Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Tìm Hiểu: Lễ Lá

Tìm Hiểu: Lễ Lá

LeLa

Tìm Hiểu: Lễ Lá

Lễ Lá là ngày kỷ niệm Đức Chúa Jesus vào thành Jerusalem cách khải hoàn.   Sự kiện này khởi đầu tuần lễ thánh, là tuần lễ kỷ niệm Chúa chịu nhục hình, hy sinh và sau đó phục sinh.

Thời Gian

Trong niên lịch Cơ Đốc giáo, Chúa Nhật lễ Lá được tổ chức một tuần trước lễ Phục Sinh. Vì lễ Phục Sinh được kỷ niệm vào Chúa Nhật trăng tròn đầu tiên sau ngày xuân phân (21/3), do đó lễ Phục Sinh có thể xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai ngày 22 tháng 3 và 25 tháng 4 Dương Lịch; và vì thế Chúa Nhật lễ Lá nằm trong khoảng thời gian giữa ngày 15 tháng 3 đến ngày 18 tháng 4 Dương Lịch.

Nguồn Gốc

JesusJerusalem

Sự kiện Đức Chúa Jesus vào thành Jerusalem cách khải hoàn được cả bốn sách Phúc Âm ghi lại.  Các tác giả Phúc Âm đã tường thuật như sau:

“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem, cạnh làng Bết-pha-giê, trên núi Ô-liu, Ngài sai hai môn đồ đi và dặn rằng: “Hãy vào trong làng trước mặt các con. Vừa vào đó các con sẽ thấy một con lừa con đang bị cột, chưa ai cỡi, hãy mở dây và dắt nó về đây. Nếu ai hỏi các con: ‘Tại sao các anh làm thế?’ Các con hãy trả lời: ‘Chúa cần dùng nó và Ngài sẽ gởi trả lại ngay.’”

Việc nầy xảy ra để ứng nghiệm lời đấng tiên tri đã nói trước rằng: “Hãy nói với những thiếu nữ ở Si-ôn: Kìa, Vua ngươi đến với ngươi, khiêm tốn, cỡi lừa, trên lưng một lừa tơ, là con của lừa cái.”

Hai môn đồ được sai đi gặp mọi điều đúng như Chúa đã phán.  Đang khi họ mở dây cột lừa con, mấy người chủ của nó hỏi họ: “Sao các anh mở dây cột lừa con nầy ra?”  Họ đáp: “Chúa cần dùng nó.”  Rồi họ dắt lừa về cho Ðức Chúa Jesus, lấy áo choàng của họ trải trên lưng lừa, rồi nâng Ngài lên cỡi.

Ngài đi đến đâu, người ta trải áo choàng của mình ra trên đường đến đó.  Khi Ngài đến gần và sắp sửa xuống núi Ô-liu, cả đoàn môn đồ Ngài bắt đầu lớn tiếng ca ngợi Ðức Chúa Trời cách vui mừng về những việc quyền năng mà họ đã chứng kiến. Họ tung hô rằng: “Chúc tụng Vua, Ðấng nhân danh Chúa ngự đến! Bình an trên trời và vinh hiển trong nơi chí cao!”

Tin Ðức Chúa Jesus đang trên đường vào thành Giê-ru-sa-lem loan khắp thành phố, đám đông về dự lễ, lấy nhánh chà là đi ra đón Ngài và tung hô rằng: “Hô-sa-na! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa ngự đến! Chúc tụng Vua của Y-sơ-ra-ên!”

Vài người Pha-ri-si trong đám đông nói với Ngài: “Thưa Thầy! Xin hãy quở trách các môn đồ của Thầy.”

Ngài trả lời họ và nói: “Ta nói với các ngươi, nếu những người ấy nín lặng, đá sẽ tung hô.”

Khi đến gần và nhìn thấy thành phố, Chúa khóc về thành rằng: “Ước gì ngày nay ngươi nhận biết Đấng đem đến cho ngươi bình an! Nhưng bây giờ những điều ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ có ngày quân thù sẽ đắp lũy, bao vây và công phá ngươi tứ phía. Chúng sẽ san bằng ngươi thành bình địa, tiêu diệt ngươi với con cái ở giữa ngươi. Chúng sẽ không để cho một tảng đá nào chồng trên một tảng đá khác; bởi vì ngươi không nhận biết thời điểm mình được Chúa viếng thăm.”

Lúc đầu các môn đồ Ngài không hiểu những điều đó; nhưng sau khi Ðức Chúa Jesus đã được vinh hiển, lúc ấy họ nhớ ra rằng những điều đó đã được chép về Ngài, và được ứng nghiệm cho Ngài.

Đoàn người có mặt với Chúa lúc Ngài gọi La-xa-rơ ra khỏi phần mộ, và khiến ông sống lại từ cõi chết, đều làm chứng về Ngài; vì lý do đó, dân chúng lũ lượt kéo ra nghênh đón Chúa vì họ nghe nói Ngài đã thực hiện phép lạ ấy. Thấy vậy, những người Pha-ri-si nói với nhau: “Quý vị có thấy là quý vị chẳng làm được gì cả. Hãy xem, cả thiên hạ đều theo người!”

Ðức Chúa Jesus vào Giê-ru-sa-lem và đi vào đền thờ. Ngài đưa mắt nhìn quanh rồi cùng mười hai môn đồ trở ra Bê-tha-ni, vì lúc ấy trời đã gần tối.”

(Ma-thi-ơ 21:1; Mác 11:2-3; Ma-thi-ơ 21:4-6; Lu-ca 19:32-38; Giăng 12:12-13; Lu-ca 19:39-44; Giăng 12:16-19.)

Ý Nghĩa

Hơn 500 năm trước khi Đức Chúa Jesus vào thành Jerusalem cách khải hoàn, Tiên tri Xa-cha-ri đã dự ngôn về sự kiện này: “Hỡi ái nữ của Si-ôn, hãy hết lòng mừng rỡ; Hỡi ái nữ của Giê-ru-sa-lem, hãy cất tiếng reo vui. Kìa! Vua của ngươi đến với ngươi; Ngài thật công chính,  mang theo ơn cứu rỗi; Ngài khiêm nhu, cỡi trên một lừa tơ” (Xa-cha-ri 9:9).

Các tác giả Phúc Âm đã tường thuật Đức Chúa Jesus cỡi lừa vào thành Jerusalem.  Trong văn hóa Trung Đông, lừa là con vật biểu tượng cho hòa bình và ngựa là biểu tượng cho chiến tranh. Ngày xưa, khi thắng trận, các vua thường cỡi ngựa vào thành để bày tỏ uy quyền của một kẻ chinh phục.  Trong khi đó, việc Đức Chúa Jesus cỡi lừa vào thành thể hiện một hình ảnh hoàn toàn tương phản: Chúa không phải là kẻ chinh phục bằng bạo lực, nhưng Ngài là một bậc hiền nhân, là Đấng mang lại hòa bình.  Đức Chúa Jesus không chỉ dùng biểu tượng cỡi lừa bày tỏ mục đích Ngài đem bình an cho Jerusalem, nhưng Chúa đã nói rõ mục đích này lúc Ngài vào thành: “Ước gì ngày nay ngươi nhận biết Đấng đem đến cho ngươi bình an.

Trong văn hóa của nhiều quốc gia, khi tiếp rước một nhân vật quan trọng, để bày tỏ lòng tôn kính, lối đi của nhân vật đó thường được trải thảm.  Khi Chúa vào thành Jerusalem, dân chúng trong lúc vội vàng đã trải áo lót đường cho Chúa đi qua (Lu-ca 19:36) .

Trong nghi thức tiếp đón một nhân vật quan trọng thường có cờ.  Khi tiếp Chúa, đoàn dân tại Jerusalem không có cờ nên họ đã bẻ các nhánh cây, vẫy chào tung hô Chúa.  Phúc Âm Giăng cho biết dân chúng đã cầm lá cọ, tương tự như lá dừa tại Việt Nam, để tôn ngợi Chúa (Giăng 12:13).  Một số khác trải lá cọ trên đường cho Chúa đi.

Bên cạnh việc bày tỏ lòng tôn kính, hành động trải áo và trải lá lót đường cho Chúa cũng thể hiện tinh thần đầu phục.  Vào thế kỷ thứ nhất, nô lệ là vật sở hữu của chủ. Thời đó nô lệ thường không mặc áo. Hành động cởi áo trải xuống đường để Chúa đi qua, thể hiện thái độ khiêm cung và tấm lòng đầu phục Chúa của người thực hiện điều này.  Tương tự, trong lĩnh vực chính trị, khi một tiểu vương chấp nhận đầu phục một vị vua, tiểu vương đem mão miện và cờ hiệu của mình đặt dưới chân của vị vua đó. Lúc Chúa vào thành Jerusaslem, đoàn dân dùng lá làm cờ, và họ đem đặt biểu tượng vinh quang đó dưới chân Chúa.

PalmLeave

Trong văn hóa Hy Lạp và La Mã, lá cọ là biểu tượng của chiến thắng. Vì chiến thắng là kết thúc chiến tranh, khởi đầu cho hòa bình, cho nên lá cọ cũng là biểu tượng cho sự hòa bình. Trong nghi thức tôn giáo của Ai Cập, lá cọ được được dùng trong tang lễ và biểu tượng cho sự sống vĩnh cữu.  Dân cư Jerusalem dùng lá cọ tung hô Chúa; với hành động này, họ vừa tiếp đón Chúa như một Đấng khải hoàn, Đấng đem lại hòa bình và đồng thời họ cũng tiễn đưa Chúa vào cõi đời đời.  Trong Khải Huyền 7:9, Sứ đồ Giăng mô tả một đoàn người rất đông, là những người đã được Chúa cứu, mặc áo trắng tay cầm lá cọ tôn ngợi Đức Chúa Trời và Chiên Con trên thiên đàng.

Trong niềm tin Cơ Đốc, hình ảnh con lừa tơ đôi khi được dùng làm biểu tượng cho một người đã hiến trọn cuộc đời cho Chúa sử dụng. Con lừa khi có Chúa ở cùng đã bước đi giữa những tiếng tung hô. Một người hầu việc Chúa cần có Chúa ở cùng; và khi Chúa được tôn vinh, người đó được cùng hưởng vinh quang với Ngài.

Phong Tục và Truyền Thống

PalmCrosses

Vào Chúa Nhật lễ Lá, tại nhiều nhà thờ, trên cửa, trên tường và hai bên những băng ghế trong nhà thờ được trang hoàng với lá cọ.  Ở những địa phương không có lá cọ, lá của những loại cây khác được thế vào.

Tại một số hội thánh, trẻ em cầm lá đi vào trong nhà thờ, tái diễn lại khung cảnh Chúa vào thành Jerusalem cách khải hoàn.  Thánh ca được hát trong Chúa Nhật lễ Lá thường có bài Hô-sa-na, là lời chúc tôn của đoàn dân khi ca ngợi Chúa. Bài giảng trong ngày lễ Lá thường giải thích về ý nghĩa của ngày lễ này, nhắc nhở về sự đầu phục Chúa, đồng thời kêu gọi tín hữu hướng lòng tưởng niệm sự hy sinh của Chúa trong tuần lễ thương khó và phục sinh sắp đến.

Tại một số nhà thờ, sau buổi lễ, lá cây cọ được đốt, tro được giữ lại để dùng vào lễ Tro năm sau.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành
Tháng 3/2013

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top