Kiến Thức: Hoa Xuân Trong Thánh Kinh
Hoa Xuân Trong Thánh Kinh
Hoa Xuân Việt Nam
Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, khí hậu ấm áp nên hoa nở quanh năm. Vào dịp Tết, nếu có dịp đến thăm các chợ hoa tại Sài Gòn và Hà Nội, du khách sẽ có dịp ngắm hàng chục loài hoa khác nhau như cúc, vạn thọ, thược dược, hồng, huệ, lan, thủy tiên, cẩm chướng, …, và đặc biệt là mai và đào – hai loài hoa đặc trưng của ngày Tết. Những đóa hoa đủ hình dạng với màu sắc tươi đẹp như mang lại sức sống và hy vọng cho năm mới.
Người Việt tại miền Trung và miền Nam thích chưng hoa mai vào dịp tết. Năm cánh của hoa mai tượng trưng cho ngũ phúc; sắc vàng của hoa mai biểu tượng cho sự vinh hiển, cao sang và giàu có. Hoa mai nở đúng vào dịp Tết nên được dùng làm biểu tượng cho sự tín nhiệm và trung thành.
Tại miền Bắc, xuân đến sau một mùa đông u ám, lạnh giá. Dựa vào một huyền thoại xưa, người Việt tin rằng hoa đào có tác dụng xua đuổi tà ma. Tuy nhiên, có một truyền thuyết khác liên quan đến hoa đào được người dân tại vùng trồng đào Nhật Tân lưu truyền và được nhiều người yêu thích; đó là vào năm 1789 sau khi vua Quang Trung thắng trận Ngọc Hồi, vua đã sai một sứ giả mang một cành đào từ làng Nhật Tân (Hà Nội) về Phú Xuân (Huế) để tặng cho Công Chúa Ngọc Hân. Cành đào hồng thắm không chỉ là món quà bày tỏ tình yêu trìu mến của vua Quang Trung dành cho người vợ xứ Bắc của mình, nhưng chính là sứ điệp báo hiệu một giai đoạn mới, tươi sáng cho dân Việt. Hoa đào, do đó, tượng trưng cho tình yêu nồng thắm, biểu tượng cho sự khởi đầu và tươi mới; thể hiện mong ước yên vui, hạnh phúc.
Hoa Xuân Trong Kinh Thánh
Thánh Kinh không nhắc đến hoa mai nhưng nhiều lần nhắc đến một loài cây có hoa rất giống hoa đào, đó là cây hạnh nhân. Hạnh nhân, tên khoa học là Prunus amygdalus, cùng họ với cây đào (Prunus persica). Trong Thánh Kinh, hạnh nhân biểu tượng cho sự thức tỉnh bởi vì hoa hạnh nhân là loài hoa đầu tiên nở trong năm.
Cây hạnh nhân có nguồn gốc từ Trung Đông. Thánh Kinh cho biết hạnh nhân là đặc sản của xứ Ca-na-an, cho nên Gia-cốp đã dặn các con ông phải mang hạt hạnh nhân để tặng cho vị tể tướng tại Ai Cập (Sáng Thế Ký 43:11). Gia-cốp không ngờ rằng vị tể tướng đó chính là đứa con ruột của ông, mà ông tưởng rằng người con đó đã chết
Từ Trung Đông, cây hạnh nhân được đem trồng tại Ấn Độ, Bắc Phi, Nam Âu và Hoa Kỳ, và đặc biệt tại tiểu bang California. Hiện nay, Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất hạnh nhân nhiều nhất, chiếm 80% tổng sản lượng trên toàn trên thế giới (2013).
California là nơi trồng hạnh nhân nhiều nhất tại Hoa Kỳ. Nếu có dịp đến thăm các nông trại tại miền Trung của tiểu bang California vào tháng Hai, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những vườn hoa hạnh nhân đẹp như tranh.
Khung cảnh vườn hạnh nhân trổ hoa thật thơ mộng và trữ tình. Đây là nơi hẹn hò lý tưởng cho những người yêu nhau. Cảnh đẹp đó có lẽ là nguồn cảm hứng cho tác giả sách Nhã Ca gần ba ngàn năm trước đã ghi lại những dòng thơ sau:
“Tôi đi xuống vườn hạnh nhân,
Để ngắm hoa trong thung lũng,
Xem thử nho đã đâm chồi,
Và thạch lựu đã trổ hoa?”
(Nhã Ca 6:11).
Thời điểm hạnh nhân trổ hoa là vào cuối đông và đầu xuân. Những đóa hoa hạnh nhân màu trắng, hay hồng nhạt, nở rộ phủ đầy những thân cây vẫn còn trụi lá. Cả ngọn đồi trồng hạnh nhân nở hoa trắng xóa, nhìn từ xa trông giống như một mái đầu bạc. Do đó, trong cổ thi, hoa hạnh nhân là biểu tượng của người già (Truyền Đạo 12:5).
Trong khi quan niệm chung cho rằng tuổi già là kết thúc, Thánh Kinh cho biết “Những người được trồng trong nhà Đức Giê-hô-va sẽ trổ hoa trong hành lang của Đức Chúa Trời chúng ta. Dù đến tuổi già, họ sẽ còn sinh bông trái, thịnh vượng và xanh tươi.” (Thi Thiên 92:13-14)
Vài Ý Nghĩa Của Hạnh Nhân
Trong nguyên văn Hebrew, chữ hạnh nhân là shakeid (שָׁקֵד), xuất phát từ chữ shakad: (שָׁקַד), có nghĩa là “thức giấc” hay “thức canh.” Ý nghĩa những chữ này được ghi lại trong sách Giê-rê-mi.
Khi Đức Chúa Trời nhắc Giê-rê-mi rằng Ngài đã chuẩn bị ông từ trong lòng mẹ để làm tiên tri cho nhiều dân tộc; và để xác quyết Chúa sẽ thực hiện những điều Ngài đã công bố, Đức Chúa Trời hỏi: “Giê-rê-mi! Con thấy gì?” Giê-rê-mi trả lời: “Con thấy một nhánh hạnh nhân.” Câu trả lời của Tiên tri Giê-rê-mi trong nguyên văn Hebrew được hiểu đơn giản là: “Con thấy một nhánh cây thức tỉnh.” Đức Chúa Trời phán: “Con thấy đúng. Ta đang thức để thực hiện lời Ta đã phán” (Giê-rê-mi 1:11-12).
Các thi nhân trong Thánh Kinh dùng hình ảnh Đức Chúa Trời luôn thức, không nhắm mắt, không buồn ngủ (Thi Thiên 121:3-4) để diễn tả sự quan tâm bảo vệ của Chúa dành cho người tin Ngài, và Chúa đang tiếp tục thực hiện những điều Ngài đã hứa. Do những ý nghĩa trên, cây hạnh nhân được dùng làm biểu tượng để nhắc nhở về sự thành tín của Đức Chúa Trời.
Có một câu chuyện khác trong Thánh Kinh liên quan đến cây hạnh nhân và việc Chúa thực hiện những điều Ngài đã hứa. Tại Do Thái có một địa danh tên là Bê-tên (Bethel). Tên cũ của Bê-tên là Lu-xơ (Luz). Luz trong nguyên văn Ả Rập là hạnh nhân. Đây là nơi mà Gia-cốp đã ngủ qua đêm khi ông chạy trốn khỏi anh mình.
Trong giấc mơ, Gia-cốp thấy Đức Chúa Trời hiện đến với ông. Ngài hứa ban cho dòng dõi Gia-cốp vùng đất mà ông đang nằm ngủ; dòng dõi Gia-cốp sẽ được cường thạnh và lan tràn khắp thế giới. Mọi gia tộc trên đất sẽ nhờ dòng dõi Gia-cốp mà được phước. Đức Chúa Trời hứa sẽ đi cùng và bảo vệ Gia-cốp; và Ngài sẽ không từ bỏ dòng dõi Gia-cốp cho tới khi tất cả những điều Ngài đã hứa được thành toàn.
Lời hứa của Đức Chúa Trời đến với Gia-cốp trong lúc ông đang chạy tỵ nạn. Khi đó Gia-cốp không có gì cả, nhưng ông tin cậy nơi Chúa. Sáng hôm sau, Gia-cốp thức dậy. Ông lập một bàn thờ cho Đức Chúa Trời và đặt tên nơi đó là Bê-tên, nghĩa là nhà của Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 28:10-22; 35:1-14).
Những điều Đức Chúa Trời đã hứa với Gia-cốp sau đó lần lượt được ứng nghiệm. Đức Chúa Trời bảo vệ Gia-cốp nơi xứ lạ quê người, giúp ông lập gia đình, ban cho ông thành công. Hơn 20 năm sau, Gia-cốp được Chúa đem về quê hương. Gia-cốp đến Bê-tên xây một bàn thờ để thờ phượng Chúa. Tại Bê-tên, Gia-cốp được Chúa đổi tên thành Y-sơ-ra-ên (Israel). Israel, tên mà Đức Chúa Trời đã đặt cho Gia-cốp, về sau đã trở thành tên chính thức của quốc gia Do Thái.
Hơn 400 năm sau, người Do Thái, con cháu của Gia-cốp, chiếm xứ Ca-na-an. Vài ngàn năm sau, người Do Thái bị phân tán khắp thế giới. Ngày nay, người Do Thái giữ những vị trí quan trọng trong rất nhiều lãnh vực, bao gồm: tài chính, ngân hàng, thương mãi, khoa học, kỹ thuật, …. Những điều họ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người. Và điều quan trọng hơn cả là Đức Chúa Jesus – Đấng Cứu Tinh của nhân loại – được sinh ra từ dòng dõi Gia-cốp. Ngài chính là nguồn phước cho mọi gia đình trên thế giới. Tất cả những lời mà Đức Chúa Trời đã hứa với Gia-cốp tại ngôi làng mang tên hạnh nhân (Luz) đó đã trở thành sự thật.
Có một câu chuyện khác trong Thánh Kinh nhắc đến hạnh nhân và liên hệ đến Đức Chúa Jesus. Trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký, Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se thiết kế một cây đèn bằng vàng có bảy ngọn để dùng trong đền thờ. Cây đèn gồm một trụ chính ở giữa và sáu nhánh, mỗi bên có ba nhánh; trên ngọn của trụ chính và mỗi nhánh có những bầu đèn được thiết kế theo hình hoa hạnh nhân (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:31-40; 37:17-20). Tại đền thờ, cây đèn được thắp sáng mỗi đêm và soi sáng thâu đêm. Như hoa hạnh nhân nở rộ sau những ngày đông u ám, ánh sáng chiếu trong đêm biểu tượng cho sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Ánh sáng của Chúa đem đến niềm vui và hy vọng cho nhân loại đang sống trong khổ đau. Hình ảnh này được nhắc lại trong Ê-sai 9:1; và Sứ đồ Giăng giải thích rằng ánh sáng đó chính là Đức Chúa Jesus (Giăng 1:1-13).
Đức Chúa Jesus đã gọi những người tin Ngài là ánh sáng cho thế giới (Ma-thi-ơ 5:14). Sách Khải Huyền dùng hình ảnh bảy cây đèn vàng để mô tả bảy Hội Thánh của Chúa. Sứ đồ Giăng thuật lại rằng Đức Chúa Jesus đi giữa những cây đèn vàng này. Ngài đến với Hội Thánh để nhận định thực chất và hiện trạng của từng Hội Thánh (Khải Huyền 2:1-3:22).
Sách Dân Số Ký chương 16 và 17 thuật lại câu chuyện cây gậy của A-rôn đã trổ hoa và ra trái hạnh nhân. Cây gậy đó được Đức Chúa Trời dùng làm dấu hiệu cảnh cáo về sự trừng phạt dành cho những người phản loạn.
A-rôn, anh của Môi-se, là người được Đức Chúa Trời chọn làm thầy tế lễ cho dân Do Thái. Đức Chúa Trời đã dùng Môi-se và A-rôn lãnh đạo dân Do Thái, giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ tại Ai Cập, và đem họ vào Đất Hứa.
Trên đường đi về Đất Hứa, Cô-ra, một người trong dòng họ Lê-vi, muốn được giữ chức vụ tế lễ. Ông đã liên kết với 250 lãnh đạo uy tín trong dân Do Thái rồi kêu gọi cả dân chúng hãy chống lại Môi-se và A-rôn. Những người này tố cáo Môi-se và A-rôn đã tự đưa mình lên làm lãnh đạo của người Do Thái và điều hành theo lối gia đình trị; bởi vì họ cho rằng Môi-se đã chọn A-rôn làm thầy tế lễ vì A-rôn là anh ruột của mình.
Môi-se trả lời những người tố cáo rằng hãy để cho Đức Chúa Trời xác nhận ai là người Ngài đã chọn làm thầy tế lễ. Môi-se yêu cầu A-rôn, Cô-ra và 250 người chống đối, mỗi người hãy cầm một lư hương rồi tất cả đến trình diện trước Đền Tạm để Đức Chúa Trời chỉ ra ai là người Ngài chọn.
Khi mọi người trình diện, Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se và A-rôn hãy tránh xa những người nổi loạn và cả dân sự vì Ngài sẽ tiêu diệt họ. Môi-se nài xin Đức Chúa Trời hãy tha cho dân chúng. Đức Chúa Trời lắng nghe lời cầu xin của Môi-se, bảo ông hãy truyền cho dân chúng tách ra khỏi những người nổi loạn. Sau khi dân chúng tách ra, Môi-se nói với họ rằng hãy ghi nhớ điều sẽ xảy ra để biết rằng ông chỉ thực hiện những điều Đức Chúa Trời phán dặn chứ ông không chọn A-rôn làm thầy tế lễ theo ý riêng của mình. Môi-se nói tiếp: Đất sẽ nứt ra và chôn sống những người phản loạn. Sau khi Môi-se dứt lời, đất nứt ra chôn sống Cô-ra và đồng đảng trước mặt mọi người đang chứng kiến.
Thay vì ăn năn những sai lầm, hôm sau dân chúng đến buộc tội Môi-se và A-rôn đã giết hại dân sự của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời thấy sự vô ơn và phản nghịch của dân chúng nên Ngài truyền cho Môi-se và A-rôn hãy tránh khỏi họ một lần nữa vì Ngài sẽ trừng phạt họ. Sự trừng phạt của Chúa diễn ra tức thì. Môi-se gọi A-rôn hãy mau lấy lư hương mang lửa từ bàn thờ của Đức Chúa Trời để cầu xin Chúa tha thứ cho dân chúng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, trước khi A-rôn kịp làm điều đó, 14.700 người đã bị chết. Khi A-rôn cầu nguyện, tai vạ liền dừng lại.
Sau đó, để xác nhận Ngài đã chọn A-rôn, Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se yêu cầu mỗi chi tộc của người Do Thái hãy nộp một cây gậy có ghi tên vị trưởng tộc của chi phái mình. Môi-se sẽ mang những cây gậy đó vào Đền Tạm và đặt trước Hòm Giao Ước. Người nào được Đức Chúa Trời chọn thì cây gậy của người đó sẽ trổ hoa.
Ngày hôm sau, cây gậy của A-rôn đã trổ hoa và ra trái hạnh nhân. Đây chính là cây gậy mà A-rôn đã dùng để thực hiện những phép lạ cứu dân Do Thái khỏi Ai Cập trong những năm trước.
Khi chứng kiến phép lạ cây gậy đã khô từ nhiều năm bây giờ trổ hoa và ra trái hạnh nhân, dân sự biết rằng Đức Chúa Trời đã chọn A-rôn và dòng dõi của ông để làm thầy tế lễ. Sau đó, Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se hãy đặt cây gậy đó trước Hòm Giao Ước. Về sau cây gậy trổ hoa của A-rôn đã được đặt trong Hòm Giao Ước (Hê-bơ-rơ 9:4).
Tóm Lược
Hoa hạnh nhân là biểu tượng về sự thức tỉnh, về phẩm chất, về tình yêu, về sự tôn trọng. Hoa hạnh nhân nhắc chúng ta về sự thành tín của Đức Chúa Trời, về lòng nhân từ thương xót của Ngài, và uy quyền tể trị của Chúa. Hoa hạnh nhân còn nhắc chúng ta về tinh thần trách nhiệm và thái độ chuyên cần trong việc đem ánh sáng của Chúa cho thế giới.
Phước Nguyên
Xuân Giáp Ngọ (2014)
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (1)