Kiến Thức: Lễ Ngũ Tuần
Nguồn Gốc Lễ Ngũ Tuần
(Photo credit: www.wikipedia.org)
Lễ Ngũ Tuần là lễ kỷ niệm Đức Thánh Linh giáng lâm, diễn ra 50 ngày sau Lễ Phục Sinh. Trong cộng đồng Cơ Đốc, Lễ Ngũ Tuần được xem là ngày chính thức thành lập Hội Thánh.
Nguồn Gốc
Lễ Ngũ Tuần (Pentēkostē) có nguồn gốc từ Thánh Kinh Cựu Ước. Trong Cựu Ước, Lễ Ngũ Tuần còn được gọi là Lễ Các Tuần Lễ (חג השבועות) (Xuất 34:22) hay Lễ Mùa Gặt (Xuất 23:16). Lễ này được người Do Thái kỷ niệm sau khi thu hoạch mùa màng. Đây là một trong ba ngày lễ quan trọng hằng năm của người Do Thái. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng người Do Thái tổ chức Lễ Ngũ Tuần cũng để kỷ niệm việc Đức Chúa Trời ban luật pháp cho Môi-se tại núi Sinai. Tuy nhiên ý kiến này không có những bằng chứng rõ ràng từ Thánh Kinh ủng hộ.
Đối với những người tin Đức Chúa Giê-xu, Lễ Ngũ Tuần có một ý nghĩa đặc biệt. Theo Thánh Kinh Tân Ước, Đức Thánh Linh giáng lâm trên các Sứ Đồ và những người tin Chúa vào dịp Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái. Sự kiện này diễn ra tại thành Giê-ru-sa-lem.
Sau khi được ban Đức Thánh Linh, các môn đồ bắt đầu dùng ngoại ngữ thuật lại sự cao trọng của Đức Chúa Trời. Ký thuật trong sách Công vụ 2:1-47 chép như sau:
Đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đồ nhóm họp tại một chỗ; thình lình, có tiếng động từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp căn nhà nơi họ đang ngồi. Các môn đồ thấy những lưỡi như lửa xuất hiện, tản ra, và đậu trên mỗi người trong họ. Tất cả đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, và bắt đầu nói các ngôn ngữ khác, theo như Thánh Linh cho họ nói.
Việc Đức Thánh Linh giáng lâm trên các tín hữu đầu tiên, gây sự chú ý cho công chúng tại Giê-ru-sa-lem. Bởi vì Lễ Ngũ Tuần là một ngày lễ quan trọng của người Do Thái, giống như ngày Tết của người Việt, cho nên người Do Thái từ nhiều quốc gia đổ về quê hương để dự lễ. Những người Do Thái từ ngoại quốc trở về kinh ngạc khi thấy những người Do Thái quê mùa sống tại xứ Ga-li-lê lại tôn ngợi Đức Chúa Trời bằng nhiều ngoại ngữ thật lưu loát.
Lúc ấy, có những người Do Thái mộ đạo từ mọi quốc gia trong thiên hạ về, đang lưu trú tại Giê-ru-sa-lem. Khi nghe tiếng ồn, họ kéo đến thành một đám đông, và sửng sốt vì mỗi người đều nghe các môn đồ nói tiếng bản xứ của mình. Họ rất ngạc nhiên và hỏi nhau: “Tất cả những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê sao? Thế sao mỗi người chúng ta đều nghe họ nói tiếng bản xứ của mình? Nào người Bạt-thê, Mê-đi, Ê-la-mít, kẻ ở tại Mê-sô-pô-ta-mi, Giu-đê, Cáp-pa-đốc, Pông, A-si-a, Phi-ri-gi, Pam-phi-ly, Ai Cập, các vùng thuộc Li-by gần Sy-ren; nào du khách từ Rô-ma đến, cả người Do Thái hoặc người theo đạo Do Thái, người Cơ-rết và Ả Rập nữa, chúng ta đều nghe họ dùng ngôn ngữ chúng ta mà nói về những việc quyền năng của Đức Chúa Trời.” Mọi người đều kinh ngạc và bối rối, nói với nhau: “Việc nầy có nghĩa gì?” Nhưng có kẻ lại chế giễu rằng: “Họ say rượu mới đó.”
Trong khi có rất nhiều người ngạc nhiên muốn tìm hiểu sự thật, cũng có một vài người tìm cách gièm pha. Những người gièm pha này nói rằng các tín hữu Cơ Đốc say rượu mới. Trước dư luận của công chúng, Phi-e-rơ cùng các nhà lãnh đạo Hội Thánh đã đứng ra chính thức giải thích nguồn gốc của sự kiện này.
Lúc đó, Phi-e-rơ đứng ra cùng với mười một sứ đồ, cất tiếng nói với họ: “Thưa anh em là người Do Thái và tất cả những người ở Giê-ru-sa-lem! Hãy biết rõ điều nầy và xin lắng tai nghe lời tôi nói: Những người nầy chẳng phải say như anh em tưởng đâu, vì bây giờ mới là giờ thứ ba của ban ngày. Nhưng đây là điều Chúa đã phán qua Tiên tri Giô-ên: ‘Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên mọi xác thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri; thanh niên sẽ thấy khải tượng, và người già sẽ thấy chiêm bao. Trong những ngày đó, Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên các đầy tớ trai và gái Ta, và họ sẽ nói tiên tri. Ta lại sẽ thực hiện những việc kỳ diệu ở trên trời, và những dấu lạ ở dưới đất. Đó là máu, lửa, và luồng khói; mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng sẽ hóa ra máu, trước ngày vĩ đại và vinh quang của Chúa đến. Và ai cầu khẩn danh Chúa thì sẽ được cứu.’
Trước hết, Sứ đồ Phi-e-rơ đính chính rằng những người tin Chúa không say rượu. Theo luật của Do Thái vào lúc đó, thời giờ ban ngày dùng để làm việc, không được nhậu nhẹt; việc uống rượu giải trí chỉ được diễn ra vào chiều tối. Vì bây giờ chỉ là “giờ thứ ba của ban ngày,” tức 9 giờ sáng; cho nên việc các tín hữu say rượu chỉ là tin đồn vô căn cứ.
Sau đó, Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích nguồn gốc về sự việc đã xảy ra. Việc Đức Thánh Linh giáng lâm là ứng nghiệm lời mà Đức Chúa Trời đã phán với Tiên tri Giô-ên trong Thánh Kinh Cựu Ước. Đức Chúa Trời hứa trong những ngày cuối cùng, Đức Thánh Linh sẽ ngự trên nhiều người. Cả người nam lẫn người nữ đều được phép rao truyền sứ điệp của Đức Chúa Trời. Các thanh niên sẽ có khải tượng và những người già sẽ được Chúa mặc khải. Sứ đồ Phi-e-rơ đã dùng lời của Tiên tri Giô-ên để giải thích rõ rằng trong ý định của Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh sẽ được ban cho nhiều người, không phân biệt giới tính – nam hay nữ, không phân biệt tuổi tác – già hay trẻ, và không phân biệt giai cấp – chủ hay tớ.
Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích thêm cho công chúng Giê-ru-sa-lem nguồn gốc sâu xa của sự kiện này: Đức Chúa Giê-xu, là Đấng từng sống, giảng Phúc Âm, làm các phép lạ ở giữa họ; là Người mà họ đã nộp cho Tổng đốc Phi-lát giết cách đây hơn 50 ngày, chính là Đấng Cứu Tinh mà vua Đa-vít, tổ phụ họ, đã nhắc đến. Đức Chúa Giê-xu đã chết và đã sống lại theo chương trình của Đức Chúa Trời. Hiện nay Ngài đang ngồi bên cạnh Đức Chúa Trời.
Hỡi người Do Thái! Xin lắng nghe những lời tôi trình bày: Đức Chúa Giê-xu người Na-xa-rét, là Đấng đã được Đức Chúa Trời xác chứng trước anh em bằng những việc quyền năng, các phép mầu và dấu lạ; qua Ngài, Đức Chúa Trời đã thực hiện những điều đó giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo kế hoạch đã định trước, và theo sự biết trước của Đức Chúa Trời, Ngài đã bị phản nộp, và anh em đã mượn tay những kẻ gian ác đóng đinh Ngài trên thập tự và giết đi. Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại, giải thoát Ngài khỏi những đau đớn của sự chết, vì sự chết không thể cầm giữ Ngài được. Vì vậy, vua Đa-vít đã nói về Ngài rằng:
‘Tôi luôn thấy Chúa ở trước mặt tôi,
Vì Ngài ở bên phải tôi, nên tôi không hề bị rúng động.
Do đó, lòng tôi vui vẻ, lưỡi tôi mừng rỡ,
Và thể xác tôi cũng sẽ an nghỉ trong hy vọng.
Vì Chúa sẽ không bỏ linh hồn tôi nơi âm phủ,
Cũng không để cho Đấng Thánh của Ngài thấy sự hư nát.
Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống,
Cũng sẽ khiến tôi tràn đầy niềm vui trước mặt Ngài.’
Thưa anh em, tôi có thể nói quả quyết với anh em rằng tổ phụ Đa-vít là người đã chết và được an táng, và hiện nay ngôi mộ của người vẫn còn ở giữa chúng ta; nhưng người là một tiên tri, biết Đức Chúa Trời đã thề hứa rằng Ngài sẽ đặt một người thuộc dòng dõi người ngồi trên ngai mình. Do đó, người đã thấy trước và nói về sự sống lại của Đấng Christ rằng Ngài chẳng bị bỏ nơi âm phủ, và thân thể Ngài chẳng thấy sự rữa nát.
Sứ đồ Phi-e-rơ khẳng định Đức Chúa Giê-xu đã sống lại. Ông và những người tin Chúa sẵn sàng làm chứng cho sự thật đó. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nhắc lại việc Đức Chúa Giê-xu về trời cách đó 10 ngày. Trước khi về trời, Đức Chúa Giê-xu đã hứa ban Đức Thánh Linh cho những người trông đợi Ngài. Và việc mà công chúng đang thấy đây chính là việc Đức Chúa Giê-xu làm trọn điều Ngài đã hứa.
Đức Chúa Trời đã khiến Đức Chúa Giê-xu nầy sống lại – tất cả chúng tôi đều làm nhân chứng về điều đó – và sau khi đã được tôn cao ở bên phải Đức Chúa Trời, và đã nhận lãnh lời hứa về Đức Thánh Linh từ nơi Cha, thì Ngài tuôn đổ Đức Thánh Linh ra, như anh em đang thấy và nghe.
Kết thúc lời giải thích, Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc lại rằng Đức Chúa Giê-xu chính là Đấng Christ, là Đấng Cứu Tinh, mà vua Đa-vít đã nói. Ngài đã chết, đã sống lại, và đang ngự trên trời. Ngài chính là Đấng mà người Do Thái hằng trông chờ.
Vì vua Đa-vít chẳng hề lên trời, nhưng chính vua đã nói: ‘Chúa đã phán với Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên phải Ta,cho đến khi nào Ta đặt các kẻ thù con làm bệ chân cho con.’ Vì vậy, cả nhà Y-sơ-ra-ên hãy biết chắc chắn rằng Đức Chúa Giê-xu nầy, là Đấng mà anh em đã đóng đinh trên thập tự giá, đã được Đức Chúa Trời tôn làm Chúa và Đấng Christ.”
Thật ra, tất cả những việc Sứ đồ Phi-e-rơ vừa làm, đã ứng nghiệm lời mà Đức Chúa Giê-xu đã truyền cho các môn đồ trước khi Ngài về trời: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.” (Công Vụ 1:8). Sau khi Sứ đồ Phi-e-rơ nhận lãnh Đức Thánh Linh, ông bắt đầu làm chứng về Đức Chúa Giê-xu tại Giê-ru-sa-lem.
Sau khi nghe lời trình bày của Sứ đồ Phi-e-rơ, nhiều người Do Thái hiểu rõ sự thật. Lòng họ được cảm động và họ đã hỏi Sứ đồ Phi-e-rơ rằng họ cần phải làm gì.
Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích: Lời hứa về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho họ là người Do Thái, cho con cháu họ, và cho cả các dân tộc ở xa. Họ cần phải ăn năn tội lỗi của mình, tin nhận Đức Chúa Giê-xu, nhận thánh lễ báp-têm; và rồi họ sẽ được nhận Đức Thánh Linh.
Khi họ nghe điều ấy, lòng đau như cắt, liền hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Các anh ơi, chúng tôi phải làm gì?” Phi-e-rơ trả lời: “Hãy ăn năn! Mỗi người phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu nhận báp-têm để được tha tội mình, rồi sẽ nhận lãnh quà tặng là Đức Thánh Linh. Vì lời hứa đó dành cho anh em, cho con cháu anh em, và cho tất cả mọi người ở xa, tức là tất cả những người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ kêu gọi.” Phi-e-rơ lại lấy nhiều lời làm chứng mà thúc giục họ rằng: “Anh em hãy cứu lấy mình thoát khỏi thế hệ gian tà nầy!”
Tác giả sách Công Vụ Các Sứ Đồ cho biết trong ngày hôm đó, có ba ngàn người tin nhận Chúa và gia nhập vào Hội Thánh. Những tân tín hữu tham gia vào sinh hoạt của người tin Chúa qua việc học Kinh Thánh bằng cách lắng nghe lời dạy của các Sứ Đồ, tương giao với những người cùng đức tin, dự thánh lễ Tiệc Thánh, và cầu nguyện với Chúa. Các nhà nghiên cứu lịch sử Hội Thánh cho rằng Lễ Ngũ Tuần vào dịp Đức Thánh Linh giáng lâm chính là ngày Hội Thánh được thành lập.
Vậy, những người tiếp nhận sứ điệp đó đều nhận báp-têm, và trong ngày đó có độ ba ngàn người thêm vào Hội Thánh. Các tín hữu chuyên tâm giữ lời dạy của các sứ đồ, mối thông công với anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. Mọi người đều kính sợ vì các sứ đồ thực hiện nhiều việc diệu kỳ và phép lạ. Tất cả tín hữu đều hiệp lại với nhau và lấy mọi vật làm của chung. Họ bán hết tài sản, của cải mình có mà phân phát cho nhau, tùy theo nhu cầu của mỗi người. Ngày nào họ cũng chuyên tâm đến đền thờ; và từ nhà nầy đến nhà khác, họ bẻ bánh và dùng bữa cùng nhau với lòng vui vẻ, chân thành, ca ngợi Đức Chúa Trời và được ơn trước mặt mọi người. Mỗi ngày, Chúa thêm số người được cứu vào Hội Thánh.
Thời Gian
Theo Thánh Kinh Cựu Ước, Lễ Ngũ Tuần được tổ chức 7 tuần lễ, tức 50 ngày, sau Lễ Vượt Qua (Lê Vi Ký 23:15-21, Phục Truyền 16:1, 9-12). Vì Đức Chúa Giê-xu và các môn đồ dự lễ Vượt Qua và tối thứ Năm, cho nên Lễ Ngũ Tuần, diễn ra 50 ngày sau đó, cũng xảy ra vào thứ Năm.
Trong cộng đồng Cơ Đốc giáo, Lễ Ngũ Tuần được kỷ niệm 50 ngày sau khi Đức Chúa Giê-xu sống lại. Vì Đức Chúa Giê-xu sống lại vào ngày Chúa Nhật, nên Lễ Ngũ Tuần, diễn ra 50 ngày sau đó, cũng xảy ra vào ngày Chúa Nhật. Lễ Ngũ Tuần của Cơ Đốc giáo chậm hơn Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái ba ngày.
Tên Gọi
Như đã nói ở trên, Lễ Ngũ Tuần diễn ra 50 ngày sau Lễ Vượt Qua, hay 50 ngày sau Lễ Phục Sinh. Trong nguyên văn Hy Lạp, lễ Ngũ Tuần được viết là Πεντηκοστή [ἡμέρα, có nghĩa là ngày thứ năm mươi. Do đó, tên của lễ này được các dịch giả Kinh Thánh dịch sang tiếng Việt là Lễ Ngũ Tuần. Chữ “tuần” trong Hán Việt nghĩa là mười, như chữ tuần trong tuổi lục tuần, tức 60 tuổi, chứ không có nghĩa là một tuần lễ 7 ngày.
Ý Nghĩa
Người Do Thái kỷ niệm Lễ Ngũ Tuần để vui mừng tạ ơn phước hạnh Chúa ban cho một mùa màng sung túc. Người tin Đức Chúa Giê-xu kỷ niệm Lễ Ngũ Tuần để vui mừng tạ ơn Chúa về sức sống sung mãn được ban cho qua Đức Thánh Linh.
Tại tháp Ba-bên, khi con người chống lại Đức Chúa Trời, ngôn ngữ của loài người bị phân rẽ. Dự án xây tháp Ba-bên, với mục đích bày tỏ sự kiêu ngạo chống nghịch Đức Chúa Trời, đã bị thất bại. Từ đó, nhân loại càng xa cách Đức Chúa Trời, và rồi xa cách nhau.
Vào dịp Lễ Ngũ Tuần, Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời được công bố rõ ràng. Sự cứu rỗi đó không còn là ưu tiên dành cho người Do Thái nữa nhưng được mở rộng cho mọi dân tộc. Đức Thánh Linh ban khả năng nói ngoại ngữ cho các tín hữu. Họ được trang bị để làm chứng nhân mang lại sự hòa giải giữa loài người với Đức Chúa Trời, và giữa con người với nhau. Tại Ba-bên, sự khác biệt về ngôn ngữ đã làm loài người bối rối, đã đem lại sự phân rẽ và xáo trộn. Tại Lễ Ngũ Tuần, ngôn ngữ là một nhịp cầu, giúp nhiều người hiểu biết Chúa, trở về cùng Ngài, và hiệp một với nhau trong tình yêu của Đức Chúa Giê-xu.
Lễ Ngũ Tuần đánh dấu ấn chứng của Đức Thánh Linh trên Hội Thánh của Chúa. Đức Chúa Giê-xu đã làm tròn lời hứa của Ngài về việc ban Đức Thánh Linh (Giăng 16:7-11). Trách nhiệm của Hội Thánh từ Lễ Ngũ Tuần đó là truyền rao sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giê-xu cho những người chưa biết Chúa, hoặc những người vẫn còn đang hiểu lầm về Ngài.
Đức Chúa Giê-xu muốn Tin Lành đó phải được công bố cho mọi dân tộc thuộc khắp mọi miền trên trái đất (Công Vụ 1:8).
Phước Nguyên
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Tháng 5/2012
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.