Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Đọc Sách: Những Nguyên Tắc Truyền Bá Phúc Âm – Phần 1

Đọc Sách: Những Nguyên Tắc Truyền Bá Phúc Âm – Phần 1

Lời Ban Biên Tập:

Tính đến cuối năm 2020, thế giới đã có 7 tỷ 840 triệu người.  Trong số đó có khoảng một phần ba là những người tin Chúa.  Như vậy vẫn còn khoảng gần 5 tỷ 237 triệu người cần được nghe về Phúc Âm cứu rỗi của Đức Chúa Jesus. Cách đây gần 2000 năm, trước khi về trời, Đức Chúa Jesus đã dặn những người tin Chúa rằng: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.”  (Ma-thi-ơ 28:19-20). Trong năm 2021, Thư Viện Tin Lành sẽ giới thiệu với bạn đọc cuốn sách Những Nguyên Tắc Truyền Bá Phúc Âm do Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu viết.  Nội dung cuốn sách trình bày một số nguyên tắc và phương thức truyền bá Phúc Âm đã được áp dụng tại nhiều nơi. Hy vọng cuốn sách sẽ nhắc nhở và khích lệ mỗi người tin Chúa trong trách nhiệm thực hiện Đại Mạng Lệnh mà Chúa đã giao phó để làm chứng về Chúa cho hơn 90 triệu người Việt chưa tin Chúa. 

 

Cơ Bản Truyền Bá Phúc Âm

1/ Truyền bá Phúc Âm nghĩa là gì?

Có người cho rằng nếu có một bộ Lịch sử Hội Thánh đầy đủ thì không cần viết Lịch sử Truyền giáo nữa.  Kinh nghiệm cho thấy phần đông tác giả các bộ Lịch sử Hội Thánh thường trình bày một nội dung rất phong phú bao gồm lịch sử các giáo lý, các tín điều, cơ cấu tổ chức giáo hội, các cuộc tranh chấp hay ly khai, các hội nghị cộng đồng tức là giáo hội nghị, các quyết nghị của giáo hội hoặc của chính quyền liên quan đến giáo hội, các cuộc chiến tranh tôn giáo, các biện pháp kỷ luật để ngăn chặn những phong trào bị kể là tà thuyết v.v… Tuy nhiên, các bộ Lịch sử Hội Thánh ấy ít khi đề cập đến công cuộc truyền bá Phúc Âm, công cuộc phiên dịch và phân phát Thánh Kinh, các nổ lực xây dựng Hội Thánh giữa các dân tộc, … Những chủ đề nầy ít được nhiều người lưu ý, kể cả sức phát triển diệu kỳ của Phúc Âm ngày nay, giữa những khu vực đã nổi tiếng là chai đá nhất suốt bao nhiêu thế kỷ.  Những khía cạnh ấy chính là những vấn đề thuộc phạm vi của Lịch sử Truyền bá Phúc Âm.

Lịch sử Truyền bá Phúc Âm bắt đầu với mệnh lệnh của Chúa Cứu Thế Giê-xu trong sách Công vụ các sứ đồ 1:8 “Khi Thánh Linh giáng trên các con, các con sẽ nhận được quyền năng, làm chứng cho Ta tại Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, và khắp thế giới.”  Lịch sử Truyền bá Phúc Âm ghi lại sự bành trướng và sự tăng trưởng của Hội Thánh qua các thời đại, vượt cả các ranh giới thiên nhiên hay nhân tạo.  Mục đích chính của môn học Lịch sử Truyền bá Phúc Âm là ghi nhận những sự kiện quan trọng trong công cuộc truyền bá Phúc Âm suốt 20 thế kỷ, và trình bày cách khái quát sự tăng trưởng của Hội Thánh khắp thế giới.  Các tài liệu ấy rất hữu ích cho cá nhân tín hữu, hay các lớp học Thánh Kinh muốn nghiên cứu học hỏi những ưu khuyết điểm của các lớp người đi trước từng truyền bá Phúc Âm cho đồng bào đồng loại, để rút thêm kinh nghiệm ngõ hầu đẩy mạnh công cuộc phổ biến Tin Mừng cứu rỗi của Chúa Cứu Thế cho đồng bào trên khắp dãi đất Việt thân yêu.

Khi Chúa Cứu Thế kêu gọi một số thanh niên làm môn đệ đầu tiên, Chúa đã bảo ngay: “Các con hãy theo Ta, Ta sẽ đào luyện các con thành người cứu vớt đồng loại.”  Câu ấy minh định rằng: Chúa gọi con người theo Ngài, nhằm mục đích thay đổi người ấy thành một con người mới, có sức sống mới mẻ, thánh thiện để bước theo dấu chân của Chúa Cứu Thế và để đưa người khác đến với Ngài.

Như thế Truyền bá Phúc Âm có nghĩa gì?  Truyền bá nghĩa là phổ biến rộng ra.  Phúc Âm là Tin Mừng cứu độ.  Truyền bá Phúc Âm có nghĩa là phổ biến rộng rãi, là chuyển đi, hay giao cho người khác Phúc Âm và các giáo huấn mình đã tiếp nhận từ Chúa Cứu Thế.  Theo nguyên văn Thánh Kinh, động từ “Truyền giáo” có nghĩa là sai đi, cử đi làm sứ giả.  Người truyền bá Phúc Âm là người được Chúa sai đi làm sứ giả để truyền một thông điệp, là Tin Mừng của Chúa cho đồng bào đồng loại.  Thành ngữ “Truyền bá Phúc Âm” theo ý nghĩa dùng trong các sách Phúc Âm không phải chỉ truyền bá một số giáo lý, nhưng chính là truyền sự sống của Chúa cho người khác.  Đạo Chúa là Đạo sự truyền sự sống của Chúa cho người khác.  Đạo Chúa là Đạo sự sống.  Phúc Âm của sự sống là nguồn sống mới, có khả năng thay đổi cuộc đời cũ, nếp sống cũ, và biến cải tâm linh, chí hướng con người tiếp nhận Chúa.  Nói cách khác, truyền bá Phúc Âm là đưa người đến với Chúa, để Chúa thay đổi người ấy thành một môn đồ thật của Ngài, một người theo Chúa, một người giống như Chúa.

Tất cả bốn sách Phúc Âm đều kết thúc bằng mệnh lệnh quan trọng nhất của Chúa Cứu Thế Giê-xu cho các môn đệ là mệnh lệnh truyền bá Phúc Âm.  Theo Phúc Âm Mã-thi 28:18-20, Chúa Cứu Thế đã ra lệnh “Tất cả uy quyền trên trời, dưới đất đều giao về tay Ta.  Vậy các con hãy đi dìu dắt tất cả các dân tộc làm môn đệ Ta, làm báp-tem cho họ nhơn danh Cha Con và Thánh Linh, và dạy họ vâng giữ mọi mệnh lệnh Ta.  Chắc chắn Ta ở với các con luôn luôn từ nay cho tới ngày tận thế.”  Phúc Âm Mác 6:15 “Hãy đi khắp thế giới giảng Phúc Âm cho mọi người”  Phúc Âm Lưu-ca 24:47,48 “Nhơn danh Chúa mà rao giảng cho nhân dân các nước sự ăn năn để được tha tội, các con hãy làm chứng về mọi việc đó.”  Và Phúc Âm Giăng 21:19-22 “Hãy theo Ta, hãy chăn các chiên con Ta.”

Chúng ta thử tìm hiểu mệnh lệnh Chúa Cứu Thế đã truyền trong mấy câu kết thúc sách Phúc Âm Mã-thi dịch sát theo nguyên tắc: “Khi các môn đệ thấy Chúa thì thờ lạy Ngài, nhưng có một vài người nghi ngờ.  Đức Chúa đến gần dạy các môn đệ: Tất cả uy quyền trên trời và dưới đất đều đã về tay Ta.  Vậy, trong khi đi lại, các con hãy làm cho tất cả các dân tộc trở thành môn đệ Ta, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh, dạy họ những điều Ta đã truyền cho các con.  Và này Ta thường ở cùng các con luôn cho đến tận thế.”

Phân tích mấy câu Thánh Kinh ấy, chúng ta tìm thấy điểm chính:

  1. Khung cảnh Chúa truyền mệnh lệnh truyền bá Phúc Âm là cảnh các môn đệ thờ lạy Chúa trong lúc một vài người vẫn còn nghi ngờ, phân vân.
  2. Nền tảng mọi công cuộc truyền bá Phúc Âm chân chính là uy quyền của Chúa Cứu Thế.
  3. Cơ hội truyền bá Phúc Âm là những lúc chúng ta đi lại, di chuyển, xê dịch đây đó.
  4. Mục đích của việc truyền bá Phúc Âm là làm cho người trong tất cả các dân tộc trở thành môn đệ của Chúa Cứu Thế.
  5. Tổ chức công cuộc truyền bá Phúc Âm là làm báp-tem cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh.
  6. Phương pháp củng cố kết quả là huấn luyện, là dạy họ giữ tất cả mọi điều Chúa truyền bảo để cho họ được nhập vào thân thể của Chúa và tiếp nhận sự sống của Chúa mà sinh hoạt.
  7. Vị lãnh tụ và đồng lao của chúng ta trong công tác truyền bá Phúc Âm là chính Chúa Cứu Thế, Đấng luôn luôn ở với chúng ta cho đến tận thế.

2/ Khung Cảnh Chúa truyền mệnh lệnh

Khung cảnh Chúa truyền lệnh cho các môn đệ đi truyền bá Phúc Âm là một khung cảnh trang nghiêm, cảm động.  Chúa vừa hy sinh tính mạng, chịu đóng đinh trên cây thập tự để chuộc tội cho loài người.  Ba ngày sau, Chúa sống lại cách vinh quang khiến những người thù nghịch khiếp sợ và những tên lính canh mộ phải chạy trốn.  Chúa đến gặp các môn đệ, trò chuyện, khuyên răn, dạy bảo họ suốt 40 ngày.  Trong một dịp qua xứ Ga-li-lê đến đỉnh núi Chúa đã hẹn trước, Chúa gặp các môn đệ để truyền cho họ mệnh lệnh quan trọng nhất của Ngài trước khi Chúa thăng thiên.  Giữa lúc các môn đệ thờ lạy và lắng lòng nghe tiếng Chúa thì vẫn còn một vài người nghi ngờ.  Hoàn cảnh đã làm dao động đức tin của họ, sự đe dọa, khủng bố và áp lực chung quanh đã làm cho họ nao núng.  Có lẽ một lý do khiến cho họ còn thắc mắc, hoài nghi vì họ ở cách xa Chúa nên không nhận rõ Ngài.  Vì thế, trong câu văn tiếp theo, Thánh Kinh chép “Đức Chúa Giê-xu đến gần phán dạy các môn đệ.”  Và khi được Chúa đến gần, khi được ngồi gần bên Chúa, quỳ sát bên Chúa, khi được thấy Chúa rõ ràng, họ không còn nghi ngờ nữa, mọi thắc mắc hoài nghi đều tan biến và họ cũng sẵn sàng nghe tiếng Chúa phán dạy như các anh chị em tín hữu khác.

3/ Nền tảng mọi công cuộc truyền bá Phúc Âm

Chúa Cứu Thế xác nhận rằng: Tất cả uy quyền trên trời và dưới đất đều đã về tay Chúa.  Uy quyền tối cao đó là uy quyền của Đấng sáng tạo và bảo tồn vũ trụ.  Trước kia, Chúa Cứu Thế đã có uy quyền đó, nhưng theo như Phi-líp chương 2, Chúa Cứu Thế không tham quyền cố vị, Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ trở nên giống như loài người, hiện ra như một người, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.  Từ khi Chúa sống lại, uy quyền ấy được trao trả vào tay Chúa.  Chúa dùng uy quyền ấy làm nền tảng cho công cuộc truyền bá Phúc Âm khắp thế giới.  Nhiều lúc chúng ta muốn vâng lệnh Chúa đi nói cho người khác biết Tin Mừng của Chúa, nhưng chúng ta sợ sệt, run rẩy vì cảm thấy mình bé bỏng, yếu đuối, thiếu khả năng, và nhất là mình sẽ bị một uy quyền lớn lao chống đối.  Chính Chúa cũng xác nhận trong Phúc Âm Mã-thi chương 10:16-20 “Ta sai các con đi như chiên vào giữa bầy muôn sói.  Họ sẽ nộp các con trước tòa án, đánh đòn các con trong nhà hội, lại vì cớ Ta mà các con sẽ bị giải đến trước mặt các vua và các quan tổng trấn để làm chứng trước mặt họ và các dân nước ngoài.  Song khi họ đem nộp các con thì chớ lo về cách nói làm sao hoặc nói lời gì, vì các lời đáng nói sẽ chỉ cho các con chính trong giờ đó.  Ấy chẳng phải tự các con nói đâu song là Thánh Linh của Cha các con sẽ từ trong lòng các con nói ra.  Vậy các con đừng sợ chi hết.  Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn, nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục.  Ai xưng Ta ra trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha Ta ở trên trời, còn ai chối Ta trước mặt thiên hạ thì Ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha Ta ở trên trời.”  Một khi chúng ta hiểu được rằng Chúa đang nắm trong tay uy quyền tối cao trên cả vũ trụ và nhân sinh, uy quyền cao cả hơn tất cả các uy quyền chúng ta thường gặp, thì chúng ta có thể anh dũng truyền bá Phúc Âm vì Chúa chúng ta sẽ xử dụng đúng mức uy quyền cao cả tuyệt đối của Ngài để cộng tác với chúng ta.                          

3/ Cơ hội truyền bá Phúc Âm

Theo nguyên tác Thánh Kinh động từ “đi” trong Phúc Âm Mã-thi chương 28:19 là một phân từ trong một mệnh đề phụ nên muốn cho sát ý phải dịch là “Trong khi đi lại, các con hãy làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ Ta.”  Có người đã hiểu lầm mệnh lệnh Chúa và lập luận rằng: Đợi khi nào tôi đi khắp thế giới, đợi khi nào tôi đến một dân tộc xa xôi, tôi mới truyền bá Phúc Âm.  Mặc dù có nhiều nhà truyền giáo được Chúa hướng dẫn phải vượt đại dương đi đến nước ngoài, đến với dân tộc xa lạ để truyền bá Đạo Chúa, nhưng tất cả những người theo Chúa đều có trách nhiệm nắm lấy cơ hội trong những cuộc đi lại đây đó, trong khi thi hành các công tác, khi di chuyển vì nhiệm vụ hay công việc làm ăn để làm chứng về Chúa.  Đó là những dịp tiện truyền bá Phúc Âm mà người theo Chúa phải luôn luôn nắm lấy để giới thiệu Chúa Cứu Thế cho đồng bào, đồng loại.

4/ Mục đích công cuộc truyền bá Phúc Âm

Theo lời Chúa Cứu Thế mục đích việc truyền bá Phúc Âm rất đơn giản là làm cho người thuộc mọi dân tộc trở thành môn đệ của Chúa bởi vì Ngài là Chúa Cứu Thế duy nhất.  Nói chung, truyền bá Phúc Âm là một công tác tập thể của Hội Thánh Chúa khắp thế giới.  Chúa đã kêu gọi và sai các sứ giả của Chúa đến từng dân tộc để truyền bá Phúc Âm, Chúa đã dùng nhiều nhà truyền bá Phúc Âm dành cả cuộc đời của họ để dịch Thánh Kinh ra trên mấy ngàn ngôn ngữ khắp thế giới, để báo tin mừng cho mọi dân tộc.  Nhưng ý nghĩa chính của việc truyền bá Phúc Âm là trở thành môn đệ của Chúa.  Môn đệ thật của Chúa Cứu Thế là người tin Chúa, theo Chúa và sống đạo.  Chữ “môn đệ” trong đạo Chúa không những hàm ý người môn đệ chỉ phải tiếp nhận Phúc Âm, hoặc gia nhập đoàn thể Hội Thánh, nhưng còn phải có Chúa sống trong lòng để có một nếp sống, trong tâm tính người môn đệ của Chúa phải rõ rệt và nổi bật, đến nỗi những người từng quen biết người ấy trước khi tin Chúa phải sửng sốt, ngạc nhiên và nhìn nhận rằng có một quyền năng đã đổi mới người ấy, biến người ấy thành một người đạo đức, chân thật.  Nói cách khác, người thật sự làm môn đệ Chúa là người phản ảnh sự sống của Chúa.  Nếu không đi theo chiều hướng ấy, công cuộc truyền bá Phúc Âm sẽ sai lạc mục đích và ý định của Chúa; và dù cho có hàng bao nhiêu triệu người gia nhập giáo hội đi nữa, công việc của các nhà truyền bá Phúc Âm đó cũng sai lạc.

5/ Tổ chức công cuộc truyền bá Phúc Âm

Sau khi một người bằng lòng tiếp nhận Phúc Âm và được quyết định theo Chúa, Hội Thánh phải làm báp-tem cho người ấy nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh.  Về hình thức tổ chức, người chịu báp-tem được ghi tên vào danh sách của Hội Thánh và được chính thức gia nhập Hội Thánh.  Từ ngày đó, người ấy được Hội Thánh nhìn nhận là một tín hữu, một phần tử chính thức của Hội Thánh.  Người chịu báp-tem là người công nhận trước mặt mọi người rằng mình là môn đệ của Chúa Cứu Thế Giê-xu.  Về phương diện tâm linh, người chịu báp-tem bày tỏ lòng ăn năn tội lỗi bởi đức tin nơi sự hy sinh đổ huyết của Chúa Cứu Thế.  Hơn nữa, theo thư La-mã chương 6:3-6, người đã được Thánh Linh làm báp-tem vào thân thể Chúa Cứu Thế để được liên hiệp với Chúa và xác nhận rằng mình đã chết, đã chôn và đã sống lại với Chúa Cứu Thế, rằng sự sống cũ của mình đã chết, như một thân thể bị nhận chìm dưới dòng nước, và sự sống mới của Chúa truyền vào lòng mình, tác động trong tâm khảm mình như thân thể ra khỏi nước để sống một đời mới cho Chúa.  Từ đó người môn đệ của Chúa đương nhiên được gia nhập vào gia đình của Chúa, được gọi Chúa Cha là Thiên Phụ của mình, và được Chúa Thánh Linh ngự trong lòng và hướng dẫn cuộc đời mình.

6/ Phương pháp củng cố kết quả

Phương pháp củng cố kết quả truyền giáo là dạy dỗ, huấn luyện.  Một số người truyền giáo chỉ lo đem người gia nhập giáo hội, làm lễ báp-tem cho họ nhưng không chuyên cần dạy dỗ, huấn luyện họ để họ thấu triệt và thực hành mệnh lệnh của Chúa trong Thánh Kinh.  Chúng ta mừng vì số người gia nhập giáo hội đông hàng nghìn triệu người, và số người chịu báp-tem hay thánh tẩy mỗi năm đông đến vài mươi triệu người khắp thế giới.  Nhưng trong số đó có bao nhiêu người được thật sự liên hiệp với Chúa và được học hỏi, huấn luyện đầy đủ về Lời Chúa và mệnh lệnh Chúa để đến phiên họ cũng trở thành người truyền bá Phúc Âm?

7/ Lãnh tụ công cuộc truyền bá Phúc Âm

Niềm an ủi lớn nhất và sự bảo đảm vững chắc nhất của chúng ta, của những con người truyền bá Phúc Âm là sự hiện diện thường trực của Chúa.  Chúa Cứu Thế luôn luôn ở với chúng ta trong mọi hoàn cảnh, lúc gặp chống đối, khó khăn, cũng như khi thuận tiện, dễ dàng.  Chúa đang hướng dẫn cả đoàn người truyền bá Phúc Âm đang tận tụy phục vụ Chúa và đồng bào đồng loại khắp thế giới.  Chúa đang hướng dẫn bạn và tôi trong công tác nhỏ nhặt, tầm thường của chúng ta để truyền bá Phúc Âm cho Ngài, để truyền nguồn sống mới của Chúa cho một số người đang trông đợi chúng ta chính ngày hôm nay.  Chúa đã có một chương trình truyền bá Phúc Âm cho bạn và tôi.  Ngày nay, Chúa vẫn kêu gọi và thúc bách chúng ta truyền bá Phúc Âm cho Ngài.  Xin Chúa giúp chúng ta chu toàn nhiệm vụ và thực thi chương trình truyền bá Phúc Âm của Ngài trong phạm vi hoạt động của mỗi người chúng ta.  Xin Chúa Thánh Linh tác động mạnh mẽ trong lòng bạn và tôi cũng như trong lòng của hàng triệu người truyền bá Phúc Âm khắp thế giới.

Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu

(Phần 2)

Thư Viện Tin Lành (2021)
www.thuvientinlanh.org

 

Leave a Comment

©2012-2019 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top