Kiến Thức: Đức Thánh Linh Trong Ngũ Kinh Và Các Sách Lịch Sử
Tìm Hiểu: Đức Thánh Linh
3. Công Việc Của Đức Thánh Linh Trong Cựu Ước
Đức Thánh Linh được nhắc đến rất nhiều lần trong Cựu Ước tuy nhiên các tác giả Cựu Ước ít dùng danh hiệu Thánh Linh (קֹדֶשׁ רוּחַ) nhưng thường dùng danh hiệu “Thần của Đức Chúa Trời” (אֱלהִים רוּחַ) hay là “Thần của Chúa” (אֲדֹנָי רוּחַ).
Trong Bản Dịch Kinh Thánh Việt Ngữ 1925, có ba lần danh hiệu “Thánh Linh” được sử dụng trong Cựu Ước (I Sử Ký 12:18; I Sử Ký 28:12; Thi Thiên 51:11), tuy nhiên trong nguyên văn Hebrew, danh hiệu “Thánh Linh” chỉ được dùng hai lần trong toàn bộ Cựu Ước. Lần đầu tiên được ghi lại trong Thi Thiên 51:11. Vua Đa-vít đã nhắc đến “Thánh Linh” trong lời cầu nguyện ăn năn tội của ông. Vua Đa-vít đã cầu xin Đức Chúa Trời đừng cất đi Thánh Linh của Ngài khỏi ông bởi vì chính vua đã phạm tội cùng Chúa. Lần thứ hai danh hiệu “Thánh Linh” được ghi lại trong Cựu Ước trong nguyên văn Hebrew đó là trong Ê-sai 63:10. Tiên tri Ê-sai cho biết sự bội nghịch của con dân Chúa đã khiến cho Đức Thánh Linh buồn, và điều đó khiến Ngài phải đứng về phía chống lại họ. Bản Dịch Kinh Thánh Truyền Thống 1925 đã dịch danh hiệu “Thánh Linh” trong trường hợp này là “Thần thánh”.
3.1 Đức Thánh Linh trong Ngũ Kinh
Ký thuật trong sách Sáng Thế Ký cho biết từ ban đầu Đức Thánh Linh đã tham gia vào công tác sáng tạo vũ trụ (Sáng Thế Ký 1:1-2). Ngài đã tham gia vào việc ban sự sống cho loài người và khiến cho loài người trở thành một sinh vật có linh hồn (Sáng Thế Ký 2:7; Gióp 33:4).
Trong thời gian đầu sau khi loài người được tạo dựng, con người đã sống trường thọ đến hơn 900 năm (Sáng Thế Ký 5:1-32). Tuy nhiên trước khi nạn lụt dưới thời Nô-ê xảy ra, Đức Chúa Trời đã quyết định không để Đức Thánh Linh ngự mãi trong loài người nữa. Kể từ đó, đời sống của con người chỉ kéo dài được 120 năm mà thôi: “Đức Giê-hô-va phán: “Thần Ta sẽ không ngự trị mãi trong loài người vì họ chỉ là xác phàm, đời người sẽ chỉ còn một trăm hai mươi năm mà thôi.”” (Sáng Thế Ký 6:3 – BDHĐ2010). Sau khi Đức Thánh Linh lìa khỏi loài người, đa số nhân loại đã sống trong sự bại hoại và gian ác (Sáng Thế Ký 6:11). Vì tội lỗi của loài người, sau đó Đức Chúa Trời đã cho phép nạn lụt xảy ra (Sáng Thế Ký 6:5-7).
Mặc dầu Đức Thánh Linh không còn ngự trong cả loài người như thuở ban đầu, nhưng Kinh Thánh cho biết Đức Thánh Linh vẫn ngự trên một số người để mặc khải cho họ. Kinh Thánh cho biết sau khi nghe Giô-sép giải thích ý nghĩa giấc mộng của mình, Pha-ra-ôn, vua của Ai Cập, đã nhìn nhận rằng Giô-sép là người có “Thần của Đức Chúa Trời” ở cùng (Sáng Thế Ký 41:38). Ký thuật trong Dân Số Ký 24:2 cho biết Đức Thánh Linh đã cảm thúc Ba-la-am, khiến ông tôn ngợi Đức Chúa Trời và chúc phước cho dân Do Thái (Dân Số Ký 24:1-9).
Kinh Thánh cho biết Đức Thánh Linh đã Đấng đã dạy dỗ người Do Thái trên hành trình họ đi về Đất Hứa (Nê-hê-mi 9:20), Đức Thánh Linh đã ban khả năng cho một số người để họ có thể san sẻ trách nhiệm lãnh đạo dân chúng với Môi-se (Dân Số Ký 11:17-19; 27:18). Đức Thánh Linh cũng ban sự khôn ngoan cho Giô-suê (Phục Truyền 34:9), ban sự thông sáng, kỹ năng thiết kế và sáng tạo cho Bết-sa-lê-ên để ông chế tạo những vật dụng cần thiết cho Đền Tạm của Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:1-3; 35:30-35).
3.2 Đức Thánh Linh trong các sách Lịch Sử
Trong các sách Lịch Sử, Kinh Thánh cho biết Đức Thánh Linh đã cảm động một số cá nhân, ban cho họ năng lực để họ thực hiện chức vụ lãnh đạo quân sự nhằm cứu giúp dân Do Thái. Ốt-ni-ên được Đức Thánh Linh cảm động để cứu người Do Thái khỏi sự áp bức của Cu-san-Ri-sa-tha-im, vua nước Mê-sô-bô-ta-mi (Các Quan Xét 3:7-11). Đức Thánh Linh đã cảm hóa Ghi-đê-ôn để ông lãnh đạo dân Do Thái chống lại người Ma-đi-an (Các Quan Xét 6:34). Đức Thánh Linh cảm động Giép-thê để ông đánh bại dân Am-môn (Các Quan Xét 11:29). Đức Thánh Linh cảm động Sam-sôn và ban cho ông năng lực đặc biệt để đánh bại người Phi-li-tin (Các Quan Xét 14:19). Đức Thánh Linh cũng cảm động A-ma-sai, là lãnh đạo của ba mươi dũng sĩ từ các chi phái Giu-đa và Bên-gia-min, để ông lên tiếng ủng hộ Đa-vít chuẩn bị lên ngôi vua tại Hếp-rôn (I Sử Ký 12:18).
Kinh Thánh cho biết Đức Thánh Linh ở cùng các tiên tri, hướng dẫn họ, ban cho họ những sứ điệp để họ công bố sự cứu rỗi hoặc sự đoán phạt của Chúa. Vài tiên tri mà Kinh Thánh ghi rõ họ đã được cảm thúc bởi Đức Thánh Linh đó là Mi-chê (I Các Vua 22:24), Ê-li-sê (II Các Vua 2:9-15), A-xa-ria (II Sử Ký 15:1), Gia-ha-xi-ên (II Sử Ký 20:14), và Xa-cha-ri (II Sử Ký 24:20).
Bên cạnh những tiên tri đã được Chúa chọn, Kinh Thánh cũng cho biết Đức Thánh Linh cũng cảm thúc một số người vốn không phải là tiên tri để họ nói tiên tri. Vài người trong số đó có Sau-lơ (I Sa-mu-ên 10:6, 10:10, 11:6, 19:20-24) và Đa-vít (II Sa-mu-ên 23:1-2). Cả hai người này về sau đã trở thành vua của nước Do Thái.
Kinh Thánh cho biết sau khi Đa-vít được Tiên tri Sa-mu-ên xức dầu để chọn làm vị vua tương lai của nước Do Thái, Đa-vít đã được cảm thúc bởi Đức Thánh Linh (I Sa-mu-ên 16:13-14). Kinh Thánh cũng cho biết Đức Thánh Linh có thể ngự trên một người nhưng Ngài cũng có thể lìa khỏi người mà Ngài đã từng ở cùng bởi vì người đó đã phạm tội hoặc có hành động không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Điều này đã xảy ra cho vua Sau-lơ (I Sa-mu-ên 16:14).
Đa-vít hiểu rõ điều này, bởi vì Đa-vít đã là người từng đàn để khuây khỏa tâm linh của vua Sau-lơ sau khi Đức Thánh Linh lìa khỏi Sau-lơ, cho nên sau khi Đa-vít phạm tội cùng Đức Chúa Trời, Đa-vít đã khẩn xin Đức Chúa Trời tha thứ cho ông, nài xin Ngài ban cho ông một tấm lòng trong sạch, và cầu xin Thánh Linh của Đức Chúa Trời đừng lìa khỏi ông (Thi Thiên 51:10-11), bởi vì Đa-vít hiểu rằng thật bất hạnh cho người nào bị Thánh Linh của Chúa lìa bỏ.
Kinh Thánh cũng cho biết có một số người chủ quan nghĩ rằng Đức Thánh Linh chỉ ngự trên bản thân họ mà thôi chứ Ngài không ngự trên những người khác (I Các Vua 22:24).
Giống như Đức Thánh Linh đã ban sự khôn ngoan, thông sáng, kỹ năng sáng tạo cho Bết-sa-lê-ên để ông thiết kế những vật dụng cần thiết cho Đền Tạm của Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:1-6; 35:30-35), Đức Thánh Linh cũng hướng dẫn và ban cho vua Đa-vít bản thiết kế của Đền Thờ, những thiết kế về những vật trong Đền Thờ, và cách tổ chức sự phục vụ trong Đền Thờ (I Sử Ký 28:11-16).
Kinh Thánh cũng cho biết Đức Thánh Linh có thể đem một người đến một nơi khác. Tiên tri Ê-li đã được Thánh Linh của Chúa đem đi (I Các Vua 18:12; II Các Vua 2:16). Điều này cũng xảy ra trong thời Tân Ước, Phi-líp đã được Đức Thánh Linh đem đi đến một nơi khác sau khi ông làm báp-tem cho vị quan người Ê-thi-ô-pi (Công Vụ 8:39).
Phần Ba: Đức Thánh Linh Trong Các Sách Văn Thơ Và Tiên Tri
Phần Một: Khái Quát Về Đức Thánh Linh
Lược trích từ: Tìm Hiểu Về Đức Thánh Linh – Phước Nguyên
Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (1)