Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Đại Học Stanford Nhận Quà Tặng Hơn 1 Tỷ Đô La

Đại Học Stanford Nhận Quà Tặng Hơn 1 Tỷ Đô La

SU_MemorialChurch

Memorial Church at Stanford University
Photo credit: Stanford News Service

Đại Học Stanford Nhận Quà Tặng Hơn 1 Tỷ Đô La  

Ngày 20/2/2013, báo chí tại Hoa Kỳ đưa tin trong năm 2012 Đại Học Stanford đã nhận được những hiến tặng tổng cộng 1 tỷ 35 triệu đô la ($1,035,000,000).  Stanford đứng đầu danh sách các đại học tại Hoa Kỳ nhận được nhiều quà tặng nhất trong năm qua. Stanford cũng là viện đại học đầu tiên trên thế giới nhận hơn một tỷ đô la hiến tặng trong một năm. Đứng sau Stanford trong danh sách những trường nhận được nhiều tiền nhất trong năm 2012 là Harvard: 650 triệu, Yale: 544 triệu, University of Southern California: 492 triệu và Columbia University: 490 triệu. Trong hệ thống đại học công lập, mười đại học trong hệ thống University of California nhận 1 tỷ 560 triệu đô la; trong đó UC Berkeley dẫn đầu với 402 triệu, UCLA: 344 triệu và UCSF 329 triệu.  Trong năm 2012, tất cả các đại học tại Hoa Kỳ nhận quà tặng tổng cộng khoảng 31 tỷ đô la.

Số quà tặng kỷ lục mà Đại học Stanford nhận được trong năm qua khiến nhiều người nhớ lại việc thành lập Đại học Stanford cũng liên quan đến việc tặng quà.  Năm 1884, có một cặp vợ chồng đứng tuổi từ California đến xin phép gặp Viện trưởng Đại học Harvard.  Hai vợ chồng dự định sẽ tặng cho Đại học Harvard một số tiền để tưởng niệm người con trai duy nhất của họ vừa qua đời được vài tháng.  Trong lần gặp gỡ đó, Viện trưởng Charles Eliot của Đại học Harvard đã nói với hai người khách rằng ông rất bận nên xin họ vắn tắt vì ông không thể tiếp họ lâu.  Trước thái độ đó, thay vì hiến tặng tiền cho Harvard, hai người khách đã đổi ý và nhã nhặn nói rằng họ chỉ muốn biết cần chi phí bao nhiêu để thành lập một trường uy tín như Đại học Harvard tại California.   Viện trưởng Charles Eliot trả lời ông nghĩ khoảng 15 triệu là đủ.

Đôi vợ chồng đó chính là ông bà Leland Stanford, một triệu phú tại California. Leland Stanford vốn là Thống Đốc của tiểu bang California từ năm 1862-1863, nhưng đã rời chức vụ hơn 20 năm nên ít người biết đến. Về lại California, năm 1885 ông bà Leland Stanford đã tặng 40 triệu đô la, số tiền tương đương với 1 tỷ đô la vào năm 2010, cho việc xây dựng một trường đại học mới lấy tên là Leland Stanford Junior University.  Đó là tên chính thức của Đại học Stanford vẫn còn cho tới ngày nay.

Leland Stanford vốn là cựu sinh viên của Cazenovia Seminary, một đại học được Hội Thánh Tin Lành Giám Lý bảo trợ. Khi trao tặng tiền để thành lập Đại học Stanford, một trong những điều khoản mà ông bà Stanford yêu cầu Hội Đồng Quản Trị của Đại Học Stanford phải cam kết là: “Cấm dạy dỗ về phe phái, nhưng phải dạy tại đại học về linh hồn bất diệt, sự tồn tại của Đấng Tạo Hóa toàn tri nhân từ, và phải vâng theo những luật lệ của Ngài như là trách nhiệm cao quý nhất của con người.”

Món quà mà ông bà Leland Stanford trao tặng cho Đại học Stanford đã được sử dụng hiệu quả và mang lại những kết quả rất lớn.  Đại học Stanford khai giảng khóa đầu tiên vào năm 1891 và sau đó trở thành một đại học danh tiếng thế giới.  Suốt 40 năm đầu tiên, tất cả các sinh viên của trường đều được theo học miễn phí. Một trong những sinh viên thuộc khóa đầu tiên là Herbert Hoover về sau đã trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ; 54 người trong số các giáo sư, nhân viên và cựu học sinh của Đại học Stanford nhận giải Nobel; 17 người là phi hành gia, 30 người là những tỷ phú hiện nay vẫn còn sống.  Cựu sinh viên của Đại học Stanford đã sáng lập và điều hành rất nhiều công ty nổi tiếng. Tổng doanh số hàng năm của các công ty này lên đến 2 ngàn 700 tỷ đô-la. Rất nhiều sản phẩm mà hàng tỷ người trên thế giới đang dùng hiện nay được phát minh từ những sinh viên của đại học này.

Câu chuyện ông bà Leland Stanford đến thăm Đại học Harvard nhắc chúng ta một câu Kinh Thánh: “Đừng quên tỏ lòng hiếu khách với người lạ, vì khi làm điều đó, có người đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết” (Hê-bơ-rơ 13:2).  Lời khuyên này liên hệ đến một câu chuyện khác trong Thánh Kinh.   Áp-ra-ham và Sa-ra, tổ phụ của dân Do Thái ngày nay, khi đó đã lớn tuổi nhưng không có con.  Một ngày nọ, giữa trưa nắng gắt, có ba người lạ xuất hiện nơi cửa lều của Áp-ra-ham.  Là một người giàu có nhưng Áp-ra-ham đã khiêm cung, chân thành mời những vị khách này dừng chân để ông có dịp thết đãi họ trước khi họ lên đường.  Ông gọi vợ hãy nhanh chóng nấu ăn, còn chính ông thì phục vụ như một người hầu để tiếp đãi khách. Ba vị khách đó chính là các thiên thần trên đường đi hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã ghé thăm Áp-ra-ham.  Sau bữa ăn, trước khi ra đi, những vị khách báo cho Áp-ra-ham biết một tin vui: Sang năm, họ sẽ quay lại, lúc đó Sa-ra sẽ sanh cho Áp-ra-ham một con trai (Sáng Thế Ký 18:1-15).  Lòng hiếu khách đã đem lại một phước hạnh lớn lao mà Áp-ra-ham và Sa-ra vẫn khao khát. Y-sác, đứa con trai chào đời một năm sau đó, chính là tổ phụ của dân Do Thái ngày nay.

Đọc những câu chuyện trên, đa số chúng ta ước gì mình có dịp tiếp những vị khách có thể mang lại những phước hạnh cho cuộc đời mình.  Cơ hội đó vẫn còn.  Đức Chúa Jesus là vị khách luôn muốn tương giao với bạn.  Thánh Kinh ghi lại lời Chúa như sau: “Nầy Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào cùng người ấy và ăn tối với người, và người với Ta.” (Khải Huyền 3:20)

Đức Chúa Jesus không chỉ là vị khách quý nhưng Ngài cũng chính là món quà vô giá từ Đức Chúa Trời. Tương giao với Đức Chúa Jesus, bạn không chỉ nhận được những phước hạnh tâm linh, là những điều mà tiền bạc không thể mua được trong cuộc đời này, nhưng còn giúp bạn nhận được sự cứu rỗi vĩnh cửu.  Cuộc sống có Chúa ở cùng cũng là khởi đầu phước hạnh tốt đẹp cho bạn, cho gia đình bạn và cho những dòng dõi nối theo.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành
Tháng 2/2013

 

 

 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top