Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Niềm Tin và Cuộc Sống » Sơ Lược Tiểu Sử: Morrow Coffey Graham – Thân Mẫu Của Mục Sư Billy Graham

Sơ Lược Tiểu Sử: Morrow Coffey Graham – Thân Mẫu Của Mục Sư Billy Graham

Lời Ban Biên Tập:
Mục sư Tiến sĩ Billy Graham về với Chúa vào ngày 21/2/2018.  Nhân dịp kỷ niệm Mother’s Day, Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu một ít về Morrow Coffey Graham, người mẹ của Mục sư Billy Graham.

Morrow Coffey Graham
(1892-1981)

Gia Đình

Morrow Coffey Graham sinh ngày 23/2/1892, tại Mecklenberg County, North Carolina.  Tên thời con gái của bà là  Morrow Coffey.  Thân phụ của bà là Benjamin Morrow Coffey, một cựu chiến binh trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ.  Tổ tiên của Morrow Coffey Graham là những di dân từ Scotland đến sống tại North Carolina, Hoa Kỳ.

Từ lúc còn nhỏ, Morrow Coffey đã được cha mẹ hướng dẫn trong niềm tin của người Tin Lành  theo truyền thống Trưởng Lão.  Mỗi tối cả gia đình đều dành thì giờ quây quần bên nhau đọc Kinh Thánh và cầu nguyện.  Đến Chúa Nhật cũng như vào những buổi nhóm đặc biệt trong tuần cả gia đình đến thờ phượng Chúa tại Steel Creek Community Church, một nhà thờ khá lớn tại Charlotte vào thời đó.  Lúc đó, cả thành phố Charlotte tại North Carolina chỉ có khoảng 35.000 dân nhưng gần một ngàn người là tín đồ của Steel Creek Community Church.

Morrow yêu mến Kinh Thánh từ nhỏ.  Hằng ngày, cô bé thường vào phòng đóng cửa lại rồi đọc Kinh Thánh. Cô bé học thuộc lòng Thi Thiên 119, là Thi Thiên dài nhất trong Kinh Thánh. Sau này, Morrow Coffey Graham đã kể lại rằng không phải vì bà muốn tạo một thành tích học thuộc Thi Thiên dài nhất trong Kinh Thánh nhưng vì Thi Thiên 119 chứa đựng những dạy dỗ sâu sắc cho bà từ thời niên thiếu.  Thi Thiên 119 nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Những lời dạy dỗ trong Kinh Thánh đã ảnh hưởng suốt cả cuộc đời của bà Morrow Coffey Graham và đã ảnh hưởng đến các con cháu của bà trong những năm về sau – trong đó có Mục sư Billy Graham.   

Thời Thanh Xuân

Morrow Coffey đã có dịp thấy người chồng tương lai của mình là William Franklin Graham Sr. vài lần trước khi hai người có dịp trò chuyện với nhau. Dầu sống trong cùng một địa phương nhưng Morrow Coffey là tín đồ của Hội Thánh Trưởng Lão, còn William Franklin Graham Sr. là tín đồ của Hội Thánh Giám Lý cho nên hai người không cùng đi nhóm chung một nhà thờ. 

Như nhiều cô gái đang ở vào lứa tuổi thanh xuân, Morrow Coffey đã sững sờ khi nhìn thấy William Franklin Graham Sr. – một thanh niên cao lớn, hiên ngang, đẹp trai.  Trước đó hai năm, William Franklin Graham Sr. đã được Chúa thay đổi và kinh nghiệm sự tái sinh cho nên chàng thanh niên này không những đẹp trai nhưng rất đàng hoàng và đạo đức.  Hơn thế nữa, cả Mecklenberg County ở North Carolina không có ai có con ngựa và xe ngựa đẹp bằng ngựa và xe của William Franklin Graham Sr. Giống như những cô gái thời nay thích những chàng trai có xe đẹp, những cô gái thời đó thích những chàng trai có ngựa và xe ngựa đẹp.  Rất nhiều cô gái tại Mecklenberg County đã thầm yêu trộm nhớ William Franklin Graham Sr. và mơ ước có một người chồng như vậy. 

Morrow Coffey là một trong những cô gái đó.    Morrow Coffey mong rằng có ai đó giới thiệu mình với William Franklin Graham Sr.; và cô thậm chí còn cầu nguyện nếu đẹp ý Chúa, xin Chúa cho cô được gặp chàng trai này.  Và lời cầu nguyện đó đã được Chúa nhậm. 

Một cô gái bạn thân của Morrow Coffey đã tổ chức một bữa tiệc tại nhà để đãi những bạn gái từ Atlanta tới.  Cô gái này đã mời thêm năm người bạn khác trong đó có Morrow Coffey và William Franklin Graham Sr.  Sau bữa tiệc, William Franklin Graham Sr. đã hỏi Morrow Coffey rằng chàng có thể đưa cô về nhà hay không.  Tất cả các cô gái có mặt tại bữa tiệc nhìn Morrow Coffey với đôi mắt ghen tị, còn Morrow Coffey thì như đang sống trên mây.

Sau khi đưa Morrow Coffey về đến nhà, William Franklin Graham Sr. đã hỏi nếu được cô có thể cho chàng gặp lại vào thứ Bảy hay không.  Hai người làm quen và hò hẹn như vậy suốt 6 năm.  Mỗi tối Chúa Nhật, William Franklin Graham Sr. xin phép chở Morrow Coffey đến nhà thờ nhóm thanh niên rồi đưa trở về. Khi nào có những chương trình ca nhạc, William Franklin Graham Sr. cũng xin phép được đưa và rước Morrow Coffey như vậy. Thời gian ngồi trên xe ngựa là dịp cho hai người trò chuyện và tìm hiểu nhau.

Sáu năm trôi qua, khi William Franklin Graham Sr. nghĩ rằng chàng có đủ khả năng để lo liệu cho gia đình riêng của mình, chàng đã ngỏ lời xin cưới Morrow Coffey.  Hôn lễ đã được tổ chức vào ngày 16/10/1916. 

Làm Vợ

Sau đám cưới, Morrow Coffey Graham quyết tâm xây dựng một gia đình hạnh phúc.  Kinh Thánh chép: “Bởi sự khôn ngoan, một ngôi nhà được xây dựng; nhờ sự hiểu biết, nó được vững vàng” (Châm Ngôn 24:3). Morrow Coffey Graham hiểu câu Kinh Thánh đó như sau: Một gia đình có thể được thành lập trên sự khôn ngoan, qua sự sắp xếp, hoặc bởi sự chọn lựa; nhưng để có một gia đình tồn tại lâu dài và hạnh phúc, những người trong gia đình cần hiểu biết và cảm thông nhau. Morrow Coffey Graham cố gắng hết sức để xây dựng gia đình mới của mình được hạnh phúc.    

Morrow Coffey Graham thành hôn với William Franklin Graham Sr. sau khi chồng bà thừa hưởng một nông trại rộng 300 mẫu do cha mẹ qua đời để lại.  Công việc của nông trại rất nhiều nhưng Morrow Coffey Graham vốn là một cô gái nhỏ con và mảnh khảnh.  Thương vợ, William Franklin Graham Sr. nói với Morrow Coffey Graham rằng vì em không được khỏe mạnh, em chỉ lo công việc trong nhà còn công việc ngoài đồng để anh lo. 

Tuy nhiên Morrow Coffey Graham nhớ tới hình ảnh người phụ nữ đảm đang được ghi lại trong Châm Ngôn 31, cô đã năn nỉ xin chồng hãy cho cô dùng vài mẫu đất trong ruộng bắp để trồng đậu.  Cô sẽ thu hoạch đậu và đóng hộp để cả gia đình có đậu ăn trong suốt những tháng của mùa đông.  Cuối cùng William Franklin Graham Sr. đã nghe lời vợ.  Vào thời đó vì điện chưa phổ biến ở vùng nông thôn, tủ lạnh không có, cho nên Morrow Coffey Graham đã trồng và đóng hộp ít nhất là 500 hộp đậu và rau quả mỗi năm để sử dụng trong gia đình. Hơn hai năm sau, Morrow Coffey Graham đã chuyển bụng sinh đứa con trai đầu lòng là William Franklin Graham Jr. vào ngày 7/11/1918 sau khi cô đã đi hái đậu ngoài đồng về.

Làm Mẹ

Trong những năm sau đó, ba đứa con khác lần lượt chào đời: Catherine (1920), Malvin (1924) và Jean (1932).  Trong trách nhiệm của một người mẹ với 4 đứa con nhỏ, cùng rất nhiều công việc của nông trại khiến Morrow Coffey Graham không còn nhiều thời gian để học Kinh Thánh một cách sâu sắc. 

Đến năm 1933, khi nước Mỹ, và thế giới vào lúc đó, lâm vào tình trạng kinh tế suy thoái, tiền bạc của gia đình gởi vào ngân hàng bị mất hết, trong hoàn cảnh khó khăn đó, Chúa đã làm một điều tốt đẹp cho gia đình bà.  Morrow Coffey Graham kể lại rằng Chúa đã dùng một người em gái của Morrow Coffey Graham là Lil Banker khuyên chị của mình nên dành thì giờ tham dự chương trình học Kinh Thánh tại nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật để hiểu rõ hơn những gì Chúa dạy gì cho chính cá nhân của mình.  Lil Banker và chồng đã nhiều năm cầu nguyện cho gia đình của chị mình như vậy.

Morrow Coffey Graham nghe theo lời khuyên của em, đã đến học Kinh Thánh vào Chúa Nhật tại nhà thờ Trưởng Lão ở Charlotte.  Sau đó, mỗi tuần bà nôn nóng trông chờ cho mau đến ngày Chúa Nhật để được học bài kế tiếp.  Trong 6 năm như vậy, Morrow Coffey Graham tham dự học Kinh Thánh thường xuyên và chỉ vắng mặt tại nhà thờ có hai lần.  Trong khoảng thời gian này, Morrow Coffey Graham cảm nhận được sự dạy dỗ của Chúa cho chính mình mà trước đó bà chưa bao giờ nhận được.   

Sau khi kinh nghiệm nhận được phước hạnh trong lời của Chúa, Morrow Coffey Graham đã rủ chồng cùng đi học Kinh Thánh. Ban đầu học tại nhà thờ Trưởng Lão, sau đó hai người tham dự thêm lớp học Kinh Thánh vào ban đêm tại Hội Thánh Giám Lý Brethren.  Trong những năm về sau, gia đình bắt đầu đọc thêm các tài liệu học Kinh Thánh do những nhà xuất bản Tin Lành phát hành.

Trong trách nhiệm làm mẹ, Morrow Coffey Graham có một nỗi lo. Billy Graham đứa con đầu lòng của hai vợ chồng là một cậu bé đầy năng lực và hiếu động.  Billy Graham thường chọc phá và không hề nhường nhịn các em. Lo lắng, Morrow Coffey Graham đã mang con đi bác sĩ, nhưng bác sĩ cho biết cậu bé hoàn toàn bình thường, vì cậu đã được sinh ra với năng lực như vậy.  Có những lúc, Billy Graham đã hành động quá mức, William Franklin Graham Sr. không ngần ngại trong việc phải đánh đòn để dạy con. 

Là một người mẹ thương con, Morrow Coffey Graham đã rơi nước mắt khi thấy con bị đánh, nhưng bà quyết định ủng hộ chồng trong việc giáo dục con.  Morrow Coffey Graham tin vào sự hướng dẫn của Kinh Thánh: “Ðừng ngại khi phải sửa phạt trẻ thơ, nếu con dùng roi, nó cũng chẳng chết đâu.” Châm Ngôn 23:13. Hai vợ chồng hiểu rằng “Ai kiêng cữ roi vọt là không thương con cái. Người nào thương con phải sửa trị con mình.” Châm Ngôn 13:24.   

Trong những năm về sau khi Mục sư Billy Graham đã trở thành nhà truyền giảng trứ danh, ông cho biết một trong những sách trong Kinh Thánh mà ông thích nhất là sách Châm Ngôn.  Ông đã học được rất nhiều bài học từ sách này.  Morrow Coffey Graham rất vui khi thấy con mình nhận biết được giá trị của việc được răn dạy từ thuở nhỏ.  

Ảnh Hưởng

Morrow Coffey Graham là một phụ nữ được sinh ra và lớn lên ở nông thôn, bà không hề học đại học hay một trường thần học nào, nhưng những người quen biết bà thường có chung nhận xét rằng bà là người hiểu Kinh Thánh sâu rộng, có thể trích dẫn và áp dụng Kinh Thánh thích hợp cho từng hoàn cảnh.  Điều đó đã ảnh hưởng đến không biết bao nhiêu người có dịp tiếp xúc với bà. 

Morrow Coffey Graham cho biết sự hiểu biết Lời Chúa của bà là một quá trình tích lũy như Ê-sai 28:10 đã chép: “Bởi vì nhận thức phải gia thêm nhận thức, nhận thức gia thêm nhận thức, hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ nầy, một chút chỗ kia!”  Morrow Coffey Graham đã lượm lặt một chút từ chỗ này, một chút từ chỗ kia qua những bài giảng của các Mục sư, rồi thêm vào đó những gì mình đã học hỏi tìm hiểu trong Kinh Thánh. Sau một thời gian dài, vốn kiến thức của bà được hình thành.

Từ kinh nghiệm cá nhân, Morrow Coffey Graham cho biết tất cả những sự dạy dỗ và học hỏi từ Kinh Thánh góp phần tạo nên một con người toàn diện; do đó, mỗi người chúng ta và con cái chúng ta cần được tiếp cận với những dạy dỗ tốt đẹp trong Kinh Thánh thường xuyên, và xuyên xuốt nhiều năm tháng.

Không chỉ hiểu Kinh Thánh và áp dụng Kinh Thánh trong cuộc sống của riêng mình, Morrow Coffey Graham đã dạy cho các con biết yêu mến và tin cậy Kinh Thánh từ thuở nhỏ.  Những người nghe Mục sư Billy Graham giảng thường nhớ một câu nói đặc trưng mà ông thường dùng đó là “Kinh Thánh phán”. Đây chính là câu nói mà Mục sư Billy Graham đã học được từ nơi người mẹ của mình là bà Morrow Coffey Graham.  

Một trong những điểm đáng lưu ý khác trong cuộc đời của Morrow Coffey Graham là bà thường xuyên cầu nguyện cho các con của mình từ lúc chúng còn nhỏ cho tới khi trưởng thành.  Trong một lần phỏng vấn với tờ Christianity Today, Morrow Coffey Graham cho biết: “Tôi luôn cầu nguyện cho Billy Graham.  Tiềm năng của một người mẹ tin Chúa thật giới hạn chỉ gói gọn trong tình thương và ân điển của Chúa; do đó người mẹ chỉ biết hướng về Chúa trong sự cầu nguyện – không phải chỉ để có được năng lực cho mình mỗi ngày, nhưng cũng cầu xin phước hạnh cho các con của mình nữa. Sự khôn ngoan, hiểu biết, và ân điển đến từ sự cầu nguyện. Và khi con cái chúng ta cảm nhận được lời cầu nguyện sống động của chúng ta, chúng cũng tập tương giao với Cha Thiên Thượng nữa.”

Trong những năm tháng cuối đời, khi già yếu, bị bệnh phải nằm luôn trên giường, Morrow Coffey Graham vẫn thường xuyên cầu nguyện cho con cháu và cho những người khác mà bà biết.   Morrow Coffey Graham giải thích rằng sở dĩ Chúa chưa đem bà đi bởi vì còn có nhiều vấn đề Chúa muốn bà phải cầu nguyện.  Khi biết ai có nhu cầu cần được cầu nguyện, Morrow Coffey Graham không chỉ cầu nguyện cho họ, nhưng bà còn yêu cầu người chăm sóc mình hãy nhân danh bà viết một vài dòng để an ủi khích lệ người đó, và gởi kèm vài đô-la để giúp đỡ.

Có lần khi Mục sư Billy Grahamn đang giảng cho một chương trình truyền giảng bồi linh tại Pháp, Morrow Coffey Graham đã yêu cầu người chăm sóc mình, gởi một miếng giấy trích câu Kinh Thánh Cô-lô-se 1:9 để gởi cho Mục sư Billy Grahamn, để nhắc ông rằng bà không ngừng cầu nguyện cho ông.  Bà cầu xin Ðức Chúa Trời cho ông được đầy dẫy sự hiểu biết về thánh ý của Ngài, cùng với tất cả sự khôn ngoan và thông hiểu thuộc linh để ông có thể làm trọn trách nhiệm làm sứ giả của Chúa.  

Vài tuần sau khi gởi cho con mẫu nhắn tin đó, Morrow Coffey Graham về với Chúa.

Mục sư Billy Graham, con trai của Morrow Coffey Graham, là một vĩ nhân trong thế kỷ 20.  Trong suốt 60 năm liền, tên của ông được nằm trong danh sách 10 người được ngưỡng mộ nhất thế giới. Nhiều người đã cho rằng đời sống đạo đức và tâm tình hầu việc Chúa của Mục sư Billy Graham đã được nhào nặn từ những lời dạy dỗ xuất phát từ Kinh Thánh và được đúc kết từ những lời cầu nguyện của người mẹ yêu dấu của ông là Morrow Coffey Graham.  

Châu Thanh 
Tháng 3/2018

Thư Viện Tin Lành (2018)
www.thuvientinlanh.org

 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top