Kiến Thức: Đấng Cứu Thế
Lời Ban Biên Tập:
Trong đêm Đức Chúa Jesus giáng sinh, một thiên thần đã đến báo cho những người chăn chiên tại Bết-lê-hem một tin vui, đó là: “Hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:10-11). Trong mùa Giáng Sinh nầy, mời bạn đọc tìm hiểu một ít về ba danh hiệu Đấng Cứu Thế, Christ, và Chúa của Đức Chúa Jesus. Bài viết sẽ được đăng vào thứ Ba mỗi tuần trong tháng này. Mời bạn đọc theo dõi bài đầu tiên viết về Đấng Cứu Thế.
Đấng Cứu Thế
Ý Nghĩa
Trong nguyên văn Hy Lạp, danh hiệu Đấng Cứu Thế được viết là Σωτήρ. Danh từ này khi được chuyển sang mẫu tự Latin sẽ được viết là Sōtēr và được dịch sang tiếng Anh là Savior – nghĩa là Đấng Giải Cứu.
Danh từ Σωτήρ xuất phát từ động từ σῴζω mô tả hành động đem con người từ một nơi nguy hiểm đến một nơi bình an. Trong Kinh Thánh, động từ này thường được dùng để mô tả việc Đức Chúa Trời giải cứu những người tin Chúa thoát khỏi hình phạt và quyền lực của tội lỗi.
Trong Cựu Ước, Kinh Thánh nhiều lần mô tả Đức Chúa Trời giải cứu những người tin cậy Ngài (Xuất 14:30; Phục Truyền 20:4, 23:14; I Sa-mu-ên 7:12, 14:39; II Sa-mu-ên 22:2). Tuy nhiên phần lớn những ký thuật trong Cựu Ước đã dùng động từ để mô tả hành động giải cứu của Chúa, nhưng ít khi dùng một danh từ để mô tả Ngài là Đấng Giải Cứu.
Trong cả Cựu Ước, chỉ có 7 lần động từ giải cứu ישה (yasha), được chia ở một thể đặc biệt, gọi là hiphil, có thể dùng như là một danh từ để mô tả Đức Chúa Trời là Đấng Giải Cứu. Trong văn phạm Hebrew, khi một động từ mô tả một hành động nếu được viết thêm cùng với những mẫu tự י (yod), ו (waw) và מ (mem), thì từ ngữ mới có thể được dùng như là một danh từ, và ý nghĩa của danh từ này là nguyên nhân khiến hành động được thực hiện. Vì vậy động từ giải cứu ישה (yasha), khi được dùng trong thể hiphil, sẽ được viết là מושיה (moshiah), và chữ này trở thành danh từ Đấng Giải Cứu. Một số câu trong sách Ê-sai đã mô tả Đức Chúa Trời là Đấng Giải Cứu với cách viết như vậy (Ê-sai 43:3, 43:11, 44:6, 44:24, 45:15, 45:31; 63:8).
Khác với Cựu Ước, nguyên văn Tân Ước được chép trong tiếng Hy Lạp (Greek). Trong nguyên văn Hy Lạp, danh hiệu Σωτήρ được dùng tất cả 26 lần trong cả Tân Ước. Khi dịch chữ này sang tiếng Việt, Bản Dịch Kinh Thánh Truyền Thống (1925) đã dịch Σωτήρ là Cứu Chúa (Lu-ca 1:47; Giăng 4:42; Công Vụ 5:31; 13:23; Ê-phê-sô 5:23; Phi-líp 3:20; Tít 1:3-4, 2:13, 3:4-7; I Giăng 4:14; Giu-đe 1:24), là Đấng Cứu Thế (Lu-ca 2:10), là Đấng Giải Cứu (I Ti-mô-thê 1:1, 2:3, 4:10). Vì vậy trong Kinh Thánh tiếng Việt danh hiệu Đấng Cứu Thế, Cứu Chúa, và Đấng Giải Cứu có cùng một ý nghĩa, bởi vì trong nguyên văn Hy Lạp cả ba danh hiệu này đều được dịch từ cùng một danh hiệu Σωτήρ.
Ai Là Đấng Giải Cứu
Như đã nói ở trên, trong Cựu Ước Tiên tri Ê-sai đã gọi Đức Chúa Trời là Đấng Giải Cứu. Tương tự như Cựu Ước, một số ký thuật trong Tân Ước cũng ghi nhận Đức Chúa Trời là Đấng Giải Cứu (I Ti-mô-thê 1:1), là Cứu Chúa (Lu-ca 1:47; I Ti-mô-thê 2:3, 4:10; Giu-đe 1:25). Sau khi Ma-ri biết mình được chọn là người sẽ sinh Đức Chúa Jesus, cô đã hát một bài ca tôn ngợi Chúa. Trong bài hát đó, Ma-ri đã gọi Đức Chúa Trời là Cứu Chúa của mình (Lu-ca 1:47). Trong bức thư gởi cho Ti-mô-thê, Sứ đồ Phao-lô đã nói rằng Đức Chúa Trời là Cứu Chúa của chúng ta; Ngài muốn mọi người đều được cứu và hiểu biết chân lý (I Ti-mô-thê 2:3-4). Trong I Ti-mô-thê 4:10, Sứ đồ Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời là Cứu Chúa của mọi người, đặc biệt là Cứu Chúa của những người tin Ngài (I Ti-mô-thê 4:10). Tác giả thư Giu-đe nói rằng Đức Chúa Trời là Cứu Chúa của những người tin Ngài, và Ngài có quyền gìn giữ người tin Chúa khỏi vấp phạm (Giu-đe 1:25).
Mặc dầu có một số câu Kinh Thánh trong Tân Ước chép rằng Đức Chúa Trời là Đấng Giải Cứu, tuy nhiên phần lớn danh hiệu Σωτήρ – Đấng Cứu Thế, Cứu Chúa, và Đấng Giải Cứu – ký thuật trong Tân Ước được dùng để chỉ về Đức Chúa Jesus. Trong đêm Đức Chúa Jesus giáng sinh, các thiên thần đã gọi Đức Chúa Jesus là “Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:11). Dân chúng tại thành Sa-ma-ri sau khi có dịp tiếp xúc với Đức Chúa Jesus và nghe Ngài giảng đạo, họ đã công bố: Đức Chúa Jesus là “Cứu Chúa của thế gian” (Giăng 4:42). Tác giả thư Giăng thứ nhất cũng gọi Đức Chúa Jesus là “Cứu Chúa của thế gian” (I Giăng 4:14). Sứ đồ Phi-e-rơ trong bài giảng nhà cho các lãnh đạo Do Thái tại Jerusalem đã nói rằng Đức Chúa Jesus là Vua, là Cứu Chúa, và Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời (Công Vụ 5:30-31). Tương tự Sứ đồ Phao-lô đã giảng cho những người Do Thái tại An-ti-ốt rằng Đức Chúa Jesus thuộc về dòng dõi của vua Đa-vít, và Đức Chúa Jesus là Cứu Chúa của quốc gia Israel (Công Vụ 13:22-23). Trong bức thư viết cho các tín hữu tại Ê-phê-sô, Sứ đồ Phao-lô đã gọi Đức Chúa Jesus là Cứu Chúa của Hội Thánh (Ê-phê-sô 5:23), và trong thư viết cho tín hữu tại Phi-líp, Sứ đồ Phao-lô gọi Đức Chúa Jesus là Cứu Chúa của các công dân trên thiên quốc (Phi-líp 3:20). Trong Tít 2:13, Sứ đồ Phao-lô đã gọi Đức Chúa Jesus là Cứu Chúa của chúng ta. Tương tự, trong bức thư gởi cho các Hội Thánh tại vùng Tiểu Á, Sứ đồ Phi-e-rơ cũng gọi Đức Chúa Jesus là Cứu Chúa (II Phi-e-rơ 1:1, 1:11, 2:20, 3:2, 3:18)
Như đã trích dẫn ở trên, một số câu Kinh Thánh trong Tân Ước chép rằng Đức Chúa Trời là Cứu Chúa, một số câu Kinh Thánh khác lại chép rằng Đức Chúa Jesus cũng là Cứu Chúa; do đó những người mới làm quen với Kinh Thánh có thể thắc mắc: Như vậy ai là Cứu Chúa? Có phải các tác giả viết Tân Ước đã mâu thuẩn với nhau hay không?
Thật ra, không phải là như vậy. Kinh Thánh cho biết: Đức Chúa Jesus và Đức Chúa Trời chỉ là một (Giăng 10:30). Trong phần mở đầu Phúc Âm Giăng, Sứ đồ Giăng cho biết Đức Chúa Jesus cũng chính là Đức Chúa Trời (Giăng 1:1). Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus là hiện thân của Đức Chúa Trời khi Ngài sống trong thế gian này cách đây 2000 năm. Vì vậy, thành ngữ Đức Chúa Trời là Cứu Chúa và Đức Chúa Jesus là Cứu Chúa có cùng một ý nghĩa trong Kinh Thánh Tân Ước. Để làm sáng tỏ điều này, Sứ đồ Phao-lô đã ghi rõ trong cùng một vài phân đoạn trong Tân Ước rằng cả Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus đều được gọi là Cứu Chúa. Trong bức thư gởi cho Tít, một mục sư trẻ đang hầu việc Chúa tại đảo Chíp-rơ, Sứ đồ Phao-lô nói rõ rằng một trong những mục đích trong sự hầu việc Chúa của ông đó là giúp cho những người tin Chúa được thông hiểu lẽ thật (Tít 1:1-2). Một trong những lẽ thật mà người tin Chúa cần biết đó là Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus là Cứu Chúa của nhân loại: “Ta, Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Trời và sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, để đưa các người được chọn của Đức Chúa Trời đến đức tin và sự thông hiểu lẽ thật, là sự sanh lòng nhân đức, trông cậy sự sống đời đời, là sự sống mà Đức Chúa Trời không thể nói dối đã hứa từ muôn đời về trước, tới kỳ chỉ định, Ngài đã bày tỏ lời của Ngài ra bởi sự giảng dạy, là sự ta đã chịu giao phó theo mạng lịnh Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta, gởi cho Tít, là con thật ta trong đức tin chung: Nguyền xin con được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, là Cha, và bởi Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa chúng ta!” (Tít 1:3-4). Trong phần mở đầu của bức thư gởi cho Tít, Sứ đồ Phao-lô đã ghi rõ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus đều là Cứu Chúa. Tương tự, Sứ đồ Phao-lô đã lập lại điều này trong (Tít 3:4-7): “Nhưng từ khi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta, và tình thương yêu của Ngài đối với mọi người ta đã được bày ra, thì Ngài cứu chúng ta, không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh mà Ngài đã rải ra trên chúng ta cách dư dật bởi Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa chúng ta; hầu cho chúng ta nhờ ơn Ngài được xưng công bình, trở nên con kế tự của Ngài trong sự trông cậy của sự sống đời đời.”
Bên cạnh những lời giải thích của các tác giả viết Tân Ước cho biết Đức Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời và Ngài được gọi là Cứu Chúa, là Đấng Giải Cứu, và là Đấng Cứu Thế, Kinh Thánh còn cho biết chính các thiên thần đã nói rõ Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế. Khi thiên sứ Gáp-ri-ên đến báo tin cho Ma-ri rằng cô sẽ cưu mang một Hài Nhi, thiên sứ Gáp-ri-ên đã nói: “Hỡi Ma-ri! Đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jesus“ (Lu-ca 1:30-31). Trong nguyên văn Hy Lạp, danh hiệu Jesus được viết là Ἰησοῦς. Đây là cách viết theo phiên âm Hy Lạp của chữ ישוע (Yeshua) trong tiếng Hebrew có nghĩa là Đức Giê-hô-va giải cứu. Ma-ri và Giô-sép là người đang sống tại Na-xa-rét, thuộc vùng Ga-li-lê, ở phía bắc của nước Do Thái. Theo các học giả Do Thái, dân cư tại vùng Ga-li-lê không phát âm âm “ua” ở cuối chữ Yeshua, cho nên dân cư tại vùng Ga-li-lê đã gọi Đức Chúa Jesus là Yeshu thay vì Yeshua như những địa phương khác tại Do Thái. Vì vậy tên của Đức Chúa Jesus đã được viết là Ἰησοῦς trong tiếng Hy Lạp, và được dịch thành Jesus trong tiếng Anh và Pháp. Vì vậy, ý nghĩa của danh hiệu Jesus có nghĩa là Đấng Giải Cứu. Đây cũng chính là điều mà thiên sứ đã nói với Giô-sép: “Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jesus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:21).
Chúa Giải Cứu Ai
Kinh Thánh Cựu Ước cho biết Đức Chúa Trời cứu giúp những người cầu xin Ngài. Đức Chúa Trời đã cứu giúp những người như Gia-cốp (32:11-12), Môi-se (Xuất 18:3-4). Kinh Thánh Cựu Ước cũng cho biết Đức Chúa Trời giải cứu dân Do Thái là tuyển dân của Ngài khỏi ách nô lệ tại Ai Cập (Xuất 3:8; 14:30; 15:1-2; 18:9-10; Phục Truyền 7:8; Các Quan Xét 2:18; I Sa-mu-ên 7:12). Đức Chúa Trời giải cứu những người bị hoạn nạn (Gióp 36:15), những người gặp cảnh khốn cùng (Thi Thiên 18:27). Kinh Thánh cũng cho biết Đức Chúa Trời giải cứu những người có tấm lòng ngay thẳng (Thi Thiên 7:10), giải cứu những người công chính (Thi Thiên 34:17). Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất đó là Đức Chúa Trời cũng giải cứu những người có tội (Gióp 22:30). Kinh Thánh nói thêm Đức Chúa Trời cứu giúp những người có lòng ăn năn thống hối (Thi Thiên 34:18), ….
Dân Do Thái là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Niềm tin của người Do Thái dựa trên Cựu Ước. Dựa vào Kinh Thánh Cựu Ước, người Do Thái tin rằng Đấng Cứu Tinh, tức là Đấng Messiah mà Đức Chúa Trời đã hứa, sẽ đến và Ngài sẽ giải cứu dân tộc của họ.
Tuy nhiên, Kinh Thánh Tân Ước cho biết trong đêm Đức Chúa Jesus giáng sinh, các thiên thần đã thông báo cho những người chăn chiên rằng: “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa.” (Lu-ca 2:10-11). Chữ “muôn dân” trong Bản Dịch Kinh Thánh Truyền Thống (1925) trong nguyên văn Hy Lạp là “tất cả các dân tộc”. Các thiên thần cho biết: Đấng Cứu Thế đã giáng sinh không phải chỉ để giải cứu một dân tộc Do Thái, nhưng Ngài sẽ giải cứu mọi dân tộc. Vì vậy danh hiệu Σωτήρ trong tiếng Hy Lạp được dịch là Đấng Cứu Thế, nghĩa là Đấng Giải Cứu thế nhân, tức là mọi người trên thế giới.
Đặc biệt, Đức Chúa Jesus đã đến để giải cứu những người có tội. Kinh Thánh cho biết: “Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jesus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:21). Sứ đồ Phao-lô đã ghi lại một sự thật đáng buồn đó là không có một người nào trên thế giới này không phạm tội: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Bởi vì cả nhân loại đều phạm tội, cho nên Đức Chúa Jesus phải đến để giải cứu cho cả nhân loại (Giăng 3:16). Vì vậy, Đức Chúa Jesus đã được gọi là Đấng Cứu Thế (Giăng 4:42; I Giăng 4:14). Ngài là Đấng giải cứu cả thế giới.
Giải Cứu Khỏi Điều Gì
Trong Cựu Ước, Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời đã giải cứu con người khỏi hoạn nạn và nguy hiểm (I Sa-mu-ên 10:19; II Sa-mu-ên 4:9), khỏi nguy hại từ chính miệng của mình (Gióp 5:15), khỏi những người tranh cạnh (II Sa-mu-ên 22:44), khỏi những kẻ phản nghịch (II Sa-mu-ên 18:28; 18:31), khỏi những kẻ thù (II Sa-mu-ên 7:11; II Các Vua 20:6; Thi Thiên 18:48 ), khỏi những người rình rập hãm hại (E-xơ-ra 8:31), khỏi bệnh hiểm nghèo (II Các Vua 20:6), khỏi đói kém, giặc giã, nguy hiểm (Gióp 5:20), khỏi sự chết (I Các Vua 1:29), khỏi tai họa (II Sử-ký 7:14), khỏi các dân tộc áp bức mình (Các Quan Xét 6:8-9; 10:11; II Các Vua 20:6), …. Dựa vào Kinh Thánh Cựu Ước, người Do Thái tin rằng Đấng Cứu Tinh sẽ đến và Ngài sẽ giải cứu dân tộc của họ khỏi cảnh lầm than và khỏi sự áp bức của ngoại bang (Ê-sai 53).
Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời đã không làm theo điều người Do Thái kỳ vọng. Đức Chúa Trời không đơn thuần giải quyết những bất hạnh hay những áp bức mà người Do Thái, hay mỗi người trong chúng ta, đang gánh chịu; bởi vì nếu làm như vậy Đức Chúa Trời chỉ giải quyết hệ quả của vấn đề. Kinh Thánh cho biết căn nguyên của những bất hạnh xảy đến cho loài người là tội lỗi. Do đó, Đức Chúa Trời giải quyết vấn đề từ cội rễ, đó là giải cứu con người khỏi tội lỗi. Vì vậy, Đức Chúa Jesus đã đến thế gian để cứu loài người ra khỏi tội lỗi: “Vì chính Con Trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:21).
Tất cả những tổ phụ của mọi dân tộc trên thế giới này, đều do Đức Chúa Trời tạo dựng, cho nên mọi dân tộc đều thuộc về Ngài. Có một câu hỏi được đặt ra: Đức Chúa Jesus cứu mọi dân tộc khỏi tội lỗi là cứu như thế nào? Sứ đồ Phao-lô đã trả lời câu hỏi đó như sau.
Trước hết, Đức Chúa Jesus đã cứu loài người khỏi hệ quả của tội lỗi.
Hệ quả đầu tiên khi loài người phạm tội đó là phải nhận lãnh sự chết. Khi A-đam và Ê-va còn sống trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời đã căn dặn họ đừng nên ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác, bởi vì nếu họ ăn, họ sẽ chết (Sáng Thế Ký 3:2-3). Tuy nhiên ma quỷ quỷ quyệt đã dối gạt A-đam và Ê-va. Ma quỷ đã nói với ông bà rằng họ sẽ không chết cho dù họ có ăn trái cấm, nhưng ngược lại trái cấm sẽ làm cho họ khôn ngoan bằng với Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 3:4-5). Ê-va và A-đam đã nghe theo lời của ma quỷ và đã ăn trái cấm (Sáng Thế Ký 3:6).
Ê-va và A-đam đã không chết ngay lúc đó, nhưng thật ra họ đã chọn nhận lãnh sự chết từ lúc đó. Kinh Thánh cho biết trước khi loài người phạm tội, thần linh của Đức Chúa Trời ngự trong thân thể của loài người. Tuy nhiên, sau khi loài người phạm tội và cứ tiếp tục sống trong tội lỗi, thần linh của Đức Chúa Trời đã lìa khỏi loài người. Kể từ đó loài người chỉ có thể sống đến 120 năm mà thôi (Sáng Thế Ký 6:3-5). Thêm vào đó, Đức Chúa Trời không còn cho A-đam và Ê-va có cơ hội ăn trái cây của sự sống đời đời nữa (Sáng Thế Ký 3:22). Vì vậy, cuối cùng loài người đã nhận lãnh sự chết đúng như Đức Chúa Trời đã phán.
Giống như một người đi làm sẽ nhận được tiền công của mình; khi loài người chọn làm theo tội lỗi, loài người sẽ nhận được tiền công của tội lỗi là sự chết. Trong khi loài người bất lực không thể giải quyết được hậu quả của tội lỗi do chính mình đã gây ra, Đức Chúa Trời đã ban cho loài người một phương cách để giải quyết vấn đề: đó là đón nhận sự giải cứu của Ngài như là một món quà được trao tặng cho loài người qua Đức Chúa Jesus. Sứ đồ Phao-lô viết: “Thật vậy, tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta “ (Rô-ma 6:23). Qua câu Kinh Thánh đó, Sứ đồ Phao-lô đã tóm lược một sứ điệp quan trọng đã được ghi lại trong Phúc Âm Giăng đó là: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu.” (Giăng 3:16-17). Câu Kinh Thánh này nhấn mạnh đến hai điều. Thứ nhất, động lực khiến Đức Chúa Trời giải cứu loài người là vì Ngài yêu thương loài người. Thứ hai, mục đích Đức Chúa Jesus giáng sinh xuống thế gian là để cứu nhân loại và ban sự sống đời đời cho những người tin nhận Ngài chứ không phải để xét xử nhân loại.
Hệ quả thứ hai sau khi con người phạm tội đó là bị xa cách với Đức Chúa Trời. Đây chính là sự chết về phần tâm linh. Kinh Thánh cho biết trước khi A-đam và Ê-va phạm tội, họ thường xuyên gặp gỡ và trò chuyện với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sau khi phạm tội, do xấu hổ, A-đam và Ê-va đã trốn không muốn gặp Đức Chúa Trời nữa (Sáng Thế Ký 3:7-8). Và sau đó, khi họ đã thú nhận tội lỗi, Đức Chúa Trời không cho phép A-đam và Ê-va tiếp tục sống trong khu vườn mà Ngài đã tạo dựng cho họ (Sáng Thế Ký 3:23). Kể từ đó, tội lỗi đem loài người càng ngày càng xa cách với Đức Chúa Trời hơn, và thậm chí loài người đã trở thành thù nghịch với Đức Chúa Trời. Giống như trong quan hệ gia đình, khi hai người đã chính thức từ bỏ nhau, người này xem người kia như đã chết dù rằng người kia vẫn sống. Sự phân rẽ giữa loài người với Đức Chúa Trời là biểu tượng của sự chết trong tâm linh.
Tuy nhiên, khi Đức Chúa Jesus đến, Ngài đã đem loài người trở lại trong mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết: “Bởi vì lúc chúng ta còn là kẻ thù, chúng ta đã được hòa giải với Đức Chúa Trời nhờ sự chết của Con Ngài, thì bây giờ đã được hòa giải rồi, chúng ta càng được cứu nhờ sự sống của Con Ngài là thế nào. Không những thế, chúng ta còn hân hoan trong Đức Chúa Trời bởi Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, nhờ Ngài mà bây giờ chúng ta đã được sự hòa giải” (Rô-ma 5:10-11). Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng nhờ sự chết của Đức Chúa Jesus, loài người đã được hòa giải với Đức Chúa Trời và được sống vui thỏa trong mối tương giao với Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa, loài người còn nhận được sự sống từ Đức Chúa Jesus.
Thứ hai, Đức Chúa Jesus đã cứu loài người khỏi quyền lực của tội lỗi.
Một trong những lý do khiến loài người không thể nào tự cứu chính mình đó là bị khống chế bởi quyền lực của tội lỗi. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus không chỉ cứu loài người khỏi hệ quả của tội lỗi, nhưng Ngài còn ban cho họ một khả năng để đắc thắng tội lỗi. Sứ đồ Phao-lô cho biết con người vốn dễ sa vào tội lỗi do chìu theo bản ngã của xác thịt, hay còn gọi luật lệ của tội lỗi. Tuy nhiên, những người thật sự tin theo Đức Chúa Jesus sẽ được Ngài cho một khả năng để đắc thắng tội lỗi, đó là sống theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Sứ đồ Phao-lô đã viết: “Như vậy, hiện nay không còn sự kết án nào dành cho những người ở trong Ðức Chúa Jesus Christ, tức là những người không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Thánh Linh; bởi vì luật của Thánh Linh – Ðấng ban sự sống trong Ðức Chúa Jesus Christ – đã giải thoát anh em khỏi luật của tội lỗi và sự chết. Bởi vì điều gì luật pháp bất lực – do xác thịt làm cho suy yếu – Ðức Chúa Trời đã làm rồi. Ngài đã sai chính Con Ngài đến trong thân xác giống như xác thịt tội lỗi, và để giải quyết tội lỗi, Ngài đã đoán phạt tội lỗi trong thân xác đó, nhằm hoàn tất đòi hỏi của luật pháp trên chúng ta, là những người không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Thánh Linh. Những người sống theo xác thịt không thể làm đẹp lòng Ðức Chúa Trời. Thật vậy! Những ai theo xác thịt, hướng tâm trí vào những việc thuộc về xác thịt; những ai theo Thánh Linh, hướng tâm trí vào những việc thuộc về Thánh Linh. Do đó, việc hướng tâm trí vào xác thịt đưa đến sự chết, nhưng hướng tâm trí vào Thánh Linh dẫn đến sự sống và bình an” (Rô-ma 8:1-7).
Làm Thế Nào Để Nhận Sự Cứu Rỗi Của Chúa
Kinh Thánh cho biết sự cứu rỗi là quà tặng của Đức Chúa Trời. Chúa không đòi hỏi loài người thực hiện một công đức nào để nhận được sự cứu rỗi của Ngài. “Bởi vì nhờ ân điển, và bởi đức tin, mà anh em được cứu; điều đó không đến từ anh em, nhưng là tặng phẩm của Ðức Chúa Trời; và điều đó không phải là thành quả của việc làm cho nên không ai có thể tự hào” (Ê-phê-sô 2:8-9).
Kinh Thánh cho biết mỗi người có thể nhận sự cứu rỗi của Chúa bằng thức hiện bốn điều căn bản sau đây:
- Nhìn nhận mình là một tội nhân trước mặt Chúa.
2. Quyết định ăn năn và từ bỏ những tội lỗi của mình.
3. Tin Đức Chúa Jesus là Đấng đã chết để đền tội thay cho chính mình.
4. Tiếp nhận Đức Chúa Jesus vào lòng và đời sống của mình qua một lời cầu nguyện với Chúa.
Nếu bạn chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus, bạn có thể thưa với Ngài lời cầu nguyện sau:
“Đức Chúa Jesus kính yêu! Con biết rằng con là một người có tội. Con cần sự cứu rỗi của Ngài. Con tin rằng Ngài đã chết thay cho những tội lỗi của con. Con xin Ngài tha thứ những tội lỗi của con. Giờ đây, con mời Ngài ngự vào tấm lòng và cuộc đời của con. Xin Ngài làm Cứu Chúa và làm Chủ cuộc đời của con. Con muốn từ bỏ những tội lỗi của con. Xin Chúa giúp con tin cậy và bước đi theo Ngài. Con cầu nguyện trong danh của Đức Chúa Jesus. Muốn thật hết lòng – A-men.”
Kinh Thánh cho biết: “Ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu “ (Rô-ma 10:13). “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16-17). “Vì vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jesus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu” (Rô-ma 10:9).
Kinh Thánh cũng cho biết người tin nhận Chúa sẽ được ban cho đặc quyền để trở thành con của Ngài. “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12). Là con của Chúa bạn có thể trực tiếp tương giao với Chúa qua lời cầu nguyện, và bạn có thể tham gia vào cộng đồng những người đã tin Chúa để họ có thể giúp bạn trong những bước đầu theo Chúa.
Lược trích từ Những Danh Hiệu và Biểu Tượng của Đức Chúa Jesus – Phước Nguyên.
Đọc thêm: Đấng Christ
Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (2)