Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Bài Nhiều Người Đọc » Lời Cầu Nguyện Của Môi-se – Những Gương Mặt Sáng Ngời

Lời Cầu Nguyện Của Môi-se – Những Gương Mặt Sáng Ngời

 

Lời Cầu Nguyện Của Môi-se 
Những Gương Mặt Sáng Ngời

Lời Ban Biên Tập:

Dạn Dĩ Đến Gần Đức Chúa Trời là cuốn sách phân tích những lời cầu nguyện của các thánh nhân trong Kinh Thánh do John White, một học giả Kinh Thánh và là giáo sư Đại Học Manitoba tại Canada viết. Nguyên văn cuốn sách trong tiếng Anh mang tựa đề Daring to Draw Near – People in Prayer. Bản dịch Việt Ngữ được Văn Phẩm Nguồn Sống phát hành vào năm 2021. 

Với sự chấp thuận của Văn Phẩm Nguồn Sống, Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc bài viết về lời cầu nguyện của Môi-se.  Mời bạn đọc cùng theo dõi.

Ban Biên Tập Thư Viện Tin Lành

Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô 32:9-14; 32:25-29; 32:31-32; 33:12-23

  1. Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se: “Ta đã thấy rõ dân này. Thật vậy, chúng là một dân cứng cổ. 10. Bây giờ hãy để mặc Ta, cơn thịnh nộ của Ta sẽ bừng lên nghịch cùng chúng và tiêu diệt chúng. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc vĩ đại.”
  2. Nhưng Môi-se nài xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời của mình rằng: “Đức Giê-hô-va ôi! Tại sao cơn thịnh nộ của Ngài lại bừng lên chống lại dân của Ngài, là dân mà Ngài đã dùng quyền uy lớn lao và cánh tay mạnh mẽ đem ra khỏi đất Ai-cập? 12. Vì sao lại để cho người Ai-cập nói: ‘Ngài đem họ ra để hại họ, để giết họ trong núi, rồi tiêu diệt họ khỏi mặt đất’? Cầu xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ của Ngài. Xin Ngài đổi ý và đừng làm hại dân của Ngài. 13. Xin nhớ lại Áp-ra-ham, Y-sác và Y-sơ-ra-ên, là những đầy tớ của Ngài – là những người mà Ngài đã lấy chính mình ra và đã thề với họ rằng: ‘Ta sẽ làm cho dòng dõi của các ngươi đông như sao trên trời. Ta sẽ ban cho dòng dõi của các ngươi tất cả vùng đất nầy như Ta đã phán, và chúng sẽ thừa hưởng cơ nghiệp đó đời đời.’”
  3. Đức Giê-hô-va đã từ bỏ hình phạt mà Ngài đã định giáng xuống trên dân của Ngài.

  1. Khi Môi-se thấy dân chúng buông tuồng, bởi vì A-rôn đã để cho họ buông tuồng, và trở thành sự đàm tiếu giữa những kẻ thù, 26. Môi-se đã đến đứng nơi cổng của doanh trại, rồi hỏi: “Ai theo Đức Giê-hô-va, hãy đến với ta!” Tất cả những người Lê-vi đã họp lại chung quanh ông. 27. Ông đã nói với họ: “Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, phán như thế nầy: Mỗi người trong các ngươi hãy đeo gươm bên hông của mình, đi vào, đi ra, từ cửa nầy đến cửa khác, trong khắp cả doanh trại. Mỗi người hãy giết anh em của mình, bạn hữu của mình, và láng giềng của mình.” 28. Người Lê-vi đã vâng theo lệnh của Môi-se. Trong ngày đó có độ ba ngàn người bị hạ sát. 29. Môi-se nói: “Hôm nay các ngươi đã cung hiến chính mình cho Đức Giê-hô-va- bởi vì mỗi người đã chống lại con trai của mình và anh em của mình – cho nên hôm nay Ngài ban phước cho các ngươi.”

 

  1. Môi-se trở lại cùng Đức Giê-hô-va, và thưa với Ngài rằng: “Ôi! Dân nầy đã phạm một trọng tội. Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng. 32. Bây giờ, nếu có thể được, xin Ngài tha tội cho họ! Nếu không, xin Ngài xóa tên con khỏi sách mà Ngài đã viết.” 

….

  1. Môi-se thưa với Đức Giê-hô-va: “Xem nầy, Ngài đã phán với con rằng: ‘Hãy dẫn dân nầy lên’ nhưng Ngài lại không cho con biết Ngài sẽ sai ai đi với con, dù Ngài có phán: ‘Ta biết đích danh con, và con đã được ơn trước mặt Ta.’ 13. Vì vậy bây giờ, nếu con được ơn trước mặt Ngài, xin hãy bày tỏ cho con biết đường lối của Ngài, để con có thể biết Ngài và được ơn trước mặt Ngài. Xin hãy đoái xem dân tộc nầy là dân của Ngài!” 14. Ngài phán: “Chính Ta sẽ đi với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi được an nghỉ.” 15. Ông thưa với Ngài: “Nếu chính Ngài không đi với chúng con, xin Ngài đừng đem chúng con lên khỏi nơi đây. 16. Điều gì làm cho người ta biết được là con và dân của Ngài được ơn trước mặt Ngài? Không phải là Ngài đi cùng với chúng con hay sao? Chỉ như vậy, chúng con, tức là con và dân của Ngài, mới khác biệt với mọi dân tộc khác trên mặt đất.”
  2. Đức Giê-hô-vaphán cùng Môi-se: “Ta sẽ làm mọi điều ngươi cầu xin, bởi vì ngươi đã được ơn trước mặt Ta, và Ta biết đích danh ngươi.” 18. Ông đã thưa: “Xin cho con được nhìn xem vinh quang của Ngài.” 19. Ngài phán: “Ta sẽ thể hiện sự toàn hảo của Ta trước mặt ngươi. Ta sẽ công bố danh Giê-hô-vatrước mặt ngươi. Ta sẽ làm ơn cho ai Ta muốn làm ơn và thương xót ai Ta muốn thương xót.” 20. Nhưng Ngài phán: “Ngươi không thể thấy mặt Ta, bởi vì không một người nào thấy mặt Ta mà còn sống.” 21. Đức Giê-hô-vaphán: “Nầy, có một chỗ gần bên Ta. Ngươi hãy đứng trên tảng đá. 22. Khi vinh quang của Ta đi ngang qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, Ta sẽ lấy tay của Ta che ngươi lại, cho đến khi Ta qua khỏi. 23. Ta sẽ rút tay của Ta lại, và ngươi sẽ nhìn thấy phía sau của Ta, nhưng mặt của Ta thì ngươi sẽ không thể nhìn thấy.”

 
Ký thuật được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 32:25-29 thật là đẫm máu và kinh hoàng, sự kiện này không bao giờ có thể quên được trong lịch sử của người Do Thái. Với quan niệm tôn giáo và đạo đức theo kiểu tự do hiện nay, chúng ta thấy những sự kiện ở đây thật man rợ, không thể chấp nhận được. Chúng ta cảm thấy ghê tởm trước sự tàn bạo của những người Lê-vi đã cầm gươm tiến qua hàng ngũ những người Do Thái phạm tội đang cúi đầu, rồi chém gục ba ngàn người để trừng phạt cho một cuộc truy hoan thác loạn.

Giá trị đạo đức của chúng ta đã thay đổi. Ðối với Môi-se, vụ đổ máu này vẫn chưa xứng đáng so với tội lỗi kinh khiếp của dân chúng. Họ được giải phóng khỏi Ai Cập bởi một Ðức Chúa Trời đã thay đổi cả quy luật của thiên nhiên, đã rẽ Biển Ðỏ, đã dẫn đường cho họ bằng trụ mây và lửa – một Ðức Chúa Trời tự mặc khải chính Ngài là Ðức Chúa Trời Duy Nhất, là Ðức Chúa Trời Đời Đời, là Ðức Chúa Trời Chân Thật – nhưng người Do Thái nông cạn chỉ trong vài ngày mất kiên nhẫn, họ đã loại Ngài ra khỏi tâm trí của họ rồi trở lại rơi vào sự thờ thần tượng. Sự nhẹ dạ và phạm thượng của họ đã khiến Môi-se kinh hoảng.  Nỗi kinh hoàng của ông càng lớn hơn khi ông vừa trở về sau khi trực diện với Ðức Chúa Trời, là Đấng mà họ đang xúc phạm.

Yêu Chúa và Yêu Dân Tộc Của Mình 

Chúng ta có thể đã rõ một điều. Môi-se có lẽ đã giận dữ, dầu vậy ông vẫn yêu thương sâu đậm những con người bị ở dưới lưỡi gươm của người Lê-vi. Con người của ông đã bị giằng co giữa hai điều dường thật xung khắc: Tình yêu đối với Ðức Chúa Trời và tình yêu đối với dân tộc của mình.

Trước đó vài giờ, bị vây kín trong sương mù và khói, ông đã cầu xin với Ðức Chúa Trời, cầu thay cho những người mà Ngài định tử hình. Ông nghe Ðức Chúa Trời phán: “Vả, bây giờ hãy để mặc Ta làm, hầu cho cơn thịnh nộ của Ta nổi lên cùng chúng nó, diệt chúng nó đi; nhưng Ta sẽ làm cho ngươi trở thành một dân lớn.” 

Có phải Ðức Chúa Trời đang thử ông chăng? Môi-se đã đáp lại thật mau lẹ, không chút lập lờ. Ông quyết tâm từ bỏ tính mạng của mình nếu cần trong cuộc chiến đấu này: Ông đã tự mình xoa dịu Giê-hô-va  Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:11).

Sự cám dỗ trong giải pháp mà Ðức Chúa Trời đưa ra – nếu bạn dừng lại để suy nghĩ –  có thể là bất khả kháng. Người Y-sơ-ra-ên đã từng là những nguyên nhân gây căng thẳng và âu lo bất tận cho Môi-se. Ông là người đầu tiên từng gánh chịu tính khí thất thường và thường xuyên càu nhàu của họ. Ông cảm thấy đớn đau vì lòng vô ơn của họ, nặng lòng về những cãi vã thường xuyên của họ. Họ đã từng cổ vũ ông khi chiến thắng, nhưng cũng đã từng sẵn sàng bất ngờ tấn công ông, khi họ gặp những khó khăn nhỏ nhặt. Ông có thể sẽ nhẹ nhõm biết bao khi loại trừ được toàn bộ đám đông hỗn tạp vô kỷ luật này, để rồi bắt đầu lại với chính bản thân, cùng với con cháu của mình. Tuy nhiên ý nghĩ đó dường như chẳng hề lóe lên trong tâm trí của ông. Hai điều chi phối lời cầu xin của ông đó là: Mối quan tâm trìu mến đối với dân tộc mà ông đang dẫn dắt, và lòng đam mê muốn bảo vệ uy danh của Ðức Chúa Trời. 

“Lạy Đức Giê-hô-va! Vì sao Ngài nổi thịnh nộ cùng dân của Ngài, là dân mà Ngài đã dùng quyền lớn lao mạnh mẽ đưa ra khỏi xứ Ê-díp-tô?” Có thể nào đây lại là một Môi-se đã từng cực lực phản đối lời kêu gọi của Ðức Chúa Trời nơi bụi gai cháy? Có phải đây cũng chính là vị Hoàng Tử Ai Cập đã từng tự chôn cuộc đời mình trong hoang mạc suốt bốn mươi năm để tránh né hiểm nguy cùng với những khổ đau của dân tộc mình hay không? Phải chăng đây cũng chính là Môi-se vừa mới ra lệnh giết ba ngàn người Y-sơ-ra-ên? Chuyện gì đã xảy ra với ông? Tại sao ông lại khẩn thiết nài xin Ðức Chúa Trời ban ân huệ cho hai triệu người nam nữ nhẹ dạ say sưa thác loạn dưới chân núi Si-nai? Và rồi ông quan tâm đến điều nào hơn: Dân tộc của ông hay Danh của Ðức Chúa Trời?

“Tại sao lại để cho người Ê-díp-tô nói rằng, ‘Ngài đưa chúng nó ra khỏi xứ đặng làm tổn hại, rồi giết đi tại trong núi, và hủy diệt chúng khỏi mặt đất?’” Quan tâm điều nào nhiều hơn cũng chẳng mấy quan trọng. Môi-se thật nhu mì. Môi-se từng nhút nhát giờ đây đã biến thành một người dám thách thức ý muốn của Ðức Chúa Trời và thậm chí còn trách móc Ngài nữa. Có phải ngọn núi đã làm thay đổi ông chăng? Có điều gì trên núi Si-nai, nơi Ðức Chúa Trời hiện diện như lửa và khói, đã làm cho Môi-se chếnh choáng như người mất trí?

Môi-se đã van nài: “Cầu xin Chúa hãy nguôi cơn giận và bỏ qua điều tai họa mà Ngài muốn giáng cho dân của Ngài.” Lời cầu xin thật táo bạo. Ðây là sự bạo dạn của một con gấu bị cùng đường bên bầy con nhỏ, của sư tử cái có con thơ đang bị đe dọa. Ông quên cả nguy hiểm cá nhân. Chỉ có một điều quan trọng đối với ông, đó là Y-sơ-ra-ên được cứu khỏi ngọn lửa hủy diệt. Ðây chính là Môi-se mà chúng ta cần phải nhìn thấy khi nghĩ đến sự tàn sát trong trại quân.

Bạn đã cầu nguyện như vậy chưa? Tôi đã cầu nguyện như vậy chưa? Thật sự chúng ta có phải làm như vậy không? Rõ ràng là chúng ta không thể giả vờ tạo ra một đỉnh cao xúc cảm đã từng thôi thúc Môi-se theo đuổi hành động hiểm nguy đó. Tuy nhiên tại sao chúng ta đi theo đường riêng của mình mà không quan tâm tới án phạt của Ðức Chúa Trời đang đe dọa con dân Ngài ngày hôm nay, và vẫn nở nụ cười lạc quan, rồi cầu nguyện: “Xin Chúa ban phước cho Hội Thánh của chúng con. A-men”?

Phải chăng vì chúng ta chưa từng viếng núi Si-nai? Chưa hề thấy sự thánh khiết thiêu đốt của Ðức Chúa Trời mà những luật lệ của Ngài bày tỏ qua ngọn lửa thiêu hủy trong sự hiện diện của Ngài? Phải chăng chúng ta đã bị chìm ngập trong tinh thần của thời đại mình đang sống đến nỗi tội lỗi đã trở thành một thuật ngữ thần học? Viễn tượng về cơn thịnh nộ cùng án phạt của Ðức Chúa Trời đối với chúng ta vẫn còn xa vời hay sao? Có khó hiểu không? Tệ hại hơn nữa, liệu chúng ta có xem việc nài xin sự thương xót của Ðức Chúa Trời là xung khắc với sinh tế một lần đủ cả của Chiên Con Ðức Chúa Trời hay không?

Ðức Chúa Trời chúng ta vẫn là Ðức Chúa Trời của sự đoán phạt thánh khiết. Khi Chúa của Hội Thánh đọc thư để viết cho Hội Thánh Thi-a-ti-rơ, Ngài có đề cập “người nữ Giê-sa-bên, tự xưng mình là nữ tiên tri, dạy dỗ và phỉnh phờ tôi tớ Ta đặng rủ chúng nó phạm tà dâm… Ta đã cho nó thì giờ để ăn năn, mà nó chẳng muốn ăn năn điều tà dâm của nó. Này, Ta quăng nó trên giừơng đau đớn, và phàm kẻ nào phạm tội tà dâm với nó, mà không ăn năn việc làm của nó, thì Ta cũng quăng vào tai nạn lớn,… và Ta sẽ đánh chết con cái nó” (Khải Huyền 2:20–23). Chính Sứ đồ Giăng, người được yêu mến, đã chép lời này, và Đức Chúa Jesus, Đấng nhu mì và khiêm nhường, đã đọc những lời đe dọa nẩy lửa này. Chúng ta có lý do gì để cho rằng Ngài đã thay đổi trong  hơn hai ngàn năm qua?

Ðức Chúa Trời của Si-nai là Ðức Chúa Trời của Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta. Ngài bất di bất dịch. Ngài không bị nhào nặn theo dòng thời gian. Ngài là Ðức Chúa Trời của quy luật. Ngài là Ðức Chúa Trời của ân sủng. Ngài là Ðức Chúa Trời chẳng đòi hỏi điều gì thấp hơn sự thánh khiết nơi con dân của Ngài. Những người tự nhận mình là chuyên gia giao tế xã hội đã xúc phạm chúng ta và chính Ngài, khi họ giảm bớt những nét nghiêm khắc trong hình ảnh của Ngài, làm cho Ngài thích hợp hơn với những điều chúng ta ưa thích nơi các thần. Hình ảnh của Ngài bị thay đổi theo thời đại. Chúng ta là những người đang thờ lạy con bò vàng. Chúng ta cần được nhắc nhở, như các thần dân trong các chuyện Narnia của C.S. Lewis, đã nói rằng: “Aslan không phải là con sư tử được thuần hóa.” Chúng ta không thể cầu nguyện đúng đắn nếu không nhận biết những điều này.

Nếu nhận biết sự bạo dạn và say mê cầu nguyện của Môi-se, bạn sẽ phải đứng nơi Môi-se đã đứng. Bạn phải thấy rằng Ðức Chúa Trời của chúng ta là một ngọn lửa thiêu đốt. Bạn phải đứng trong sự hiện diện của Ngài để lắng nghe những án phạt cùng luật lệ trong sáng không chút thỏa hiệp của Ngài. Hãy đọc lại các sách Xuất Ê-díp-tô Ký Lê-vi Ký. Hãy đọc trong tinh thần cầu nguyện và với tấm lòng rộng mở. Mặc dù có thể là bạn đã quên, nhưng những sách đó vẫn là một phần của Kinh Thánh. Đừng sợ để cho những tiêu chuẩn trong đó bắt lấy bạn. Hãy quỳ xuống cách run sợ trước trụ lửa. Thị giác của bạn đã bị bóp méo. Những giá trị của bạn bị băng hoại. Chỉ khi nào bạn để cho Lời Chúa chìm sâu vào ý chí của mình, bạn mới thấy được sự kinh khiếp của tội lỗi. Chỉ khi đó bạn mới biết rằng không có bước nào là quá quyết liệt để thi hành, cho dù đó là Gô-gô-tha hay là bị ném vào chiếc giường khổ đau. Gô-gô-tha chỉ có ý nghĩa trong ánh sáng của Si-nai. Bạn không bao giờ có thể kinh nghiệm được tính cấp bách của sự cầu thay cho tới khi bạn nhìn tội lỗi từ quan điểm của Ðức Chúa Trời.

Môi-se tiếp tục kêu nài. Ông kêu cầu Ðức Chúa Trời vì uy danh của Ngài (Sao để cho người Ê-díp-tô nói rằng: ‘Ngài đưa họ ra khỏi xứ,… rồi giết đi tại trong núi’?” Môi-se cũng nhắc Ðức Chúa Trời, giống như mọi người cầu thay đều làm, về những lời hứa và giao ước của chính Ðức Chúa Trời. “Hãy nhớ lại Áp-ra-ham, Y-sác, và Y-sơ-ra-ên, là các tôi tớ Ngài…”

Có sự nhấn mạnh thật tinh tế trong lời thỉnh nguyện của Môi-se. Thay vì đề cập đến tên của các đầy tớ Ðức Chúa Trời là Áp-ram, Y-sác, và Gia-cốp, ông đã dùng tên giao ước của họ, Áp-ra-ham, Y-sác, và Y-sơ-ra-ên. Khi làm như vậy, Môi-se muốn Ðức Chúa Trời biết ông coi trọng cách Ðức Chúa Trời đối xử với các đầy tớ của Ngài trong quá khứ. Và điều này cũng là bài học cho chúng ta. Bởi vì Ðức Chúa Trời là Ðấng mà chúng ta được kêu gọi để khẩn nài cũng chính là Ðức Chúa Trời của Môi-se, Ðức Chúa Trời của Vua Ða-vít, Ðức Chúa Trời của Tiên tri Ê-li, Tiên tri Ê-li-sê, và Sứ đồ Phao-lô. Nếu Ngài không thay đổi thì Ngài có thể cư xử với chúng ta như Ngài đã cư xử với họ, thích làm cho cánh tay của Ngài ngày nay cũng trần trụi như trong những ngày xa xưa. Ðức tin chúng ta dựa trên bản tính không thay đổi của Ðức Chúa Trời như đã được bày tỏ qua những hành động của Ngài trong lịch sử nhân loại.

Và rồi, Ðức Chúa Trời đã vui mừng lắng nghe Môi-se. Ngài đã tìm thêm được một người không chịu tiếp nhận Ngài kém thua Ðức Chúa Trời là Ðấng đã mặc khải chính mình Ngài trong lịch sử. 

Phản Ánh Tấm Lòng Ðức Chúa Trời

Tuy nhiên Môi-se vẫn chưa được thỏa mãn. Ðức Chúa Trời có chấp nhận thỉnh cầu của ông hay không? Trong khi dân chúng tiến hành chôn cất những người chết, ông lại bắt đầu leo lên ngọn núi phủ đầy mây. Những lời cuối cùng kỳ lạ của ông đã nói với người Y-sơ-ra-ên đó là “Có lẽ ta sẽ chuộc được tội các ngươi chăng.” 

Lời cầu nguyện sau đó thật hay và cảm động. Ông thẳng thắn nhìn nhận tội lỗi khủng khiếp của dân tộc mình. “Ôi, dân sự này có phạm một tội trọng, làm cho chính mình các thần bằng vàng.” Không thể bào chữa cho tội lỗi. Ðúng là trong một số trường hợp sự cám dỗ khó chống cự hơn so với những trường hợp khác. Có thể cũng đúng là theo quan điểm của chúng ta, có những trường hợp giảm khinh. Nhưng tội vẫn là tội. Nói rằng “Ðó là chuyện của gia đình tôi” là không thích hợp. Ung thư vẫn không giảm bớt sự chết chót, nhờ chúng ta biết cách giải thích nguồn gốc của nó. Tội lỗi cũng vậy.

Và khi nhìn vào Hội Thánh chung quanh mình, chúng ta phải có cùng một quan điểm như vậy. Tội lỗi luôn luôn là tội lỗi. Lúc nào nó cũng đáng ghê tởm. Chúng ta có thể nài xin sự thương xót nhưng không phải trên cơ sở của trường hợp giảm khinh. Ðức Chúa Trời biết những trường hợp giảm khinh, nhưng bản chất khủng khiếp của tội lỗi thì vẫn không thay đổi.

Thế nhưng lời cầu nguyện của Môi-se không mang tính chỉ trích hoặc lên án. Ông chỉ trình bày tất cả lên cho Chúa. Ông tuyệt vọng. Ông quá nhạy cảm đối với cặp mắt đang nhìn thấy hết của Ðức Chúa Trời nên không thể làm ít hơn được. Ông cũng biết rằng Ðức Chúa Trời có quyền làm bất kỳ điều gì Ngài muốn, tuy nhiên ông vẫn nài xin: “Nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ.” Nếu phải cầu nguyện như ông, chúng ta phải ý thức được như vậy và có cùng thái độ như vậy. Chúng ta không lên án, nhưng cũng không dám nhắm mắt lại.

Tiếp theo là chứng cớ đau xót của một người cầu thay chân thật. “Bằng không, hãy xóa tên tôi khỏi sách Ngài đã chép.” Môi-se sẽ đứng hoặc ngã cùng với dân tộc của mình. Việc bắt đầu lại một dân mới không phải là cho riêng ông. Có thể là ông không đưa ra lời giải thích nào về cảm nghĩ của mình. Nhưng sự kết thúc Y-sơ-ra-ên sẽ kết thúc mọi sự đối với Môi-se.

Lời cầu nguyện của ông không mang tính cường điệu. Trên đường trở lên núi, ông có thời gian để suy nghĩ đến lời gợi ý trước đó của Ðức Chúa Trời, và ông đã quyết định. Ðức Chúa Trời có quyền làm như ý Ngài muốn. Tuy nhiên số phận của Môi-se gắn liền với đoàn dân mà ông đã dẫn ra khỏi Ai Cập. Có thể họ thất thường. Có thể họ tội lỗi. Nhưng họ đã trở thành dân của Môi-se cũng như họ là dân của Ðức Chúa Trời. Ông sẽ sống để dẫn dắt họ, hoặc cùng chết với họ trong hoang mạc.

Thật tốt nếu có thêm nhiều Cơ-đốc nhân nhìn Hội Thánh theo cùng một cách như vậy. Không hề có ý chỉ trích, chúng ta có thể nhìn nhận với Ðức Chúa Trời và với chính mình rằng, vì lòng tham lam không biết xấu hổ và sự ham mê vật chất, chúng ta không xứng đáng nhận được một sự thương xót nào từ Ðức Chúa Trời Công Chính. Mọi sự đều tùy thuộc vào chỗ đứng mà chúng ta lựa chọn. Hội Thánh là “họ” hay là “chúng ta”? Liệu chúng ta có quan tâm đủ để cùng đứng với họ nếu Ðức Chúa Trời giáng hình phạt không? Liệu chúng ta có yêu thương họ bất chấp điều mình nhìn thấy không? Có phải họ vẫn là dân của Chúa và của chúng ta không?

Sứ đồ Phao-lô đã viết: “Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Ðấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác” (Rô-ma 9:3). Một lần nữa, đây chính là quan điểm của người cầu thay chân chính. Không hề dùng ý riêng của con người để xem thường Ðức Chúa Trời trong án phạt của Ngài, đây chính là sự phản ánh tấm lòng của Ðức Chúa Trời. Ngài là Ðấng chết thế tội lỗi của nhân loại, đã làm sáng tỏ điều đó cho tất cả chúng ta.

Nếu lời cầu nguyện được dâng lên cách chân thành thì đó là lời cầu nguyện được Ðức Chúa Trời ưa thích. Thế nhưng, đó là lời cầu xin Ngài không bao giờ trả lời. Sự đáp ứng của Ðức Chúa Trời cho Môi-se thật rõ: “Kẻ nào phạm tội cùng Ta, Ta sẽ xóa nó khỏi sách của Ta” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:33).

Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa kết thúc. Người Do Thái cần phải hiểu rõ nguy cơ của việc sống trong sự hiện diện trực tiếp với Ðức Chúa Trời. Họ phải tiến vào Ca-na-an. Họ được cho biết: “Nhưng Ta không cùng lên với ngươi đâu, vì ngươi là dân cứng cổ, e Ta diệt ngươi dọc đường chăng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:3). Họ đã được bảo phải cởi bỏ những vật trang sức để bày tỏ sự nuối tiếc. Chính Môi-se đã dựng Lều Tạm cách doanh trại chính một khoảng khá xa  – Đền Tạm lúc đó chưa được xây – gọi đó là Lều Hội Kiến. Một nghi thức long trọng đã diễn ra. Cả nước đều đứng lên, khi Môi-se bước về hướng Lều Tạm và họ đã chứng kiến trụ mây giáng trên lều ngay khi Môi-se bước vào (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:10). Ðức Chúa Trời không còn ở giữa dân Ngài. Khi mây giáng xuống, toàn thể Y-sơ-ra-ên sấp mặt xuống đất.

Ðối với Môi-se, đó là một đặc ân và vinh dự. “Ðức Giê-hô-va đối diện phán cùng Môi-se, như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:11). Thế nhưng ông không thỏa lòng. Ðối với nhiều người trong chúng ta thì đó là quá đủ rồi. Nếu chúng ta được cùng chia sẻ với Môi-se trong sự gần gũi và thân mật mà ông đang vui hưởng nhưng những người khác không được như thế thì có gì quan trọng? Tuy nhiên đối với Môi-se, đây là điều vô cùng quan trọng. Ông không chỉ muốn dân của Ðức Chúa Trời được thương xót mà còn muốn chính Ngài hiện diện ở giữa vòng họ nữa. Tôi xin phép diễn ý lời của ông như sau: “Ngài cho con biết Ngài yêu con, Ngài biết con, và con vui hưởng ân huệ của Ngài, mọi điều đó thật tốt đẹp. Tuy nhiên nếu đúng vậy, thì xin Ngài dạy cho chúng con đường lối của Ngài để Ngài không lìa bỏ chúng con. Xin cho chúng con cơ hội học tập làm vui lòng Ngài. Không có lợi ích gì khi chúng con tiến vào Ca-na-an mà không có Ngài. Liệu có gì khác biệt giữa chúng con với bất kỳ dân tộc nào khác, nếu Ngài không còn hiện diện ở giữa chúng con? Làm thế nào ai đó biết được chúng con đang vui hưởng ân huệ của Ngài?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:12–16).

Ước gì mọi người cũng nài xin như vậy cho Hội Thánh! Vì Ðức Chúa Trời không ở giữa chúng ta. Chúng ta thờ những con bò vàng của sự thịnh vượng vật chất, của đặc ân, và sự tôn trọng từ trần gian, của bằng cấp học vấn và quyền lực chính trị. Chúng ta xem những thành công của chúng ta là bởi tài năng kỹ thuật hơn là bởi Thánh Linh. Trần gian có thể dễ hiểu chất lượng công việc chúng ta. Chúng ta có máy móc và biết cách sử dụng. Chẳng cần lời giải thích siêu nhiên nào cho việc phát triển của chúng ta. Ai cần đến Ðức Chúa Trời? Ngài chỉ là hình chạm, là biểu tượng của chúng ta. Bức ảnh của Ngài chiếm chỗ danh dự trong các phòng ban quản trị của tổ chức chúng ta. Nhưng Ngài là cựu chủ tịch danh dự; còn chúng ta, giống như người Do Thái, thậm chí còn không nhớ đến Ngài.

Ðức Chúa Trời đã đáp lại lời cầu xin của Môi-se. Ngài đáp lời bởi vì chính Ngài đã dạy Môi-se cầu nguyện như vậy. Ðức Chúa Trời đã đáp lời cầu xin mà Ngài mong ước được nghe. Ngài đã thật sự đồng hành với họ.

Phản Chiếu Vinh Quang của Ðức Chúa Trời 

Tuy nhiên Môi-se cũng vẫn chưa hài lòng. Bỗng nhiên ông tràn ngập một niềm khao khát thúc đẩy ông thốt lên những lời lạ lùng. Bạn thấy tình yêu của ông dành cho con dân của Ðức Chúa Trời thật ra không khác với tình yêu của ông dành cho thân vị của Ðức Chúa Trời. Hai tình yêu đó không khác nhau mà chỉ là một. Với sự bạo dạn nhưng run rẩy, ông tiến thêm một bước xa hơn trong màn đêm dày đặc đang che khuất hào quang của Ðức Chúa Trời: “Xin Ngài cho con được xem sự vinh hiển của Ngài”(Xuất Ê-díp-tô Ký 33:18).

Ông không còn nài xin cho Y-sơ-ra-ên nữa. Ông không còn có thể giải thích được lời thỉnh cầu mới của mình như thái độ mà ông đã có trong lời thỉnh cầu đầu tiên. Ông đã bị cuốn hút bởi những cơn gió Thánh Linh mạnh mẽ và không thể nào không cầu xin được nhìn thấy vinh quang của Ðức Chúa Trời, giống như một người không thể kềm chế cơn thèm khát. Ông giống như một người đã lại quá gần một phụ nữ và thấy mình không thể không nắm tay được. Ông khát khao Ðức Chúa Trời với nỗi đam mê buộc phải bộc lộ: “Tôi xin Ngài cho con xem sự vinh hiển của Ngài.” 

Có bao giờ bạn ở trong hoàn cảnh đó hay không? Một lần nữa, đây không phải là vấn đề tự thúc đẩy chính mình bước vào một tình trạng xúc cảm. Cảm giác theo sau đức tin. Giống như chúng ta lấy đức tin đến gần Ðức Chúa Trời của Thánh Kinh, và tin rằng có ngày Ngài sẽ tự bày tỏ chính mình cho chúng ta, để rồi niềm say mê đã từng lay động Môi-se cũng sẽ lay động chúng ta. Trong khi chờ đợi, chúng ta không được chú tâm vào đam mê mà phải lấy đức tin tập trung vào Ðấng Christ.

Ðức Chúa Trời đã đáp lại lời thỉnh cầu sau cùng của Môi-se. Từ khe nứt nơi tảng đá, Môi-se thoáng nhìn thấy phía sau của Ðức Chúa Trời. Những từ này gợi lên trong trí bạn hình ảnh nào? Vinh quang của Ðức Chúa Trời là gì? Có phải là sự chiếu rọi của ánh sáng và màu sắc rạng ngời chăng? Nó có liên quan gì đến tầm cỡ và vinh quang không? Phải chăng Ðức Chúa Trời thật vĩ đại?

Nếu bạn đã nhìn thấy vinh quang đó, ngay cả chỉ phía sau của Ngài, thì lời nói sẽ không thể nào mô tả được. Chẳng hạn, làm sao tôi có thể mô tả một khải tượng trực tiếp về lòng thương xót của Ðức Chúa Trời giống như thế nào? Nó giống như biển cả tối đen với sóng cuồn cuộn thét gầm. Nhưng tôi đã nói gì? Lời nói của tôi chẳng truyền đạt được sự vinh quang. Những lời nói vô năng không thể nào khiến bạn quỳ xuống với những giọt lệ tuôn trào không kềm chế được.

Thế nhưng người Do Thái đã hiểu được một điều, một điều còn mạnh hơn cả lời nói. Kết quả là khi trở lại với người Do Thái đang chờ đợi, “Môi-se không biết rằng da mặt của mình đã sáng rực bởi vì mình hầu chuyện với Ðức Chúa Trời” (XuấtÊ-díp-tô Ký 34:29). Thật vậy, mặt của ông cứ tiếp tục chiếu sáng. Sự chiếu sáng này được lặp lại mỗi lần ông bước vào sự hiện diện với Ðức Chúa Trời, cho nên ông phải che mặt lại để người Do Thái có thể đến gần mình. Ai đã từng thấy vinh quang của Ðức Chúa Trời cũng đều phản chiếu lại.

Ðối với bạn, có thể dường như kinh nghiệm cầu nguyện của Môi-se vượt xa những người bình thường như bạn. Xin đừng để ai lừa dối bạn. Môi-se cũng yếu đuối và hay sợ hãi. Ông đã lãnh đạo người Do Thái, không phải do ông lựa chọn, mà do Ðức Chúa Trời đã kêu gọi ông.

Ðức Chúa Trời cũng kêu gọi bạn. Bạn có thể được hoặc không được chỉ định giữ vai trò lãnh đạo vận mệnh của dân tộc. Nhưng Ngài muốn nói với bạn mặt đối mặt, như một người trò chuyện với bạn hữu. Ngài muốn chia sẻ những mối quan tâm của Ngài với bạn. Ngài muốn bạn nắm lấy Ngài bằng Lời của Ngài, điều mà bạn chỉ có thể làm nếu bạn tin vào Lời đó. Hãy đọc Lời Ngài với tâm trí cởi mở. Hãy tự hỏi: “Có một Ðức Chúa Trời như vậy sao? Ngài có án phạt nào cho Hội Thánh ngày nay? Tôi có muốn làm bạn với Ngài hay không?” Không có sự trở ngại nào để về phía của Ngài. Và Hội Thánh của thế kỷ hai mươi có thể bắt đầu với vài người nam và người nữ có những khuôn mặt sáng ngời.

Lược trích từ Dạn Dĩ Đến Gần Đức Chúa Trời
John White – Văn Phẩm Nguồn Sống
(2021)

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top