Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Tìm Hiểu: Chiên Con Của Đức Chúa Trời

Tìm Hiểu: Chiên Con Của Đức Chúa Trời

AgnusDei

Chiên Con Của Đức Chúa Trời

Chiên Con của Đức Chúa Trời là một danh hiệu được dùng để chỉ về Đức Chúa Jesus. Giăng Baptist là người đầu tiên, và cũng là người duy nhất, dùng danh hiệu này trong Kinh Thánh. Khi các học giả Do Thái từ Jerusalem đến gặp Giăng Baptist, ông đã giới thiệu Đức Chúa Jesus cho họ như sau: “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” (Giăng 1:29). Sáng ngày hôm, Giăng Baptist cũng dùng danh hiệu đó để giới thiệu Đức Chúa Jesus cho hai môn đệ của ông (Giăng 1:36).

Trong nguyên văn Hy Lạp, danh hiệu Chiên Con của Đức Chúa Trời được viết là Αμνός του Θεού.  Trong tiếng Latin, danh hiệu này được viết là Agnus Dei.

Nguồn Gốc

Chiên là loài gia súc phổ biến tại vùng Trung Đông.  Chiên được ghi nhận là một trong những loài vật được nuôi làm gia súc đầu tiên (Sáng Thế Ký 4:4). Trong văn hóa Do Thái, chiên rất gần gũi với người (II Sa-mu-ên 12:1-6, Ê-sai 40:11).

Mặc dầu Thánh Kinh Cựu Ước không dùng thành ngữ Chiên Con của Đức Chúa Trời, tuy nhiên hình ảnh chiên con được dùng làm vật sinh tế rất quen thuộc đối với người Do Thái.

A-bên là người đầu tiên đã dâng chiên làm lễ vật cho Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 4:4).  Kinh Thánh không nói rõ vì sao A-bên dâng chiên; tuy nhiên người Do Thái tin rằng nguồn gốc của việc A-bên dâng chiên bắt nguồn từ việc A-đam và Ê-va phạm tội.

Sau khi ăn trái cấm, kiến thức đầu tiên A-đam và Ê-va nhận biết là sự trần truồng của mình; do đó, họ đã lấy lá vả che thân (Sáng Thế Ký 3:7). Lá vả không phải là một loại vật liệu tốt để làm quần áo. Khi nắng lên, lá khô cuốn lại, sự xấu hổ của hai người bị bày tỏ.  Đức Chúa Trời thương A-đam và Ê-va nên Ngài đã lấy da thú kết thành áo dài cho hai người mặc (Sáng Thế Ký 3:23).

Hành động dùng lá che thân tiêu biểu cho việc loài người cố gắng dùng những nổ lực riêng của mình để giải quyết vấn đề tội lỗi.  Tuy nhiên, giải pháp mà loài người thực hiện đó không giá trị đối với Chúa. Trước ánh sáng của mặt trời công nghĩa chói lọi, sự xấu hổ của con người lại lộ ra. Tiên tri Ê-sai ghi nhận: “Mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá” (Ê-sai 64:6). Tiên tri Ê-sai giải thích: những nỗ lực tạo sự công nghĩa riêng của loài người chỉ là một chiếc áo dơ bẩn, rách rưới, không có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời.  Vì tình thương, Đức Chúa Trời đã ban một giải pháp để giải quyết vấn đề, đó là chiếc áo dài bằng da. Chiếc áo mà Đức Chúa Trời ban cho A-đam và Ê-va được may từ da của một con thú đã hy sinh.

Mặc dù ký thuật trong sách Sáng Thế Ký không nói rõ con thú bị giết để lấy da để làm áo cho A-đam và Ê-va là con vật gì, nhưng người Do Thái tin rằng đó là con chiên. Lẽ ra A-đam và Ê-va phải chết vì tội lỗi của họ (Sáng Thế Ký 3:2), nhưng một con chiên đã bị giết thay cho họ. Điều đó giải thích lý do vì sao A-bên dâng chiên làm vật sinh tế.  A-bên đã dâng chiên để bày tỏ lòng biết ơn Chúa, và hành động đó đã được Đức Chúa Trời vui nhận (Sáng Thế Ký 4:4).  Trong Khải Huyền 13:8, thành ngữ “Chiên Con bị giết từ buổi sáng thế”  liên hệ đến câu chuyện này.  Tác giả sách Khải Huyền đã dùng thành ngữ đó để chỉ về Đức Chúa Jesus.  Đức Chúa Jesus là Chiên Con bị giết từ buổi sáng thế để giải quyết hậu quả của tội lỗi mà tổ phụ loài người đã gây ra.

Hình ảnh chiên chết thay cho người được ghi rõ hơn trong Sáng Thế Ký chương 22. Đức Chúa Trời muốn thử đức tin của Áp-ra-ham nên đã yêu cầu ông dâng con ruột của mình là Y-sác làm vật sinh tế cho Chúa.  Áp-ra-ham tin cậy Chúa và vâng lời Ngài; tuy nhiên  Áp-ra-ham không nói rõ sự thật với Y-sác nhưng chỉ nói rằng hãy cùng cha đi dâng sinh tế cho Chúa.  Trên đường đến núi Mô-ri-a nơi dâng tế lễ, Y-sác đã hỏi: “Củi và lửa đã sẵn sàng, nhưng chiên con ở đâu để dâng tế lễ?”  Áp-ra-ham trả lời: “Con ơi!  Chính Đức Chúa Trời sẽ chu cấp.”   Đến nơi, Áp-ra-ham trói Y-sác, đặt trên đống củi, rút dao chuẩn bị giết con trai ruột của mình. Khi đó, thiên sứ của Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham ngừng tay. Ngài chỉ cho Áp-ra-ham một con chiên đực đang mắc sừng trong bụi cây, mà Chúa đã chuẩn bị sẵn.  Thay vì giết Y-sác, con trai của mình,  Áp-ra-ham đã giết con chiên đó làm vật sinh tế cho Chúa.

Ngoài những câu chuyện trên, có một sự kiện quan trọng mà người Do Thái hiểu rất rõ ý nghĩa của việc chiên chết thay cho người và đem lại sự giải phóng cho dân tộc họ.  Theo lịch sử của Do Thái, người Do Thái phải làm nô lệ tại Ai Cập trong suốt hơn 400 năm. Cuộc sống của họ vô cùng khốn khổ. Trong nỗi khốn cùng, người Do Thái cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu.  Đức Chúa Trời đã lắng nghe lời cầu xin của họ; Ngài can thiệp để  Pha-ra-ôn, vua của Ai Cập, cho người Do Thái được tự do. Rất tiếc, Pha-ra-ôn cứng lòng không vâng theo mạng lệnh của Chúa nên Đức Chúa Trời phải giáng mười tai họa xuống đất nước Ai Cập.

Trong tai họa thứ mười, các thiên thần được lệnh đến từng nhà giết con trai đầu lòng và súc vật đầu lòng trong cả nước Ai Cập.  Để cứu con trai của người Do Thái, Đức Chúa Trời truyền cho người Do Thái hãy giết một con chiên hoặc con dê một tuổi, lấy huyết của con vật đó bôi trên ngạch cửa.  Khi các thiên thần thi hành nhiệm vụ trừng phạt thấy dấu hiệu này trên cửa nhà của người Do Thái, các thiên thần sẽ vượt qua – không một con trai hoặc súc vật đầu lòng nào, tại các gia đình đã vâng theo lời Chúa, bị hủy diệt (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-28).  Để tạ ơn Đức Chúa Trời đã giải cứu họ khỏi cảnh nô lệ và cứu con trai họ khỏi bị giết, người Do Thái kỷ niệm lễ Vượt Qua hằng năm.  Truyền thống này được gìn giữ hơn 3000 năm qua và vẫn còn cho tới ngày hôm nay.

Bên cạnh việc dâng chiên mỗi năm một lần vào dịp lễ Vượt Qua, mỗi ngày tại đền thờ Jerusalem hai con chiên được dâng làm của lễ thiêu (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38-42).   Ngoài ra, người Do Thái cũng dâng chiên để làm lễ chuộc tội cho mỗi cá nhân (Lê Vi Ký 4:32).

Ý Nghĩa

Trong niềm tin của người Do Thái, ý nghĩa của việc dâng chiên gắn liền với sự hy sinh, sự chuộc tội, và sự giải phóng. Để giúp cho người Do Thái hiểu rõ vấn đề cách chính xác hơn, Tiên tri Ê-sai đã tóm tắt những ý nghĩa đó và đã giải thích rằng tất cả những nghi thức thờ phượng của người Do Thái trong việc dâng chiên làm sinh tế, cùng ý nghĩa của những điều đó, chỉ là biểu tượng về Đấng Cứu Thế sẽ đến.  Ngài sẽ hy sinh như một con chiên chết thay cho tội lỗi cho dân Ngài. Tiên tri Ê-sai viết như sau:

4. Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. 5. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. 6. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người. 7. Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng. ……. 10. ….. Sau khi đã dâng mạng sống người làm tế chuộc tội, người sẽ thấy dòng dõi mình; những ngày người sẽ thêm dài ra, và ý chỉ Đức Giê-hô-va nhờ tay người được thạnh vượng. 11. Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình, và lấy làm thỏa mãn. Tôi tớ công bình của ta sẽ lấy sự thông biết về mình làm cho nhiều người được xưng công bình; và người sẽ gánh lấy tội lỗi họ. 12. …. người đã đổ mạng sống mình cho đến chết, đã bị kể vào hàng kẻ dữ, đã mang lấy tội lỗi nhiều người, và cầu thay cho những kẻ phạm tội. (Ê-sai 53:4-11).

Lúc Giăng Baptist giới thiệu Đức Chúa Jesus là Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi,” những người Do Thái nghe ông hiểu rất rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của điều Giăng Baptist muốn nói: Đức Chúa Jesus chính là Đấng Cứu Thế, là Đấng mà Tiên tri Ê-sai đã dự ngôn. Đức Chúa Jesus sẽ hy sinh gánh thay tội lỗi cho nhiều người.

Lời công bố của Giăng Baptist cũng nhấn mạnh hai vấn đề rất quan trọng cần được lưu ý.  Thứ nhất, Đức Chúa Jesus không phải là chiên con của một gia đình, chiên con của quốc gia Do Thái, nhưng là Chiên Con của Đức Chúa Trời.  Đức Chúa Jesus đã thuận phục hy sinh theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, chứ không phải theo ý của một cá nhân, một gia đình hay một dân tộc.  Thứ hai, Đức Chúa Jesus không chỉ chết cho một cá nhân, hoặc chỉ cho dân Do Thái, nhưng Ngài chết thay cho cả nhân loại.

Sau khi nghe lời giới thiệu của Giăng Baptist, hai môn đệ của Giăng Baptist đã theo Đức Chúa Jesus. Một trong hai người đó là Anh-rê, về sau đã trở thành môn đệ của Chúa.

Niềm Tin Cơ Đốc

Mặc dầu Giăng Baptist không tự nhận là một tiên tri, nhưng lời công bố “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi”  của ông chính là một lời tiên tri.  Hơn hai năm sau khi Giăng Baptist công bố điều này, Đức Chúa Jesus đã bị giết vào ngày lễ Vượt Qua.  Sự hy sinh của Chúa không những chỉ mang lại sự giải phóng cho người Do Thái, nhưng cho mọi người khắp nơi trên thế giới, đúng như Giăng Baptist đã viết.

Trong niềm tin Cơ Đốc,  Sứ Đồ Phao Lô giải thích rằng Đức Chúa Jesus chính là con chiên của lễ Vượt Qua (I Cô-rinh-tô 5:7).  Sứ Đồ Phi-e-rơ cho biết người tin Chúa đã được thánh hóa nhờ huyết của Đức Chúa Jesus, là Chiên Con đã được chuẩn bị sẵn từ trước khi sáng thế (I Phi-e-rơ 1:18-20).

Khi hoạn quan của Nữ hoàng Ê-thi-ô-pi thắc mắc về ý nghĩa lời Tiên tri Ê-sai 53:7-8 viết về hình ảnh Chiên Con của Đấng Cứu Thế, chấp sự Phi-líp đã giải thích ý nghĩa của chân lý này liên hệ đến Đức Chúa Jesus.  Sau đó, vị quan hiểu, tin Chúa, và chịu thánh lễ báp-têm.

Sách Khải Huyền nhắc đến danh hiệu Chiên Con 28 lần. Chiên Con là Đấng có Mười Hai Sứ Đồ (Khải Huyền 21:14). Chiên Con đã từng bị giết, và là Đấng có quyền mở sách và bảy ấn trên thiên đàng (Khải Huyền 5:1-14).  Những người tin Chúa sẽ đến trình diện trước Đức Chúa Trời và Chiên Con.  Họ sẽ được Chiên Con chăn dắt và hướng dẫn (Khải Huyền 7:1-17; 14:1-5).         

Trong các Giáo hội Cơ Đốc thờ phượng theo nghi thức truyền thống như Lutheran, Anh Quốc giáo và Công giáo, tôn ngợi Chiên Con (Agnus Dei) là một phần của nghi thức và là bài hát ca ngợi trong thánh lễ thờ phượng.

Tóm Tắt

Chiên Con của Đức Chúa Trời chính là Đức Chúa Jesus.  Theo Thánh Kinh, Đức Chúa Jesus là Đấng đã hy sinh gánh thay tội lỗi cho cả nhân loại.  Điều này đã được hoạch định trước buổi sáng thế và được mặc khải từ lúc sáng thế.  Đức Chúa Jesus đã đến thế gian để thực hiện chương trình cứu rỗi đó cách đây hai ngàn năm.  Người tin Chúa tri ân sự hy sinh cứu chuộc của Đức Chúa Jesus và trông mong ngày gặp lại Chiên Con của Đức Chúa Trời trên thiên đàng.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành
Tháng 1/2013

Tựa đề: You Are My All In All
Sáng tác:  Dennis Jernigan
Trình bày: Gaither Vocal Band

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top