Mục sư Phan Thanh Bình: Ðổi Tên
Ðổi Tên
Con người, khi sanh chưa có, khi có chưa biết, khi biết chưa dùng, khi dùng thì người khác dùng nhiều hơn mình. Ðó là cái tên của mình, cái danh xưng. Chưa có danh xưng, chưa phải là con người trọn-vẹn. Chưa được cộng-đồng chấp-nhận.
Sau khi lọt lòng mẹ, mọi người phải mang một tên. Một tên do cha-mẹ hay gia-tộc đặt cho, với niềm ước-vọng đời con cháu sẽ thành-đạt như lòng người thân mong-muốn. Trai thì tên phải cho hào-hùng, bày-tỏ được chí-khí tang-bồng. Gái thì tên mỹ-miều, phô ra được công, dung, ngôn, hạnh. Ðể rồi lớn lên có anh Trần-Tiến-Sĩ làm lơ xe đò; có chị Lê-thị Bạch-Tuyết với làn da ngả màu gió sương đồng-ruộng.
Dân Việt ở xứ này, cái tên mang ý-nghĩa cao-quí, giá-trị bị hiểu lầm không ít. Tên Phước người Mỹ ngại gọi, vì âm phát ra thiếu thanh-nhã, như một tiếng chửi thề của dân bản xứ. Tên Dũng, tên Dung đâu còn hào-hùng tốt-đẹp, mà gợi ý một cái gì khó ngửi. Ở Pháp mà có tên Lê-Chiến thì hơi phiền vì người Pháp nhìn tên chỉ thấy “le chien” – con chó. Ðể tránh sự hiểu lầm của người bản xứ, một số người Việt chúng ta đành phải đổi tên.
Có người cũng tự đổi tên khi tạo được một thế đứng trong xã hội. Nếu mang tên Cối, tên Chày do cha-mẹ đặt, phải đổi thành Hoài-Ân, Hoài-Ðức cho tao-nhã. Lỡ mang tên thị Toét, thì đổi ra Bạch-Tuyết cho cao-sang. Có người khi vào dân Mỹ đã đổi tên “Buffalo Bill” để nói lên thực trạng của đời sống xứ này: làm việc như trâu (buffalo) để trả nợ (bill).
Dân Do-thái cũng như dân Việt, đặt tên con đều có ý-nghĩa. Trong Kinh-Thánh cũng ghi lại thế nào Chúa đã đổi tên một số người cho phù-hợp với ý-định của Chúa trên người đó. Chúa đã đổi tên Áp-ram có nghĩa “cha cao-quí” ra Áp-ra-ham có nghĩa “cha của nhiều dân-tộc”. Vợ Áp-ra-ham là Sa-rai có nghĩa là “không chắc”, Chúa đổi thành Sa-ra có nghĩa là “công-chúa”. Chúa cũng đổi tên Gia-cốp có nghĩa “nắm gót” theo sự việc Gia-cốp nắm gót anh mình là Ê-sau khi ra chào đời, thành Y-sơ-ra-ên là “vật lộn cùng Ðức Chúa Trời” theo sự việc Gia-cốp vật-lộn với Ðức Chúa Trời tại rạch Gia-bốc (Sáng-thế ký 17:8,15; 32:28).
Anh-rê dẫn Si-môn anh mình đến gặp Chúa. “Ngài vừa ngó thấy Si-môn, liền phán rằng: Ngươi là Si-môn, con của Giô-na; ngươi sẽ được gọi là Sê-pha (nghĩa là Phi-e-rơ)” (Giăng 1:42). Ðức Chúa Jêsus là Ðức Chúa Trời, Ngài toàn tri. Ngài biết rõ mỗi người và lòng dạ mỗi người. Người đến với Ngài không cần ai giới-thiệu Ngài cũng biết tận-tường. Ngài gọi đích danh người đến cùng Ngài và biết rõ con cái nhà ai. “Ngươi là Si-môn, con Giô-na”. Tên “Si-môn” mang ý-nghĩa “không vững-chắc” (unstable). Ðến với Ngài thì không thể ở trong tình-trạng “không vững-chắc” nay thế này, mai thế khác. Ngài đổi tên “Si-môn” thành “Sê-pha” (tiếng Aramaic) dịch ra tiếng Greek là Petros – “Phi-e-rơ” có nghĩa là viên-đá hàm ý “chắc-chắn” (stable).
Ngày nay, chúng ta đến với Ngài, tin-nhận Ngài là Cứu Chúa. Ngài không đổi tên chúng ta. Kinh-Thánh cũng không dạy chúng ta phải có thêm một “tên thánh” – tên của “vị thánh bổn-mạng” nào đó đi kèm với tên của chúng ta, để “có tên gọi của mình trong giáo-hội” với hi-vọng: “Sự nhận một vị thánh làm bổn-mạng như thế, mang lại cho người ta gương sáng về đức ái, cũng như sự chuyển cầu của thánh nhân”.
Ngài không đổi tên chúng ta, nhưng đổi mới chúng ta. Ngài ban cho người tin nhận Ngài làm Cứu Chúa địa-vị mới với bản-thể mới là “con-cái Ðức Chúa Trời” (Giăng 1:12). Chúa Jêsus khẳng-định với người tin-nhận Ngài làm Cứu Chúa rằng: “tên các ngươi đã ghi trên thiên-đàng” (Lu-ca 10:20). Tên này hẳn là tên của chúng ta khi chúng ta tin-nhận Ngài làm Cứu Chúa.
Sau khi Chúa Jêsus sống lại, Ngài gọi những người thuộc về Ngài bằng cái tên thân-thương: “Hỡi các con” (Giăng 21:5). Ở thế-kỷ thứ nhứt, người ta không nhớ hết tên của những người tin-nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình. Họ thấy những người thuộc về Chúa có đời sống giống như Chúa nên đặt tên cho những người này là Cơ-đốc nhân (Công-vụ các sứ-đồ 11:26).
Tên của Cơ-đốc nhân lưu danh đến đời-đời trên thiên-đàng. Ở dưới trần-thế, cứ nghe Chúa gọi “con” là đủ và trong đại gia-đình của Chúa, chúng ta có tên chung là “Cơ-đốc nhân” cũng đủ rồi. Còn tên của chúng ta người ta có quên cũng không sao. Ðừng lo “phải có danh gì với núi sông” cho thêm mệt.
Mục sư Phan Thanh Bình
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org