Mục sư Phan Thanh Bình: Giăng Báp-Tít – Người Khắc Khổ
Giăng Báp-Tít
Người Khắc Khổ
Bình-thường chúng ta cố-gắng tránh công-việc “nhọc lòng mà chẳng nên công-cán gì”. Một số trong chúng ta rất mong hưởng cảnh “ngồi mát ăn bát vàng” cho khỏe tấm thân. Hạng người mong “vinh thân phì da”, “lấy bụng mình làm chúa mình” (Phi-líp 3:19) thì thường cái bụng lớn, cái đầu tất nhỏ. Hầu hết những người theo đuổi một lý-tưởng chính-đáng, cao-cả, cái đầu lớn tất cái bụng phải nhỏ. Những người như vậy đều có đời sống khắc-khổ.
Trong thời Cựu-ước – Môi-se, nhà lãnh-tụ lừng danh của dân Y-sơ-ra-ên đã bằng lòng từ-bỏ cung ngà điện ngọc, “bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Ðức Chúa Trời chịu hà-hiếp hơn là tạm hưởng sự vui-sướng của tội-lỗi” (Hê-bơ-rơ 11:26). Kinh-thánh ghi lại không biết bao nhiêu người bằng lòng sống khắc-khổ vì cớ được Chúa kêu gọi làm vua như Ða-vít, làm tiên-tri như Giê-rê-mi v.v.
Trong thời Tân-ước – Giăng là người dọn đường cho Chúa Jêsus đã có đời sống khắc-khổ. Kinh-thánh không ghi lại cuộc đời niên-thiếu của Giăng, song chúng ta có thể biết một ít về Giăng trong thời niên thiếu theo cách thông-thường: Giăng được nuông chiều vì là con trai duy-nhứt của ông bà Xa-cha-ri già-nua. Giăng được cha-mẹ nói cho biết mục-đích cuộc đời của Giăng theo lời thiên-sứ Gáp-ri-ên đã tỏ cho Xa-cha-ri hay. Chắc-chắc Xa-cha-ri đã hát đi hát lại bài ca mà Xa-cha-ri đã ngợi-khen Chúa trong ngày Giăng chào đời (Lu-ca 1:68-79). Có lẽ câu ca mà Giăng ghi nhớ nhất là: “Hỡi con trẻ, người ta sẽ kêu con là tiên-tri của Ðấng Rất Cao; con sẽ đi trước mặt Chúa, dọn đường Ngài” (c.76). Chúng ta không biết Giăng vào đồng-vắng sinh sống lúc nào. Các nhà giải-nghĩa Kinh-thánh căn-cứ vào câu Kinh-thánh: “Vả, con trẻ lớn lên, tâm-thần mạnh-mẽ, ở nơi đồng-vắng cho đến ngày tỏ mình ra cho dân Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 1:30), mà cho rằng cha-mẹ Giăng đã qua đời khi Giăng còn niên thiếu. Sau khi cha-mẹ qua đời, Giăng vào đồng-vắng và sống tại đó.
Ðộng-cơ nào, hoàn-cảnh nào thúc-đẩy Giăng xa-lánh thị-thành vào nơi đồng-vắng? Giăng đã được “đầy-dẫy Thánh-Linh từ khi còn trong lòng mẹ” (Lu-ca 1:15). Giăng được Ðức Thánh-Linh điều-động, hướng-dẫn ngay khi còn là thai nhi. Giăng vào đồng-vắng cũng do sự thúc-đẩy của Chúa Thánh-Linh như “Ðức Thánh-Linh đưa Chúa Jêsus đến nơi đồng-vắng đặng chịu ma-quỉ cám-dỗ” (Ma-thi-ơ 4:1). Vậy Giăng sống tại đồng-vắng với mục-đích gì? Các nhà giải-nghĩa Kinh-thánh cho rằng Giăng vào đồng-vắng không phải để xa-lánh xã-hội loài người, dứt bỏ những luật-lệ, phong-tục, tập-quán đời người cần phải theo. Giăng vào đồng-vắng để suy-gẫm chức-phận mà Chúa Chúa đã giao-phó mà không một trường nào, một giáo-sư nào có thể chỉ dạy cho Giăng. Giăng cần chỗ yên-tĩnh, không bị ngoại cảnh xã-hội chi-phối tâm-tư, khiến có thể “làm theo đời này” (Rô-ma 12:2), để lắng nghe Ðức Thánh-Linh chỉ-dẫn hành-sự đúng theo chức-phận Chúa đã định.
Sống trong đồng-vắng, thiếu-thốn đủ thứ, nhưng không thể thiếu “tâm-thần mạnh-mẽ”. Chính cái “tâm-thần mạnh-mẽ” này đã khắc-phục được mọi sự đòi-hỏi chính đáng của thể-xác và tâm-hồn để sống khắc-khổ.
Cuộc sống của Giăng có vẻ hoang-dã. Ma-thi-ơ nói về Giăng như vầy: “Giăng mặc áo bằng lông lạc-đà, buộc dây lưng bằng da; ăn, thì ăn châu-chấu và mật ong rừng” (Ma-thi-ơ 3:4).
“Giăng mặc áo bằng lông lạc-đà”, loại áo thông-dụng của dân Ả-rập tiện-dụng cho dân du-mục sống trong sa-mạc. “Tiên-tri của Ðấng Tối Cao” không cần một áo đặc-biệt khác người để tỏ ra mình là ai. Ngay Chúa Jêsus là Con Ðức Chúa Trời cũng chẳng có áo mão khác người. Ngày nay, một số giáo-phái Cơ-đốc giáo “chế” ra nhiều áo lễ để hàng giáo phẩm khoác vào cho khác người. Giăng mặc áo còn “buộc dây lưng bằng da”, biểu-hiệu một người làm việc chớ không phải là người lang-thang trong đồng-vắng. Ðối với Giăng: có gì ăn nấy, không cầu-kỳ. Giăng “ăn châu-chấu và mật ong rừng” là hai thứ có nhiều nơi đồng-vắng.
Người làm việc Chúa phải có “tâm-thần mạnh-mẽ” để sống khắc-khổ, “đãi thân-thể một cách nghiêm-khắc, bắt nó phải phục” (I Cô-rinh-tô 9:27) hầu chu-toàn phận-sự Chúa giao-phó.
Làm việc Chúa mà chỉ mong nhàn-hạ, sung-sướng ở đời, “ngồi mát ăn bát vàng” thì trái lẽ đấy.
Mục sư Phan Thanh Bình
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.