Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Kiến Thức: Khái Quát Về Sách Cô-lô-se

Kiến Thức: Khái Quát Về Sách Cô-lô-se

Kiến Thức

Khái Quát Về Sách Cô-lô-se

Cô-lô-se là một sách trong Thánh Kinh Tân Ước.  Nội dung của sách được viết dưới hình thức một bức thư cho nên sách Cô-lô-se còn được gọi là Thư Cô-lô-se.

Tác giả và người nhận

Tác giả của Thư Cô-lô-se là Sứ đồ Phao-lô và Ti-mô-thê.  Chi tiết này được ghi lại trong những câu đầu tiên của Thư Cô-lô-se: Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, cùng Ti-mô-thê là anh em, gởi cho các anh em chúng ta ở thành Cô-lô-se, là những người thánh và trung tín trong Đấng Christ.” (Cô-lô-se 1:1-2). 

Những câu Kinh Thánh này cũng cho biết người nhận thư là các tín hữu tại thành phố Cô-lô-se.

Trong phần kết thúc của bức thư,  Sứ đồ Phao-lô cho biết chính ông là người viết lời chào ở cuối bức thư (Cô-lô-se 4:18).  

Thành phố Cô-lô-se

Cô-lô-se (Κολοσσαί – Colossae) là một thành phố nằm khoảng 100 dặm về phía đông của Ê-phê-sô. Vào thế kỷ thứ 5 T.C., Cô-lô-se cùng với hai thành phố Lao-đi-xê (Λαοδίκεια – Laodikia)Hi-ê-ra-bô-li (Ἱεράπολις – Hierapolis) – được nhắc đến trong Cô-lô-se 4:13 – là ba thành phố phát triển nhất tại lưu vực sông Lycus. 

Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-bô-li nằm hai bên bờ sông Lycus và cách nhau khoảng 6 dặm. Trong khi đó, Cô-lô-se cách Lao-đi-xê 12 dặm về phía thượng nguồn. Vì những thành phố này ở gần nhau cho nên trong Thư Cô-lô-se, Sứ đồ Phao-lô đã dặn rằng sau khi bức thư được đọc tại Hội Thánh Cô-lô-se, hãy đọc bức thư tại Hội Thánh Lao-đi-xê (Cô-lô-se 4:16). Lý do của lời căn dặn này có lẽ bởi vì những vấn đề đang xảy ra tại Cô-lô-se cũng là những vấn đề đang xảy ra trong cả ba Hội Thánh. Lao-đi-xê cũng là một trong bảy Hội Thánh đã được Đức Chúa Jesus nhắc nhở trong sách Khải Huyền (Khải Huyền 3:14-22).

Theo các sử gia Hy Lạp, vào thế kỷ thứ 2 T.C., Đại Đế Antiochus III đã đem hai ngàn người Do Thái từ Babylon và Mesopitamia đến định cư tại lưu vực sông Lycus.  Vì vậy hai trăm năm sau, vào thời Sứ đồ Phao-lô viết bức thư nầy, có rất nhiều người Do Thái sống gần Cô-lô-se.  Một số người Do Thái đã tin Chúa, và họ đã đem ảnh hưởng của Do Thái giáo vào trong Hội Thánh.

Bản đồ chuyến hành trình truyền giáo lần thứ hai của Sứ Đồ Phao-lô

Lúc Sứ đồ Phao-lô viết thư cho Hội Thánh Cô-lô-se, cả ba thành phố Lao-đi-xê, Hi-ê-ra-bô-li, Cô-lô-se cùng với những thành phố khác trong sách Khải Huyền đã được chính quyền La Mã quy hoạch lại thành tỉnh Asia.  Tỉnh Asia, về sau được gọi là Tiểu Á (Minor Asia), nằm về phía tây của nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.  Thành phố Lao-đi-xê đã được chính quyền La Mã chọn làm thủ phủ của khu vực. Thành phố Hi-ê-ra-bô-li nổi tiếng với những suối nước chữa bệnh.  Trong khi đó, Cô-lô-se nổi bậc về ngành sản xuất và nhuộm lông chiên.  

Tên của thành phố Cô-lô-se trong nguyên văn Hy Lạp là Κολοσσαί (Colossae). Theo một số nhà nghiên cứu, chữ colo (Κολο) trong tên của thành phố Cô-lô-se (Κολοσσαί – Colossae) liên hệ đến màu nhuộm lông chiên nổi tiếng của thành phố này. Về sau chữ colo (Κολο) đã trở thành ngữ căn của chữ “màu sắc” (color) trong một số ngôn ngữ trên thế giới.

Di tích của thành phố Cô-lô-se

Theo sử gia Tacitus của La Mã, vào khoảng năm 60-61 S.C., cả ba thành phố Cô-lô-se, Lao-đi-xê, và Hi-ê-ra-bô-li đã bị động đất làm sụp đổ (Tacitus, Annals 14, 27.1).   Sau đó, những thành phố này đã được tái xây dựng.  Tuy nhiên đến cuối thế kỷ thứ 12 S.C. thì thành phố Cô-lô-se đã bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn.

Hội Thánh Cô-lô-se

Theo những ký thuật trong Kinh Thánh, Sứ đồ Phao-lô có lẽ không phải là người đã trực tiếp mở mang công việc Chúa tại Hội Thánh tại Cô-lô-se.  Kinh Thánh cho biết Sứ đồ Phao-lô đã đến sống và thực hiện công tác truyền giáo tại Ê-phê-sô trong suốt hơn hai năm.  Ê-phê-sô là một thành phố quan trọng trong tỉnh Asia. Trong khoảng thời gian hầu việc Chúa tại Ê-phê-sô, Sứ đồ Phao-lô đã huấn luyện rất nhiều môn đồ. Tác giả sách Công Vụ cho biết sau đó rất nhiều người Do Thái lẫn ngoại quốc trong tỉnh Asia đều biết về đạo của Chúa (Công Vụ 19:8-10).  Cô-lô-se và Lao-đi-xê là những thành phố thuộc tỉnh Asia, vì vậy theo Công Vụ 19:8-10, có lẽ hai thành phố nầy đã được nghe về Phúc Âm của Chúa qua các môn đệ của Sứ đồ Phao-lô.  Dầu vậy, dường như Sứ đồ Phao-lô chưa bao giờ đến thăm các Hội Thánh tại Cô-lô-se và Lao-đi-xê. Theo ký thuật trong Cô-lô-se 2:1, Sứ đồ Phao-lô cho biết các tín hữu tại hai Hội Thánh này chưa hề biết mặt ông.

Ê-pháp-ra, một cộng sự viên của Sứ đồ Phao-lô, có lẽ là người đã thành lập Hội Thánh Cô-lô-se. Trong Thư Cô-lô-se, Sứ đồ Phao-lô đã viết như sau: “Phúc Âm đã kết quả và phát triển khắp thế giới, cũng như đang kết quả ở giữa anh em kể từ ngày anh em đã nghe và thật sự hiểu biết ân điển của Đức Chúa Trời. Điều này anh em đã học nơi Ê-pháp-ra” (Cô-lô-se 1:6-7a). Ký thuật trong Thư Cô-lô-se cũng cho biết Ê-pháp-ra là dân của thành phố Cô-lô-se (Cô-lô-se 4:12).  Ông đã tận tụy lo công việc Chúa cho Hội Thánh tại quê hương của mình và cho cả hai Hội Thánh lân cận là Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-bô-li (Cô-lô-se 4:13). Với tâm tình hầu việc Chúa tận tụy của Ê-pháp-ra, Sứ đồ Phao-lô đã gọi Ê-pháp-ra là “người bạn đồng sự thân yêu của chúng tôi” (Cô-lô-se 1:7).  Có lẽ tinh thần cộng sự hầu việc Chúa thân thiết đó đã thúc giục Ê-pháp-ra đến thăm và ở lại giúp Sứ đồ Phao-lô một thời gian trong lúc Sứ đồ Phao-lô bị cầm tù (Phi-lê-môn 1:23).

Theo ký thuật trong Kinh Thánh, bên cạnh Ê-pháp-ra, có thể có một vài người khác đã góp phần phổ biến Phúc Âm của Chúa cho thành phố Cô-lô-se. Những người đó là các thành viên trong gia đình của Phi-lê-môn.  Trong lời mở đầu của bức thư gởi cho Phi-lê-môn, Sứ đồ Phao-lô có nhắc đến tên ba người,  đó là: Phi-lê-môn, Áp-bi, và A-chíp.  Phi-lê-môn, người rất yêu dấu và là bạn đồng lao của chúng tôi, cùng Áp-bi, chị em của chúng tôi, và A-chíp, chiến hữu của chúng tôi, và Hội Thánh tại nhà anh (Phi-lê-môn 1:1b-2). Thư Phi-lê-môn là một bức thư cá nhân mà Sứ đồ Phao-lô gởi cho một nhân vật tên là Phi-lê-môn, cho nên ba người được nhắc tên trong câu Kinh Thánh này dường như là những người ở cùng trong một gia đình.  Thêm vào đó, trong Thư Cô-lô-se, A-chíp đã được nhắc đến như là một người hầu việc Chúa tại Cô-lô-se: “Hãy nói với A-chíp: Hãy chú tâm về chức vụ mà anh đã nhận lãnh từ nơi Chúa, để làm cho hoàn thành.” (Cô-lô-se 4:17). Vì vậy, có ý kiến cho rằng Phi-lê-môn và gia đình của ông có thể cũng là những người đã góp phần xây dựng Hội Thánh tại Cô-lô-se.

Bên cạnh những người Do Thái, các tín hữu tại Hội Thánh Cô-lô-se có lẽ phần lớn là những người ngoại quốc. Sứ đồ Phao-lô viết: Anh em trước đây vốn xa lạ, …, và thù nghịch trong tư tưởng (Cô-lô-se 1:21). Đây là những từ ngữ thường được dùng để mô tả những người ngoại quốc chưa hề biết Đức Chúa Trời chứ không phải là người Do Thái. Thêm vào đó, khi liệt kê những tội lỗi trong quá khứ của người Cô-lô-se như: gian dâm, bất khiết, đam mê nhục dục, ham muốn xấu xa, và tham lam, tức là thờ hình tượng, …. Anh em đã sống giữa những người như vậy và đã từng sống trong những điều đó.”  (Cô-lô-se 3:5-7).  Những tội lỗi được nhắc đến trong những câu Kinh Thánh này phổ biến trong xã hội của những người ngoại quốc hơn là trong cộng đồng của người Do Thái.

Vấn đề tại Hội Thánh Cô-lô-se

Trong các Hội Thánh đã nhận được những bức thư từ các Sứ Đồ gởi đến trong thời Tân Ước, Hội Thánh Cô-lô-se có lẽ là Hội Thánh nhỏ nhất.  Đây là một Hội Thánh còn non trẻ.

Khi Ê-pháp-ra đến thăm Sứ đồ Phao-lô, ông đã thuật lại cho Sứ đồ Phao-lô biết nhiều vấn đề đang xảy ra tại Hội Thánh Cô-lô-se (1:4, 1:8-9).  Nhiều sự dạy dỗ sai lầm – tà giáo – đang lan truyền giữa vòng những tín hữu trong Hội Thánh.

Thứ nhất, Hội Thánh Cô-lô-se bị ảnh hưởng bởi quan điểm duy luật của Do Thái giáo. Những người theo Do Thái giáo dạy các tân tín hữu nên giữ lễ cắt bì (2:11), tuân giữ những luật lệ kiêng cữ trong Cựu Ước (2:16, 2:21).

Thứ hai, một số tân tín hữu còn mê tín. Họ tin chiêm tinh theo những quan niệm cổ xưa ngoài đời (2:8, 2:20). Họ đã kết hiệp sự mê tín, chiêm tinh huyền bí với một số khái niệm của Cơ-đốc giáo, rồi dạy rằng các thiên sứ đang điều hành những ngôi sao trên bầu trời, và qua đó ảnh hưởng đến vận mạng của mỗi người (2:16-18). Hệ quả của tà giáo này là việc thờ phượng các thiên sứ (2:18). Thêm vào đó, các tín hữu còn sợ hãi ma qủy và đề cao thế lực của ma quỷ (1:16).

Thứ ba, bên cạnh những quan điểm tà giáo dựa trên quan điểm duy luật của Do Thái giáo, hay mê tín của ngoại giáo, tại Hội Thánh Cô-lô-se còn có những quan điểm tà giáo đến từ những người theo Trí Huệ Phái. Người theo Trí Huệ Phái chủ trương rằng thần linh mới toàn hảo, còn vật chất thì xấu xa.  Niềm tin căn bản này khiến những người theo Trí Huệ Phái không tin Đức Chúa Trời tạo dựng nên vũ trụ vật chất nầy. Họ giải thích rằng bởi vì Đức Chúa Trời là toàn thiện toàn hảo cho nên Ngài không thể tạo dựng một thế giới xấu xa. Họ cũng không tin Đức Chúa Jesus có nhân tính hay thân xác khi Ngài sống trên đất nầy. Họ giải thích rằng bởi vì thân xác là vật chất, là xấu xa cho nên Đức Chúa Jesus không thể sống trong thân xác của con người được. Quan điểm đó đi xa hơn: Bởi vì Đức Chúa Jesus không thể sống trong thân xác con người, cho nên Ngài không hề chết, và vì vậy Ngài cũng không hề sống lại.  Những người trong theo Trí Huệ Phái chối bỏ một cách tinh vi những niềm tin căn bản của Cơ-đốc giáo được ghi lại trong Kinh Thánh.  Đối với nếp sống của mỗi cá nhân, quan điểm vật chất là xấu xa của Trí Huệ Phái đưa đến hai thái độ cực đoan về đạo đức.  Do thân xác con người là xấu xa, cho nên một nhóm người trong theo Trí Huệ Phái chủ trương rằng con người có thể sống phóng túng theo bản năng dục vọng của mình, bởi vì đó là bản chất tự nhiên của con người vật chất. Ngược lại một nhóm khác theo Trí Huệ Phái theo chủ trương duy lý trí dạy rằng mỗi người cần phải sống khắc kỷ để kiểm soát con người của mình. Cả hai quan điểm  nầy đều không đúng với những dạy dỗ của Chúa.

Tất cả những tà giáo trên đang tấn công Hội Thánh non trẻ tại Cô-lô-se, đã gây nguy cơ khiến Hội Thánh có thể bị đổ vỡ.

Trọng tâm của Thư Cô-lô-se

Trong Thư Cô-lô-se, Sứ đồ Phao-lô nhẹ nhàng giải thích cho các tín hữu tại Cô-lô-se tất cả những sai lầm của các tà giáo nói trên bằng cách giúp cho họ hiểu được vị trí tối cao của Đức Chúa Jesus Christ.  Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài thật sự trở thành người.  Ngài đã hy sinh để cứu tất cả nhân loại.

Khi đọc nội dung của Thư Cô-lô-se và Thư Ê-phê-sô, độc giả sẽ thấy có nhiều điểm liên hệ với nhau. Thư Ê-phê-sô đề cập đến Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, trong khi đó Thư Cô-lô-se giải thích rằng Đấng Christ, là đầu của thân thể.   Trong khi Thư Ê-phê-sô chú trọng đến vai trò của các tín hữu trong Hội Thánh, Thư Cô-lô-se nhấn mạnh rằng Đấng Christ là Đấng lãnh đạo của Hội Thánh chứ không phải bất kỳ một ai khác. 

Cấu trúc của Thư Cô-lô-se

Giống như Thư Ê-phê-sô, Thư Cô-lô-se được chia làm hai phần chính:

  • Phần thứ nhất gồm Cô-lô-se 1-2: Đề cập đến vấn đề tín lý thần học.
  • Phần thứ hai gồm Cô-lô-se 3-4: Đề cập đến đức tin thể hiện qua nếp sống thực hành.

Bố Cục

 I. Niềm Tin Về Địa Vị Độc Tôn Của Đấng Christ (1:1-29)

  1. Trong thông điệp của Phúc Âm (1:1-12)
  2. Trong sự cứu chuộc (1:13-14)
  3. Trong công trình sáng tạo (1:15-17)
  4. Trong Hội Thánh (1:18-23)
  5. Trong chức vụ của Phao-lô (1:24-29)

II. Ảnh Hưởng Của Địa Vị Độc Tôn Của Đấng Christ (2:1-23)

  1. Tín hữu được gây dựng trong Đấng Christ (2:1-10)
  2. Tín hữu sống trong Đấng Christ (2:11-17)
  3. Tín hữu cần cảnh giác trước những tà giáo (2:18-23)

III. Minh Chứng Địa Vị Độc Tôn Của Đấng Christ (3:1 – 4:18)

  1. Bằng sự thanh sạch cá nhân (3:1-11)
  2. Bằng mối thông công trong Chúa (3:12-17)
  3. Bằng mối thông công trong gia đình (3:18-21)
  4. Trong sinh hoạt hằng ngày (3:22 – 4:1)
  5. Trong công tác chứng đạo (4:2-6)
  6. Trong tinh thần phục vụ (4:7-18)

Phước Nguyên – Vài Kiến Thức Căn Bản Về Những Sách Trong Kinh Thánh

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top