa. Bây giờ thì ông hãy trở về kinh-đô, tâu với nhà vua: Đúc cho tôi một con ngựa sắt, một thanh kiếm sắt và cái khiên sắt. Rồi sai người đem đến tôi. Lúc ấy việc cầm quân do tôi đảm nhiệm. Ông cũng tâu thêm để nhà vua yên tâm, giặc Ân nhất định sẽ tan.

Nhà vua làm theo lời cậu bé. Sau khi đúc xong ngựa, kiếm, khiên, chất trên một chiếc xe và một đoàn binh mã của triều đình đưa xe chở đồ vật tới làng Gióng.

Chú bé vừa thấy xe tới thì vươn vai một cái là thành người lớn, cầm gươm và khiên, nhảy lên ngựa. Ngựa lồng lên chạy, thế là cậu bé đánh giết giặc Ân, xong rồi, cả ngựa và người bay lên trời. Nhà vua nghe tin, chẳng biết làm gì để báo ơn, bèn phong là Thánh Gióng để toàn dân ghi nhớ.

Chuyện Thánh Gióng làm nhiều người Việt mơ thành-công mà chẳng “khốn-khổ” chi.

Ở nước Việt ngày nay, nhiều người thành danh, thành công cũng chẳng “khốn-khổ” chi, chỉ cần ba yếu tố: Nhất thế, nhì thân, ba phong-bì là đạt.

Giáo-lý Nhà Phật giúp người ta luôn nghĩ đến “khốn”khổ” và tìm cách “thoát khổ”. Giáo-lý Nhà Phật đưa ra “bát chánh đạo” để con người bớt khổ:

  1. Chánh-kiến (nhận định đúng)
  2. Chánh tư-duy (suy-nghĩ đúng)
  3. Chánh ngữ (lời nói đúng)
  4. Chánh nghiệp (làm đúng)
  5. Chánh mệnh (sống đúng)
  6. Chánh tinh-tấn (cố-gắng đúng)
  7. Chánh niệm (ý-niệm đúng)
  8. Chánh định (thiền định đúng)

 Chỉ tiếc một điều, không có kinh-sách nào nói đến tiêu-chuẩn “đúng”, nên biết sao là “đúng” để bớt “khốn-khổ”.

Giáo-lý nhà Phật cũng đưa ra “bát khổ” – Tám điều “khốn-khổ” trong đời sống con người.

  1. Sanh khổ – Mẹ khổ vì mang thai, đau-đớn khi sanh đẻ. Con khổ vì biết lọt lòng mẹ là rơi ngay vào “bể khổ”. Có lẽ Ôn-Như-Hầu có cùng một nhận-định nên để lại cho đời hai câu thơ:

Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.

 Hay Nguyễn-Công-Trứ:

Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì

Có người nghe tiếng trẻ sơ-sinh khóc cũng liên-tưởng đển “khổ”, nên cho tiếng khóc phát âm là “khổ a, khổ a”. Như vậy tiếng khóc đầu đời của trẻ sơ-sinh trên toàn thế-giới đều khóc bằng “tiếng Việt”.

  1. Lão khổ (khổ khi già)

Càng già càng khổ vì thể-xác hư-hao, tinh-thần suy-sút. Việc gì cũng phải nhờ người khác giúp-đỡ, nên người đời mới có câu: “Đa thọ, đa nhục”. Lạ một điều con người luôn có ba điều mong-ước đó là: Phúc, Lộc, Thọ. Phúc-lộc khó minh-định, nhưng “thọ” thì “trăm tuổi”.

  1. Bệnh khổ (khổ vì bệnh)

Bệnh nặng hay nhẹ đều khổ cả. Bệnh là quy-trình của đời người: Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Bệnh-tử là thường tình ở bất cứ tuổi nào, chỉ có tử-nạn và tự-tử là bất thường. Bệnh là khổ cho mình và cả cho người thân trong gia-đình – Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ là vậy.

  1. Tử khổ (chết là khổ)

Mọi sinh vật “chết” là “hết”, nhưng con người “chết” không “hết” mà nhận thức “qua đời”. “Đời” sắp “qua” chắc-chắn là “khổ” là một sự nhận-thức từ tâm-linh.

Thân nhân người qua đời cảm nhận người thân yêu mình “khốn-khổ” nên lo mời các vị “tu-sĩ, chức-sắc” trong tôn-giáo tới “cầu kinh”, “cầu siêu” với hi-vọng người thân yêu bớt khổ và hi-vọng “phiêu-diêu miền cực lạc” hay “sớm về Nước Chúa”, nhưng có gì bảo-đảm.

Cơ-đốc nhân qua đời không “khổ” mà còn phước như lời Kinh-Thánh xác-định: “Từ rày, phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh-Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ-ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm của mình theo sau” (Khải-huyền 14:13).

  1. Ái biệt ly khổ (yêu nhau mà không được bên nhau là khổ).

Trong cái khổ thứ năm này được chia ra làm hai phần:

Sanh ly khổ – Người thân yêu chia cách là khổ. Yêu nhau mà không lấy được nhau là khổ. Lấy được nhau mà không ở được với nhau là khổ.

Tử biệt khổ – Người yêu nhắm mắt ra đi, người đi kẻ ở đều khổ.

  1. Cầu bất đắc khổ (khổ vì thất-vọng, thất-bại)

“Cầu” là hi-vọng. Khi ta hi-vọng càng cao, càng nhiều thì thất-vọng càng lắm. Nhưng trong tất cả cái “thất” có lẽ “thất tình” là “khổ” nhất.

  1. Oán tắng hội khổ (ghét nhau mà vẫn phải ở bên nhau thì khổ là cái chắc).

Người đời nói lên cái “khổ” này như vầy: Thấy mặt kẻ thù như kim đâm vào mắt; ở chung với người nghịch, như nếm mật (đắng), nằm gai.

  1. Ngũ ấm xí thạnh khổ (khổ về thân-thể)

Theo Phật giáo, con người hiện-diện do “ngũ-uẩn” hội tụ, hay “ngũ ấm” che đậy, gồm có: “Sắc ấm” là vật-chất (material), “thọ ấm” là cảm-giác (sensation), “tưởng ấm” là nhận-thức (perception), “hành ấm” là sự cấu-tạo tâm-thần (mental formation), “thực ấm” là lương-tâm (conscience). “Ngũ ấm” hành-động nhờ vào thân-xác sống, nếu thân-xác chết, “ngũ ấm” không hiện thành được nữa và trở về chủng tử, như một hạt giống (seed) chờ-đợi cơ-duyên tụ-hợp luân-hồi.

Đức Phật đã đưa ra phương-cách giải-thoát khổ bằng Tứ Thánh Đế: Khổ, tập, diệt và đạo.

“Khổ” – Đời người là khổ. Nguồn-gốc khổ là “tập” gồm có “nhị thập nhân duyên” đang trói buộc con người vào “khổ”. “Diệt” khổ là cởi nút ngược “nhị thập nhân duyên” và theo “đạo” gồm có “bát chánh đạo”.

Thập nhị nhân duyên là:

  1. Vô-minh – Mê-muội. Cái chân, cái thật bị che-lấp thành “vô-minh”. Bởi “vô-minh” mà phát sinh ra 11 thứ tiếp theo.
  2. Hành – làm. Hành-động trong “vô-minh” thì lầm-lẫn, gây nên “khổ” cho mình và cho người.
  3. Thức – biết. Biết sai vẫn làm, biết xấu mà vẫn giữ là khổ.
  4. Danh sắc – tên và hình mọi vật. “Danh” là tâm thức, “sắc” là hình-hài luân-chuyển qua các kiếp.
  5. Lục nhập – sáu giác quan tiếp-xúc là tai, mắt, lưỡi, mũi, thân và ý. Mọi thứ ở đời do sáu cửa ngỏ này xâm-nhập vào con người.
  6. Xúc – tiếp-xúc với đời. Giao-tiếp, đối-đãi với nhau. Người Việt ta sống “chung-đụng”. “Chung” thì không sao, nhưng lâu ngày là “đụng” – khổ vậy.
  7. Thụ – chịu ảnh-hưởng ngoại vật, nẩy sanh thương-ghét, vui-buồn, giận-hờn, đam-mê là “khổ”.
  8. Ái – yêu cái mình thích, ghét cái không ưa. Cái thích quá ít, cái không ưa lại quá nhiều nên “khổ”.
  9. Thủ – nắm giữ. Giành giữ lấy, một loại quơ vào với “lòng tham vô đáy” nên “khổ” cho đến khi biết đủ mới bớt khổ.
  10. Hữu – có. “Hữu” là thành-hình của “ái” với “thủ”. Công-lao quá nhiều mới “có”, thế mà luôn sợ mất nên “khổ”.
  11. Sinh – sanh mạng lúc nào cũng như “chỉ mành treo chuông”. Dễ dầu gì “thọ” nên “khổ”.
  12. Lão tử – già chết là khổ. Nhiều người chưa già đã chết.

Con người không làm sao thoát khỏi 12 “nhân duyên” tiền-định nên “khổ” thôi.

Theo tâm-lý học, con người lúc nào cũng chỉ nghĩ đến khổ là “khổ não”. “Khổ não” là cả cuộc đời chỉ thấy “khốn-khổ”.

Chấp nhận “khổn-khổ” để thăng-tiến nên không thể “khổ não”. “Khổ não” là Chán Sự Sống như bài thơ của thi-sĩ Tường-Lưu.

Chán sự sống là khi ta tuyệt-vọng
Mây đen trời, mây phủ khắp bốn  phương
Không còn đường giải-thoát, không lối thông
Sự sống đã … mất hoàn-toàn ý-nghĩa.

Chán sự sống … là khi ta phạm tội
Pháp-luật đời không buông xuống nhẹ tay
Chẳng còn gì … ngoài một nỗi đắng-cay
Sự sống đã … mất hoàn-toàn ý-nghĩa.

Chán sự sống … là khi ta sợ-hãi
Tin vu-vơ cũng bấn-loạn, hoang-mang
Cả đêm trong lo-lắng bất-an
Sự sống đã mất hoàn-toàn ý-nghĩa.

Chán sự sống … là khi ta cô-độc
Tuổi về chiều, bệnh-hoạn, ngày tiếp ngày
Không người thân, không bạn-hữu, không ai
Sự sống mất hoàn-toàn ý-nghĩa.

Đừng nghĩ nhiều về “khốn-khổ”. Đừng tìm cách thoát “khốn-khổ”. Hãy chấp-nhận và tìm cách vượt thắng. Biết-bao người thành-công đã ghi-ơn “khốn-khổ”.

Đời sống Cơ-đốc nhân chân-chính luôn chấp-nhận “khốn-khổ” trên bước đường theo Chúa, phục-vụ Chúa và đồng loại. Phao-lô rất hãnh-diện về cuộc đời “khốn-khổ” của mình. Gần cuối đời, nhìn lại: “Cho đến bây-giờ, chúng tôi vẫn chịu đói-khát, trần mình, bị người ta vả trên mặt, lưu-lạc rày đây mai đó. Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó-nhọc; khi bị rủa-sả, chúng tôi chúc-phước, khi bị bắt-bớ, chúng tôi nhịn-nhục; khi bị vu-oan, chúng tôi khuyên-dỗ; chúng tôi giống như rác-rến của thế-gian, cặn-bã của loài người, cho đến ngày nay” (I Cô-rinh-tô 4:10-13).

“Tôi đã chịu khó-nhọc nhiều hơn, tù-rạc nhiều hơn, đòn-vọt quá chừng. Đôi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giu-đa đánh đòn, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm-cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong đồng-vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả-dối; chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa-lồ” (II Cô-rinh-tô 11:23-27).

Phao-lô vui chịu “khốn-khổ” mà còn kêu gọi những người muốn làm-việc Chúa: “Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus-Christ” (II Ti-mô-thê 2:3).

Cơ-đốc nhân chân-chính không tìm phương “thoát khổ”, như vui chịu “khốn-khổ”.

Mục sư Phan Thanh Bình
660 S. Third St. 
El Cajon, CA 92019
Phone: 619 444-1106

Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org

 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top