Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Kiến Thức: Đức Thánh Linh Trong Bốn Sách Phúc Âm

Kiến Thức: Đức Thánh Linh Trong Bốn Sách Phúc Âm

4. Công Việc Của Đức Thánh Linh Trong Tân Ước

Trong Tân Ước danh hiệu “Thánh Linh” (Pneuma Hagiou) được dùng rất thường xuyên, dầu vậy các danh hiệu “Thần của Đức Chúa Trời” (Pneuma Theou), “Thần của Chúa” (Pneuma Kyriou), và “Thần của Đấng Christ” (Pneuma Christou) vẫn được sử dụng.     

4.1 Đức Thánh Linh trong bốn sách Phúc Âm

Ký thuật trong bốn sách Phúc Âm cho biết Đức Thánh Linh đã ở với Đức Chúa Jesus trong khi Ngài thi hành chức vụ ở trên đất, và sau đó Đức Thánh Linh đã thay mặt Đức Chúa Jesus để ở với những người tin Ngài.

Kinh Thánh cho biết Đức Thánh Linh là Đấng đã hoài thai Đức Chúa Jesus trong lòng trinh nữ Ma-ri (Ma-thi-ơ 1:18, 1:20; Lu-ca 1:35). Vì Đức Chúa Jesus đã được hoài thai bởi Đức Thánh Linh, và được sinh ra bởi một con người, cho nên Đức Chúa Jesus có cả thần tánh và nhân tánh.

Người đã công bố sự chức vụ của Đức Chúa Jesus trên trái đất là Giăng Báp-tít. Kinh Thánh cho biết Giăng Báp-tít là một nhân vật rất đặc biệt bởi vì ông là người đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ lúc còn trong lòng mẹ (Lu-ca 1:15).  Có lẽ chính vì lý do này mà Đức Chúa Jesus đã gọi Giăng Báp-tít là người xứng đáng được tôn trọng nhất trong tất cả những con người do phụ nữ sinh ra (Ma-thi-ơ 11:11). 

Mặc dầu Giăng Báp-tít được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ trong lòng mẹ nhưng Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời thành người và Ngài được hoài thai bởi Đức Thánh Linh cho nên Giăng Báp-tít đã nói rằng Đức Chúa Jesus là Đấng còn cao trọng hơn ông rất nhiều. Khi loan báo về xự xuất hiện của Đức Chúa Jesus, Giăng Báp-tít đã giải thích với công chúng rằng ông không xứng đáng được làm một người phục vụ để mở dây giày cho Chúa. Giăng Báp-tít nói thêm Đức Chúa Jesus sẽ làm phép báp-tem cho những người tin Ngài bằng lửa và Đức Thánh Linh: “Giăng cất tiếng nói cùng mọi người rằng: Phần ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; song có một Đấng quyền phép hơn ta sẽ đến, ta không đáng mở dây giày Ngài. Chính Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa” (Lu-ca 3:16; Ma-thi-ơ 3:11). Những người Do Thái có kiến thức về Thánh Kinh Cựu Ước khi nghe lời Giăng Báp-tít nói điều này hiểu rằng Giăng Báp-tít đang công bố về sự xuất hiện của Đấng mà Tiên tri Ê-sai đã nói: “Chúa dùng thần công lý và thần thiêu đốt để tẩy rửa sự ô uế của các con gái Si-ôn, và tẩy sạch máu của Giê-ru-sa-lem khỏi giữa nó” (Ê-sai 4:4). Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus đã làm ứng nghiệm lời tiên tri này trong ngày lễ Ngũ Tuần khi Ngài ban Đức Thánh Linh giáng lâm trên các môn đồ trong lúc họ đang cầu nguyện (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:14).

Một thời gian ngắn sau khi Giăng Báp-tít công bố sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, Đức Chúa Jesus đã đến nhận báp-tem với Giăng Báp-tít.  Sau khi Đức Chúa Jesus nhận báp-tem, Đức Thánh Linh đã hiện đến và ngự trên Đức Chúa Jesus trong hình ảnh chim bồ câu (Ma-thi-ơ 3:16, Mác 1:10, Lu-ca 3:22, Giăng 1:32). Cùng lúc đó, từ trên trời có tiếng của Đức Chúa Trời xác nhận rằng Đức Chúa Jesus là Con của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 3:16-17). Giống như việc Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã cùng hiện diện khi sáng tạo vũ trụ, việc Ba Ngôi Đức Chúa Trời hiện diện tại sông Giô-đanh không chỉ nhằm chính thức công bố sự khởi đầu cho chức vụ rao giảng Phúc Âm của Đức Chúa Jesus trên trái đất nhưng cũng đánh dấu sự khởi đầu cho một giai đoạn mới trong chương trình của Đức Chúa Trời.

Sau khi Đức Chúa Jesus chịu báp-tem tại sông Giô-đanh, Đức Thánh Linh đã đưa Đức Chúa Jesus vào hoang mạc để trải nghiệm sự cám dỗ (Lu-ca 4:1; Ma-thi-ơ 4:1).  Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời không hề cám dỗ ai (Gia-cơ 1:3), nhưng Đức Chúa Trời cho phép sự cám dỗ xảy ra để thực hiện ý định của Ngài. Trong chương trình của Đức Chúa Trời, việc Đức Chúa Jesus bị cám dỗ bởi ma quỷ trước khi Ngài bắt đầu chức vụ rao giảng Phúc Âm là điều cần thiết. Tác giả thư Hê-bơ-rơ đã giải thích về mục đích của việc này như sau: “Vì chính Ngài đã chịu khổ trong khi bị cám dỗ nên có thể giúp đỡ những ai bị cám dỗ” (Hê-bơ-rơ 2:18). Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus đã chịu cám dỗ 40 ngày và Đức Chúa Jesus đã đắc thắng những cám dỗ của ma quỷ (Ma-thi-ơ 4:1-11; Lu-ca 4:1-13). 

Sau khi chịu cám dỗ xong, Đức Chúa Jesus đã trở về Ga-li-lê trong quyền năng của Đức Thánh Linh (Lu-ca 4:14).  Danh tiếng Ngài được loan truyền nhiều nơi.  Ngài đã giảng dạy trong các nhà hội của người Do Thái và chữa lành nhiều người bị bệnh.  Khi Đức Chúa Jesus trở về thăm Na-xa-rét, Ngài giảng tại nhà hội ở Na-xa-rét. Đức Chúa Jesus đã trích dẫn lời tiên tri trong Ê-sai 61:1-2a và giải thích cho các đồng hương của Ngài về những điều họ đã nghe, đã thấy, và sẽ chứng kiến như sau: “Thánh Linh của Chúa ngự trên Ta, vì Ngài đã xức dầu cho Ta để truyền giảng Tin Lành cho người nghèo. Ngài đã sai Ta để công bố những người bị giam cầm được phóng thích, người mù được sáng mắt, người bị áp bức được tự do; và công bố năm thi ân của Chúa” (Lu-ca 4:18-19). Trong lời giải thích này, Đức Chúa Jesus xác nhận rằng những điều Ngài đang làm đó là công việc của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Jesus đã công bố cho dân chúng tại Na-xa-rét biết rằng Đức Chúa Trời đã thực hiện lời hứa mà Ngài đã hứa trong Ê-sai 61:1-2a mà họ vừa được nghe đọc. Đức Chúa Trời đã ban Thần của Ngài là Đức Thánh Linh trên Đức Chúa Jesus để Đức Chúa Jesus thực hiện những điều mà Đức Chúa Trời đã hứa.

Thật vậy, ký thuật trong bốn sách Phúc Âm cho biết Đức Chúa Trời đã xức dầu cho Đức Chúa Jesus bằng Đức Thánh Linh để Đức Chúa Jesus đi khắp nơi dùng quyền năng của Đức Thánh Linh cứu giúp những người bất hạnh và những người bị áp chế bởi quyền lực của ma quỷ.  Điều này đã được các môn đồ theo Chúa vào lúc đó chứng kiến và về sau họ xác nhận. Trong bài giảng cho Cọt-nây, một sĩ quan La Mã, và những người mà ông mời đến tham dự, Sứ đồ Phi-e-rơ đã nhắc lại điều này: “Ðức Chúa Trời đã xức dầu cho Ðức Chúa Jesus ở Na-xa-rét bằng Ðức Thánh Linh và quyền năng, để Ngài đi khắp nơi làm việc thiện và chữa lành mọi người bị ma quỷ khống chế, vì Ðức Chúa Trời ở với Ngài” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38).

Phúc Âm Lu-ca cho biết có một số nhân vật trong Tân Ước chỉ nhận Đức Thánh Linh cách tạm thời và giới hạn, để làm một số việc Chúa muốn trong cuộc đời của họ. Ê-li-sa-bét (Lu-ca 1:41), Xa-cha-ri (Lu-ca 1:67), và Si-môn (Lu-ca 2:25-27) là những người như vậy. Tuy nhiên, đối với Đức Chúa Jesus, Sứ đồ Giăng cho biết Đức Chúa Trời đã ban Đức Thánh Linh cho Đức Chúa Jesus một cách không giới hạn (Giăng 3:34). Kinh Thánh cũng cho biết Đức Chúa Jesus không chỉ nhận lãnh Đức Thánh Linh để công bố công lý của Đức Chúa Trời cho dân Do Thái nhưng cũng công bố công lý của Đức Chúa Trời cho những dân tộc khác (Ma-thi-ơ 12:18).  Điều này đã ứng nghiệm lời tiên tri được chép trong Ê-sai 42:1 rằng: “Đây là đầy tớ Ta, là Người mà Ta nâng đỡ, là Người mà Ta đã chọn và linh hồn Ta hài lòng.  Ta đã đặt Thần Ta trên Người, và Người sẽ bày tỏ công lý cho các nước”.

Khi thấy Đức Chúa Jesus đã dùng quyền năng của Đức Thánh Linh để đuổi quỷ (Ma-thi-ơ 12:28), một số người Do Thái chống đối Đức Chúa Jesus đã xuyên tạc rằng Đức Chúa Jesus đã dùng quyền của chúa quỷ trừ quỷ.  Đức Chúa Jesus đã nghiêm khắc nói cho họ biết rằng họ đã xúc phạm đến Đức Thánh Linh khi họ ám chỉ Đức Thánh Linh là chúa quỷ. Đức Chúa Jesus nói với họ: Vì vậy, Ta nói với các ngươi: Mọi tội lỗi và lời phạm thượng đều được tha cho loài người; nhưng phạm thượng đến Thánh Linh sẽ chẳng được tha đâu. Ai nói nghịch với Con Người thì sẽ được tha; nhưng ai nói nghịch với Đức Thánh Linh thì dù đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.”  (Ma-thi-ơ 12:31-32).

Đức Chúa Jesus không chỉ nhận lãnh Đức Thánh Linh từ Đức Chúa Trời nhưng Ngài cũng hứa ban Đức Thánh Linh cho những người tin nhận Ngài.  Phúc Âm Giăng cho biết trong dịp người Do Thái về Giê-ru-sa-lem dự lễ Lều Tạm, Đức Chúa Jesus đã kêu gọi những người đến dự lễ hãy tin nhận Ngài, để họ có thể nhận lãnh Đức Thánh Linh trong đời sống của họ (Giăng 7:38-39). Trong một dịp khác, trước khi Đức Chúa Jesus từ giã các môn đệ của Ngài, Đức Chúa Jesus hứa sẽ ban Đấng Yên Ủi, tức là Đức Thánh Linh, để ở thường xuyên bên cạnh họ (Giăng 14:16-17) và Đức Thánh Linh sẽ dạy dỗ họ (Giăng 14:26).

Đức Chúa Jesus giải thích thật ra Đức Thánh Linh đã ngự trong những người tin nhận Chúa: “Các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi” (Giăng 14:17). Đức Chúa Jesus cũng đã giải thích việc Đức Thánh Linh ngự trong đời sống của người tin Chúa với Ni-cô-đem, một học giả Do Thái, khi ông đến để tìm hiểu thêm với Chúa. Đức Chúa Jesus nói với Ni-cô-đem rằng một người chỉ có thể nhận được sự sống đời sau khi được tái sinh (Giăng 3:3, 3:5) và điều kiện để một người nhận được sự sống đời đời là người đó phải tin nhận Con Đức Chúa Trời (Giăng 3:16). Đức Chúa Jesus giải thích cho Ni-cô-đem rằng khi một người tin Chúa (Giăng 3:16) thì Đức Thánh Linh sẽ đến và thực hiện quá trình tái sinh trong người đó (Giăng 3:6-8) và Ngài ban cho họ sự sống (Giăng 6:63). Dầu  vậy, Đức Thánh Linh chỉ đến để hiện diện thường xuyên với những người tin nhận Chúa sau khi Đức Chúa Jesus về trời trong vinh hiển (Giăng 7:39; 14:17).

Đức Chúa Jesus xác nhận rằng những người viết Kinh Thánh – giống như Vua Đa-vít đã viết các Thi Thiên – là những người được cảm thúc bởi Đức Thánh Linh. Đức Chúa Jesus nói: “Vua Đa-vít được Đức Thánh Linh cảm động, gọi Đấng Christ là Chúa” (Ma-thi-ơ 22:43). Sau đó Đức Chúa Jesus trích dẫn Thi Thiên 110:1 giải thích rằng người Do Thái đã hiểu lầm khi họ nghĩ rằng Đấng Christ là con của Vua Đa-vít.  Thật ra Đấng Christ cao trọng hơn Vua Đa-vít rất nhiều.  Chính Vua Đa-vít đã được cảm động bởi Đức Thánh Linh xác nhận trong Thi Thiên 110:1 rằng Đấng Christ là Chúa và Vua Đa-vít chỉ là đầy tớ của Ngài (Ma-thi-ơ 22:41-46).

Kinh Thánh cho biết Đức Thánh Linh cũng là Đấng đã làm cho Đức Chúa Jesus vui (Lu-ca 10:21). Đức Chúa Jesus vui khi Ngài thấy các môn đệ của Ngài hớn hở trở về sau khi đã rao giảng Phúc Âm của Đức Chúa Trời tại nhiều nơi (Lu-ca 10:17) và nhiều người có tấm lòng đơn sơ chân thành như trẻ em đã hiểu biết và tiếp nhận sứ điệp của Đức Chúa Trời (Lu-ca 10:21). 

Trước khi về trời, Đức Chúa Jesus đã dạy các môn đệ của Ngài một số hiểu biết căn bản về Đức Thánh Linh. 

Đức Chúa Jesus lưu ý những người tin Chúa rằng Đức Thánh Linh là điều tốt đẹp nhất mà người tin Chúa nên cầu xin và đó cũng là điều Đức Chúa Trời muốn ban cho các con của Ngài (Lu-ca 11:13; Ma-thi-ơ 7:11).

Trong Phúc Âm Giăng, Đức Chúa Jesus đã giới thiệu Đức Thánh Linh với danh hiệu là Đấng Yên Ủi (Paraklēton). Từ ngữ Hy Lạp Paraklēton có thể được dịch là Đấng Biện Hộ, Đấng Khích Lệ, Đấng Cố Vấn, và Đấng Hổ Trợ.  Đấng Yên Ủi là Đấng sẽ thay thế Đức Chúa Jesus thường xuyên ở cùng các môn đệ của Ngài và hướng dẫn họ tiếp tục mục vụ của Đức Chúa Jesus mà không cần có sự hiện diện của Ngài trên đất (Giăng 14:16).  Đức Chúa Jesus đã nhắc đến một số điều mà Đấng Yên Ủi, tức là Đức Thánh Linh, sẽ làm như sau:

  • Đức Thánh Linh sẽ ở với các môn đệ của Chúa luôn luôn (Giăng 14:15-17).
  • Đức Thánh Linh sẽ dạy dỗ những người tin Chúa (Giăng 14:25-26; Giăng 16:14-15).
  • Đức Thánh Linh cùng với những người tin Chúa sẽ làm chứng cho thế giới biết Đức Chúa Jesus là ai (Giăng 15:26-27).
  • Đức Thánh Linh sẽ tuyên cáo và thuyết phục tội nhân nhìn nhận tội lỗi của họ với Chúa (Giăng 16:5-11).
  • Đức Thánh Linh sẽ giúp cho người tin Chúa hiểu biết chân lý (Giăng 16:12-15).

Thêm vào đó, Đức Chúa Jesus cũng nói rõ rằng Đức Thánh Linh là Đấng sẽ hướng dẫn người tin Chúa cách ứng xử khi họ đối diện với sự bách hại (Ma-thi-ơ 10:19-20).

Phần Ba: Đức Thánh Linh Trong Các Sách Văn Thơ Và Tiên Tri
Phần Năm: Đức Thánh Linh Trong Sách Công Vụ

Lược trích từ: Tìm Hiểu Về Đức Thánh Linh – Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org

Comments (1)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top