Cùng Học Kinh Thánh: Phi-líp 3:7-11
Cùng Học Kinh Thánh
Phi-líp 3:7-11
Câu Hỏi Gợi Ý
- Có bao giờ bạn bằng lòng hy sinh rất nhiều điều tốt đẹp của bạn chỉ vì bạn muốn có được một ai đó hay không? Bạn đã hy sinh những gì? Người đó như thế nào mà bạn bằng lòng hy sinh tất cả những điều tốt đẹp đó?
Câu Hỏi Thảo Luận
- Trong quan niệm của người đời, những điều được liệt kê trong câu 3:5-6 là những lợi điểm (3:5-6). Tuy nhiên, Sứ đồ Phao-lô đã xem những điều đó là gì (3:7b)? Tại sao ông lại quan niệm như vậy (3;7a)?
- Một trong những lý do khiến Sứ đồ Phao-lô xem tất cả những gì mà ông đã có là những điều thua thiệt, bởi vì có những điều khác tốt đẹp hơn rất nhiều. Điều gì đối với Sứ đồ Phao-lô mới là điều có quan trọng nhất (3:8a; Giê-rê-mi 9:23-24; II Phi-e-rơ 1:3)? Vì Đấng Christ, Sứ đồ Phao-lô đã chấp nhận điều gì (3:8b)? Ông đã so sánh giá trị của những gì mà ông đã có trước khi biết Chúa với điều gì (3:8c)? Trong nguyên văn Hy Lạp, chữ “rơm rác” (BD1925) hay “những vật phế thải” (BDVN) trong câu 3:8c có nghĩa là “phân” – tức là những vật nhơ bẩn, hôi thối, thừa thải, cần được loại bỏ. Theo bạn, tại sao Sứ đồ Phao-lô lại dùng từ ngữ “mạnh” như vậy để mô tả tất cả những gì mà ông đã có, khi đem chúng so sánh với sự nhận biết Đức Chúa Jesus?
- Lý do thứ hai khiến Sứ đồ Phao-lô không đánh giá cao những vinh dự mà ông đã có trong quá khứ là gì (3:9)? Tại sao việc một người được “tìm thấy ở trong Chúa” là quan trọng (3:9a)? Xin cho biết bốn đặc điểm của sự công chính mà Sứ đồ Phao-lô đã mô tả trong câu (3:9)? Quan điểm của luật pháp về sự công chính là gì (3:9b; Rô-ma 10:5)? Kinh Thánh nói gì về sự công chính được ban cho bởi đức tin nơi Đức Chúa Jesus (3:9d; Rô-ma 10:6-13)? Kinh Thánh nói gì về sự công chính là sự ban cho của Đức Chúa Trời (3:9e; Thi Thiên 71:15-16; Ê-sai 45:24-25; Rô-ma 3:21-22; I Cô-rinh-tô 1:30)? Kinh Thánh nói gì về sự công chính được ban cho bởi Đức Chúa Trời và chúng ta có thể nhận lãnh bởi đức tin (3:9f; Ha-ba-cúc 2:4; Rô-ma 1:17; Ga-la-ti 3:11)?
- Theo Sứ đồ Phao-lô, việc hiểu biết Đấng Christ chỉ là một khởi điểm trong cuộc đời của người tin Chúa (3:10a). Xin cho biết ba bước trong hành trình của một người theo Chúa mà Sứ đồ Phao-lô đã nhắc đến là gì (3:10b-11)? Kinh Thánh nói gì về sự hiệp thông trong sự thống khổ của Đức Chúa Jesus (3:10b, 1:29-30, Công Vụ 9:16; Rô-ma 8:17)? Kinh Thánh nói gì về việc giống như Ngài trong sự chết (3:10c; Rô-ma 6:5, 8:36; Ga-la-ti 6:17)? Kinh Thánh nói gì về sự sống lại của người tin Chúa (3:11; Rô-ma 6:4; Ga-la-ti 2:20; Công Vụ 26:7; I Cô-rinh-tô 15:23; Khải Huyền 20:5-6)?
Câu Hỏi Suy Gẫm
- Sứ đồ Phao-lô cho biết sự nhận biết Đức Chúa Jesus là điều vô cùng cao quý. Sự hiểu biết của bạn về Đức Chúa Jesus đang ở mức độ nào: a. Như một trẻ sơ sinh (I Phi-e-rơ 2:2) b. Như một ấu nhi (I Cô-rinh-tô 3:1-2; Hê-bơ-rơ 5:12-13) c. Như một thiếu nhi (I Giăng 2:14) c. Như một thiếu niên (Truyền Đạo 11:9-10; I Cô-rinh-tô 13:11) d. Như một người trưởng thành (Ê-phê-sô 4:13) e. Như một người chín chắn có mối quan hệ riêng tư mật thiết với Chúa (Giăng 17:3)? Nếu bạn chưa đạt đến mức hiểu biết của một người trưởng thành, bạn cần làm gì?
- Bạn hiểu biết về Đức Chúa Jesus như thế nào? Nếu có ai hỏi bạn về Đức Chúa Jesus, bạn có thể trả lời cho người đó cách thỏa đáng hay không? Nếu có, bạn sẽ trình bày như thế nào? Nếu không, bạn cần làm gì? Tại sao?
- Có rất nhiều phương cách để thông công trong sự thương khó với Đức Chúa Jesus. Một trong những điều đó là dự thánh lễ Tiệc Thánh. Đức Chúa Jesus đã thiết lập lễ Tiệc Thánh để chúng ta “thông công trong sự thương khó của Ngài” (3:10), và rồi dự phần trong việc “rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (I Cô-rinh-tô 11:26). Bạn đã dự Tiệc Thánh bao nhiêu lần? Bao nhiêu lần bạn đã thực hiện trách nhiệm “rao sự chết của Chúa” cho những người chưa biết Chúa?
- Trong phân đoạn Kinh Thánh này, Sứ đồ Phao-lô đã nhắc đến việc “giống như Chúa trong sự chết” (3:10) để rồi ông có thể kinh nghiệm quyền năng phục sinh của Chúa trên cuộc đời của mình (3:11). Trong thư Ga-la-ti, Sứ đồ Phao-lô cho biết ông đã chết nếp sống cũ của mình và đang sống một cuộc đời mới cho Chúa (Ga-la-ti 2:20). Bạn đã thật sự chết con người cũ của mình hay chưa? Bạn có đang kinh nghiệm quyền năng phục sinh của Chúa trên đời sống của bạn hay không? Nếu không, theo bạn tại sao?
Kinh Thánh: Phi-líp 3:7-11
Bản Dịch Việt Ngữ
- Tuy nhiên, vì Đấng Christ, những điều vốn là lợi ích cho tôi thì tôi xem những điều này như là thiệt hại. 8. Nhưng thật ra còn hơn thế nữa, tôi cũng xem mọi sự như là thiệt hại bởi vì sự nhận biết Đấng Christ Jesus, Chúa của tôi, là điều cao quý nhất. Vì Ngài, tôi chịu mất tất cả và xem chúng như là những vật phế thải để tôi có thể có được Đấng Christ 9. và để được tìm thấy ở trong Ngài, không phải nhờ vào sự công chính của tôi đến từ luật pháp, nhưng nhờ đức tin nơi Đấng Christ, là sự công chính đến từ Đức Chúa Trời, được đặt nền tảng trên đức tin, 10. để được biết Ngài và quyền năng phục sinh của Ngài, được hiệp thông trong sự thống khổ của Ngài, được giống như Ngài trong sự chết của Ngài, 11. để qua đó tôi có thể nhận được sự sống lại từ cõi chết.
Bản Dịch 1925
- Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. 8. Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ 9. và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin; 10. cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, 11. mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Đọc thêm:
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.