Kiến Thức: Khái Quát Về Sách I Tê-sa-lô-ni-ca
Kiến Thức
Khái Quát Về Sách I Tê-sa-lô-ni-ca
I Tê-sa-lô-ni-ca là một sách trong Thánh Kinh Tân Ước. Nội dung của sách được viết dưới hình thức một bức thư cho nên sách I Tê-sa-lô-ni-ca còn được gọi là Thư I Tê-sa-lô-ni-ca.
Tác giả và người nhận
Tác giả của Thư I Tê-sa-lô-ni-ca là Sứ đồ Phao-lô, Sin-vanh và Ti-mô-thê. Chi tiết này được ghi lại trong câu đầu tiên của Thư I Tê-sa-lô-ni-ca: “Phao-lô, Sin-vanh và Ti-mô-thê gởi cho Hội-thánh ở thành Tê-sa-lô-ni-ca.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1, 2:8).
Câu Kinh Thánh này cũng cho biết người nhận thư là các tín hữu tại thành phố Tê-sa-lô-ni-ca (Thessalonica).
Thành phố Tê-sa-lô-ni-ca
Tê-sa-lô-ni-ca là một thành phố cổ đại đã được xây dựng cách đây gần 2400 năm. Địa danh nguyên thủy của nơi nầy là Therma. Đây là một hải cảng quan trọng trong vịnh Thermaic, trên biển Aegean, nằm về phía bắc của nước Hy-lạp (Greek).
Vị trí của thành phố Tê-sa-lô-ni-ca trên bản đồ của nước Hy-lạp
Khi Hoàng Đế Ba Tư Xérxēs (Ξέρξης) tấn công Âu châu vào năm 480 T.C., ông đã dùng hải cảng Therma làm căn cứ cho hạm đội của mình.
Hoàng Đế Xerxes của Ba Tư (518-485 TC)
Năm 315 T.C., Vua Cassander của Macedon đã cho cho xây dựng một thành phố tại Therma. Vua Cassander đã đặt tên cho thành phố mới là Thessaloníkē (Θεσσαλονίκη), theo tên người vợ của ông. Vì vậy, thành phố Tê-sa-lô-ni-ca đã mang tên của Hoàng hậu Thessaloníkē từ đó cho đến ngày nay. Hoàng hậu Thessaloníkē là em gái cùng cha khác mẹ của Alexander Đại Đế, và là con gái của Vua Philip II.
Bia đá khắc dòng chữ “Hoàng Hậu Thessaloníkē, con của Philip”
Năm 168 T.C., vương quốc Macedonia đã bị người La Mã chiếm đóng. Năm 148 T.C., chính quyền La Mã đã chọn Thessaloníkē làm thủ phủ của tỉnh Macedonia, trực thuộc La Mã. Đến năm 41 T.C. thì Thessaloníkē được người La Mã ban cho quy chế là một thành phố tự trị.
Di tích của kiến trúc La Mã tại Tê-sa-lô-ni-ca
Trong giai đoạn Đế quốc La Mã cai trị khu vực Địa Trung Hải, thành phố Thessaloníkē giữ vị trí chiến lược trên tuyến đường Via Egnatia đi từ tây sang đông, từ biển Adriatic (Hy Lạp) sang Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ). Via Egnatia là trục lộ giao thương chính, nối liền Rome, thủ đô của đế quốc La-mã, với khu vực Tiểu Á (Asia Minor), cho nên thành phố Thessaloníkē rất giàu có. Với vị trí giao thông thuận lợi như vậy, Tê-sa-lô-ni-ca cũng là địa điểm chiến lược để Cơ-đốc giáo loan truyền đến nhiều nơi trên thế giới. Có lẽ đây cũng là lý do mà Sứ đồ Phao-lô đã được Chúa đưa dẫn để đến truyền giáo và thành lập Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca.
Via Egnatia: Trục lộ giao thương giữa đông và tây của Đế quốc La Mã đi ngang qua Tê-sa-lô-ni-ca.
Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca
Gần một thế kỷ sau khi Tê-sa-lô-ni-ca trở thành một thành phố tự trị, Sứ đồ Phao-lô cùng với Si-la và Ti-mô-thê đã đến thăm thành phố Tê-sa-lô-ni-ca trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ hai của Sứ đồ Phao-lô.
Trước đó, các nhà truyền giáo đã dự định sang Tiểu Á, tại cuối trục lộ Via Egnatia ở phía đông, để truyền giảng nhưng Đức Thánh Linh ngăn trở họ. Sau đó, Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Sứ đồ Phao-lô, thay vì đi sang phía đông đã đi sang phía tây, và đến truyền giáo tại Âu Châu. Phái đoàn truyền giáo đã đến giảng tại Phi-líp. Sứ đồ Phao-lô và Si-la đã bị đánh đập và giam cầm tại Phi-líp. Sau khi rời Phi-líp, đoàn truyền giáo đã đến Tê-sa-lô-ni-ca (Công Vụ 16:6-17:1). Tê-sa-lô-ni-ca là thành phố thứ hai tại Âu Châu đã được phái đoàn truyền giáo đến rao giảng Phúc Âm của Chúa.
Ký thuật trong sách Công Vụ cho biết Sứ đồ Phao-lô chỉ có thể giảng tại Tê-sa-lô-ni-ca được ba tuần. Sau đó, ông buộc lòng phải rời khỏi thành phố bởi vì có những nhóm côn đồ bị một số lãnh đạo người Do Thái xách động đã khuấy động đám đông nổi lên chống lại Sứ đồ Phao-lô. Họ đã cáo buộc Sứ đồ Phao-lô chống lại luật lệ của Hoàng đế Sê-sa bởi vì Sứ đồ Phao-lô đã gọi Đức Chúa Jesus là vua. Họ đã bắt những người giúp Sứ đồ Phao-lô nộp cho chính quyền. Tuy nhiên, họ đã không bắt được Sứ đồ Phao-lô (Công Vụ 17:1-9).
Các tài liệu lịch sử cho biết Tê-sa-lô-ni-ca là một thành phố có đông người Do Thái sinh sống. Chúng ta không rõ bao nhiêu người Do Thái đã sống tại Tê-sa-lô-ni-ca vào lúc Sứ đồ Phao-lô đến giảng tại đó; tuy nhiên theo các liệu lưu trữ hiện có, từ thế kỷ thứ 16 cho đến thế kỷ 20, Tê-sa-lô-ni-ca là thành phố duy nhất trên thế giới mà dân Do Thái di cư lại chiếm tỷ lệ cao hơn so với dân địa phương. Vì vậy trong quá khứ, người Do Thái có ảnh hưởng rất lớn tại thành phố Tê-sa-lô-ni-ca. Vì người Do Thái sống tại Tê-sa-lô-ni-ca rất đông, lúc Đệ Nhị Thế Chiến diễn ra, Đức Quốc Xã đã giết vài chục ngàn người đàn ông Do Thái tại Tê-sa-lô-ni-ca. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 21 thì đại đa số người Do Thái đã rời Tê-sa-lô-ni-ca để về Israel hay sang Hoa Kỳ sinh sống.
Quang cảnh đàn ông Do Thái bị Đức Quốc Xã kiểm kê vào năm 1942 tại Tê-sa-lô-ni-ca
Sau khi đã rời Tê-sa-lô-ni-ca, Sứ đồ Phao-lô đã đến giảng tại Bê-rê. Những người Do Thái tại Bê-rê sâu sắc hơn những người Do Thái tại Tê-sa-lô-ni-ca. Người Do Thái tại Bê-rê đã cẩn thận tra cứu Kinh Thánh Cựu Ước xem những gì Sứ đồ Phao-lô giảng về Đức Chúa Jesus là Đấng Christ có đúng hay không (Công Vụ 17:10-12).
Tuy nhiên, sau khi biết tin Sứ đồ Phao-lô đang giảng tại Bê-rê, những người Do Thái tại Tê-sa-lô-ni-ca lại kéo đến Bê-rê để quấy phá. Sau đó, các tín hữu tại Bê-rê đã đưa Sứ đồ Phao-lô xuống tàu để đi đến A-thên, là thủ đô của nước Hy-lạp (Công Vụ 17:13-16).
Rời khỏi Tê-sa-lô-ni-ca, Sứ đồ Phao-lô rất ưu tư về tình trạng thuộc linh của những tân tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Từ A-thên, Sứ đồ Phao-lô đã sai Ti-mô-thê quay trở lại để thăm Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca. Ti-mô-thê có trách nhiệm tìm hiểu về hiện trạng của Hội Thánh và cũng để khích lệ các tân tín hữu (3:1-5).
Sau khi viếng thăm Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca, Ti-mô-thê đã trở lại gặp Sứ đồ Phao-lô tại Cô-rinh-tô (3:6-9; Công Vụ 18:5). Báo cáo của Ti-mô-thê có thể tóm tắt như sau: Thứ nhất, những người mới tin Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca mặc dù chỉ được nghe giảng trong ba tuần nhưng vẫn giữ vững đức tin dù họ đã bị bách hại nặng nề. Thứ hai, một số tân tín hữu vẫn chưa hiểu rõ nếp sống của người tin Chúa là như thế nào cho nên họ đã có lối sống buông thả tình dục (4:3-8). Thứ ba, một số tín hữu hiểu lầm về tín lý Chúa tái lâm. Họ tin rằng Chúa sắp trở lại cho nên họ không chịu đi làm. Những người nầy đã trở thành gánh nặng cho những người khác (4:11-12, 5:14). Qua lời thường thuật của Ti-mô-thê, Sứ đồ Phao-lô biết được một vấn đề quan trọng tại Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca đó là nhiều người không hiểu rõ sự tái lâm của Chúa cho nên đã có nếp sống không đúng.
Niên Biểu Của Thư I Tê-sa-lô-ni-ca
Như đã nói ở trên, từ A-thên Sứ đồ Phao-lô đã sai Ti-mô-thê quay trở lại thăm viếng Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca (3:1-3). Kinh Thánh cho biết sau đó Ti-mô-thê đã trở lại gặp Sứ đồ Phao-lô (3:6) khi ông đang ở tại Cô-rinh-tô (Công Vụ 18:5). Vì vậy, Thư I Tê-sa-lô-ni-ca phải được viết sau khi Ti-mô-thê gặp lại Sứ đồ Phao-lô tại Cô-rinh-tô (3:6) và có lẽ đã được viết không lâu sau khi Sứ đồ Phao-lô nghe lời tường thuật của Ti-mô-thê.
Ký thuật trong sách Công Vụ cho biết, Sứ đồ Phao-lô đã ở tại Cô-rinh-tô một năm sáu tháng (Công Vụ 18:11). Trong thời gian Sứ đồ Phao-lô ở tại đây, một lần nữa những người Do Thái đã nổi lên chống lại Sứ đồ Phao-lô. Họ tố cáo ông phạm pháp, rồi giải ông đến chính quyền xét xử. Tuy nhiên, Ga-li-ôn, viên tổng trấn của tỉnh A-chai vào lúc đó, đã không nghe chịu xét xử theo lời cáo buộc của người Do Thái. Ga-li-ôn cho rằng đây là vấn đề bất đồng trong tín ngưỡng của người Do Thái chứ không phải là vấn đề vi phạm luật pháp của chính quyền La Mã. Vụ án bị hủy bỏ. Kinh Thánh cho biết, sau đó Sứ đồ Phao-lô đã rời khỏi thành phố Cô-rinh-tô để tiếp tục hành trình truyền giáo của mình (Công Vụ 18:7-18).
Căn cứ trên văn bia Delphi được viết theo lệnh của Hoàng Đế La Mã Claudius vào năm 52 S.C., Ga-li-ôn là bạn của Hoàng Đế Claudius. Các sử gia La Mã cho biết Ga-li-ôn đã làm tổng trấn tại A-chai từ năm 51-52 S.C. Vì vậy, nếu Thư I Tê-sa-lô-ni-ca được viết ngay sau khi Ti-mô-thê đến Cô-rinh-tô, và trước khi cuộc bạo động tại Cô-rinh-tô xảy ra, thì Thư I Tê-sa-lô-ni-ca có lẽ đã được viết vào năm 51 S.C.
Văn bia Delphi có khắc tên Ga-li-ôn – Tổng trấn A-chai
Tưởng cũng nên nói thêm, theo các văn kiện lịch sử hiện có, Phúc Âm Mác, là Phúc Âm đầu tiên chỉ được viết sau năm 66 S.C. Thư Ga-la-ti có lẽ là sách đầu tiên trong Tân Ước, và Thư I Tê-sa-lô-ni-ca có lẽ là sách thứ hai được viết trong Tân Ước.
Bố Cục
Cấu trúc của Thư I Tê-sa-lô-ni-ca có thể sơ lược như sau:
I. Vài Đặc Điểm Của Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca (1:1-10)
- Một Hội Thánh năng động (1:1-3)
- Một Hội Thánh được chọn (1:4)
- Một Hội Thánh mẫu mực (1:5-7)
- Một Hội Thánh truyền giáo (1:8)
- Một Hội Thánh trông đợi gặp Chúa (1:9-10)
II. Quá khứ và tương lai (2:1-20)
- Lịch sử Phúc Âm truyền đến Tê-sa-lô-ni-ca (2:1-12)
- Thái độ của người Tê-sa-lô-ni-ca đối với Phúc Âm của Chúa (2:13-16)
- Mơ ước của Sứ đồ Phao-lô (2:17-20)
III. Ưu tư về Hội Thánh (3:1-13)
- Mối quan tâm đối với Hội Thánh (3:1-5)
- Tin vui từ Hội Thánh (3:6-9)
- Vài thỉnh cầu (3:10-13)
IV. Sự tái lâm (4:1-17)
- Chuẩn bị cho sự tái lâm (4:1-12)
- Vài diễn tiến lúc Chúa tái lâm (4:13-18)
V. Chuẩn bị cho sự tái lâm (5:1-28)
- Vài hướng dẫn căn bản (5:1-22)
- Sự bảo đảm chắc chắn (5:23-24)
- Những yêu cầu (5:25-28)
Phước Nguyên – Vài Kiến Thức Căn Bản Về Những Sách Trong Kinh Thánh
Thư Viện Tin Lành (2024)
www.thuvientinlanh.org