Mục sư Phan Thanh Bình: Hư Mất
Hư Mất
Đức Chúa Jêsus phán rằng: “Vì Ðức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài (Chúa Jêsus), hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời-đời” (Giăng 3:16).
“Hư-mất” (perish) là địa-vị, bản-thể và tình-trạng của cả nhân-loại sau khi tổ-phụ loài người là A-đam và Ê-va phạm tội. Lời Ðức Chúa Trời phán dặn A-đam và Ê-va không được ăn một thứ trái cây trong vườn Ê-đen như vầy: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết” (Sáng-thế ký 2:16-17). Nhưng A-đam và Ê-va nghe theo lời cám-dỗ của ma-quỉ ăn trái cây Ðức Chúa Trời cấm. Hai ông bà ăn xong thì không “chết” về thể-xác, nhưng “chết” ngay về tâm-linh. Dấu-hiệu “chết” về tâm-linh là thân-thể họ mất ngay sự vinh-hiển của Ðức Chúa Trời và nhận ra mình “lõa-lồ”. Mối tương-giao mật-thiết giữa A-đam, Ê-va với Ðức Chúa Trời bị cắt đứt. Kinh-Thánh ghi lại sự-kiện này như vầy: “Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Ðức Chúa Trời” (Sáng-thế ký 3:7-8).
Tình-trạng “hư-mất” của con người là một trong những sự hiểu-biết của con người cách nguyên-tri – tự-khắc biết. Chúng ta là người, nhưng là người “hư-mất”. Cái cảm-nghĩ về con người “hư-mất” của chúng ta giống như cái cảm-nghĩ khi chúng ta ăn phải một trái cam úng – quả cam bị hư. Nơi lưỡi ta còn lắng một chút ngọt của cam, nhưng không phải là chất ngọt tinh-ròng của cam. Mùi thơm của cam vẫn còn đó, nhưng phản-phất mùi thum-thủm không phải của cam. Dẫu người sành ăn đến đâu cũng không tìm được cái vị chính-xác của trái cam nguyên-vẹn qua một cái cam bị hư. Ta chỉ có thể kết-luận: Ðây là vị của cam, nhưng là vị của trái cam hư, thực vị của cam không phải như vậy. Chúng ta là người, nhưng không phải là người trọn-vẹn tinh-ròng, song là loài người hư-hỏng – “hư-mất”.
Không một ai trong chúng ta phủ-nhận địa-vị, danh-phận “người” của mình. Nhưng là loại người “nhân vô thập toàn”. Chúng ta có thể tìm được trái cam nguyên-vẹn tốt tươi để biết chắc hương-vị tinh-ròng của cam. Nhưng chúng ta không thể tìm ra một người trọn-vẹn để làm chuẩn, hầu cảm nhận cái bất toàn trong con người chúng ta. Thế mà chúng ta vẫn cảm-nhận chưa đúng chuẩn người mà chúng ta mong-ước. Thế là mỗi chúng ta lo “học làm người”. Học làm gì cũng có học-trình, nhưng “học làm người” thì chắc-chắn chẳng có học-trình. Học gì cũng có lúc mãn khóa, được chứng-nhận hoàn-tất học-trình. Nhưng “học làm người” thì đến khi nhắm mắt vào lòng đất cũng chưa hoàn tất “học làm người” đúng mức. Thi-nhân Nguyễn-mạnh-Bồng đã bắt-chước Tú-Xương chúc mọi người như vầy:
Bắt-chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết cả trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người trong nước
Sao được cho ra cái giống người.
Nếu có ai cáéc cớ hỏi thi-nhân Nguyễn-mạnh-Bồng đã “ra cái giống người” chưa? Thật khó trả lời. Có lẽ thi-sĩ chúc cả mình luôn.
Thân-xác vật-lý của chúng ta hư-hỏng, với ngành y-khoa và dược-khoa tân-tiến ngày nay có thể sửa-chữa, hoàn-chỉnh. Ngay cả một số bộ-phận trong cơ-thể hư-hỏng cũng có thể thay-thế để có tình-trạng bình-thường. Nhưng về tâm-linh, người ta đã cố-gắng “tu”, cố-gắng sửa đủ cách, nhưng chưa một người trong nhân-thế nhờ cách tu-sửa mà hoàn-chỉnh con người trở nên trọn-vẹn. Một số người cố tu-sửa con người qua “bát chánh đạo” như Ðức Phật dạy:
- Chánh kiến – nhận-định đúng
- Chánh tư-duy – suy-nghĩ đúng
- Chánh ngữ – lời nói đúng
- Chánh nghiệp – làm đúng
- Chánh mệnh – sống đúng
- Chánh tinh-tấn – cố-gắng đúng
- Chánh niệm – ý-niệm đúng
- Chánh định – thiền-định đúng
Nếu “chánh” – đúng được thì tốt quá. Rất tiếc Ðức Phật lại không cho biết thế nào là “chánh” – là đúng. Nội biết thế nào là “đúng” cũng không ai định được. Trong một vấn-đề được đưa ra bàn cãi ít ra cũng có vài cái “đúng ra” hay “đúng lý ra”. Cái “đúng” của người đời như chuyện ngụ-ngôn “năm anh mù xem voi bằng tay” – rờ “đúng” phần nào của voi là “thấy” voi “đúng” như vậy. Trên đường tu, Ðức Phật đã chọn con đường khổ-hạnh và Ngài đã khổ-hạnh hơn ai hết trong mấy năm trường. Nhưng rốt cuộc, Ngài thấy con đường khổ-hạnh Ngài theo không “đúng”. Ngài bèn từ-chối con đường khổ-hạnh, trở về nếp sống bình-thường, xuống suối tắm gội cho thân-thể sạch-sẽ, nhẹ-nhàng, uống bát sữa hòa mật của nàng Sujata bố-thí, và cảm thấy khỏe, – “đúng”.
Cái đúng của con người nay thế này, mai thế khác. “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư-tưởng như con trẻ, suy-xét như con trẻ (đúng theo lúc trẻ); khi tôi đã thành nhơn, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ (trước đúng, sau sai chỉ vì đã thành nhơn)” (I Cô-rinh-tô 13:11).
Với con người “hư-mất”, “các đường lối của loài người đều trong-sạch (đúng) theo mắt họ” (Châm-ngôn 12:15). Ðối với con người “hư-mất” thì cái gì của mình cũng chính đại quang-minh hết và bao cuộc chiến đã xảy ra chỉ vì cái “đúng” của người này lại không phải cái “đúng” của người khác.