Kiến Thức: Lễ Tro
Lễ Phục Sinh năm 2024 được kỷ niệm vào Chúa Nhật 31/3/2024; do đó Lễ Tro năm 2024 trùng vào thứ Tư 14/2/2024. Xin giới thiệu với bạn đọc một bài viết ngắn về Lễ Tro.
Lễ Tro Là Gì?
Lễ Tro là ngày khởi đầu của Mùa Chay. Đây là thời gian mà nhiều người tin Chúa hướng lòng mình để tưởng niệm sự hy sinh của Đức Chúa Jesus.
Trong những thế kỷ đầu tiên của niên lịch Cơ Đốc, các tín hữu đã noi gương Đức Chúa Jesus trước khi Ngài khởi hành chức vụ đã biệt riêng 40 ngày để cầu nguyện. Trong thời gian này, các tín hữu thường kiêng cữ những điều mình ưa thích và dành thì giờ tương giao với Chúa.
Mặc dầu thời gian kiêng cữ và cầu nguyện chỉ có 40 ngày, Mùa Chay kéo dài đến 46 ngày. Lý do là vì từ khi Chúa sống lại, mỗi Chúa Nhật đánh dấu một ngày vui mừng, không phải là ngày sầu thảm; do đó để có đủ 40 ngày kiêng cữ, phải mất 6 tuần lễ, vì 6 ngày Chúa Nhật không tính vào thời gian kiêng cữ nên toàn Mùa Chay gồm 40 + 6 = 46 ngày. Vì Chúa đã sống lại vào ngày Chúa Nhật nên 46 ngày trước đó nhằm vào thứ Tư. Ngày thứ Tư khởi đầu Mùa Chay, do đó được gọi là thứ Tư Lễ Tro.
Tại Sao Gọi Là Lễ Tro?
Theo Thánh Kinh, tro được dùng làm biểu tượng bày tỏ sự hối tiếc, ăn năn. Một số nhân vật trong Thánh Kinh đã phủ bụi tro lên người để bày tỏ lòng hối tiếc về những tội lỗi và sai lầm của mình. Gióp đã thưa với Chúa rằng: “Trước đây con nghe nói về Chúa, nhưng bây giờ mắt con đã thấy Ngài. Vì vậy, con ghê tởm chính mình và ăn năn trong tro bụi” (Gióp 42:5-6). Tiên tri Giê-rê-mi đã kêu gọi dân Israel thể hiện sự ăn năn: “Hỡi con gái dân ta! Hãy quấn vải sô vào người và lăn trong tro bụi” (Giê-rê-mi 6:26). Tiên tri Đa-ni-ên bày tỏ lòng thành khẩn của mình với Chúa như sau: “Tôi hướng mặt về Chúa là Đức Chúa Trời mà tìm kiếm, khẩn nguyện, nài xin với sự kiêng ăn, quấn vải sô và rắc tro trên đầu” (Đa-ni-ên 9:3). Vua Ni-ni-ve bày tỏ lòng ăn năn tội bằng cách ngồi trong tro (Giô-na 3:6). Đức Chúa Jesus dùng hình ảnh phủ tro trên người để trình bày lòng ăn năn (Ma-thi-ơ 11:21, Lu-ca 10:13). Dân Số Ký 19:9, 19:17 và Hê-bơ-rơ 9:13 nhắc đến việc dùng tro để thanh tẩy và thánh hóa. Tiên tri Ê-xê-chi-ên nhắc đến việc Chúa ra lệnh trừng phạt những người có tội tại Giê-ru-sa-lem; tuy nhiên những người nào có được dấu ở trên trán thì không bị hủy diệt (Ê-xê-chi-ên 9:3-6). Vì những ý nghĩa trên của tro, cộng đồng Cơ Đốc giáo đã gọi ngày thứ Tư khởi đầu Mùa Chay là thứ Tư Lễ Tro.
Nghi Lễ
Lễ Tro đã được tổ chức trong cộng đồng Cơ Đốc từ trước khi cuộc Cải Chánh diễn ra. Sau khi Martin Luther cải chánh giáo hội, một số hệ phái Tin Lành vẫn giữ truyền thống này; trong số đó có Lutheran, Anh Quốc giáo, Giám Lý, Trưởng Lão và một số hệ phái Baptist. Tuy nhiên, Lễ Tro không phải là một nghi thức bắt buộc cho mọi tín hữu hay được tổ chức tại mọi nhà thờ trong các giáo phái này. Lễ Tro chỉ dành cho người nào hứa nguyện hướng lòng mình về Chúa mà thôi.
Vào dịp Lễ Tro, các tín hữu thường được mục sư vẽ một thập tự bằng tro trên trán. Mục sư thường đọc câu Kinh Thánh “Vì con là cát bụi, sẽ trở về với cát bụi” (Sáng Thế Ký 3:19) hoặc “Các ngươi hãy ăn năn và tin nhận Tin Lành” (Mác 1:15). Tro được dùng trong Lễ Tro thường là tro đốt từ lá cây của Lễ Lá vào mùa Phục Sinh năm trước.
Đa số người nhận Lễ Tro không xóa cây thập tự trên trán đã được mục sư vẽ, nhưng để thập tự tự phai nhòa đi. Mang dấu hiệu thập tự trên trán đặt người nhận Lễ Tro một trách nhiệm phải sống xứng đáng với danh Chúa. Một số người muốn giữ cho hình thập tự lâu phai nhạt bằng cách trộn tro với dầu ô-li-ve.
Dù được vẽ bằng tro hay tro trộn với dầu ô-li-ve, hình thập tự theo thời gian sẽ biến mất. Tuy nhiên, những người thật lòng đầu phục Chúa, dù có dự lễ hay không, sẽ có Thánh Linh ấn chứng trong lòng. Mỗi ngày, Đức Thánh Linh nhắc nhở chúng ta phải sống xứng đáng với sự hy sinh của Đức Chúa Jesus.
Châu Thanh
23/2/2012
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (1)