Trở Lại Với Thi Thiên 23
Trở Lại Với Thi Thiên 23
Thi Thiên 23 là một bài thánh ca được viết cách đây gần 3000 năm. Trong số 150 Thi Thiên trong Thánh Kinh, có lẽ Thi Thiên 23 là Thi Thiên được nhiều người yêu thích nhất. Thi Thiên 23 là một khúc ca bày tỏ niềm vui hạnh phúc của một người được sống trong sự dẫn dắt của Chúa. Thi Thiên 23 được người tin Chúa hát lên giữa lúc vui mừng cũng như giữa cảnh khổ đau. Các học giả cho rằng yếu tố quan trọng khiến Thi Thiên 23 được nhiều người yêu thích là vì bài thơ đã diễn tả một cách tinh tế và sống động mối tương quan giữa một cá nhân với Chúa.
Đa-vít, tác giả của Thi Thiên 23, là một vị vua của người Do Thái. Qua Thi Thiên 23, ông đã ghi lại tâm trạng bình an, phước hạnh và sự thỏa lòng của một người đặt trọn niềm tin nơi Đấng Toàn Năng. Bài thơ phản ảnh những kỷ niệm thời niên thiếu của Đa-vít khi ông chăn chiên trên đồng cỏ, cũng như những từng trải của ông trong những tháng ngày bị săn đuổi bởi kẻ thù.
Thi Thiên 23 được nổi tiếng không phải chỉ giữa vòng những người tin Chúa nhưng cũng được phổ biến giữa những người không tin Chúa. Một số nhà nghiên cứu văn học ghi nhận rằng Thi Thiên 23 là một trong những áng văn tuyệt tác của nhân loại.
Thi Thiên 23 mở đầu bằng câu: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi. Tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.” Bằng phương pháp ẩn dụ, Đa-vít mô tả Chúa qua hình ảnh Đấng Chăn Chiên. Người chăn là một hình ảnh rất quen thuộc tại xứ Do Thái. Khi viết Thi Thiên này, có lẽ ký ức về những năm tháng chăn bầy trong tâm trí của Đa-vít chưa phai.
Là một người chăn chiên kinh nghiệm, Đa-vít hiểu rõ trách nhiệm của một người chăn là thế nào; ông cũng hiểu rõ nhu cầu của bầy chiên là gì. Đa-vít biết rằng chiên không thể tự chăm sóc cho chính mình; nếu để chiên sống tự do trong đồng cỏ, có lẽ cả bầy chiên sẽ lần lượt thay nhau làm mồi cho muông sói. Nhu cầu của chiên cũng vượt quá khả năng toan liệu của chiên. Chiên không biết ngày mai hay tháng tới sẽ ăn ở đồng cỏ nào; chiên không rõ nơi nào có nhiều cỏ xanh, có nước trong hoặc đâu là nơi an toàn. Chiên chỉ sống theo bản năng đói ăn, khát uống; chiên không có khả năng tự vệ trước thú dữ, do đó chiên cần có người chăn.
Về một phương diện, con người cũng giống như chiên. Mặc dầu giữa người và chiên có nhiều khác biệt, nhưng trong thực tế, những nhu cầu trong cuộc sống cũng vượt quá khả năng và sự tiên liệu của con người. Trước những phức tạp trong cuộc đời, con người không biết tương lai mình sẽ ra sao. Hiểu được điều đó, Đa-vít khiêm tốn so sánh mình như là một tạo vật yếu ớt, khờ dại và đặt mình hoàn toàn vào sự chăm sóc của Đấng Toàn Năng.
Hình ảnh thứ hai thể hiện trong ẩn dụ này là hình ảnh con chiên. Chiên không phải là loài thú hoang nhưng là loài gia súc. Chiên là vật sở hữu và có chủ. Với câu mở đầu: “Đức Giê-hô-và là Đấng chăn giữ tôi,” Đa-vít so sánh mình như một con chiên và Đa-vít nhận mình thuộc về Chúa là Đấng Chăn Chiên yêu thương muôn đời. Hơn một ngàn năm sau, Chúa Giê-xu xác nhận điều đó: “Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình” (Giăng 10:11).
Có lẽ một trong những chữ ngọt ngào nhất trong phần mở đầu của Thi Thiên 23 là chữ “tôi.” Từ ngữ đó diễn tả một mối tương giao mật thiết giữa tác giả với Chúa. Tác giả thuộc về Chúa và Chúa cũng là Đấng Chăn Chiên của tác giả. Chúa không phải là Chúa của một ai khác nhưng là Chúa của chính tôi. Ngài yêu thương tôi, chăm sóc tôi, bảo vệ tôi và dẫn dắt tôi. Động từ trong câu trên được diễn tả theo thì hiện tại; do đó, ngày nay – sau hơn 3000 năm kể từ khi Thi Thiên 23 được viết ra – Cơ Đốc nhân khắp thế giới, dầu ở đâu, trong hoàn cảnh nào, khi đọc Thi Thiên 23 đều nhận được sự yên ủi ngọt ngào. Người đọc đồng cảm với Đa-vít: nhận biết mình thuộc về Chúa và biết rằng Chúa vẫn đang chăm sóc chở che.
Trong cuộc sống hằng ngày, chiên cần một đồng cỏ xanh, một dòng nước trong và một bầu không khí trong lành. Là một người chăn chiên chuyên nghiệp, Đa-vít biết rằng không phải lúc nào người chăn cũng có thể tìm một vùng đất luôn có đủ những nhu cầu đó. Người chăn bình thường khó có thể luôn luôn tìm được những đồng cỏ xanh và suối nước trong cho bầy chiên nhưng với Đức Chúa Trời thì không có gì khó cho Ngài. “Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.” Câu nói trên dường như có vẻ tự mãn nhưng thực chất diễn tả một đức tin, một sự hiểu biết vững vàng về Chúa. Khi có Đức Chúa Trời – là Đấng Toàn Năng, là Đấng Tạo Hóa và là Chúa Tể của cả vũ trụ – chăm sóc mình thì chắc chắn người đó không phải lo lắng gì.
Thật vậy, dầu nhu cầu của con cái Chúa thật nhiều, nhưng vì Chúa là Đấng Tạo Dựng cả vũ trụ nên việc đáp ứng những nhu cầu của con cái Chúa không có gì khó cho Ngài. Chúa không những có quyền chu cấp những nhu cầu cho con cái Chúa, nhưng Ngài cũng là Đấng tràn đầy tình yêu thương. Chúa đã hy sinh mạng sống mình cho cả nhân loại thì không có gì mà Chúa muốn giữ lại không muốn ban cho người kính mến Ngài. Nhận biết được quyền năng và tình yêu của Chúa, Đa-vít bày tỏ lòng tin chắc nơi Ngài. Đa-vít biết rằng cuộc đời ông sẽ không cần phải lo lắng gì miễn là ông vẫn sống trong sự dẫn dắt của Chúa.
Đức tin và sự thỏa nguyện trong Chúa được thể hiện thật tinh tế qua câu thứ hai: “Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.” Bức tranh diễn tả ở đây thật tuyệt vời: một bầy chiên hiền hòa nằm an lành trên bãi cỏ xanh bên dòng nước trong đang lững lờ trôi. Khung cảnh thật đẹp. Quen với sinh hoạt của bầy chiên, Đa-vít biết rằng chiên chỉ nằm nghỉ khi nào đã ăn no, không sợ hãi kẻ thù và cũng không lo lắng có những xung đột trong bầy. Sự bình an trong Chúa đã được Đa-vít diễn tả thật khéo léo. Hình ảnh những chú chiên nằm dài trên bãi cỏ diễn tả tâm trạng của những người nương cậy Chúa không còn bị vướng bận ám ảnh bởi những sợ hãi từ bên ngoài, căng thẳng từ bên trong, hay những lo âu đói nghèo.
Sự tinh tế trong nghệ thuật mô tả của Đa-vít còn được thể hiện qua việc gián tiếp mô tả hình ảnh người chăn chiên. Dầu không xuất hiện rõ trong bức tranh bầy chiên bên dòng suối, nhưng chìa khóa của bức tranh xinh đẹp chính là hình ảnh của người chăn thấp thoáng đâu đó bên sườn đồi. Những con chiên chỉ cảm thấy bình an khi biết rằng người chăn lúc nào cũng ở đâu đó bên cạnh để canh chừng và chở che.
Về một phương diện nào đó, hình ảnh trên thật tương phản với thực trạng của xã hội loài người. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy xáo trộn: con người luôn khao khát, luôn tìm kiếm mà không thấy thỏa lòng. Bên cạnh những điều đó, giữa người và người có những xung đột với nhau. Ngoài ra, con người luôn cảm thấy lo sợ bất an. Con người lo sợ đủ thứ từ bệnh tật, tai nạn, đói nghèo đến chiến tranh, chết chóc, …
Trong thực tế, cuộc sống của Đa-vít cũng từng trải những kinh nghiệm đó. Tuy nhiên khi nhìn lên Chúa ông biết rằng có một Đấng Toàn Năng đang điều khiển mọi sự, Ngài quan phòng mọi sự và Ngài sẽ lo liệu mọi điều cho con cái Ngài. Khi có Chúa bên cạnh, những sợ hãi, hoang mang, lo âu trong cuộc sống của người tin Chúa sẽ biến tan. Tin cậy Chúa là Đấng Chăn Chiên đang quan phòng chở che, Đa-vít biết rằng ông có thể thanh thản an nghỉ trong Ngài.
Hình ảnh bầy chiên nằm trên thảm cỏ xanh cũng là một biểu tượng thật sinh động về cuộc sống an bình và phước hạnh trong Chúa. Đa-vít rất khéo léo trong nghệ thuật dùng màu sắc. Ông đã dùng màu xanh – là màu dịu dàng nhất trong những màu căn bản – làm nền cho bức tranh. Màu xanh là màu của hy vọng. Trong ngôn ngữ của nghệ thuật và thi ca, màu xanh vừa là biểu tượng cho những trận mưa rào vừa thể hiện ánh nắng lung linh. Màu xanh là màu của sức sống.
Sau khi đã vui đùa, đã tắm mát, đã uống thỏa thuê dòng nước trong lành, giờ đây bầy chiên nằm dài sưởi nắng trên đồng cỏ. Chỉ với vài chữ ngắn gọn, bằng phương pháp ẩn dụ qua hình ảnh dòng suối và đồng cỏ, Đa-vít đã diễn tả thật sinh động cuộc sống phong phú của người theo Chúa.
Trong đời sống tâm linh, Đức Thánh Linh chính là suối nước của tâm hồn. Ngài là dòng nước thanh tẩy cho những cuộc đời ô uế, Ngài làm tươi mới những tấm lòng ưu sầu, và làm cho những tấm lòng khao khát được thỏa nguyện.
Thánh Kinh chính là bãi cỏ xanh bên dòng suối. Thật vậy, Thánh Kinh lúc nào cũng phong phú, cũng tươi mới và không bao giờ vơi cạn cho những tấm lòng biết tìm kiếm Lời Chúa. Lời Chúa trong Thánh Kinh cũng chính là nguồn hy vọng, là cơn mưa rào cho những tấm lòng khô cằn, là ánh nắng ban mai xua tan những áng mây đen u sầu. Ánh sáng của Lời Chúa sưởi ấm những tâm hồn giá băng và mang lại sức sống cho những tâm hồn khô héo.
Hàng ngàn năm qua, hàng triệu người theo Chúa đã kinh nghiệm sự bình an thỏa lòng khi đến với Thánh Linh và Thánh Kinh. Sống trong sự chăm sóc của Chúa qua Thánh Linh và Thánh Kinh, con cái Chúa nhận được cả sự thanh tẩy lẫn tươi mới, sự chăm sóc lẫn bình an, sự thỏa lòng lẫn an nghỉ.
Qua hình ảnh người chăn khuất bên sườn đồi, Đa-vít thể hiện Chúa là cội nguồn của mọi phước hạnh của con cái Ngài. Tất cả sự sung mãn, thỏa lòng, vui vẻ và bình an chúng ta có được đều nhờ vào sự quan phòng, chăm sóc, bởi ân điển và lòng nhân từ của Chúa.
“Ngài bổ lại linh hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài.” Câu Kinh Thánh trên có lẽ diễn tả lại một kinh nghiệm khác mà Đa-vít đã từng trải trong cuộc đời của ông. Sau những năm tháng cơ hàn và chinh chiến, Đa-vít được làm vua. Khi làm vua, Đa-vít đã bị cám dỗ phạm tội ngoại tình và dẫn đến tội giết người. Đa-vít kinh nghiệm sự cay đắng dày vò khi chìu theo con đường tội ác, sống sai ý Chúa. Sau những hối tiếc xót xa thể hiện trong Thi Thiên 51, giờ đây Đa-vít kinh nghiệm một điều mới: ông biết Chúa vẫn yêu thương. Đa-vít nếm trải lòng nhân từ và sự tha thứ của Chúa. Giờ đây Đa-vít biết: khi ông đau buồn, Chúa an ủi ông; khi ông ăn năn, Chúa tha thứ cho ông; và khi ông yếu đuối ngã lòng, Chúa nâng đỡ ông. Ghi lại câu thơ trên, Đa-vít muốn nhắc lại kinh nghiệm phước hạnh đó. Đức Chúa Trời đã tha thứ cho Đa-vít và ban cho ông sức mới. Kể từ nay, Ngài dẫn dắt ông đi trong con đường ngay thẳng chánh trực của Ngài.
Câu thơ trên cũng diễn tả một giai đoạn mới trong cuộc đời của người theo Chúa. Thật vậy, phước hạnh của Chúa không chấm dứt bằng sự nghỉ ngơi nhưng người tin Chúa phải tiếp bước linh trình. Đồng cỏ xanh tươi và suối nước trong không phải là chốn định cư. Linh hồn được Chúa bồi bổ để chuẩn bị cho một hành trình mới; sức lực nhận được từ Chúa phải được sử dụng trong con đường công chính. Đa-vít biết rằng giờ đây, ông không đi theo con đường riêng của mình nhưng ông sẽ đi theo đường lối Chúa. Đức Chúa Trời muốn con cái Chúa bước đi trong đường lối công chính của Ngài. Ngài muốn chúng ta bước đi không phải chỉ vì lợi ích riêng của chúng ta mà còn vì lợi ích của những người khác nữa.
“Dầu tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào, vì Chúa ở cùng tôi. Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.” Câu Kinh Thánh trên diễn tả một tâm trạng khác trong đời sống của người tin Chúa. Cuộc đời theo Chúa không phải lúc nào cũng là những thảm cỏ xanh; đôi khi những hoạn nạn, khó khăn như là “bóng sự chết” tìm cách vây phủ người theo Chúa. Tuy nhiên, khi có Chúa bên cạnh, những nguy hiểm đó chỉ là chiếc “bóng” chóng qua. Trải qua hàng ngàn năm, câu Kinh Thánh trên đã an ủi biết bao thế hệ người tin Chúa. Rất nhiều người đã đọc câu Kinh Thánh này khi hấp hối và họ đã về với Chúa trong an bình.
Khi ghi lại câu Kinh Thánh trên, có lẽ Đa-vít hồi tưởng lại những giây phút bên bầy chiên khi đi qua những thung lũng đen mịt. Vào mùa hè tại xứ Do Thái, bầy chiên thường ở lại bên sườn đồi có khi vài tháng trường. Bầy chiên thường xuyên di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Nhiều lần bầy chiên phải băng qua những thung lũng tối đen vì bị bóng núi phủ che; đây đó trong thung lũng, thú dữ rình rập, đợi chờ. Dầu vậy, bầy chiên không kinh hoàng vì người chăn yêu thương luôn bên cạnh dẫn dắt.
Hầu hết Cơ Đốc nhân khi đối diện với sự chết không sợ hãi hay “chạy trốn;” họ thản nhiên “bước” với Chúa. Người tin Chúa thanh thản bước đi khi đối diện với sự chết vì họ biết con đường mình đang đi, biết đoạn kết con đường mình sẽ về nơi đâu; và hơn cả những điều đó, họ biết Chúa đang đi cùng họ. Người tin Chúa không bị giữ lại trong “trũng bóng chết” nhưng họ vượt qua. Cây trượng và cây gậy của Chúa luôn gìn giữ họ. Cơ Đốc nhân bước đi trong “trũng bóng chết” với tấm lòng bình an vì biết rằng bên kia thung lũng Chúa đang dọn tiệc trông chờ.
Trong câu tiếp theo Đa-vít ghi: “Chúa dọn bàn cho tôi, trước mặt kẻ thù nghịch tôi; Chúa xức dầu cho đầu tôi, chén tôi đầy tràn.” Trong câu Kinh Thánh trên, Đa-vít dùng một ẩn dụ khác mô tả Chúa và đồng thời nhấn mạnh thêm đức tin và lòng biết ơn Chúa của ông. Khung cảnh mà Đa-vít mô tả là ngôi nhà của Chúa, nơi đó ông là một vị khách, được Chúa – là vị chủ nhà – tiếp đãi thật nồng hậu. Trong nhà của Chúa, Đa-vít được xức dầu, được thết đãi. Nơi đó, Đa-vít cảm thấy thật hạnh phúc và được bình an, bởi vì ông được Chúa bảo vệ và chu cấp chu toàn: dầu bên ngoài kẻ thù vẫn lăm le nhưng không làm gì được ông. Những giây phút sống trong Nhà Chúa chính là những giây phút phước hạnh, an bình và mừng vui.
Đa-vít tiếp tục thể hiện đức tin tuyệt vời của ông nơi Chúa qua câu kế tiếp: “Quả thật, trọn đời tôi, phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi.” Đa-vít nhấn mạnh: ơn phước và tình yêu của Chúa không chỉ ban cho ông trong quá khứ, trong hiện tại nhưng vẫn còn tiếp tục mãi trong tương lai. Con người luôn tìm kiếm theo đuổi phước hạnh, nhưng qua câu Kinh Thánh trên, Đa-vít cho biết ông không phải “tìm kiếm” phước hạnh nhưng phước hạnh sẽ theo đuổi ông. Câu nói dường như có vẻ ngạo mạn nhưng thật ra chỉ trình bày một kinh nghiệm, một thái độ tin cậy tuyệt đối nơi Chúa, của một người biết rằng Chúa là Đấng nắm giữ cả tương lai.
Cảm nhận được ơn phước Chúa, Đa-vít hứa nguyện với Chúa rằng: “Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giệ-hô-va cho đến lâu dài.” Không có gì phân rẽ tôi khỏi Nhà Chúa vì nơi ấy tôi được hưởng những phước hạnh tuyệt vời; không có gì phân rẽ tôi khỏi Nhà Chúa vì nơi ấy tôi được đối xử thật tuyệt vời; không có gì phân rẽ tôi khỏi Nhà Chúa vì nơi ấy tôi có Chúa. Những sự an bình, sung túc, vinh hiển chỉ là phước hạnh tạm thời, nhưng phước hạnh lớn nhất của tôi là tôi được sống bên Chúa và thờ phượng Ngài trọn đời.
Vào dịp đầu xuân, nhắc lại Thi Thiên 23 để cùng nhau ôn lại bí quyết của hạnh phước. Qua kinh nghiệm của Đa-vít, chìa khóa của phước hạnh là đặt trọn niềm tin vào sự dẫn dắt quan phòng của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta hết lòng tin cậy, vâng phục và phó thác đời sống mình cho Chúa, phước hạnh của Ngài không bao giờ xa chúng ta.
Châu Thanh (1/1/1998)
Nguyệt San Linh Lực – Tháng 2/1998
Thư Viện Tin Lành – Tháng 2/2013
www.thuvientinlanh.org