Kiến Thức: Khái Quát Về Sách Phi-líp
Kiến Thức
Khái Quát Về Sách Phi-líp
Phi-líp là một sách trong Thánh Kinh Tân Ước. Nội dung của sách được viết dưới hình thức một bức thư cho nên sách Phi-líp còn được gọi là Thư Phi-líp.
Tác giả
Tác giả của Thư Phi-líp là Sứ đồ Phao-lô và Ti-mô-thê. Chi tiết này được ghi lại trong câu đầu tiên của bức thư: “Phao-lô và Ti-mô-thê, tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, gởi cho hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Jesus Christ, ở thành Phi líp” (Phi-líp 1:1).
Người Nhận Thư
Câu đầu tiên trong Thư Phi-líp cũng chép rằng: “Phao-lô và Ti-mô-thê, tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, gởi cho hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Jesus Christ, ở thành Phi líp, cùng cho các giám mục và các chấp sự” (Phi-líp 1:1). Vì vậy những người đầu tiên nhận Thư Phi-líp là các tín hữu và những nhà lãnh đạo Hội Thánh tại thành phố Phi-líp.
Thành Phố Phi-líp
Phi-líp là một thành phố quan trọng nằm về phía đông bắc của nước Hy Lạp (Greek). Thành phố được thành lập vào khoảng năm 360/359 T.C. với tên gọi nguyên thủy là Crenides (Κρηνῖδες) – nghĩa là suối nước. Đến năm 356 T.C., Vua Philip Đệ Nhị của Ma-xê-đoan (Macedonian) – là cha của Alexander Đại Đế – đã chiếm thành phố này rồi đổi tên thành Philippi, theo tên của mình. Ông đã cho khai thác mỏ vàng tại Asyla gần thành phố Phi-líp để cung cấp tài chính cho quân đội của ông.
Hơn 300 năm sau, tên của thành phố Phi-líp lại được nhắc đến trong lịch sử thế giới. Vào tháng 10 năm 42 T.C., tại cánh đồng nằm về phía tây của thành phố Phi-líp, Mark Antony và Gaius Octavius đã đánh bại quân đội của Marcus Junius Brutus và Gaius Cassius Longinus, là những người đã ám sát Julius Caesar. Kể từ đó, thành phố Phi-líp trở thành thuộc địa của người La Mã và bị đổi tên thành Colonia Iulia Philippensis.
Năm 31 T.C., Gaius Octavius đánh bại Mark Antony, người đồng minh cũ của mình, lúc đó đang liên minh với Nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập. Năm 30 T.C., Gaius Octavius đã đăng quang trở thành hoàng đế của La Mã với vương hiệu là Augustus. Tháng 1 năm 27 T.C., Caesar Augustus đổi tên thành phố Phi-líp thành Colonia Augusta Iulia Philippensis. Theo ký thuật trong Phúc Âm Lu-ca, Caesar Augustus là người đã ra lệnh thống kê dân số vào thời Đức Chúa Jesus giáng sinh (Lu-ca 2:1).
Năm 2016, UNESCO đã công nhận thành phố Phi-líp là di sản lịch sử của thế giới bởi vì tại thành phố này nhiều di tích khảo cổ liên hệ đến Đế Quốc La Mã và Cơ-đốc giáo đã được khám phá và lưu giữ.
Di tích nhà hát lộ thiên tại thành phố Phi-líp
Bối Cảnh
Theo Kinh Thánh – và đối chiếu với những dữ kiện lịch sử liên hệ – Sứ đồ Phao-lô đã đến Phi-líp truyền giảng lần đầu tiên vào khoảng năm 49-50 S.C. Theo ký thuật trong sách Công Vụ, trước đó Sứ đồ Phao-lô và đoàn truyền giáo của ông, trong đó có Si-la (Công Vụ 16:19), Ti-mô-thê (Công Vụ 16:1), và tác giả của sách Công Vụ, có lẽ là Lu-ca (Công Vụ 16:10), muốn đến truyền giáo tại vùng Tiểu Á, tuy nhiên Đức Thánh Linh không cho phép họ đến đó. Sau đó, trong một giấc chiêm bao, Sứ đồ Phao-lô đã thấy có một người Ma-xê-đoan nài xin ông hãy đến Ma-xê-đoan để cứu họ; vì vậy đoàn truyền giáo đã đến Phi-líp, thành phố lớn nhất của tỉnh Ma-xê-đoan, để truyền giáo. Phi-líp là thành phố đầu tiên của lục địa châu Âu đã được nghe về Phúc Âm của Chúa.
Theo ký thuật trong Công Vụ 16:11-40, đoàn truyền giáo chỉ ở tại Phi-líp vài ngày (Công Vụ 16:12, 16:40) tuy nhiên tại Phi-líp đã có một số người tin Chúa. Các tín hữu đầu tiên tại thành Phi-líp gồm có Ly-đia, là một nữ thương gia; một cô gái nô lệ đã được Sứ đồ Phao-lô chữa lành khỏi bị quỷ ám; và gia đình của viên cai ngục. Ly-đia là tín hữu đầu tiên tại Phi-líp và cũng là tín hữu đầu tiên tại Âu châu được ghi tên trong Kinh Thánh. Ly-đia bán vải sắc tía dành cho giới thượng lưu, căn nhà của bà cũng đủ chỗ tiếp cả đoàn truyền giáo cho nên có lẽ bà cũng thuộc vào giới thượng lưu giàu có. Cô gái nô lệ tượng trưng cho giai cấp thấp trong xã hội vào lúc đó. Viên sĩ quan cai ngục thuộc giới trung lưu. Hội Thánh Phi-líp đã được thành lập với những tín hữu từ nhiều giai cấp khác nhau như vậy.
Khi đến giảng tại Phi-líp, Sứ đồ Phao-lô đã bị vu khống là gây rối loạn trong thành phố, cho nên ông và Si-la đã bị đánh đập và bị bỏ tù. Đức Chúa Trời đã can thiệp bằng một cơn động đất. Sau đó, Sứ đồ Phao-lô và Si-la đã được trả tự do nhưng bị buộc phải rời khỏi thành phố.
Sau đó, Sứ đồ Phao-lô đã đi truyền giảng nhiều nơi. Nhiều năm về sau, Sứ đồ Phao-lô bị bắt và bị giam tại một nơi khác. Ép-ba-phô-đích, là một người đã từng làm việc chung với Sứ đồ Phao-lô trước kia, đã đến thăm ông, đồng thời mang theo quà tặng của Hội Thánh Phi-líp (Phi-líp 2:25). Trong thời gian thăm viếng Sứ đồ Phao-lô, Ép-ba-phô-đích bị bệnh rất nặng. Hội Thánh Phi-líp nghe được điều đó và rất lo lắng. Một thời gian sau, Ép-ba-phô-đích khỏi bệnh. Sứ đồ Phao-lô khuyên Ép-ba-phô-đích nên sớm trở về Hội Thánh Phi-líp để các tín hữu tại đó được yên tâm. Nhân cơ hội nầy, Sứ đồ Phao-lô đã gởi một bức thư cho Hội Thánh Phi-líp.
Di tích nền của một nhà thờ có ghi dòng chữ “Nhà Thờ Thánh Phao-lô” tại Phi-líp
Niên đại 343 S.C.
Thư Phi-líp là một bức thư chứa đựng tình cảm nồng ấm, thân mật giữa những người thân quen với nhau. Cách hành văn trong Thư Phi-líp khác với những bức thư khác mà Sứ đồ Phao-lô đã viết. Trong Thư Phi-líp, Sứ đồ Phao-lô không hề nhắc đến chức vụ Sứ Đồ cách trịnh trọng trong phần mở đầu bức thư như ông thường viết trong những bức thư khác. Thư Phi-líp cũng không được viết theo một bố cục rõ ràng nhưng cứ viết ra theo ký ức và tình cảm. Trong suốt cuộc đời hầu việc Chúa của Sứ đồ Phao-lô, ông không hề nhận sự trợ cấp từ Hội Thánh nào, ngoại trừ nhận quà của Hội Thánh Phi-líp, điều đó cho thấy Sứ đồ Phao-lô có một tình cảm đặc biệt dành cho Hội Thánh Phi-líp.
Niên Đại
Theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh, thư Ê-phê-sô, Cô-lô-se, Phi-líp, Phi-lê-môn và II Ti-mô-thê là những bức thư đã được Sứ đồ Phao-lô viết trong lúc ông đang ở trong tù (Ê-phê-sô 3:1, 4:1, 6:20; Cô-lô-se 4:10; Phi-líp 1:7, 1:13-14, 1:17; Phi-lê-môn 1:1, 1:9, 1:23; II Ti-mô-thê 1:8). Kinh Thánh cho biết Sứ đồ Phao-lô đã ở tù rất nhiều lần (II Cô-rinh-tô 11:23). Có lần Sứ đồ Phao-lô chỉ bị giam một đêm, như ở tại Phi-líp (Công Vụ 16:22-40). Tuy nhiên, ít nhất có hai lần Sứ đồ Phao-lô bị giam giữ mỗi lần hơn hai năm, đó là ở tại Sê-sa-rê (Công Vụ 24:27) và tại Rô-ma (Công Vụ 28:16, 28:30-31).
Câu hỏi được đặt ra là Thư Phi-líp đã được viết trong lần Sứ đồ Phao-lô đang ở tù tại đâu? Nếu Sứ đồ Phao-lô viết Thư Phi-líp từ nhà tù ở Sê-sa-rê, thì bức thư đã được viết vào khoảng năm 58-59 S.C. Ngược lại, nếu Sứ đồ Phao-lô viết từ nhà tù ở Rô-ma, thì Thư Phi-líp đã được viết vào khoảng năm 60-64 S.C.
Dựa vào ký thuật trong Công Vụ 28:16, 28:30-31, một số nhà nghiên cứu cho rằng Thư Phi-líp đã được viết tại Rô-ma trong hai năm đầu (60-62 S.C.) khi Sứ đồ Phao-lô được giam lỏng tại đây. Vì Sứ đồ Phao-lô còn bị giam lỏng, cho nên Ép-ba-phô-đích (Phi-líp 2:25), một lãnh đạo của Hội Thánh Phi-líp mới có thể đến thăm và sống chung với Sứ đồ Phao-lô được.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng tình trạng giam cầm tương đối khắc nghiệt được Sứ đồ Phao-lô mô tả trong Thư Phi-líp (Phi-líp 1:12-14), tương tự với hoàn cảnh được mô tả trong Thư II Ti-mô-thê (II Ti-mô-thê 1:8, 2:8-9, 4:6-8), cho nên Thư Phi-líp có lẽ đã được viết vào hai năm chót (62-64 S.C.) tại Rô-ma. Một số nhà nghiên cứu cho rằng sau khi bị giam lỏng hai năm (60-62 S.C.) tại Rô-ma, dường như Sứ đồ Phao-lô đã được thả ra; và rồi ông cùng với Ti-mô-thê có lẽ bị bắt lại cách đột ngột tại thành Trô-ách, cho nên một số vật dụng cá nhân của ông vẫn còn tại Trô-ách (II Ti-mô-thê 4:13-14). Sau đó, Ti-mô-thê đã được thả ra trước (Hê-bơ-rơ 13:23 ), nhưng Sứ đồ Phao-lô đã bị giải về Rô-ma, bị giam giữ tại đây, rồi bị giết chết. Tuy nhiên, những chi tiết này không được ghi lại trong Kinh Thánh.
Nội Dung
Như đã nói ở trên, Thư Phi-líp là một bức thư chứa đựng nhiều tình cảm sâu đậm của Sứ đồ Phao-lô dành cho các tín hữu tại Hội Thánh Phi-líp. Trong bức thư, Sứ đồ Phao-lô đã cảm tạ Chúa về tinh thần hầu việc Chúa của họ và cảm ơn Hội Thánh Phi-líp về sự giúp đỡ của họ (1:3-11, 4:14-20). Sứ đồ Phao-lô cũng kể lại hoàn cảnh ở tù của mình và ảnh hưởng của điều đó với công việc Chúa (1:12-26, 2:19-30, 4:10-13). Bên cạnh những trao đổi mang tính cách cá nhân, Sứ đồ Phao-lô cũng dùng cơ hội này để trình bày một số ưu tư của ông đối với Hội Thánh Phi-líp. Thứ nhất, Hội Thánh đang có mầm mống chia rẻ (1:27-2:18; 4:2-3). Thứ hai, Hội Thánh cần cẩn thận những nguy hại từ những người theo Do Thái giáo (3:2-16) và các giáo sư giả (3:17-21).
Bố Cục
I. Lời chào thăm, cảm tạ, và cầu nguyện (1:1-11)
II. Niềm vui trong Phúc Âm của Đấng Christ (1:12-26)
III. Nếp sống của người tin Chúa (1:27-2:18)
- Sống theo Phúc Âm (1:27-30)
- Hãy có cùng một tâm tình với Đấng Christ (2:1-4)
- Hãy hiểu biết về gương mẫu của Đấng Christ (2:5-11)
- Hãy sống như Đấng Christ (2:12-18)
IV. Nhận định người hầu việc Chúa dựa trên cách họ sống theo Phúc Âm (2:19-30)
V. Sống theo chân lý của Phúc Âm (3:1-21)
- Cẩn thận về những người chống đối Phúc Âm (3:1-3)
- Cuộc đời của Phao-lô minh họa cho chân lý của Phúc Âm (3:4-14)
- Hãy noi gương Phao-lô như Phao-lô đã noi gương của Chúa (3:15-21)
VI. Lời khuyên, lời tri ân, và lời chào (4:1-23)
- Khuyên hãy đứng vững và hiệp nhất (4:1-3)
- Khuyên hãy cầu nguyện và hãy sống với những điều đã được dạy dỗ (4:4-9)
- Tri ân Hội Thánh Phi-líp (4:10-20)
- Lời chào và chúc phước (4:21-23)
Phước Nguyên – Vài Kiến Thức Căn Bản Về Những Sách Trong Kinh Thánh
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.