Những Lời Tiên Tri Về Đức Chúa Jesus: Chúa Bị Tấn Công Bằng Gươm
Lời Ban Biên Tập
Có hàng trăm lời tiên tri về Đức Chúa Jesus đã được ghi lại trong Thánh Kinh Cựu Ước. Trong mùa Phục Sinh năm nay, mời bạn đọc ôn lại vài lời tiên tri liên hệ đến sự thương khó và phục sinh của Chúa.
Ban Biêp Tập Thư Viện Tin Lành
Đức Chúa Jesus bị bắt
Tranh của Fra Angelico – (1440)
“Hỡi gươm, hãy nổi dậy đánh kẻ chăn của Ta và đánh người liên hệ với Ta.
Hãy đánh kẻ chăn để bầy bị tản lạc” (Xa-cha-ri 13:7a)
Trong đêm Đức Chúa Jesus dự lễ Vượt Qua lần cuối với các môn đồ của Ngài ở trên đất, Đức Chúa Jesus đã nói với họ rằng ngay trong đêm đó họ sẽ lìa bỏ Ngài: “Sau đó, Ngài nói với họ rằng: “Đêm nay, tất cả các ngươi sẽ lìa bỏ Ta, như có chép rằng: ‘Ta sẽ đánh người chăn, và chiên trong bầy sẽ tan lạc.’ “ (Ma-thi-ơ 26:31).
Sau khi dự tiệc xong, Đức Chúa Jesus và các môn đệ của Ngài đi qua khe Kết-rôn để vào trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Tại vườn Ghết-sê-ma-nê Đức Chúa Jesus cầu nguyện, còn các môn đệ của Ngài thì ngủ. Kinh Thánh cho biết lúc Đức Chúa Jesus đang cầu nguyện thì Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là kẻ phản Chúa, đã dẫn một toán lính của các lãnh đạo Do Thái mang vũ khí đến để bắt Ngài (Ma-thi-ơ 26:47-50). Khi gặp những người đó, Đức Chúa Jesus đã nói với họ như sau: “Tại sao các ngươi đem gươm và gậy đến bắt Ta như chống lại một tên cướp? Hằng ngày Ta ngồi giảng dạy trong đền thờ, tại sao các ngươi không bắt Ta. Tuy nhiên tất cả những điều nầy đã xảy ra để những lời tiên tri trong Kinh Thánh được ứng nghiệm.” (Ma-thi-ơ 26:55-56). Tác giả sách Ma-thi-ơ viết tiếp: “Sau đó, tất cả môn đồ đều bỏ Ngài chạy trốn” (Ma-thi-ơ 26:56).
Lời tiên tri mà Đức Chúa Jesus đã hai lần nhắc đến trong Ma-thi-ơ 26:31 và Ma-thi-ơ 26:56 được ghi lại trong sách Xa-cha-ri đã được viết khoảng 520 năm trước khi Đức Chúa Jesus giáng sinh (Xa-cha-ri 1:1), tức là khoảng 550 năm trước khi lời tiên tri đó được ứng nghiệm. Tiên tri Xa-cha-ri đã viết như sau: “Hỡi gươm, hãy nổi dậy đánh kẻ chăn của Ta, và đánh người liên hệ với Ta. Hãy đánh kẻ chăn để bầy bị tản lạc” (Xa-cha-ri 13:7a).
Như đã trích dẫn ở trên, ký thuật trong Tân Ước cho biết những người lính Do Thái đã mang gươm đến để bắt Chúa. Kinh Thánh cho biết Si-môn Phi-e-rơ, một trong những môn đệ của Chúa, đã dùng gươm để chống lại những người đến bắt Ngài (Giăng 18:10-11; Ma-thi-ơ 26:51-52; Mác 14:47). Tuy nhiên sau khi nghe lời khuyên của Chúa, Phi-e-rơ đã ngừng lại. Sau đó các môn đồ của Chúa đã chạy trốn. Vì vậy lời tiên tri Xa-cha-ri đã chép về việc con người dùng gươm chống Chúa và sau đó những người theo Ngài chạy tản lạc đã được ứng nghiệm.
Tuy nhiên Đức Chúa Jesus không chỉ bị tấn công bằng gươm vật chất nhưng Ngài còn bị tấn công bằng những lưỡi gươm tinh thần.
Kinh Thánh cho biết miệng lưỡi của những người gian ác cũng giống như những lưỡi gươm sắc bén: “Chúng nó đã mài lưỡi mình như thanh gươm. Nhắm mũi tên mình, tức là lời cay đắng” (Thi Thiên 64:3). “Kìa, miệng chúng nó tuôn lời mắng chưởi; những gươm ở nơi môi chúng nó” (Thi Thiên 59:7). Kinh Thánh cũng cho biết miệng của những người làm chứng gian dối cũng bén nhọn như gươm: “Kẻ nào đối chứng giả dối cho người lân cận mình, khác nào một cái búa, một cây gươm, một mũi tên nhọn.” (Châm Ngôn 25:18).
Tác giả Phúc Âm Ma-thi-ơ cho biết Đức Chúa Jesus đã bị những lưỡi gươm tinh thần sắc bén tấn công liên tục từ đêm Chúa bị bắt cho đến khi Ngài chết trên thập tự.
Trong đêm Đức Chúa Jesus bị bắt, các lãnh đạo Do Thái đã đem nhiều người đến để làm chứng dối với hy vọng rằng họ có thể tạo đủ bằng cớ để buộc tội Ngài (Ma-thi-ơ 26:59-61). Tuy nhiên những lời làm chứng gian dối của những kẻ vu cáo không thể kết thành một sự thật có giá trị.
Sáng hôm sau, những người lính La Mã đã hiệp với nhau để chế diễu Chúa: “Chúng đan một chiếc mão bằng gai, rồi đội trên đầu của Ngài, và đặt một cây sậy vào tay phải của Ngài. Chúng quỳ trước mặt Ngài, nhạo báng Ngài, rồi nói rằng: “Lạy Vua dân Do Thái!” Chúng khạc nhổ trên Ngài, chúng lấy cây sậy đánh trên đầu của Ngài. Sau khi đã chế nhạo Ngài, chúng lột áo điều ra, mặc trang phục của Ngài vào, rồi giải Ngài đi để đóng đinh trên cây thập tự” (Ma-thi-ơ 27:29-31).
Trưa hôm đó, vào lúc mà Đức Chúa Jesus đã bị đau đớn rất nhiều về thể xác – vì đã bị người Do Thái đánh đập vào đêm trước đó (Ma-thi-ơ 26:67), bị lính La Mã hành hạ vào sáng hôm đó (Ma-thi-ơ 27:26-30), rồi bị đóng đinh vào trưa hôm đó (Ma-thi-ơ 27:35) – thì nhiều người thuộc đủ thành phần khác nhau đã đến để sỉ nhục Ngài.
Trước hết những người qua đường đã chế diễu Chúa: “Những kẻ qua lại xúc phạm Ngài, họ lắc đầu, rồi nói: “Kẻ phá hủy đền thờ và xây lại trong ba ngày, hãy tự cứu chính mình! Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây thập tự.” (Ma-thi-ơ 27:39-40).
Kế đến những thành phần trí thức và lãnh đạo của Do Thái cũng nhạo báng Ngài: “Các trưởng tế, các học giả giáo luật, và các trưởng lão cũng chế nhạo Ngài, họ nói rằng: “Hắn đã cứu những người khác, nhưng hắn không thể tự cứu chính mình. Hắn là vua của Y-sơ-ra-ên! Nếu bây giờ hắn giáng xuống khỏi cây thập tự, chúng ta sẽ tin hắn. Hắn tin cậy Đức Chúa Trời. Nếu Ngài cần hắn, bây giờ hãy để Ngài cứu hắn; bởi vì hắn đã nói: ‘Ta là Con Đức Chúa Trời.’” (Ma-thi-ơ 27:41-43).
Và rồi thậm chí những người tội lỗi sắp chết cũng sỉ nhục Ngài: “Những tên cướp cùng bị đóng đinh với Ngài cũng mắng nhiếc Ngài như vậy.” (Ma-thi-ơ 27:44).
Bên cạnh những lời sỉ nhục tại đồi Gô-gô-tha được trích dẫn ở trên, Đức Chúa Jesus đã phải nghe biết bao lời gào thét giận dữ đòi giết Ngài tại trường án của Phi-lát. Thêm vào đó, Chúa phải nghe vô số những lời nguyền rủa mỉa mai từ đám đông trong suốt chặng đường Ngài vác thập tự từ trường án cho đến đồi Gô-gô-tha. Có lẽ những lưỡi gươm sắc bén từ miệng của những kẻ chống đối Chúa đã làm cho tinh thần của Chúa đau đớn không kém những lằn roi đã làm tan nát thân xác Ngài.
Kinh Thánh cho biết không phải chỉ có Chúa mới bị bách hại bằng gươm, nhưng những người tin Chúa cũng bị bách hại bằng gươm. Tác giả thư Hê-bơ-rơ viết: “Họ đã bị ném đá, tra tấn, cưa xẻ; bị giết bằng lưỡi gươm; lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi” (Hê-bơ-rơ 11:37). Có lẽ không mấy ai trong chúng ta bị bách hại nặng nề như những anh hùng đức tin phải gánh chịu, như đã được chép trong sách Hê-bơ-rơ; tuy nhiên không ai trong chúng ta không một lần nhận những lời cay đắng hoặc những lời nói xấu xa không đúng sự thật về mình. Khi ở trong hoàn cảnh như vậy, bạn hãy nhớ rằng Chúa đã trải qua những điều đó, Ngài đã nhận nhiều lời cay độc hơn bạn phải gánh chịu rất nhiều, và Ngài cảm thông sâu xa với những nỗi đau của bạn (Hê-bơ-rơ 2:18).
Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết sẽ có một ngày công lý sẽ được thực hiện: “Nếu ai giết người bằng gươm, chính mình phải bị giết bằng gươm” (Khải Huyền 13:10). Chính Đức Chúa Jesus đã nhắc cho Sứ đồ Phi-e-rơ điều này lúc ông dùng gươm để bảo vệ Ngài: “Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Ma-thi-ơ 26:52). Thật ra không phải Chúa cấm những người tin Chúa dùng gươm, bởi vì Ngài đã có lần khuyên các môn đồ của Ngài cần phải mua gươm để tự vệ (Lu-ca 22:36-38). Người tin Chúa cũng có thể dùng gươm, tuy nhiên thay vì dùng những lưỡi gươm của sự cay độc đem đến sự tàn hại thì hãy dùng những lưỡi gươm của sự ngợi khen: “Sự ngợi khen Đức Chúa Trời ở trong miệng họ, thanh gươm hai lưỡi bén ở trong tay họ” (Thi Thiên 146:9); thay vì dùng những lưỡi gươm của sự “cay đắng” (Thi Thiên 64:3), “mắng chưởi “ (Thi Thiên 59:7), và “giả dối” (Châm Ngôn 25:18) để tấn công và làm đau đớn những người khác, thì người tin Chúa nên dùng “gươm của Đức Thánh Linh, là lời của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:17), bởi vì “lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12). Hãy nói ra Lời của Đức Chúa Trời bởi vì lời của Đức Chúa Trời là lời có giá trị, tồn tại đời đời (Ê-sai 40:8) và có quyền năng để chinh phục lòng người (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13).
Tiên tri Xa-cha-ri cũng viết một lời tiên tri khác liên hệ đến sự thương khó của Đức Chúa Jesus. Tiên tri Xa-cha-ri cho biết rồi đây những người đã từng đâm Chúa sẽ thấy Ngài, tuy nhiên họ, và Chúa, sẽ ở trong một vị thế khác hẳn: “Chúng sẽ nhìn lên Ta, là Ðấng mà chúng đã đâm. Chúng sẽ than khóc như than khóc con một mình đã mất, và chúng sẽ khổ đau như khổ đau vì con đầu lòng của mình đã qua đời.” (Xa-cha-ri 12:10). Sứ đồ Giăng đã nhắc lại lời tiên tri của Xa-cha-ri trong Phúc Âm Giăng: “Lại có lời Kinh Thánh nầy nữa: Chúng sẽ ngó thấy người mà mình đã đâm” (Giăng 19:37). Sau đó ông cũng nhắc lại điều này trong sách Khải Huyền: “Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cùng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài. Quả thật vậy. A-men!” (Khải Huyền 1:7).
Thật vậy, Kinh Thánh cho biết trong tương lai Đức Chúa Jesus sẽ trở lại thế giới này và Ngài sẽ dùng lưỡi gươm, là những lời từ miệng Ngài, để thực thi công lý: “Có một lưỡi gươm bén ở miệng Ngài ra, Ngài sẽ lấy nó mà đánh các dân, và cai trị họ bằng một cây gậy sắt.” (Khải Huyền 19:15). Vì vậy trong khi trông chờ sự trở lại của Chúa, Đức Chúa Jesus khuyên những người đang sống hiện nay rằng: “Vì vậy, hãy ăn năn đi, nếu không Ta sẽ nhanh chóng đến với ngươi, lấy thanh gươm ở miệng Ta mà giao chiến cùng chúng nó.” (Khải Huyền 2:16).
Hoài niệm về sự thống khổ của Chúa, nhớ lại những lời cay đắng mà Chúa đã phải gánh chịu, nhắc chúng ta cần có trách nhiệm trong việc dùng lời nói của mình. Kinh Thánh cho biết có một số điều chúng ta là cho người khác đã được Chúa xem như là làm cho Chúa (Ma-thi-ơ 25:31-46). Vì vậy thay vì tham gia đoàn dân nói những lời cay đắng với nhau, làm gia tăng nỗi đau của Chúa, rồi gây đổ vỡ, chúng ta cần nói những lời lành, bởi vì “Lời lành giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn, làm khỏe mạnh cho xương cốt” (Châm Ngôn 16:24). Kẻ thù của Chúa dùng những lời cay độc tấn công Chúa và làm cho những người theo Ngài tản lạc phân tán. Người tin Chúa hãy nói những lời tôn ngợi Chúa, đem lại sự xoa dịu, và hiệp nhất: “Sự ngợi khen Đức Chúa Trời ở trong miệng họ, thanh gươm hai lưỡi bén ở trong tay họ” (Thi Thiên 146:9). “Đừng có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29).
Phước Nguyên
Thư Viện Tin Lành (2021)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.