Mục sư Phan Thanh Bình: Không Hiểu Ðược
Không Hiểu Ðược
Bác học Einstein nhận-thức về sự tri-thức của mình rất chí-lý: Ðiều ta biết như giọt nước, điều ta không biết như đại dương. Những người tự cho mình biết nhiều đều thuộc loại “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”.
Chúa Jêsus nói với Ni-cô-đem về vấn-đề tái-sanh. Ni-cô-đem không hiểu, Chúa giảng-giải, Ni-cô-đem vẫn không thông. Biểu-lộ sự không hiểu của mình, Ni-cô-đem không tin lời Chúa Jêsus phán. Ni-cô-đem thưa với Chúa: “Ðiều đó làm thể nào được? Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi là giáo-sư của dân Y-sơ-ra-ên, mà không hiểu biết những điều đó sao!” (Giăng 3:9-10).
Tái-sanh là vấn-đề siêu-nhiên, Ni-cô-đem làm sao có thể hiểu được. Bất cứ tôn-giáo nào cũng có vấn-đề siêu-nhiên và người ta hiểu được theo lý-luận và chấp-nhận. Tái-sanh – luân-hồi được giáo-sư Phật học, Ðại-đức Shravasti Dhammika lý-luận trong cuốn “Vấn khéo Ðáp khéo: “Khi ta chết, cái tâm, với tất cả những khuynh-hướng ưa-thích, khả-năng và tâm-tánh đã được tạo duyên và khai-triển trong đời sống, tự cấu hợp lại trong buồng trứng sẵn-sàng thọ thai. … Tiến trình chết và tái-sanh trở lại này sẽ tiếp-tục diễn-tiến đến chừng nào những điều-kiện tạo nguyên-nhân cho nó — ái-dục và vô minh — chấm dứt. Ðến chừng ấy, thay vì có một chúng sanh tái sanh, tâm vượt đến một trạng-thái gọi là Niết-Bàn, và đó là mục tiêu cùng tột của Phật Giáo và là lý-tưởng của kiếp sinh-tồn.
Vấn: Làm cách nào tâm di-chuyển từ cơ-thể nầy đến cái thân khác?
Ðáp: Hãy nghĩ đến làn sóng điện của máy thâu thanh. Làn sóng được phát ra từ đài phát thanh không phải là tiếng nói là âm-nhạc, mà là năng-lực ở nhiều tần số khác nhau, di chuyển trong không-gian và được máy thâu thanh thu vào, rồi phát ra dưới hình-thức tiếng nói hay âm-nhạc. Với tâm cũng vậy. Lúc lâm chung, năng-lực tinh-thần lìa xác chết, di-chuyển trong không-gian, được buồng-trứng sẵn-sàng thọ-thai hút vào. Khi bào thai sanh nở, năng-lực ấy tập-trung vào não và từ đó về sau “phát ra” dưới hình-thức một cá-thể mới”. Lý-luận vậy thật dễ hiểu, dễ tin. Chỉ phiền một nỗi nếu con cháu “hút” nhằm “năng-lực tinh-thần” vị trưởng-thượng trong gia-tộc thì thật khó xử.
Nhưng Ni-cô-đem hoàn-toàn không hiểu gì về tái-sanh. Tất nhiên giáo-sư Ni-cô-đem đã từng lý-luận để hiểu những vấn-đề hóc-búa trong lãnh-vực thuộc về tôn-giáo và tâm-linh. Nhưng tái-sanh vượt ra khỏi sự suy-luận của con người, chỉ vì nó không thuộc về hạ giới mà thuộc về thượng-giới. Nó không phát-xuất từ ý-tưởng loài người, mà phát-xuất từ ý-tưởng Ðức Chúa Trời. Nó là hành-động hoàn-toàn của Ðức Chúa Trời, không liên-quan chút gì đến năng-lực của loài người. Nên, dầu là giáo-sư lỗi-lạc, Ni-cô-đem vẫn “không hiểu biết” một chút gì.
Không một người nào có thể hiểu những điều thuộc về Ðức Chúa Trời – thuộc linh. Kinh-Thánh dạy: “Vả, người có tánh xác-thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh-Linh của Ðức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ-dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem cách thiêng-liêng” (I Cô-rinh-tô 2:14).
Trong thời Chúa Jêsus, Ngài đã phán với các môn-đồ Ngài: “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần Chân-lý (Ðức Thánh-Linh) sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi chân-lý” (Giăng 16:12-13).
Ngày nay, những điều thuộc về linh-giới con cái Chúa có thể hiểu được – qua Kinh-Thánh, vì Ðức Thánh-Linh đã giáng-lâm. Qua Kinh-Thánh Ðức Thánh-Linh sẽ cho con cái Chúa hiểu được Chân-lý.
Nhưng không phải bất cứ con cái Chúa nào cũng có thể nhờ Ðức Thánh-Linh để hiểu biết Chân-Lý trong Kinh-Thánh cách thấu-đáo. Ðức Chúa Trời cho một số người có ân-tứ giảng-dạy để làm “giáo-sư” (Ê-phê-sô 4:11); “được lời nói khôn-ngoan … được lời nói tri-thức” (I Cô-rinh-tô 12:8) hầu giúp con cái Chúa hiểu biết chân-lý, hiểu biết những điều thuộc-linh. Sách Công-vụ các sứ-đồ đã ghi lại chuyện: “Có một hoạn-quan Ê-thi-ô-bi, làm quan hầu của Can-đác, nữ vương nước Ê-thi-ô-bi, coi sóc hết cả kho-tàng bà, đã đến thành Giê-ru-sa-lem để thờ-phượng, khi trở về, ngồi trên xe mà đọc sách tiên-tri Ê-sai. Ðức Thánh-Linh phán cùng Phi-líp rằng: Hãy lại gần và theo kịp xe đó. Phi-líp chạy đến, nghe người Ê-thi-ô-bi đọc sách Ê-sai, thì nói rằng: Ông hiểu lời mình đọc đó chăng? Hoạn quan trả lời: Nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi hiểu được” (8:27-31). Lời Chúa dễ hiểu một cách đơn-sơ như “sữa thiêng-liêng của đạo” (I Phi-e-rơ 2:2) cho người mới tin Chúa. Theo thời-gian tăng-trưởng đời linh, thì Lời Chúa là “thức ăn cứng” (I Cô-rinh-tô 3:2), phải nhai – nghiền-ngẫm Lời Chúa để nhận sự dạy-dỗ quý-báu tiềm-ẩn trong Lời Chúa. Sự nghiền-ngẫm để nhận ra sự dạy-dỗ quý-báu tiềm-ẩn trong Lời Chúa được gọi là cách giải-nghĩa Kinh-Thánh. Người được ơn Chúa giải-nghĩa Kinh-Thánh chẳng những giúp cho mình hiểu-biết Lời Chúa cách đúng và còn giúp cho người khác hiểu-biết Lời Chúa như mình. Tôi đã cậy ơn Chúa viết ra 35 cuốn Bài Học Kinh-Thánh để giúp con cái Chúa hiểu biết Lời Kinh-Thánh dạy và hiểu-biết những điều thuộc linh.
Ngày nay chúng ta không còn lâm vào tình trạng “không hiểu biết” lời Chúa dạy, nếu chúng ta chịu khó học và suy-gẫm Lời Chúa qua các sách giải-nghĩa Kinh-Thánh bởi các đầy-tớ Chúa được ơn “giáo-sư”.