Mục sư Phan Thanh Bình: Ðức Chúa Trời Yêu-Thương
Ðức Chúa Trời Yêu-Thương
Đức Chúa Jêsus phán: “Vì Ðức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài (Chúa Jêsus), hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời-đời” (Giăng 3:16).
“Ðức Chúa Trời yêu-thương”, chúng ta khó cảm-nhận. Chúng ta dễ cảm-nhận Trời hành, Trời hại và nếu gặp được may-mắn nào đó, thì may ra ý-tưởng Trời thương thoáng qua.
“Ðức Chúa Trời yêu-thương”, chúng ta khó cảm-nhận và cũng khó hiểu biết nữa. Ngay sự yêu-thương, chúng ta cũng không cắt nghĩa được.
Tình yêu là một phần quan-trọng trong cuộc sống của nhân-loại. Thiếu nó cuộc sống trở nên vô-nghĩa. Người ta thèm khát yêu và thèm-khát được yêu. Tại sao vậy? Ðó là bằng chứng cụ-thể con người phát-xuất từ Ðức Chúa Trời, một Ðấng có bản-thể là tình yêu. Con người đã được Ðức Chúa Trời hà sanh-khí của Ngài (Sáng-thế ký 2:7), là được Ngài truyền một phần bản-thể của Ngài qua con người. Ðó là tình yêu.
Chúng ta cảm-nhận có Ðức Chúa Trời, song không thể hiểu Ngài cách tường tận. Cũng vậy, chúng ta cảm nhận tình yêu nhưng không sao hiểu được tình yêu.
Yêu là cái mà ta không thể tả
Một khi yêu là phải chuốc tình yêu.
Tiến-Xuân
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè-nhẹ, gió hiu-hiu.
Xuân-Diệu
Con người có tình yêu, không phải loại tình yêu theo bản năng như thú vật, nhưng là loại tình yêu theo bản-thể của Ðức Chúa Trời, một loại tình yêu đa-diện phong-phú – Yêu trăng sao mây nước hữu tình; yêu màu sắc lung-linh; yêu chim muông hoa cỏ; yêu lý thật, yêu lẽ phải; yêu quê-hương, yêu xứ-sở. Có tình người, có tình đồng bào, đồng loại; tình xóm-giềng, tình bè-bạn, tình tri-kỷ; tình gia-tộc, tình anh em, tình cha-mẹ con-cái, tình vợ chồng. Có thứ tình “cò-kè bớt một thêm hai”, có thứ tình “bánh ít trao đi, bánh qui trao lại”. Có thứ tình mù-quáng đẩy-đưa, lại có thứ tình “trái tim có những lý-lẽ mà lý-trí không thể hiểu được”. Ðức Chúa Trời đã truyền tình yêu của Ngài vào con người bằng đường hô-hấp. Kinh-Thánh chép: “Giê-hô-va Ðức Chúa Trời bèn lấy bụi-đất nắn nên hình người, hà sanh-khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh” (Sáng-thế ký 2:7). Hơi thở duy-trì sự sống thể nào thì tình yêu làm cho con người vui sống thể ấy.
Nhưng tiếc thay, sau khi loài người phạm tội, tình yêu tinh-ròng trong con người bị ô-nhiễm tội-lỗi. Công-dụng của tình yêu vẫn còn, nhưng vì thực chất của tình yêu thiếu tinh-ròng, nên công-dụng cũng vì đó mà thiếu trung-thực. Tình yêu vẫn là sợi dây đoàn-kết. Tình yêu vẫn là chất liệu nhiệm-mầu để hóa giải hận-thù. Nó chỉ còn là một định-lý chết trên căn-bản của một thứ tình yêu bị nhiễm độc. Ðến nỗi nhà đạo-đức Pháp – La Rochefoucauld phải cay-đắng than lên rằng: Mọi đức-tính của con người đều tan biến trong quyền-lợi vị-kỷ cá-nhân như nước trong dòng sông tuôn ra bể cả. Làm gì có tình mẫu-tử thiêng-liêng, lòng bác-ái tốt-đẹp, tình khiêm-nhường khả-ái … Tất cả chỉ vì mình, nghĩ đến mình trước hết, rồi nhân-loại trang-trí sau bằng một danh-từ và một nội-dung lường-gạt. Người ta khó phân-biệt giữa ham-muốn và yêu-thương. Người ta đòi-hỏi bằng chứng lời nói và hành-động theo ý mình, quan-điểm của mình để xác-nhận yêu-thương. Con cái nhiều lúc phủ-nhận lòng yêu-thương của cha-mẹ đối với mình qua hành-động ngăn-cấm con-cái làm điều này, điều nọ. Vợ-chồng phủ-nhận lòng yêu-thương nhau qua sự đòi-hỏi không được đáp-ứng cách hết lòng, trọn-vẹn. Anh em, bạn-bè phủ-nhận yêu-thương nếu nhờ không được, cậy không xong. Quí vị cứ tận-tụy giúp ai chín điều, đến điều thứ mười mà không giúp được là thấy ngay tình yêu-thương của mình bị phủ-nhận.
Mọi tình-cảm khác không biết nó xuất phát từ phần nào trong cơ-thể, nhưng tình yêu thì người ta lại nhứt quyết cho nó phát sinh từ trái tim – cơ-phận chủ-yếu sinh-động cho cuộc sống.
Từ nghìn xưa cho đến nghìn sau, tình yêu vẫn là vấn-đề trọng-đại trong nhân-loại. Qua các thời-đại, tình yêu vẫn là tên lớn cho những pho tiểu-thuyết trứ danh, những áng văn tuyệt-tác, những bài ca tuyệt-vời. Ðối tượng của tình yêu chúng ta nhiều lắm, nhưng đối-tượng tình yêu của Ðức Chúa Trời là “thế-gian”, là nhân-loại, là quý vị và tôi.
Chúa Jêsus cũng dạy: “Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:13). Tình yêu của Ðức Chúa Trời được bày-tỏ như vầy: “Nầy, sự yêu-thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Ðức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta” (I Giăng 4:10). Ngay sau khi tổ-phụ chúng ta – A-đam và Ê-va phạm tội, Ðức Chúa Trời vẫn hết lòng yêu-thương. Ngài tìm gặp A-đam và Ê-va và hoạch-định ngay chương-trình cứu-rỗi loài người. Lý-do có chương-trình cứu-rỗi loài người vì Ðức Chúa Trời tuy yêu-thương loài người, nhưng Ngài “chẳng kể kẻ có tội là vô tội” (Xuất Ê-díp-tô ký 34:7).
Chính Chúa Jêsus là tình yêu-thương của Ðức Chúa Trời. I Cô-rinh-tô 13 mô-tả về tình yêu-thương tinh-ròng của Ðức Chúa Trời. Nếu chúng ta thay “tình yêu-thương” bằng chữ “Chúa Jêsus” thì ý-nghĩa chương Kinh-Thánh đó vẫn không thay-đổi.