Tìm Hiểu: Ý Nghĩa Những Chữ Chó Trong Thánh Kinh
Tìm Hiểu Ý Nghĩa Những Chữ Chó Trong Thánh Kinh
Chó là loài gia súc rất quen thuộc với người. Chó được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, chữ chó không chỉ được dùng để mô tả loài chó nhà dễ thương mà chúng ta biết ngày nay, nhưng còn được dùng để chỉ một giống chó chưa được thuần hóa, và cũng để mô tả một số người không tốt.
Vài đặc điểm của chó
Kinh Thánh cho biết chó là một loại gia súc được người nuôi. Chó thường sủa khi thấy người hay thú lạ (Xuất Ê-díp-tô Ký 11:7); vì vậy chó được dùng trong việc canh giữ bầy chiên (Gióp 30:1).
Chó sủa báo hiệu sự bất an; ngược lại, nơi nào không có tiếng chó sủa hàm ý nơi đó có sự bình an. Đây chính là ý mà Đức Chúa Trời đã truyền cho Môi-se loan báo cho vua Pha-ra-ôn biết. Trong đêm thiên sứ của Chúa sẽ đến hủy diệt các con đầu lòng của người Ai Cập, cả nước Ai Cập sẽ than khóc bởi vì tang tóc diễn ra khắp nơi; tuy nhiên tại chỗ của người Do Thái trú ngụ sẽ không có một tiếng chó sủa, dù là sủa người hay sủa thú vật. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự khác biệt trong cách đối xử của Đức Chúa Trời với dân Do Thái là những người thuộc về Chúa, và với người Ai Cập là những người chống đối mạng lệnh của Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 11:7).
Kinh Thánh cho biết chó có thói quen ăn những vật dơ bẩn. Chó liếm ghẻ chốc (Lu-ca 16:21), liếm máu người (II Các Vua 22:38), liếm lại điều nó đã mửa ra (Châm Ngôn 26:11), và ăn xác chết (I Các Vua 21:23-24).
Do chó có những thói quen ăn này, người Do Thái liệt chó vào loài ô uế. Vì vậy, Kinh Thánh cho biết bất kể một người Do Thái đã hứa nguyện dâng cho Chúa điều gì, họ không được phép dùng tiền bán một con chó rồi đem dâng số tiền đó cho Chúa để hoàn trả sự hứa nguyện của mình (Phục Truyền 23:18). Lễ vật dâng cho Chúa từ một nguồn ô uế như vậy không được chấp nhận.
Vài ý nghĩa căn bản
Do chó ăn những vật dơ bẩn, cho nên các dân tộc sống ở vùng Cận Động đã dùng chữ “chó” để mô tả khái niệm bẩn thỉu (liếm ghẻ chốc), hung bạo (liếm máu người), dại dột (liếm lại đồ đã mửa), và man rợ (ăn xác chết).
Đặc điểm liếm máu người và ăn xác chết của một số chó được ghi lại trong Thánh Kinh Cựu Ước dường như là đặc điểm của những con chó hoang hoặc của một loài chó chưa được thuần hóa. Những con chó thuộc loài nầy thường tụ tập thành từng bầy đi lòng vòng, đặc biệt là vào ban đêm, tìm kiếm những gì chúng có thể ăn nuốt được (Thi Thiên 59:2-7). Chữ “chó” đi kèm với những đặc điểm như vậy được dùng để chỉ những người hiệp nhau hãm hại người khác, hoặc những người dùng vũ lực để giết người. Áp-ne, quan tổng binh của vua Sau-lơ, đã dùng chữ “đầu chó” để mô tả vị trí lãnh đạo của những người như vậy (II Sa-mu-ên 3:8).
Việc chó ăn xác chết và liếm huyết người chết là một hành động man rợ, cho nên người nào chết, không được chôn, nhưng bị chó ăn thịt hoặc liếm huyết, thì đó là một hình phạt rất nặng.
Giê-sa-bên là một hoàng hậu độc ác, tham lam, và tàn bạo. Bà đã lập mưu sai người cáo gian để giết Na-bốt và cướp đoạt tài sản của người này. Hoàng hậu Giê-sa-bên đã khuyến khích chồng mình là vua A-háp thờ tà thần, và bà đã ra lệnh truy lùng và giết hại rất nhiều tiên tri của Chúa. Tiên tri Ê-li đã công bố hình phạt cho Hoàng hậu Giê-sa-bên và gia đình của bà như sau: “Chó sẽ ăn thịt Giê-sa-bên tại thành lũy Gít-rê-ên. Phàm người thuộc về nhà A-háp, kẻ nào chết tại trong thành sẽ bị chó ăn; còn kẻ nào chết trong đồng sẽ bị chim trời rỉa ăn” (I Các Vua 21:23-24). Giê-sa-bên về sau đã bị một tướng của vua A-háp giết và sự trừng phạt đã xảy ra đúng như lời Tiên tri Ê-li đã công bố. Vua A-háp ra trận bị tên bắn trúng chết. Chó đã liếm máu vua A-háp khi thi hài của ông được mang về để chôn cất (I Các Vua 22:38). Dòng dõi hai vua khác của Y-sơ-ra-ên là Giê-rô-bô-am (I Các Vua 14:11) và Ba-sê-a (I Các Vua 16:4), là những vua đã cai trị trước vua A-háp, cũng từng bị Chúa trừng phạt như vậy. Tại vương quốc phía nam, do tội ác của vua Ma-na-se, một số người Giu-đa cũng bị chó xé xác (Giê-rê-mi 15:2-4).
Bởi vì chó là loài vật không thanh sạch, cho nên người Do Thái không xem trọng loài chó; và do đó, chữ chó còn được dùng để diễn tả khái niệm thấp hèn. Ý nghĩa này được ghi lại trong sách Gióp. Khi Gióp gặp thử thách phải mất hết của cải, con cái, sự nghiệp mà ông đã có trước đó, Gióp đã thốt lên rằng có nhiều người trẻ tuổi đã đến nhạo báng ông, mà cha của những người đó trước kia không đáng để ông xếp chung với những con chó canh giữ bầy chiên của ông (Gióp 30:1).
Gô-li-át, một tướng lĩnh của dân Phi-li-tin, đã dùng chữ chó trong ý nghĩa thấp hèn khi nói chuyện với Đa-vít: “Ta có phải là một con chó mà ngươi cầm gậy đến cùng ta” (I Sa-mu-ên 17:73).
Người Do Thái là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Vì người Do Thái là một dân tộc thánh được biệt riêng ra cho Chúa, cho nên Đức Chúa Trời truyền cho họ không được ăn thịt thú vật đã bị thú dữ cắn xé – là những vật đã bị ô uế – nhưng hãy quăng thịt đó cho chó ăn (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:31).
Người Do Thái cho rằng những dân tộc ngoại quốc là những dân tộc không thanh sạch. Bởi vì chữ chó diễn tả khái niệm không thanh sạch, cho nên chữ chó còn được người Do Thái dùng để gọi người ngoại quốc.
Ha-xa-ên, một cận thần của vua Bên Ha-đát, đã dùng chữ chó với hai cả ý nghĩa “thấp hèn” và “người ngoại quốc” khi ông nói chuyện với Tiên tri Ê-li-sê.
Bên Ha-đát, vua nước Sy-ri, bị đau nặng. Vua Bên Ha-đát đã cử Ha-xa-ên, một tướng tin cậy của mình, sang Do Thái gặp Tiên tri Ê-li-sê để xin tiên tri cho biết bệnh tình của mình sẽ như thế nào. Khi nhìn thấy Ha-xa-ên, Tiên tri Ê-li-sê đã bật khóc bởi vì Đức Chúa Trời cho Tiên tri Ê-li-sê biết rằng sau này Ha-xa-ên sẽ thay Bên Ha-đát làm vua Si-ry, và Ha-xa-ên sẽ tấn công tàn phá nhiều thành lũy và sẽ giết hại rất nhiều người Do Thái trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Khi nghe Tiên tri Ê-li-sê cho biết điều đó, Ha-xa-ên đã trả lời với vẻ khiêm tốn, nói rằng: “Tôi tớ ngài là ai? Tôi chẳng qua chỉ là một con chó” – nghĩa là một người ngoại quốc, một kẻ thấp hèn – “làm sao tôi có thể làm những việc lớn lao như vậy?” Tuy nhiên, ngay sau khi về nước, Ha-xa-ên đã giết chết chủ của mình là Bên Ha-đát tiếm ngôi để trở thành vua của nước Sy-ri (II Các Vua 8:7-15). Sau này, Ha-xa-ên đã làm đúng những gì mà Đức Chúa Trời đã báo cho tiên tri Ê-li-sê biết.
Chó biểu tượng cho sự thấp hèn, tuy nhiên một con chó còn sống vẫn hơn là một sư tử đã chết. Sách Truyền Đạo chép: “con chó sống hơn là sư tử chết” (Truyền Đạo 9:4).
Con chó, dù còn sống, đã là biểu tượng cho sự thấp hèn, cho nên con chó đã chết thì lại càng thấp hèn hơn. Đa-vít đã dùng khái niệm này để trình bày về chính mình khi thuyết phục vua Sau-lơ hãy tỉnh ngộ, đừng truy tìm để giết Đa-vít nữa: “Vua của Y-sơ-ra-ên kéo ra đánh ai? Cha đuổi theo ai? Một con chó chết! Một con bọ chét!” (I Sa-mu-ên 24:15).
Tương tự, Mê-phi-bô-sết, một người bị tàn tật từ thuở nhỏ, cũng dùng danh từ “con chó chết” để diễn tả địa vị rất thấp hèn của mình khi ông được vua Đa-vít cho phép được trọn đời ăn chung bàn với nhà vua (II Sa-mu-ên 9:8).
Khi danh từ “chó chết” được dùng cho một người khác chứ không phải là người đang nói, danh từ đó mang tính miệt thị nặng nề. Xê-ru-gia, một viên tướng của vua Đa-vít, đã gọi Si-mê-i, người đã nguyền rủa vua Đa-vít khi vua phải chạy trốn là một “con chó chết” (II Sa-mu-ên 16:9).
Kinh Thánh hai lần dùng hình ảnh của chó để minh họa sự thiếu khôn ngoan.
Một người thiếu khôn ngoan là người thích tranh cãi những chuyện không liên hệ gì với mình. Sách Châm Ngôn nói rằng hành động thiếu khôn ngoan đó chẳng khác nào như nắm tai của một con chó dữ (Châm Ngôn 26:17). Hậu quả sẽ khó lường.
Người thiếu khôn ngoan thường lập lại những điều dại dột mà mình đã làm. Châm Ngôn so sánh hành động này như việc chó liếm lại đồ nó đã mửa ra: “Kẻ ngu muội làm lại việc ngu dại mình, khác nào con chó đã mửa ra, rồi liếm lại” (Châm Ngôn 26:11).
Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc đến một số người trước khi biết Chúa đã từng sống trong sự sa đọa. Sau khi hiểu biết Chúa và được Chúa giải cứu, họ thay đổi; nhưng một thời gian sau, họ quay lại nếp sống cũ. Sứ đồ Phi-e-rơ đã trích dẫn câu châm ngôn nói trên và nói rằng những người như vậy không khác nào “Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn” (II Phi-e-rơ 2:10-22).
Biểu tượng cho những hạng người không tốt
Kinh Thánh dùng chữ “chó” để mô tả một số loại người không tốt.
Chó sống theo bản năng loài vật; con người phải cư xử khác hơn loài chó, đặc biệt là những người được trao cho những trách nhiệm quan trọng. Sách Các Quan Xét thuật lại câu chuyện Ghi-đê-ôn được Chúa chọn để lãnh đạo người Do Thái chiến đấu với người Ma-đi-an để giành độc lập cho người Do Thái. Khi nghe Ghi-đê-ôn kêu gọi, ba mươi hai ngàn người Do Thái đã theo ông chuẩn bị ra trận. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã nói với Ghi-đê-ôn rằng số người đó đông quá, hãy truyền cho những người nào sợ hãi hãy trở về nhà. Hai mươi hai ngàn người Do Thái khi nghe điều này đã trở về nhà của minh.
Đức Chúa Trời nói với Ghi-đê-ôn rằng mười ngàn người còn lại vẫn còn quá đông. Đức Chúa Trời truyền cho Ghi-đê-ôn ra lệnh cho những người đó đến bờ sông uống nước, và rồi Đức Chúa Trời sẽ chỉ cho ông biết ai là người Ngài sẽ chọn để cùng ông ra trận.
Đức Chúa Trời truyền cho Ghi-đê-ôn hãy biệt riêng những người liếm nước như chó và quỳ gối xuống uống nước, để họ qua một bên; còn những người nào dùng tay vốc nước uống hãy để qua một phía khác. Trong số mười ngàn, chỉ có 300 người dùng tay vốc nước uống. Những người này được Đức Chúa Trời chọn cùng đi với Ghi-đê-ôn để làm công việc Chúa. 9700 người còn lại dù nhiệt thành và can đảm nhưng thiếu tư cách, Chúa đã truyền cho họ trở về nhà (Các Quan Xét 7:1-8).
Tác giả Thi Thiên 22 mô tả những kẻ hung ác, như những bầy chó vây quanh tác giả. Chúng xâu xé tay và chân của tác giả (Thi Thiên 22:16). Tác giả cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu mình khỏi bầy chó hung ác như sư tử đó (Thi Thiên 22:19-21).
Tác giả Thi Thiên 59:1-17 mô tả những kẻ làm ác là kẻ thù của tác giả. Họ như bầy chó hoang ban đêm tru tréo đi tìm những gì có thể ăn nuốt được (Thi Thiên 59:6; 14-15). Miệng lưỡi của những người đó sắc bén như gươm, đầy những lời nguyền rủa (Thi Thiên 59:7). Những người đó hung hăng, hội hiệp nhau, rình rập, tìm cách giết hại người khác (Thi Thiên 59:2-5). Tác giả cầu xin Chúa bảo hộ mình (Thi Thiên 59:1), và tin cậy Chúa giải cứu mình khỏi những con người như vậy (Thi Thiên 59:8-11;16-17).
Trong Cựu Ước, Tiên tri Ê-sai mô tả những người lãnh đạo thiếu trách nhiệm là những con chó (Ê-sai 56:9-12). Trong khi chó thường được nuôi để làm phận sự canh giữ và một trong những trách nhiệm căn bản của loài chó là biết sủa khi thấy những kẻ gian ác đến gần; Tiên tri Ê-sai nói rằng một số lãnh đạo của người Do Thái đã đui mù, họ không có khả năng nhận thấy được những gì đang xảy ra (Ê-sai 56:10). Một số lãnh đạo khác như những con chó câm. Những người này thấy được nhưng quá sợ hãi nên không thể lên tiếng. Những lãnh đạo đó như những con chó già nua, sống trong mơ, chỉ biết nằm và thích ngủ (Ê-sai 56:10). Dầu vậy, những con chó này rất mê ăn và ăn không biết no. Dầu họ không phải là những người thông sáng, nhưng mỗi người đều có cách riêng của mình, tìm kiếm tư lợi cho mình. Mọi lãnh đạo đều làm như vậy (Ê-sai 56:11). Hơn thế nữa, họ thích nhậu, và cứ nhậu triền miên hết ngày này sang ngày khác (Ê-sai 56:12). Trước thực tế của một quốc gia có những lãnh đạo như vậy, bất kể loài thú nào, dù là thú đồng hay thú rừng, cũng có thể đến tấn công (Ê-sai 56:9).
Trong Tân Ước, Sứ đồ Phao-lô nói rằng ông không ngần ngại nhắc nhở các tín hữu tại Hội Thánh Phi-líp hãy coi chừng những loài chó trong Hội Thánh (Phi-líp 3:2). Sứ đồ Phao-lô liệt kê những người này chung với những người làm việc gian tà và những người chịu cắt bì giả. Tác giả sách Khải Huyền trong chương cuối cùng của Kinh Thánh cho biết những người cư xử giống như loài chó đó sẽ không được vào nước thiên đàng (Khải Huyền 22:15).
Những sự dạy dỗ của Đức Chúa Jesus
Khác với quan niệm phổ thông của người Do Thái, hình ảnh của chó thường liên hệ với những điều tiêu cực, Đức Chúa Jesus nhắc đến chó với ý nghĩa tích cực hơn.
Người phụ nữ Ca-na-na cầu xin Đức Chúa Jesus cứu giúp
(Toulouse, Musee des Augustins)
Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại mạng lệnh của Đức Chúa Trời truyền cho người Do Thái hãy ban thịt của con vật đã bị thú dữ xé xác – là thịt đã bị ô uế – cho chó ăn (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:31). Trong Tân Ước, Phúc Âm Ma-thi-ơ 7:6 chép thêm “đừng cho chó những vật thánh”. Tuy nhiên, Phúc Âm Ma-thi-ơ (15:22-28) đã thuật lại câu chuyện khi Đức Chúa Jesus đến vùng Si-đôn và Ty-rơ để giảng cho những người Do Thái sống tha hương tại đó; có một phụ nữ ngoại quốc, người Ca-na-an, đã đến gặp Đức Chúa Jesus xin Chúa chữa cho con gái của bà đang bị quỷ ám.
Đức Chúa Jesus đã thử đức tin và thái độ của người phụ nữ này. Trước hết, Chúa cho bà biết mục đích Ngài đến khu vực này chỉ vì Chúa muốn giúp những người Do Thái đang sống tản lạc tại đây mà thôi (Ma-thi-ơ 15:24). Sau đó, Đức Chúa Jesus nói tiếp: “Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn.” (Ma-thi-ơ 15:26).
Câu nói của Chúa dường như có vẻ tàn nhẫn, lạnh lùng, và mang tính miệt thị. Người phụ nữ này có thể hiểu rằng phước hạnh (bánh) mà Đức Chúa Trời dành cho người Do Thái (con cái) không thể phung phí (quăng) cho dân ngoại (chó con). Bà không thể trông mong nhận được những điều chỉ dành cho những đứa con trong gia đình, trong khi bà không phải là một thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời.
Một người tự trọng sẽ rất khó chịu khi bị người ta gọi mình là chó. Một người kính trọng Đức Chúa Jesus sẽ kinh ngạc và thắc mắc tại sao Chúa lại dùng những lời như vậy. Tuy nhiên, người phụ nữ Ca-na-an này đã không cảm thấy bị xúc phạm trước câu nói của Chúa. Bà không quan tâm đến từ ngữ mang tính miệt thị mà người Do Thái thường dùng – và Chúa đã cố tình sử dụng để thử bà. Bà cũng không dám thay đổi chương trình và ý định của Đức Chúa Trời ban phước cho người Do Thái. Tuy nhiên, bà thành khẩn khiêm cung trông chờ sự thương xót và lòng nhân từ của Chúa. Bà đã thưa với Đức Chúa Jesus rằng: “Lạy Chúa, thật như vậy, nhưng mấy con chó con ăn những mảnh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống” (Ma-thi-ơ 15:27).
Trước tấm lòng thành khẩn, khiêm cung, cùng với đức tin của người phụ nữ Ca-na-an, Đức Chúa Jesus đã chữa lành cho con gái của bà. Đức Chúa Jesus khen người phụ nữ này: “Ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn!” Và tác giả Phúc Âm Ma-thi-ơ đã viết tiếp: “Cũng một giờ đó, con gái người liền được lành” (Ma-thi-ơ 15:28). Trong khi người Do Thái xem thường loài chó, chỉ cho chó những vật ô uế; Đức Chúa Jesus đã đuổi uế linh khỏi con gái của người phụ nữ ngoại quốc này, và ban bánh thánh khiết của Đức Chúa Trời cho gia đình này.
Phúc Âm Lu-ca 16:19-31 ghi lại câu chuyện mà Đức Chúa Jesus đã kể trong đó có nhắc đến một con chó. Đức Chúa Jesus kể rằng có một người nhà giàu ăn mặc sang trọng và ăn uống sung sướng. Trước cửa nhà của người giàu này, có một người nghèo tên là La-xa-rơ. La-xa-rơ bị bệnh, mình mẩy đầy ghẻ chốc. La-xa-rơ mong ước được ăn những thức ăn thừa từ bàn của người nhà giàu rơi xuống, nhưng không được người nhà giàu cho. Tâm trạng của La-xa-rơ dường như có điểm tương đồng với ước nguyện của người phụ nữ người Ca-na-an: mong ước nhận được một chút phước hạnh mà những người khác có thật dư thừa.
Đức Chúa Jesus lưu ý những người nghe Ngài kể chuyện rằng: trong khi người giàu đối xử hờ hững lạnh lùng với người nghèo, thì có một con chó đã đến bên cạnh liếm ghẻ của La-xa-rơ – như để xoa dịu nỗi đau của ông.
Trong phần kết của câu chuyện, Đức Chúa Jesus cho biết La-xa-rơ được lên thiên đàng và người giàu bị đem xuống âm phủ.
Hai nhân vật trong câu chuyện Đức Chúa Jesus đã kể có hai địa vị thật khác nhau. Người nhà giàu sống trong danh vọng và cao trọng; trong khi đó, La-xa-rơ, người nghèo phải sống chung với chó. Người Do Thái cho rằng sư tử là loài đẹp đẽ, hùng mạnh, và cao quý, còn chó là loài thấp hèn. Câu chuyện Đức Chúa Jesus kể đã nhắc người nghe ý nghĩa của câu châm ngôn đã được ghi lại trong sách Truyền Đạo: “con chó sống hơn là sư tử chết” (Truyền Đạo 9:4). Một người có thể bị khinh miệt trong đời này nhưng kết cuộc người đó nhận được sự sống đời đời thì tốt hơn là những người sống giàu sang cao trọng trong đời này nhưng phải chết đời đời trong hỏa ngục.
Tóm Lược
Chữ chó được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh vừa để chỉ loài chó nhà vừa để chỉ một giống chó chưa được thuần hóa. Những đặc điểm không tốt của chó được dùng để mô tả một loại số người khác nhau, tùy theo mối quan hệ với người dùng chữ này. Trong khi người Do Thái dùng chữ chó để bày tỏ sự khinh miệt, Đức Chúa Jesus dạy rằng nhiều người bị xem là thấp hèn trong đời này, nhưng nếu họ có đức tin thì ân điển cùng sự sống đời đời của Đức Chúa Trời cũng sẽ được ban cho họ.
Phước Nguyên
Thư Viện Tin Lành (2018)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.