Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Tìm Hiểu: Những Mẫu Chuyện Về Gà Trong Thánh Kinh

Tìm Hiểu: Những Mẫu Chuyện Về Gà Trong Thánh Kinh

Những Mẫu Chuyện Về Gà Trong Thánh Kinh

Gà là một loài gia cầm. Theo các nhà nghiên cứu, giống gà được nuôi làm gia súc hiện nay (Gallus gallus domesticus) là một trong những chi tộc của giống gà rừng lông đỏ (Gallus gallus) sống tại vùng Nam Á và Đông Nam Á.  Những chi tộc khác của giống gà rừng này là gà Đông Dương (Gallus gallus gallus), gà Việt Nam (Gallus gallus jabouillei), gà Nam Dương (Gallus gallus bankiva), gà Miến Điện (Gallus gallus spadiceus), và gà Ấn Độ (Gallus gallus murghi).

Từ khu vực Nam Á và Đông Nam Á, gà đã được du nhập vào vùng Trung Đông cách đây khoảng 4000 năm.  Một số tài liệu khảo cổ cho thấy gà đã có mặt tại Syria, vùng đất nằm phía bắc của nước Do Thái, khoảng 2000 năm trước khi Chúa giáng sinh. Một thời gian sau, gà đã được mang vào Ai Cập. Một ký thuật được ghi lại trong văn bia của vua Thutmose III, trị vì tại Ai Cập từ 1458 – 1438 T.C., có nhắc đến một loài chim đẻ trứng mỗi ngày, và giống chim này được du nhập từ Syria.  Một di tích khảo cổ khác đã vẽ cảnh gà đá tại Ai Cập vào khoảng năm 1400 T.C.. Những tài liệu khảo cổ này phù hợp với những ghi nhận về gà trong Thánh Kinh.

Trứng Gà

Gióp có lẽ là người đầu tiên trong Kinh Thánh nhắc đến trứng gà. Kinh Thánh đã ghi lại một câu nói của Gióp như sau: “Thức ăn lạt lẽo sao không nêm muối? Tròng trắng trứng gà đâu có mùi vị gì?” (Gióp 6:6). Chữ חַלָּמֽוּת׃ בְּרִ֣יר trong nguyên văn Hebrew được dịch là tròng trắng của trứng, nhưng không nói rõ là trứng của loài nào.  Tuy nhiên, dựa vào các tài liệu lịch sử, và cho đến nay chỉ có gà là loài đẻ trứng nhiều nhất và là loài có trứng được dùng làm thức ăn nhiều nhất, cho nên một số bản dịch Việt ngữ đã dịch là “tròng trắng trứng gà”.

eggs_01

Gióp đã thốt lên câu nói trên giữa lúc ông gặp nhiều đau khổ: mười đứa con của ông gặp tai nạn qua đời cùng một lúc, Gióp mất hết tài sản, thân thể bị bệnh hoạn, bị những người bạn thân nhất hiểu lầm, và bị vợ ruồng bỏ.  Lúc đó, cuộc sống đối với Gióp thật nhạt nhẽo không còn ý vị gì nữa.

Trong văn hóa xa xưa, trứng là biểu tượng cho cuộc sống. Gióp đã nói rằng cuộc đời nhạt nhẽo như tròng trắng của trứng đó cần có muối.   Muối đem lại vị đậm đà cho thức ăn.

Trong văn hóa Trung Đông, việc hai người ăn muối chung với nhau là hành động thể hiện sự cam kết và gắn bó.  Trong Thánh Kinh, muối là biểu tượng về sự chung thủy, sự trung thành, sự thanh tẩy, sự chính trực và sự cảm thông.  Đức Chúa Trời truyền cho dân Do Thái khi dâng của lễ chay phải bỏ thêm muối (Lê-vi-ký 2:13; Ê-xê-chi-ên 43:24) để nhắc họ về sự cam kết gắn bó với Ngài.  Kinh Thánh cũng cho biết “giao ước bằng muối” là giao ước vĩnh viễn không thay đổi (Dân Số Ký 18:19; II Sử Ký 13:5).  Trẻ em mới sinh được xát muối không phải chỉ để thanh tẩy mà thôi nhưng còn mang ý nghĩa là đứa bé sẽ được nuôi dạy để sống chính trực và thành thật (Ê-xê-chi-ên 16:3). Trong Tân Ước, người tin Chúa được khuyên phải nói những lời “ân hậu, được nêm thêm muối” (Cô-lô-se 4:6).

Cuộc sống trên đất, dưới sự điều hành của Sa-tan, đã đem lại những tang tóc, mất mát, bệnh tật, oan ức, phản bội cho Gióp.  Muối của sự cảm thông, chính trực, chung thủy, trung thành, và thanh tẩy là điều Gióp cần trong lúc đó. Những phẩm chất cao đẹp đó cũng chính là điều mà Đức Chúa Jesus muốn người tin Chúa cần đem đến cho thế giới này: “Các ngươi là muối của đất” (Ma-thi-ơ 5:13).  Trong khi Sa-tan muốn cho cuộc sống của nhiều người bị băng hoại, Đức Chúa Jesus muốn những người tin Chúa loan truyền những điều tốt đẹp và góp phần xây dựng những đổ vỡ đó.

Gà Mẹ

Một hình ảnh thứ hai rất quen thuộc và liên quan đến gà được nhắc đến trong Thánh Kinh là hình ảnh gà mẹ ấp ủ con trong cánh của mình.  Gà mẹ ấp ủ con từ khi con còn trong trứng cho đến những ngày thơ ấu. Ban ngày, gà mẹ dẫn các con đi, tìm thức ăn cho con và canh chừng những nguy hiểm cho các con.  Khi biết có những loài khác như chồn, cáo, diều hâu, rắn rình rập muốn bắt các con của mình, gà mẹ gọi các con trở về và che chở các con dưới cánh.  Ban đêm, gà mẹ ấp ủ các con nhỏ dưới cánh của mình.  Cánh của gà mẹ là nơi vừa ấm, vừa êm, vừa an toàn cho những chú gà con giữa bóng đen dày đặt đầy nguy hiểm của đêm khuya.

chicken_01

Do loài gà đã được nuôi phổ biến tại vùng Trung Đông gần 4000 năm qua, cho nên hình ảnh gà mẹ ấp ủ con rất quen thuộc với người Do Thái.  Tác giả của những Thi Thiên đã dùng hình ảnh gà mẹ che con dưới cánh để mô tả tình yêu, sự quan tâm và sự bảo vệ của Đức  Chúa Trời dành cho loài người: “Đức Chúa Trời ôi! Sự nhân từ của Chúa quí biết bao! Con cái loài người nương náu mình dưới bóng cánh của Chúa.” (Thi Thiên 36:7). Và do đó, khi người tin Chúa đối diện với nguy nan, họ thường cầu xin Chúa chở che: “Xin Chúa bảo hộ con như con ngươi của mắt; xin ấp ủ con dưới bóng cánh của Chúa.” (Thi Thiên 17:8). Tác giả Thi Thiên cho biết, Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương và Thành Tín.  Như gà mẹ che chở cho đàn con, Đức Chúa Trời che chở cho những người nương dựa nơi Ngài: “Ngài sẽ lấy lông Ngài mà che chở ngươi, và dưới cánh Ngài, ngươi sẽ được nương náu mình; sự chân thật Ngài là cái khiên và cái can của ngươi.” (Thi Thiên 92:4).

Có những người rất thực tế, họ đến nương dựa nơi Chúa lúc gian nguy, nhưng lìa Ngài khi những nguy hiểm đã qua: “Đức Chúa Trời ôi! Xin thương xót con! Xin thương xót con bởi vì linh hồn con nương náu nơi Chúa. Vâng, con nương náu dưới bóng cánh của Chúa cho đến khi tai họa đã qua.” (Thi Thiên 57:1). Tuy nhiên cũng có những người khác biết được phước hạnh và giá trị của Chúa, họ muốn được ở trong Chúa lâu dài: “Tôi sẽ ở trong trại Chúa mãi mãi, nương náu mình dưới cánh của Chúa.” (Thi Thiên 61:4).

Có những người lìa xa Chúa ra đi, nhưng cũng có những người sau những kinh nghiệm đau thương mất mát trong đời đã quay về cùng Cứu Chúa của mình.  Na-ô-mi, một phụ nữ Do Thái, là một người như vậy.  Khi có nạn đói xảy ra, Na-ô-mi cùng chồng và hai con rời Bết-lê-hem sang quốc gia khác để kiếm sống.  Sau nhiều năm sống nơi xứ người, chồng và hai con trai của Na-ô-mi qua đời; gia đình chỉ còn lại ba phụ nữ góa bụa. Vì không còn nơi nương tựa nơi xứ lạ quê người, Na-ô-mi quyết định quay về quê hương và nhà Chúa, mặc dù trong lòng bà vẫn buồn phiền, cay đắng, và giữ  tâm trạng oán trách Chúa.  Tuy nhiên, Chúa vẫn yêu thương bà và Ngài có chương trình tốt đẹp cho Na-ô-mi.

Một trong hai con dâu của Na-ô-mi là Ru-tơ đã quyết định rời bỏ quê hương của mình để theo Na-ô-mi về Giu-đa.  Ru-tơ đã nói: “Dân tộc của mẹ là dân tộc của con.  Đức Chúa Trời của mẹ là Đức Chúa Trời của con” (Ru-tơ 1:16).  Trong khi Na-ô-mi miễn cưỡng trở về, Ru-tơ đã cương quyết tìm đến với Đấng Toàn Năng.  Đó là lý do tại sao khi Bô-ô, một điền chủ tại Bết-lê-hem, khi gặp Ru-tơ, đã nói:  “Nguyện Đức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; nàng đã đến núp dưới cánh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn” (Ru-tơ 2:12).

Những người chân thành tìm đến với Chúa không bị thất vọng.  Sau đó Ru-tơ đã tìm được tình yêu và lập một mái ấm gia đình mới.  Nỗi sầu thảm cay đắng của Na-ô-mi theo thời gian đã trở thành niềm vui ngọt ngào, giống như tên gọi của bà. Còn Ru-tơ, nàng đã trở thành tổ mẫu của vua Đa-vít, là dòng họ mà Đức Chúa Jesus đã sinh ra đời.  Như bao nhiêu người đã tìm cầu đến Chúa, Ru-tơ có thể hát tôn ngợi Chúa rằng: “Vì Chúa đã giúp đỡ con; dưới bóng cánh của Chúa, con sẽ vui mừng” (Thi Thiên 63:7).

Dưới cánh Chúa có đầy sự bình an và vui mừng, nhưng cũng có những người kiêu hãnh, cứng lòng, chống nghịch Chúa, không cần những điều đó.  Đó là thái độ của dân cư Giê-ru-sa-lem cách đây gần 2000 năm.  Đức Chúa Jesus đã nói với họ như sau: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các tiên tri và ném đá những người được sai đến với ngươi! Bao nhiêu lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ gọi con đến và ấp che dưới cánh, nhưng các ngươi không chịu” (Lu-ca 13:34; Ma-thi-ơ 23:37).  Như gà mẹ luôn canh chừng, quan sát những tai họa sắp xảy ra cho đàn con, gọi các con về để che chở, Đức Chúa Jesus biết trước những điều người La Mã sắp làm cho Giê-ru-sa-lem, Ngài kêu gọi dân Giê-ru-sa-lem quay về với Ngài để được giải cứu.  Tuy nhiên, dân cư Giê-ru-sa-lem đã khước từ lời mời gọi của Chúa, chẳng những vậy họ còn đóng đinh Ngài.  Năm 70 S.C., quân đội La Mã đã san bằng thủ đô Giê-ru-sa-lem và dân chúng Giê-ru-sa-lem bị tàn sát.  Người Do Thái bị mất nước, quốc gia của họ bị người ngoại quốc cai trị; như gà con mất mẹ, họ phải sống tản lạc khắp thế giới. Người Do Thái chỉ tái lập quốc gia trở lại vào năm 1948 sau gần 19 thế kỷ lưu vong.  Họ đã một giá rất đắt vì đã khước từ cơ hội cứu rỗi mà Chúa dành cho họ.

Gà gáy

Bên cạnh hình ảnh gà mẹ che chở cho con, Kinh Thánh cũng nhắc đến gà trống.  Kinh Thánh Cựu Ước mô tả gà trống như sau: “gà trống bước đi cách hiên ngang” (Châm Ngôn 30:31).  Thái độ tự mãn và kiêu hãnh là một đặc điểm của gà trống.  Một trong những đặc điểm khác của gà trống là biết gáy.  Đức Chúa Jesus đã dùng những đặc điểm này để nhắc nhở Phi-e-rơ, một môn đệ thân cận của Chúa.

RedJunglefowl_01

Gà rừng (Gallus gallus)

Trước đêm Đức Chúa Jesus bị bắt, Ngài báo trước cho tất cả các môn đệ của Ngài rằng họ sẽ lìa bỏ Ngài. Phi-e-rơ đã hứa với Chúa rằng dầu mọi người lìa bỏ Chúa, ông sẽ không bao giờ lìa bỏ Ngài.  Ðức Chúa Jesus nói với Phi-e-rơ: “Quả thật, Ta nói với ngươi, chính đêm nay, trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối Ta ba lần” (Ma-thi-ơ 26:34).  Phi-e-rơ đã thưa lại với Chúa rằng: “Dù con phải chết với Thầy, con sẽ không chối Thầy đâu.” Không phải chỉ một mình Phi-e-rơ hứa điều đó, nhưng tất cả các môn đồ đều hứa như vậy (Ma-thi-ơ 26:34).

Vài giờ sau, khi người Do Thái đến bắt Đức Chúa Jesus tại vườn Ghết-sê-ma-nê, Phi-e-rơ, hào hùng như một chú gà trống, đã chống trả lại.  Ông rút gươm chém đứt tai một người đến bắt Chúa.  Sau đó, Đức Chúa Jesus bảo ông dừng tay và Ngài chữa lành cho người bị thương tích đó.  Lúc Chúa bị dẫn đi, Phi-e-rơ theo Chúa với một khoảng cách khá xa.

Trời đêm lạnh.  Những người đứng bên ngoài nơi xét xử đã đốt một đống lửa để sưởi ấm.  Vì cần sưởi ấm, Phi-e-rơ đã đến với họ.  Tại đây, ông đã chối Chúa ba lần (Mác 14:66-72; Ma-thi-ơ 26:69-75; Lu-ca 22:54-62; Giăng 18:15-18, 25-27).  Phúc Âm Lu-ca ghi lại giây phút đó như sau: “Khi Phi-e-rơ còn đang nói, ngay lúc đó, một con gà cất tiếng gáy. Chúa quay lại nhìn Phi-e-rơ. Phi-e-rơ nhớ lại lời Chúa đã nói với ông, “Hôm nay, trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối không biết Ta ba lần.” Ông đi ra và khóc lóc đắng cay.” (Lu-ca 22:60-62).

Sau khi Chúa bị bắt, Phi-e-rơ hoang mang như sống giữa bóng đêm. Tiếng gà gáy đã làm Phi-e-rơ thức tỉnh. Tiếng gà gáy đã đánh thức Phi-e-rơ, giúp ông nhận biết những sai lầm mình đã làm, nhưng ánh mắt ái từ của Chúa là yếu tố đã giúp ông vượt qua những dằn vặt tội lỗi đó để ăn năn, quay về cùng Ngài.

Tiếng gà gáy là dấu hiệu để thức tỉnh.  Không phải chỉ một mình Phi-e-rơ cần thức tỉnh, nhưng mọi người tin nhận Ngài cần thức tỉnh.  Sau khi Đức Chúa Jesus hy sinh, Ngài đã sống lại và về trời.  Chúa đã báo trước cho các môn đồ của Chúa rằng Ngài sẽ trở lại để đem những người tin nhận Chúa về với Ngài.  Chúa đã dặn các môn đồ như sau: “Vậy hãy thức canh, vì các ngươi không biết khi nào chủ nhà sẽ về; có thể là hoàng hôn, nửa khuya, lúc gà gáy, hay bình minh” (Mác 13:35).

Năm mới cùng nhau ôn lại vài câu Kinh Thánh liên hệ đến gà để nhắc chúng ta về sự mong manh của những giá trị trong cuộc đời, để nhận biết tình yêu và sự chở che của Chúa, và để tỉnh thức sống đẹp lòng Chúa và nghênh đón ngày Chúa trở lại.  Như Na-ô-mi và Phi-e-rơ, nếu bạn đã có lần lầm lỡ trong cuộc đời, hãy trở về với Chúa.  Đức Chúa Trời từ ái yêu thương đang chờ đón bạn.  Ngài sẽ phục hồi và ban phước cho bạn.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành (2017)
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top