Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Kiến Thức: Sông Giô-đanh

Kiến Thức: Sông Giô-đanh

Sông Giô-đanh

Sông Giô-đanh (Jordan) là một dòng sông tại vùng Tây Á.  Tên của dòng sông trong nguyên văn Hebrew là הַיַּרְדֵּן‎, có nghĩa là “từ Đan chảy xuống”.  Địa danh này được viết trong tiếng Anh là Jordan.

Các Phụ Lưu

Sông Giô-đanh được hợp thành từ nhiều dòng suối và vài con sông nhỏ. Bốn phụ lưu chính của sông Giô-đanh là Hasbani, Nahal Ayun, Leddan và Banias.

Hai sông Hasbani (נחל שניר) và Nahal Ayun (נחל עיון) bắt nguồn tại cao nguyên Li-ban thuộc Lebanon, chảy về phương nam, rồi vượt qua biên giới, chảy vào nước Do Thái (Israel).

Sông Leddan (דן), hay Dan River, được hình thành từ những dòng suối do tuyết tan từ núi Hẹt-môn.  Tên của dòng sông này được đặt theo tên của chi tộc Đan, là một trong 12 chi tộc của người Do Thái.  

Cách đây khoảng 3500 năm, chi tộc Đan đã định cư tại biên giới phía bắc của nước Do Thái (Các Quan Xét 19:40-48).  Vì thượng nguồn của sông Giô-đanh xuất phát từ phía bắc của nước Do Thái, cho nên người Do Thái đã đặt tên cho dòng sông này là “từ Đan chảy xuống.”

Sông Banias (בניאס‎) bắt nguồn từ một suối ngầm. Tên xa xưa của sông Banias là Paneas (Πανειάς), được gọi theo tên một thành phố cổ xưa thờ thần Pan của người Hy Lạp.  Vào thời Đức Chúa Jesus giáng sinh, Herod Philip Đệ II, con trai của Herod Đại Đế, đã xây dựng một thành phố mới tại Paneas và đặt tên là Sê-sa-rê Phi-líp (Caesarea Philippi – Καισαρεία Φιλίππεια) để vinh danh Hoàng đế La Mã Caesar Augustus.  Thành phố Sê-sa-rê Phi-líp chính là nơi Sứ đồ Phi-e-rơ đã xưng nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ (Ma-thi-ơ 16:13-17).

Địa Dư

Sông Giô-đanh dài khoảng 251 Km chảy từ phía bắc của nước Do Thái, đổ vào hồ Ga-li-lê, rồi sau đó chảy vào Biển Chết.  Một đoạn của sông Giô-đanh là biên giới giữa nước Do Thái và Jordan ngày nay.  Vì dòng sông  Giô-đanh chảy từ bắc xuống nam, do đó khi nhắc đến sông Giô-đanh là ranh giới, những vùng đất phụ cận của sông Giô-đanh được gọi là vùng đất ở bờ phía đông (East Bank), hoặc bờ phía tây (West Bank) của sông Giô-đanh.   Tên của quốc gia Jordan được đặt theo tên của sông Giô-đanh (Jordan).

Một trong những đặc điểm đáng lưu ý của sông Giô-đanh đó là sông Giô-đanh là dòng sông duy nhất trên thế giới, chảy trên bề mặt trái đất, mà phần lớn chiều dài của dòng sông thấp hơn mặt nước biển.

JordanRiver_MapBản đồ sông Giô-đanh

Ký Thuật Trong Cựu Ước

Theo Thánh Kinh Cựu Ước, sông Giô-đanh là nơi có nhiều sự kiện phi thường đã xảy ra.

– Lúc người Do Thái tiến vào Đất Hứa, khi các thầy tế lễ khiêng Hòm Giao Ước vừa bước xuống sông, nước liền rẻ ra, phơi bày lòng sông như đất khô. Cả đoàn dân Y-sơ-ra-ên đã vượt qua sông Giô-đanh vào xứ Ca-na-an như vậy (Giô-suê 3:13-17). Sau đó, 12 chi tộc Do Thái, mỗi chi tộc đã chọn một người, lấy một hòn đá dưới đáy sông đem về làm kỷ vật để nhắc nhở cho con cháu về sự cứu giúp của Đức Chúa Trời (Giô-suê 4:1-9, 20-24). Người Do Thái đã ghi lại sự kiện Đức Chúa Trời cứu giúp họ trong thi ca (Thi Thiên 114:3).

– Trước khi Đức Chúa Trời rước Tiên tri Ê-li về trời, Ngài đã truyền cho ông đến một địa điểm gần sông Giô-đanh. Khi đến sông Giô-đanh, Tiên tri Ê-li đã lấy áo tơi cuốn lại, đập lên mặt nước; nước sông liền rẽ ra làm hai. Tiên tri Ê-li và Ê-li-sê đã đi qua như đi trên đất khô (II Các Vua 2:6-8).  Trên đường về, khi phải qua sông trở lại, Tiên tri Ê-li-sê cũng lấy áo tơi của Tiên tri Ê-li, cuốn lại, rồi đập trên mặt nước; nước bèn rẽ thành hai, và Tiên tri Ê-li-sê đã qua sông trở lại như vậy (II Các Vua 2:14).

– Tiên tri Ê-li-sê đã làm một phép lạ khác trên dòng sông này. Có một lưỡi rìu, mà một học trò của Tiên tri Ê-li-sê đã mượn, bị đánh rơi chìm dưới lòng sông.  Tiên tri Ê-li-sê đã lấy một khúc cây quăng ngay chỗ lưỡi rìu chìm, tức thì lưỡi rìu nổi lên (II Các Vua 6:1-7).

– Tướng Na-a-man của nước Sy-ria bị bệnh phung đã đến nhờ Tiên tri Ê-li-sê chữa bệnh. Đức Chúa Trời truyền cho Tiên tri Ê-li-sê bảo Na-a-man hãy xuống sông Giô-đanh tắm bảy lần. Lúc đầu, Na-a-man không tin và không vâng lời; tuy nhiên sau đó ông đã làm theo và đã được chữa lành (II Các Vua 5:10-14).

 

JordanRiver_CrossVượt sông Giô-đanh
Paul Gustave Louis Christophe Doré (1832-1883)

Sông Giô-đanh cũng là nơi đánh dấu những quyết định quan trọng.

– Lót, một người cháu của Áp-ra-ham, thay vì tiếp tục hành trình trong đức tin với người chú của mình, đã chọn đến sống tại vùng đất trù phú về phía đông của sông Giô-đanh (Sáng Thế Ký 13:10-11).  Một thời gian sau, nơi Lót chọn sinh sống đã bị thiên tai hủy diệt (Sáng Thế Ký 19-1:33).

– Gia-cốp đã có lần vượt sông Giô-đanh bỏ xứ ra đi (Sáng Thế Ký 32:10). Hơn 20 năm sau, Gia-cốp quyết định từ xứ Cha-ran trở về. Gia-cốp và gia đình đã vượt qua rạch Gia-bốc (Sáng Thế Ký 32:22-23), là một chi nhánh của sông Giô-đanh, để quay về vùng đất mà Đức Chúa Trời đã hứa cho tổ phụ của mình.

– Vài trăm năm sau, hai chi tộc rưỡi của người Do Thái, là những chi tộc xuất phát từ dòng dõi của Gia-cốp, thay vì cùng với các chi tộc khác tiến vào xứ Ca-na-an, họ đã quyết định ở lại vùng đất phía đông của sông Giô-đanh, là vùng đất thuộc nước Jordan ngày nay (Dân Số Ký 32:1-42; 34:15).  Chín chi tộc rưỡi còn lại, sau đó, đã định cư tại vùng đất phía tây của sông Giô-đanh (Giô-suê 13:7), thuộc nước Do Thái ngày nay.

Ký Thuật Trong Tân Ước

JordanRiver_AbbudPhong cảnh sông Giô-đanh (1925)

Trong thời Tân Ước, một số chi tiết liên hệ đến Đức Chúa Jesus đã diễn ra tại sông Giô-đanh.

– Giăng Báp-tít, là người được Đức Chúa Trời sai đến để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đức Chúa Jesus, đã giảng và làm phép báp-têm tại sông Giô-đanh (Ma-thi-ơ 3:5-6; Mác 1:5; Lu-ca 3:3; Giăng 1:28).

– Đức Chúa Jesus đã nhận báp-têm tại sông Giô-đanh (Ma-thi-ơ 3:13-17, Mác 1:9:13).

– Chính tại sông Giô-đanh, Giăng Báp-tít đã xác nhận Đức Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời và là Chiên Con Của Đức Chúa Trời (Giăng 1:29-34).

– Lúc khởi đầu chức vụ, Đức Chúa Jêsus đã chọn một số môn đồ đầu tiên của Ngài tại lưu vực sông Giô-đanh (Giăng 1: 25-51).

– Khi còn sống trên đất, Đức Chúa Jesus đã nhiều lần vượt sông Giô-đanh để đến truyền giảng tại những nơi khác (Ma-thi-ơ 19:1; Mác 10:1).  Những người tin Chúa cũng vượt sông Giô-đanh để nghe Ngài giảng (Ma-thi-ơ 4:25; Mác 3:7-8).   Trước khi Đức Chúa Jesus bị bắt, Ngài đã đến thăm nơi Giăng Báp-tít đã khởi đầu làm báp-têm (Giăng 10:40-42) bên bờ sông Giô-đanh.

Ý Nghĩa

Sông Giô-đanh mang ý nghĩa quan trọng trong niềm tin của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo.

Vào thời Cựu Ước, sông Giô-đanh là nơi người Do Thái bắt đầu tiến vào Đất Hứa. Do đó, thành ngữ “bước xuống sông Giô-đanh” diễn tả một hành động xuất phát từ đức tin; và thành ngữ “vượt qua sông Giô-đanh” đánh dấu một chuyển biến quan trọng, vượt từ một giai đoạn cũ khổ đau để bước vào một giai đoạn mới tại nơi phước hạnh mà Chúa đã chuẩn bị sẵn.

Bờ sông Giô-đanh cũng là nơi Gia-cốp đã tranh đấu cùng Đức Chúa Trời và nài xin Chúa ban phước cho ông. Gia-cốp đã kiên trì cầu xin cho đến khi đạt được mục đích.  Sau đó, Gia-cốp nhận được điều mình muốn nhưng Chúa đã làm cho ông bị thương tật. Gia-cốp không thể đi thẳng hiên ngang như trước nữa. Trong lần gặp gỡ này, Đức Chúa Trời đã đổi tên cho Gia-cốp (Jacob: Kẻ tiếm vị) thành Y-sơ-ra-ên (Israel: Người tranh đấu cùng Đức Chúa Trời). Gia-cốp về sau trở thành tổ phụ của dân Do Thái.  Israel, tên của Gia-cốp, trở thành tên của quốc gia Do Thái ngày nay (Sáng Thế Ký 32:22-32).

Trong thời Tân Ước, sông Giô-đanh là nơi Đức Chúa Jesus đã nhận lễ báp-têm và chính thức công bố chức vụ của Ngài cho công chúng.  Tác giả Phúc Âm Lu-ca đã ký thuật lại sự kiện này như sau: “Khi mọi người đến chịu báp-têm, Ðức Chúa Jesus cũng đến chịu báp-têm. Trong khi Ngài cầu nguyện, trời mở ra; Ðức Thánh Linh ngự xuống trên Ngài trong hình dạng giống như một chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn” (Lu-ca 3:22-23).

Hai câu Kinh Thánh trên chứa đựng vài ý nghĩa quan trọng:

Thứ nhất, theo quan niệm phổ thông thời xưa, vũ trụ gồm ba tầng: trời ở trên, đất ở giữa, và địa ngục ở bên dưới.  Nhiều người sống trên đất khi gặp đau khổ bất công đã thốt lên: Ước gì Thượng Đế từ trời ngự xuống cứu con. Trong Cựu Ước, Tiên tri Ê-sai đã ghi lại tâm trạng tương tự như vậy của người Do Thái: “Ôi! Ước gì Ngài xé các từng trời ngự xuống” (Ê-sai 64:1).  Sau khi Đức Chúa Jesus chịu báp-têm tại sông Giô-đanh, tác giả Phúc Âm Lu-ca ghi nhận: bầu trời đã mở ra.  Tác giả muốn lưu ý người đọc rằng Đức Chúa Trời đã lắng nghe lời cầu xin của loài người.  Đức Chúa Trời đã mở toang bầu trời, ngự xuống thế giới này qua thân vị của Đức Chúa Jesus. Chúa đã đến để thể hiện tình yêu, thực thi công lý, và ban sự cứu rỗi cho nhân loại.

Thứ hai, tác giả Phúc Âm Lu-ca ghi nhận rằng Đức Thánh Linh đã ngự xuống như một chim bồ câu.  Hình ảnh chim bồ câu lượn trên mặt nước sông Giô-đanh nhắc lại hình ảnh “Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước” trong Sáng Thế Ký 1:2.  Từ thuở ban đầu, Đức Thánh Linh đã xuất hiện để góp phần vào việc sáng tạo vũ trụ.  Lúc Đức Chúa Jesus chịu báp-têm, Đức Thánh Linh đã đến để chuẩn bị cho một công trình sáng tạo mới trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

Thứ ba, tác giả Phúc Âm Lu-ca cũng ghi nhận: “Có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn”  Vào lúc sáng tạo, Đức Chúa Trời đã dựng nên một người đầu tiên là A-đam, được tạo dựng từ đất.  Lời công bố của Đức Chúa Trời, lúc Đức Chúa Jesus chịu báp-têm, xác nhận Đức Chúa Jesus là người đến từ trời.  Sứ đồ Phao-lô đã giải thích ý nghĩa quan trọng này như sau:  “Người thứ nhất ra từ đất, thuộc về đất; người thứ nhì đến từ trời. Người thuộc về đất thế nào, những người thuộc về đất cũng thể ấy; người đến từ trời thế nào, những người thuộc về trời cũng thể ấy. Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc về đất, chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh của người đến từ trời.” (I Cô-rinh-tô 15:47-49).  Sứ đồ Phao-lô lưu ý những người tin Chúa rằng ngoài bản chất thuộc về đất, họ có bản chất vĩnh cửu từ Đức Chúa Jesus.

Ái Mỹ

Bài viết cho Thư Viện Tin Lành (2016)

Tài liệu tham khảo
– Kinh Thánh
Từ Điển Kinh Thánh

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org (2016)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top