Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Âm Nhạc » Ludwig van Beethoven: Christ on the Mount of Olives – Đấng Christ Trên Núi Olive

Ludwig van Beethoven: Christ on the Mount of Olives – Đấng Christ Trên Núi Olive

Ludwig van Beethoven: Christus am Ölberge

Năm 2020 là dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhạc sĩ L.V. Beethoven (1770-2020).  Nhân dịp này Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc một vài tác phẩm thánh nhạc của nhạc sĩ Beethoven.

Vài Nét Về Tác Phẩm

Christus am Ölberge (Op. 85) Đấng Christ Trên Núi Olive – là một tác phẩm do Ludwig van Beethoven sáng tác. Tác phẩm diễn tả những cảm xúc nội tâm của Đức Chúa Jesus lúc Ngài cầu nguyện trong vườn Gethsemane trước khi Ngài hy sinh trên thập tự. 

Tác Giả

Ludwig van Beethoven (1770-1827) là một nhạc sĩ nổi tiếng người Đức.  Ông được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những nhà soạn nhạc cổ điển xuất sắc nhất mọi thời đại.  Vào năm 2020, nhiều nơi trên thế giới sẽ tổ chức kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhạc sĩ Ludwig van Beethoven.  

Bối Cảnh Sáng Tác

Các nhà nghiên cứu âm nhạc đã phân chia sự nghiệp sáng tác của Ludwig van Beethoven thành ba giai đoạn chính: giai đoạn đầu từ thời niên thiếu cho đến năm 1802, giai đoạn giữa từ năm 1802 cho đến năm 1812, và giai đoạn cuối từ năm 1812 cho đến khi Beethoven qua đời vào năm 1827.

Tác phẩm Christus am Ölberge được Beethoven sáng tác vào mùa thu năm 1802.  Đây thời điểm đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn giữa, là giai đoạn mà Beethoven sáng tác những tác phẩm xuất sắc nhất của mình.

Theo những bức thư mà Beethoven đã gởi cho các em trai của mình, Beethoven cho biết tác phẩm Christus am Ölberge đã được viết vào mùa thu năm 1802.    Trong một bức thư khác gởi cho nhà xuất bản Breitkopf & Härtel, Beethoven nói rằng tác phẩm Christus am Ölberge được viết trong vài tuần.  Về sau, Beethoven cho biết thật ra tác phẩm Christus am Ölberge chỉ được viết trong vòng 14 ngày mà thôi.  Lời ca trong tác phẩm do nhà thơ người Đức Franz Xaver Huber viết, và do Wiener Zeitung, một cộng sự của Beethoven, hiệu đính. 

Nội Dung

Christus am Ölberge oratorio là một tác phẩm thánh nhạc.  Tựa đề của tác phẩm được trích từ câu Kinh Thánh Mác 14:26 “Sau khi hát thánh ca, họ đi ra để đến núi Ô-liu”.  Nội dung của tác phẩm dựa trên ký thuật trong Phúc Âm Mác 14:26-52 trình bày tâm trạng của Đức Chúa Jesus lúc Ngài cầu nguyện trong vườn Gethsemane. Tác phẩm nhấn mạnh rằng dù có băn khoăn, nhưng Đức Chúa Jesus đã tự nguyện và chấp nhận hy sinh để đền tội cho cả nhân loại trên thập tự.

Cấu Trúc Âm Nhạc

Trong oratorio Christus am Ölberge, Beethoven đã viết nhạc cho ba giọng đơn ca soprano, tenor, và bass;  với ban hợp xướng gồm bốn giọng soprano, alto, tenor, bass;  và cùng với phần trình bày của dàn nhạc giao hưởng. Ca sĩ đơn ca tenor minh họa Đức Chúa Jesus, ca sĩ hát soprano là thiên thần, và ca sĩ hát giọng bass mô tả Sứ đồ Phi-e-rơ.

Trình Diễn & Nhận Định

Tác phẩm được trình bày lần đầu tiên vào ngày 5/4/1803 tại Theater an der Wien ở Vienna, thủ đô của nước Áo (Austria).  Toàn bộ tác phẩm kéo dài khoảng 50 phút. Sau lần công diễn đầu tiên này, Beethoven đã nhận được rất nhiều góp ý từ giới phê bình và công chúng.

Về âm nhạc, Beethoven đã nhận được những ý kiến lẫn lộn.  Nhà phê bình của tờ  Zeitung für die Elegante Welt viết rằng có vài đoạn trong tác phẩm Christus am Ölberge oratorio thật đáng ngưỡng mộ.  Trong khi đó, bình luận viên của tờ Freymüthige Blätter nói rằng cấu trúc của tác phẩm quá cứng ngắt, thiếu diễn cảm, đặc biệt trong phần phổ nhạc cho lời ca.  Một số nhà phê bình khác cho rằng các ca sĩ  đã không diễn đạt đúng mức những đoạn cần phải thể hiện cảm xúc trong những ca khúc.

Về lời thơ – và cũng là lời ca – của tác phẩm, các nhà phê bình cho rằng lời thơ do Franz Xaver Huber viết,  mặc dù đã được hiệu đính, vẫn còn quá yếu – đặc biệt khi phổ thơ cho một tác phẩm ghi lại một trong những sự kiện rất quan trọng trong cuộc đời của Đức Chúa Jesus.  Khi nghe nhận định này từ, bản thân của Beethoven cũng nhận biết rằng lời thơ trong Christus am Ölberge oratorio chưa được tốt, nhưng ông đã biện minh cho người cộng sự của mình.  Beethoven nói rằng đây là một tác phẩm âm nhạc lấy ý từ Kinh Thánh, chỉ được viết trong một khoảng thời gian rất ngắn, nếu cần nghe thơ hay thì hãy để ông phổ nhạc thơ  của Homer, Klopstock, và Schiller –  Homer, Klopstock, và Schiller là những thi hào nổi tiếng trên thế giới – Học từ kinh nghiệm này, khi biết công chúng chú trọng cả âm nhạc lẫn lời ca, về sau Beethoven đã phổ nhạc cho thơ của Schiller, trong tác phẩm Symphony No. 9 nổi tiếng của ông. Về sau, Symphony No. 9 được xem là một trong những tác phẩm thành công nhất của Beethoven.

Mặc dầu có những phê bình và góp ý như vậy, Beethoven đã ghi lại rằng sau lần công diễn đầu tiên vào năm 1803, năm 1804 tác phẩm Christus am Ölberge oratorio đã được trình diễn 4 lần, và được liên tục trình diễn hằng năm cho đến khi bị cấm vào năm 1825.

Năm 1809, Christus am Ölberge oratorio, với tựa đề trong tiếng Anh là Christ on the Mount of Olives, đã được trình diễn tại Hoa Kỳ.  Đây là tác phẩm đầu tiên của Beethoven đạt thành công tại Hoa Kỳ. 

Trong những năm về sau, ca khúc “Welten singen” – là ca khúc kết thúc của trường ca Christus am Ölberge – đã được rất nhiều ca đoàn tại các trường trung học, đại học, và nhà thờ khắp nơi trên thế giới trình bày.

Nhân dịp kỷ niệm 250 năm (1770-2020) ngày sinh của nhạc sĩ Ludwig van Beethoven, bước vào mùa Phục Sinh năm 2020, mời bạn đọc lắng nghe tác phẩm Christus am Ölberge mà Beethoven đã sáng tác để kỷ niệm sự thống khổ của Đức Chúa Jesus.  

Tác phẩm Đấng Christ Trên Núi Olive mà bạn đang xem được trình diễn vào ngày 11/6/2013 tại thánh đường Basílica, với ban hợp xướng Vokalakademie Berlin do Frank Markowitsch điều khiển,  Pavol Breslik hát lời của Đức Chúa Jesus, Julie Fuchs hát lời của thiên thần, và Konstantin Wolff hát lời của Sứ đồ Phi-e-rơ, cùng dàn nhạc Le Cercle de L’Harmonie do Jérémie Rhorer điều khiển. Cuối phần trình diễn khán giả đã vỗ tay trong hơn năm phút để khen ngợi các ca sĩ và nhạc sĩ đã trình bày tác phẩm Đấng Christ Trên Núi Olive.   Đây là một sự khích lệ hiếm có.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top