Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Giảng Luận » Mục sư Phan Thanh Bình: Giếng Gia-cốp

Mục sư Phan Thanh Bình: Giếng Gia-cốp

GIẾNG GIA-CỐP

Đức Chúa Jêsus cùng các môn-đồ Ngài lìa xứ Giu-đê đi vào xứ Sa-ma-ri để đi lên xứ Ga-li-lê.

Dân Sa-ma-ri quy tụ ở một phần xứ Sa-ma-ri mà thôi. Các nơi khác trong xứ Sa-ma-ri là dân tứ xứ. Thành Si-kha ở gần cổ thành Si-chem. Tại nơi đây có một cái giếng là “giếng Gia-cốp”.

Trong thời Chúa Jêsus, “giếng Gia-cốp” là di-tích tổ-tiên dân Y-sơ-ra-ên. Trong cuộc đời du-mục, “Gia-cốp ở xứ Pha-đan-A-ram đến thành Si-chem thuộc về xứ Ca-na-an, được bình-an. Người đóng trại trước thành, bèn mua miếng đất chỗ người đương đóng trại, giá một trăm miếng bạc của con Hê-mô, cha Si-chem” (Sáng-thế ký 33:18-19). Tại đây Gia-cốp đào một cái giếng sâu chừng 100 bộ. Giếng nước thật tốt. Trải qua bao thế-kỷ, “giếng Gia-cốp” trở nên chỗ dừng chân nghỉ-ngơi cho khách lữ-hành. Trong số đông-đảo lữ-hành nghỉ-ngơi nơi giếng, Chúa Jêsus là một. “Nhơn đi đàng mỏi-mệt, Chúa Jêsus ngồi gần bên giếng”nghỉ.

Sự nghỉ-ngơi rất cần-thiết cho thân-xác mệt-nhọc, để làm tan các độc tố trong máu do lao tâm, lao lực gây ra.

Tại các nước văn-minh, luật lao-động quy-định mức lao-động của con người 8 giờ là đủ mệt-mỏi, cần nghỉ-ngơi. Nếu vì công-việc khẩn-cấp, người công-nhân phải làm quá giờ ấn-định, người công-nhân được lãnh tiền phụ-trội tương-xứng với sự quá mệt-nhọc của thân-xác. Chứ bắt con người coi “lao-động là vinh-quang” rồi hùng-hục “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm thứ bảy, làm hết thảy chủ-nhật” thì quả con người đang thi-đua bước vào đường hầm hun-hút mà không thấy một tia sáng mờ nào ở cuối đường hầm.

Cách nghỉ thông-thường là ngủ – ngủ-nghỉ mà. Nếu không quá mệt-nhọc, một đêm ngủ ngon giấc, sức-khỏe phục-hồi. Sáng dậy tươi-tỉnh, sẵn-sàng bắt tay vào một ngày làm việc. Nhưng nhiều lúc, “đêm năm canh trằn-trọc” chỉ vì tâm-hồn bất-an, rễ đắng mọc nơi tim, lo-âu chong đôi mắt. Sự mệt-nhọc này còn hơn những giờ-phút lao tâm lao lực.

Một cách nghỉ khác cũng rất hữu hiệu, giảm bớt sự mệt-nhọc thân-xác, tăng thêm được chút sinh-lực. Ðó là cách tìm một bóng mát cho tâm hồn để người mệt-mỏi dừng chân trong giây lát, lấy sức hầu tiếp-tục phấn-đấu hăng say. Lối nghỉ này không tốn thì-giờ nhưng phải tập-luyện. Làm sao giữ được tịnh tâm, tĩnh trí trong khoảnh-khắc thưởng-thức một tia nắng vờn qua cửa sổ, ngắm một bông hoa đẹp bày ra trước mắt, nghe một cung đàn thoáng hiện bên tai, cảm nhẹ một làn gió lướt qua. Nhiều khi chỉ cần một sự trống-rỗng cố-ý của tâm-hồn, dù ngắn-ngủi cũng đủ gây một trạng-thái thoải-mái làm cho tâm-hồn nhẹ-nhàng lâng-lâng.

Ðại tướng Napoléon, giữa trận chiến bom rơi đạn nổ. Tâm thần mệt-mỏi, vị anh-hùng bách chiến bách thắng ngồi xuống, với cặp mắt mơ-màng xa-xăm, từ-từ rút ra trong túi áo bức ảnh Josephine muôn vàn mến-yêu ngắm-nghía một vài phút. Cơn mệt-mỏi như có cánh bằng bay bổng, người anh hùng lại đứng dậy điều binh khiển tướng đâu ra đấy.

Một cách nghỉ khác nữa là dùng ngoại cảnh để giúp cho tâm-hồn thoải-mái. Buông trôi thể-xác qua hình-ảnh, giọng hát, tiếng cười, để quên hẳn những công-thức, những khuôn-rập của cuộc sống hàng ngày. Có khi đành phải “đem ngàn vàng mua lấy miệng cười”.

Còn một cách nghỉ tuyệt-diệu nữa mà chỉ cần vận-dụng niềm tin đến lời kêu gọi của Chúa Jêsus: “Hỡi những người mệt-mỏi và gánh-nặng hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:23). Ðây là phương-pháp tạo sự thỏa-mãn cho tâm-hồn để gây năng-lực cho thân-xác.

Phải – Quí vị đến cùng Chúa Jêsus, tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình để được chính Ðức Chúa Trời tuyên-bố tha-thứ mọi tội-lỗi. Người tin liền có sự bình-an, yên-tịnh trong tâm-hồn. Chẳng những thế thôi, người tin-nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình còn cảm được sự vui-mừng tràn-ngập, cất tiếng ca-ngợi như vua Ða-vít: “Phước thay cho người nào được tha-thứ sự vi-phạm mình, được khỏa-lấp tội-lỗi mình! Phước thay cho người nào Ðức Giê-hô-va không kể gian-ác cho” (Thi-thiên 32:1-2).

Trong sáu ngày, người Cơ-đốc làm việc lo cho phần xác. Còn một ngày, Ngày Chúa-Nhựt người Cơ-đốc nghỉ công-việc mình, cùng gia-đình tới nhà thờ hiệp chung với con-cái Chúa thờ-phượng Chúa. Con cái Chúa tôn-vinh Chúa bằng Thánh Ca; cảm-tạ Chúa và cầu-xin bằng lời cầu-nguyện; nghe Lời Chúa qua lời Kinh-Thánh và sự giãi-bày Lời Chúa của Mục-sư. Lời Chúa là linh-lương cho tâm-hồn, là suối mát cho những tấm lòng khô cháy, là dầu êm-dịu rịt những tấm lòng tan-vỡ, là gươm thiêng hai lưỡi loại bỏ những ô-uế trong cuộc sống. Con cái Chúa sẽ có từng-trải của thi-nhân Ða-vít: “Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống. Trước mặt Chúa có trọn sự khoái-lạc, tại bên hữu Chúa có điều vui-sướng vô-cùng” (Thi-thiên 16:11). Vì “Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc-nhằn, thêm lực-lượng cho kẻ chẳng có sức” (Ê-sai 40:29).

Chúa Jêsus mệt, Ngài ngồi bên “giếng Gia-cốp” nghỉ. Chúa Jêsus và nhà thờ là nơi chúng ta nghỉ mệt để được thêm sức.

Mục sư Phan Thanh Bình
Cuộc Đời Đức Chúa Jesus – Quyển 3

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top