Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Kiến Thức: Đấng Mưu Luận Lạ Lùng

Kiến Thức: Đấng Mưu Luận Lạ Lùng

Đấng Mưu Luận Lạ Lùng

Đấng Mưu Luận Lạ Lùng là một trong những danh hiệu của Đấng Cứu Thế (Messiah).  Tiên tri Ê-sai khi dự ngôn về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế đã viết: “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ-lùng, là Đấng Mưu-luận, là Đức Chúa Trời Quyền-năng, là Cha Đời-đời, là Chúa Bình-an” (Ê-sai 9:5)

Trong quá khứ, một số bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ dựa theo cách dịch của bản dịch King James (1611) đã dịch chữ “Wonderful, Counselor” “là Đấng Lạ-lùng, là Đấng Mưu-luận”,  tạo thành hai danh hiệu riêng biệt. Tuy nhiên, theo văn phạm Hebrew mặc dầu danh hiệu này khi viết có dấu phẩy ở chính giữa, nhưng đây là một danh từ kép như ba danh hiệu khác trong Ê-sai 9:5, cho nên một số bản dịch Kinh Thánh Anh Ngữ về sau đã dịch là “Wonderful Counselor”.  Bản Dịch Việt Ngữ 2011 đã dịch danh hiệu này là “Đấng Mưu Luận Lạ Lùng”. 

Ý Nghĩa Trong Nguyên Văn Hebrew

Trong nguyên văn Hebrew, danh hiệu Đấng Mưu Luận Lạ Lùng được viết với hai chữ פֶּ֠לֶא (pele’) và יוֹעֵץ֙ (yō·w·‘êṣ).  Chữ פֶּ֠לֶא  (pele’) là danh từ và יוֹעֵץ֙ (yō·w·‘êṣ) là động từ.

1. Ý nghĩa của chữ פֶּ֠לֶא (pele’ – lạ lùng):

Chữ thứ nhất trong danh hiệu Đấng Mưu Luận Lạ Lùng là פֶּ֠לֶא , diễn tả một khái niệm siêu nhiên, kỳ diệu, phi thường và lạ lùng – tức là những việc loài người không làm được nhưng chỉ có Đức Chúa Trời làm được.  Trong ngôn ngữ của người Do Thái thời xưa, có một số từ ngữ không dùng cho loài người nhưng chỉ áp dụng cho Đức Chúa Trời.  Một trong những từ ngữ đó là פֶּ֠לֶא (pele’ – lạ lùng).    

Chữ פֶּ֠לֶא  được dùng nhiều lần trong Kinh Thánh.  Trong câu Kinh Thánh Ê-sai 9:5, chữ פֶּ֠לֶא  được Bản Dịch Kinh Thánh Việt Ngữ 1925 dịch là “lạ lùng”.  Trong Thi Thiên, ý nghĩa “lạ lùng” thường được dùng để bày tỏ cảm xúc kinh ngạc của loài người khi chiêm ngưỡng những công trình sáng tạo diệu kỳ mà Đức Chúa Trời đã làm: “Các từng trời sẽ ngợi khen phép lạ (פֶּ֠לֶא) Ngài” (Thi Thiên 89:5).  Tương tự, Thi Thiên 77:11-12 viết Tôi sẽ nhắc lại công việc của Đức Giê-hô-va, nhớ đến các phép lạ (פֶּ֠לֶא) của Ngài khi xưa; cũng sẽ ngẫm nghĩ về mọi công tác Chúa, suy gẫm những việc làm của Ngài”. 

Chữ פֶּ֠לֶא  không chỉ được dùng để mô tả những công trình sáng tạo kỳ diệu của Đức Chúa Trời, nhưng cũng được dùng để diễn tả những hành động kỳ diệu của Ngài.  Sau khi Đức Chúa Trời rẽ nước Hồng Hải, cứu người Do Thái khỏi sự truy đuổi của quân đội Ai-cập, Môi-se đã viết: Hỡi Đức Giê-hô-va! Trong vòng các thần, ai giống như Ngài? Trong sự thánh khiết, ai được vinh hiển như Ngài. Đáng sợ, đáng khen hay làm các phép lạ (פֶּ֠לֶא)? (Xuất Ê-díp-tô 15:11).  Trong câu Kinh Thánh này, Môi-se và dân Do Thái đã tôn ngợi Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết vinh quang: xứng đáng được tôn kính và chúc tụng bởi vì Ngài là Đấng siêu phàm đã thực hiện những việc lạ lùng.

Những câu Kinh Thánh trên cho thấy khi loài người suy nghiệm פֶּ֠לֶא – những việc “lạ lùng” hay “phép lạ“– của Đức Chúa Trời, họ luôn suy nghiệm với thái độ vừa kính sợ, vừa kinh ngạc, vừa khâm phục, cho nên chữ פֶּ֠לֶא  trong tiếng Hebrew còn có thể dịch là “diệu kỳ” ,“kỳ diệu”, hay “nhiệm mầu”. Trong tiếng Việt, những chữ này diễn tả một khái niệm thật cao siêu, không thể thấu hiểu được.  Ý nghĩa đó đã được các dịch giả Bản Dịch Kinh Thánh Việt Ngữ 1925 dùng để dịch chữ פֶּ֠לֶא trong Các Quan Xét 13:18.  Khi cha của Sam-sôn hỏi Đấng đang nói với mình là ai, và Đấng đó đã đáp lại rằng: “Sao ngươi hỏi danh ta như vậy? Danh ta lấy làm diệu kỳ (פֶּ֠לֶא) .  Đây cũng là chữ mà Tiên tri Ê-sai đã dùng để viết về Đấng Cứu Thế trong Ê-sai 9:5 “Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng.   Sách Các Quan Xét cho biết Đấng đã nói chuyện với Ma-nô-a, cha của Sam-sôn, là “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va“.  Danh hiệu “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va” hay “Thiên sứ của Đức Chúa Trời” xuất hiện 12 lần trong Cựu Ước.  Trong lần xuất hiện với Gia-cốp, Đấng đó đã xác nhận với Gia-cốp rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 31:13). Và do đó, danh hiệu Đấng Lạ Lùng là danh hiệu của Đức Chúa Trời.

Mặc dầu những điều Đức Chúa Trời thực hiện rất lạ lùng và kỳ diệu đối với sự hiểu biết của con người, nhưng những điều đó không phải là lạ lùng hay kỳ diệu đối với chính Ngài.  Lúc Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ra-ham và Sa-rai một con trai khi ông bà đã quá già – không còn khả năng sinh sản nữa, Sa-rai đã cười thầm.  Khi đó, Chúa đã hỏi Áp-ra-ham tại sao Sa-rai cười; và Chúa nói tiếp: “Há có điều chi Đức Giê-hô-va làm không được chăng?”  (Sáng Thế Ký 18:14).  Chữ “làm không được” – bất khả thi –  trong nguyên văn Hebrew được viết là “Có gì là phi thường – hay lạ lùng (פֶּ֠לֶא) – cho Đức Giê-hô-va”.  Việc Sa-rai có thai lúc tuổi đã già tương tự như việc Ê-li-sa-bét có thai Giăng Báp-tít khi đã già; và câu nói mà Đức Chúa Trời đã nói với Áp-ra-ham tương tự như câu nói mà thiên sứ nói với Ma-ri khi cô thắc mắc làm thế nào một trinh nữ lại mang thai được.  Thiên sứ đã trả lời rằng “Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được(Lu-ca 1:38).

Chữ פֶּ֠לֶא  không chỉ mô tả những công trình hoặc hành động kỳ diệu của Đức Chúa Trời, nhưng cũng được dùng để diễn tả những lời dạy dỗ kỳ diệu của Ngài.  Tác giả Thi Thiên 119 viết: “Các chứng ngôn của Ngài thật diệu kỳ (פֶּ֠לֶא), vì vậy lòng con vâng giữ những điều đó (Thi Thiên 119:129 – Bản Dịch Việt Ngữ).

2. Ý nghĩa chữ יוֹעֵץ֙ (yō·w·‘êṣ – cố vấn): 

Chữ thứ hai trong danh hiệu Đấng Mưu Luận Lạ Lùng là יוֹעֵץ֙.  Trong Kinh Thánh, chữ יוֹעֵץ֙ mang ý nghĩa “khuyên bảo” và “cố vấn”.  Khi được viết dưới dạng danh từ, chữ này có thể dịch là “người khuyên bảo”, người cố vấn”, “lời khuyên bảo”, “lời cố vấn”, “sự khuyên bảo” “sự cố vấn”.  

Chữ יוֹעֵץ֙ được dùng lần đầu tiên trong Kinh Thánh trong Xuất Ê-díp-tô Ký 18:19 “Bây giờ, hãy nghe cha khuyên (יוֹעֵץ֙) con một lời, cầu xin Đức Giê-hô-va phù hộ cho”. Trong khúc Kinh Thánh này, Giê-trô đã khuyên Môi-se, lãnh đạo của dân Do Thái, hãy chú tâm vào việc tương giao với Đức Chúa Trời và truyền đạt mạng lệnh của Ngài cho dân Do Thái, tuy nhiên Môi-se nên chọn những người tài giỏi, kính sợ Chúa, và có đạo đức để trao phần lớn những trách nhiệm xét xử dân chúng cho họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:22).  Tác giả Thi Thiên cho biết Đức Chúa Trời là Đấng khuyên bảo:“Tôi sẽ ngợi khen Đức Giê-hô-va, là Đấng khuyên bảo ( יוֹעֵץ֙) tôi” (Thi Thiên 16:7). Mục đích Chúa khuyên dạy và hướng dẫn người theo Chúa là để họ có thể sống đúng mục đích mà Ngài đã hoạch định, để họ được phước: “Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; Mắt ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ( יוֹעֵץ֙)  ngươi” (Thi Thiên 32:8).

Chữ יוֹעֵץ֙ trong Kinh Thánh thường được mang ý nghĩa “cố vấn”. Sách Châm Ngôn cho biết người nào không được hướng dẫn, dễ vấp ngã, thất bại; nhưng nơi nào có nhiều “cố vấn”, được bình an (Châm Ngôn 11:14). Người “cố vấn” sự bình an có niềm vui (Châm Ngôn 12:20).  Tùy theo văn mạch, chữ יוֹעֵץ֙ trong nguyên văn Hebrew đã được Bản Dịch Kinh Thánh Việt Ngữ 1925 dịch với một số từ ngữ khác nhau nhưng đều liên hệ với ý nghĩa “cố vấn”.  Những nhà lãnh đạo, kể cả vua, cần được “cố vấn” (I Các Vua 12:6) bởi vì quyết định của họ ảnh hưởng đến nhiều người.  Những người trao lời “khuyên” cho vua được gọi là “mưu sĩ” (II Sa-mu-ên 15:22; I Sử Ký 26:14; I Sử Ký 27:32-33), hay “cố vấn” (Châm Ngôn 11:14; 12:20).   Ý kiến của những người này được gọi là “mưu” (II Sa-mu-ên 16:23; 17:15; 17:21; I Các Vua 12:8; II Sử Ký 10:8), là “kế” (I Các Vua 1:12). Lời nói của họ gọi là lời “bàn” (II Sa-mu-ên 17:7; 17:11; I Các Vua 12:28). Việc lắng nghe ý kiến tham khảo được gọi là “hội nghị” (I Sử Ký 13:1), “thương nghị” (II Các Vua 6:8), “bàn nghị” (II Sử Ký 10:6), và “bàn luận” (I Các Vua 12:6; 12:9; 12:13). 

3. Mưu Luận Lạ Lùng

Trong Thánh Kinh Cựu Ước, chữ פֶּ֠לֶא (lạ lùng) và יוֹעֵץ֙ (cố vấn) được dùng chung với nhau.  Ê-sai 25:1 chép: Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là Đức Chúa Trời tôi! Tôi tôn sùng Ngài, tôi ngợi khen danh Ngài; vì Ngài đã làm những sự mới lạ, là những mưu đã định từ xưa, cách thành tín chân thật. Trong nguyên văn, “những sự mới lạ là פֶּ֠לֶא (diệu kỳ),  và những mưu đã định là יוֹעֵץ֙ (hoạch định). Tương tự, Ê-sai 28:9 viết: Điều đó cũng ra bởi Đức Giê-hô-va vạn quân, mưu Ngài lạ lùng, sự khôn ngoan Ngài tốt lành.Cụm từ “mưu Ngài lạ lùng” trong câu Kinh Thánh này gồm cả hai chữ יוֹעֵץ֙ (hoạch định) và פֶּ֠לֶא (diệu kỳ) diễn tả sự hoạch định diệu kỳ và sự khôn ngoan vô hạn của Đức Chúa Trời.

Chữ יוֹעֵץ֙ (cố vấn, mưu sĩ), được dùng chung với vài chữ khác trong Kinh Thánh để mô tả sự khôn ngoan (Ê-sai 28:9); và ký thuật trong Ê-sai 1:26 chép rằng Đức Chúa Trời hứa ban những người lãnh đạo anh minh và những “cố vấn” khôn ngoan cho người Do Thái. 

Ứng Nghiệm Trong Đức Chúa Jesus

Ê-sai đã viết lời tiên tri về Đấng Cứu Thế hơn 700 năm trước khi Đức Chúa Jesus giáng sinh.  Lời tiên tri cho biết Đấng Cứu Thế sẽ được gọi là Đấng Mưu Luận Lạ Lùng.  Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm trong Đức Chúa Jesus với những lý do như sau.

Thứ nhất, các thiên thần đã xác nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế

Khi Đức Chúa Jesus giáng sinh tại Bết-lê-hem, các thiên thần đã công bố Đức Chúa Jesus chính là Đấng Cứu Thế mà Tiên tri Ê-sai đã dự ngôn: “Nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:10-11).  Vì vậy danh hiệu Đấng Mưu Luận Lạ Lùng – là danh hiệu mà Tiên tri Ê-sai đã mô tả là một trong những danh hiệu của Đấng Cứu Thế – cũng chính là danh hiệu của Đức Chúa Jesus.  

Thứ hai, Kinh Thánh xác nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Mưu Luận Lạ Lùng.

Khi dự ngôn về Đấng Cứu Thế, Tiên tri Ê-sai không chỉ nhắc đến danh hiệu Đấng Mưu Luận Lạ Lùng, nhưng còn mô tả phẩm chất của Đấng Mưu Luận Lạ Lùng: “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần khôn ngoan và thông sáng, thần mưu toan và mạnh sức, thần hiểu biết và kính sợ Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 11:2). Trong Bản Dịch Việt Ngữ 1925, chữ “mưu toan” trong (Ê-sai 11:2) và chữ “mưu luận” trong (Ê-sai 9:5) là cùng một chữ יוֹעֵץ֙ (yō·w·‘êṣ) trong nguyên văn Hebrew.  

Thánh Kinh Tân Ước đã ghi nhận những chi tiết mà Tiên tri Ê-sai dự ngôn về Đấng Cứu Thế chép trong Ê-sai 11:2 đã được thành toàn trong Đức Chúa Jesus như sau:

  • “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài”: Tác giả các sách Phúc Âm trong Tân Ước cho biết khi Đức Chúa Jesus nhận thánh lễ Báp-têm, Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã xuất hiện và ngự trên Ngài. Phúc Âm Ma-thi-ơ ký thuật về sự kiện này như sau: “Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jesus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:16-17). Tác giả Phúc Âm Giăng ghi lại lời tường thuật của Giăng Báp-tít, người đã chứng kiến sự kiện đó, như sau:“Ta đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bò câu, đậu trên mình Ngài. Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp-tem bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh. Ta đã thấy nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Đức Chúa Trời” (Giăng 1:32-34). Lời tiên tri về Đấng Mưu Luận Lạ Lùng, là Đấng mà Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự trên Ngài, đã được ứng nghiệm trong Đức Chúa Jesus.
  • “là thần khôn ngoan và thông sáng”: Lúc Đức Chúa Jesus còn tại thế, những người Do Thái chống đối Đức Chúa Jesus đã nhiều lần tìm cách gài bẫy để buộc tội Ngài, tuy nhiên Đức Chúa Jesus luôn trả lời một cách thông suốt khiến những người gài bẫy Ngài phải hổ thẹn.  Trước những thất bại liên tiếp trong việc gài bẩy để bắt tội Chúa, những người Do Thái chống đối Chúa đã bàn tính kế hoạch giết Ngài.  Với sự hoạch định tuyệt vời, Đức Chúa Jesus đã dùng việc họ đưa Ngài vào cái chết để hoàn tất chương trình hy sinh chuộc tội cho nhân loại. Và kết quả của chương trình cứu chuộc, qua sự chết và sống lại của Ngài, một lần nữa lại làm những kẻ thù của Chúa, và cả Sa-tan, phải kinh hoàng về sự khôn ngoan và sự hoạch định kỳ diệu của Ngài. Đức Chúa Jesus thật sự là Đấng Mưu Luận Lạ Lùng.  Sứ đồ Phao-lô đã giải thích rằng trong Đức Chúa Jesus có đủ mọi sự khôn ngoan “Trong Ngài đã giấu kín mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng” (Cô-lô-se 2:3).  Sứ đồ Phao-lô nói thêm: Đức Chúa Trời đã ban sự khôn ngoan, công bình, nên thánh, và cứu rỗi cho chúng ta qua Đức Chúa Jesus “Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta” (I Cô-rinh-tô 1:30). Vì vậy, lời tiên tri về Đấng Mưu Luận Lạ Lùng. là Đấng đầy sự khôn ngoan và thông sáng, đã được ứng nghiệm trong Đức Chúa Jesus.
  • “thần mưu toan”: Gióp đã mô tả một trong những bản chất của Đức Chúa Trời như sau: “Nơi Đức Chúa Trời có sự khôn ngoan và quyền năng; mưu luận và thông minh điều thuộc về Ngài” (Gióp 12:13). Tiên tri Ê-sai nói thêm: “Mưu Ngài lạ lùng, sự khôn ngoan Ngài tốt lành” (Ê-sai 28:29). Phúc Âm Giăng cho biết Đức Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời.  Đức Chúa Jesus cũng xác nhận điều đó: “Ta với Cha là một” (Giăng 10:30).  Và do đó, mưu luận, sự khôn ngoan, quyền năng và sự thông sáng của Đức Chúa Trời đều ở trong Đức Chúa Jesus.
     
  • “mạnh sức”: Chữ “mạnh sức” mà Tiên tri Ê-sai chép trong Ê-sai 11:2 là từ ngữ diễn tả quyền năng và quyền uy. Lúc còn sống trên đất, Đức Chúa Jesus đã làm rất nhiều việc phi thường, thể hiện quyền năng của Ngài. Những người thời đó đã kinh ngạc trước những phép lạ kỳ diệu của Đức Chúa Jesus. Trong bức thư gởi cho các tín hữu tại Ê-phê-sô, Sứ đồ Phao-lô giải thích về quyền uy của Đức Chúa Jesus như sau: “Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời, cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế lực, mọi quân chủ cùng mọi danh vang ra, không những trong đời nầy, mà cũng trong đời hầu đến nữa. Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ, và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội thánh” (Ê-phê-sô 1:20-22). Lời tiên tri về phẩm chất này của Đấng Cứu Thế cũng được ứng nghiệm trong Đức Chúa Jesus.
  • “thần hiểu biết”: Đức Chúa Jesus thấu hiểu mọi sự.  Đức Chúa Jesus biết Na-tha-na-ên đã làm gì trước khi ông đến gặp Ngài (Giăng 1:44-51).  Đức Chúa Jesus biết Giu-đa Ích-ca-ri-ốt sẽ phản Ngài (Ma-thi-ơ 26:20-25).  Đức Chúa Jesus biết bầy cá đang gom tại đâu (Giăng 21:1-14), và thậm chí biết rõ một con cá trong hàng tỷ con cá đang bơi dưới biển có gì ở trong miệng  (Ma-thi-ơ 17:24-27). Kinh Thánh ghi lại rất nhiều câu chuyện cho thấy Đức Chúa Jesus hiểu rõ mọi điều; và ngay từ thời niên thiếu, sự hiểu biết của Ngài khiến các học giả lỗi lạc của Do Thái phải kinh ngạc (Lu-ca 2:41-52). Phúc Âm Giăng cho biết: “Ngài nhận biết mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào, bởi Ngài tự hiểu thấu mọi điều trong lòng người ta” (Giăng 2:25b-26).  Bởi vì Đức Chúa Jesus thấu hiểu mọi điều trong lòng người, và Ngài có đủ mọi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, cho nên Đức Chúa Jesus có thể thực hiện trách nhiệm của một người cố vấn cách kỳ diệu. Người cố vấn là người có trách nhiệm hướng dẫn.  Khi dân Israel bị thống khổ vì sống trong tội lỗi và lầm lạc, Tiên tri Mi-chê đã hỏi họ: “Giữa ngươi há không có vua sao? Hay là mưu sĩ ngươi đã chết” (Mi-chê 4:9).  Tiên tri Ê-sai cho biết Đức Chúa Trời hứa ban lãnh đạo anh minh và “cố vấn” khôn ngoan cho người Do Thái (Ê-sai 1:26).  Trong Kinh Thánh, những người có trách nhiệm hướng dẫn và lãnh đạo được mô tả bằng hình ảnh của người chăn chiên.  Đức Chúa Jesus phán: “Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta, cũng như Cha biết ta và ta biết Cha vậy; ta vì chiên ta phó sự sống mình” (Giăng 10:14-15). Đức Chúa Jesus là Đấng Chăn Chiên nhân từ.  Ngài thấu hiểu hoàn cảnh bầy chiên, và trong vai trò của người dẫn dắt, Ngài hy sinh cho bầy chiên của mình.   Đức Chúa Jesus – với hình ảnh Đấng Chăn  Chiên nhân từ – chính là Đấng Cố Vấn Diệu Kỳ, hay Đấng Mưu Luận Lạ Lùng, mà Đức Chúa Trời đã hứa.
  • “kính sợ Đức Giê-hô-va”: Đức Chúa Jesus vốn là Đức Chúa Trời (Giăng 10:30); tuy nhiên khi đến thế gian, Đức Chúa Jesus thể hiện vai trò của một người con vâng phục Đức Chúa Cha. Tác giả Phúc Âm Giăng cho biết Đức Chúa Jesus thể hiện sự tôn kính Đức Chúa Cha qua lời nói và qua hành động của Ngài (Giăng 17:1-12). Thái độ kính sợ Đức Chúa Trời được thể hiện qua việc Đức Chúa Jesus hoàn tất những điều Đức Chúa Cha giao cho Ngài thực hiện và làm vinh danh của Đức Chúa Trời trên đất (Giăng 17:4).

Thật vậy, Kinh Thánh Tân Ước ghi nhận tất cả những đặc điểm của Đấng Cứu Thế, tức là Đấng Mưu Luận Lạ Lùng được chép trong Ê-sai 11:2, đã được ứng nghiệm trong Đức Chúa Jesus. Vì vậy, Đức Chúa Jesus chính là Đấng Mưu Luận Lạ Lùng mà Tiên tri Ê-sai đã dự ngôn.

Lý do thứ ba xác nhận Đức Chúa Jesus chính là Đấng Mưu Luận Lạ Lùng đó là khi Đức Chúa Jesus sống trên thế giới này, Đức Chúa Jesus đã chứng tỏ Ngài là Đấng Mưu Luận Lạ Lùng trong nhiều cách

Trước hết, Đức Chúa Jesus dạy những sứ điệp lạ lùng: Khi giảng về tình yêu, Đức Chúa Jesus đã dạy rằng “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:44), và hơn thế nữa: Hãy làm ơn cho họ. Đức Chúa Jesus dạy rằng tình yêu không đơn thuần chỉ là tình cảm nhưng nó đến từ tấm lòng, từ linh hồn, và từ tâm trí (Ma-thi-ơ 22:37).  Đức Chúa Jesus nói thêm không có cách nào thể hiện tình yêu sâu đậm hơn là việc bằng lòng chết thay cho người mình yêu (Giăng 15:13).  Trong khi nhiều người nghĩ rằng chân lý là một khái niệm, Đức Chúa Jesus dạy rằng Ngài chính là chân lý: “Ta là đường đi, chân lý, và sự sống” (Giăng 14:6). Quan niệm phổ thông cho rằng phước hạnh là những điều tốt đẹp. Đức Chúa Jesus dạy rằng: “Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi” (Ma-thi-ơ 5:4) và “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước.” (Ma-thi-ơ 5:11).  Trong khi nhiều người phải cố gắng làm rất nhiều công đức với hy vọng sẽ được cứu rỗi, nhưng Đức Chúa Jesus dạy rằng con người có thể nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chỉ bằng đức tin mà không cần phải làm bất cứ điều gì khác; bởi vì sự cứu rỗi chính là một món quà của Đức Chúa Trời ban cho loài người “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).  Rất nhiều sự dạy dỗ lạ lùng – hay diệu kỳ – của Đức Chúa Jesus đã được ghi lại trong các sách Phúc Âm. Những người Do Thái thời đó lẫn những học giả ngày nay đều kinh ngạc về những lời dạy dỗ đầy quyền năng và sâu nhiệm cách lạ lùng của Ngài.

Đức Chúa Jesus không chỉ giảng dạy những điều lạ lùng, nhưng Ngài đã thực hiện những việc lạ lùng

Đức Chúa Jesus thể hiện quyền năng lạ lùng của Ngài trên bệnh tật.  Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus đã chữa lành cho người mù được thấy, người què được đi, người câm nói được, …. Bệnh cùi là một chứng bệnh nan y; tuy nhiên Kinh Thánh ghi nhận Đức Chúa Jesus đã chữa cho rất nhiều người bị bệnh cùi được lành.

Đức Chúa Jesus thể hiện quyền năng lạ lùng của Ngài trên thế giới vật chất. Phúc Âm Giăng cho biết chỉ trong chốc lát, Đức Chúa Jesus đã hóa nước thành rượu.  Ngài dùng năm cái bánh và hai con cá chu cấp thức ăn cho hơn năm ngàn người. Trong một lần khác, Chúa dùng chỉ vài cái bánh để cung cấp đủ thức ăn cho hơn bốn ngàn người.  

Đức Chúa Jesus cũng thể hiện quyền năng lạ lùng của Ngài trên cõi thiên nhiên.  Đức Chúa Jesus đã đi bộ trên mặt biển giữa cơn giông bão. Nhiều lần, Ngài truyền cho bão tố phải yên lặng.  Đức Chúa Jesus đã khiến các ngư phủ chuyên nghiệp phải kinh ngạc bởi vì thâu đêm họ không bắt được gì, nhưng khi chỉ vâng theo lời Ngài, họ có thể bắt cá đầy thuyền.

Đức Chúa Jesus cũng thể hiện uy quyền lạ lùng của Ngài trên thế giới siêu hình. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus đã chữa lành cho nhiều người bị quỷ ám.  Ngài truyền lịnh cho các tà linh, chúng phải kính sợ và vâng theo mạng lệnh của Ngài.

Đức Chúa Jesus còn thể hiện uy quyền lạ lùng của Ngài trên sự sống và sự chết.  Đức Chúa Jesus đã cứu nhiều người chết sống lại: trong đó có con gái của Giai-ru – một cô gái bị bệnh vừa chết; chàng trai trẻ Na-in – một người chết đang được gia đình đem đi chôn; và La-xa-rơ – một người đã được chôn trong mộ bốn ngày. Đức Chúa Jesus có toàn quyền trên sự sống và sự chết. Ngài không chỉ cứu sống người khác nhưng chính Ngài sau khi chết và chôn trong mộ ba ngày cũng đã sống lại.

Lý do thứ tư chứng tỏ Đức Chúa Jesus chính là Đấng Mưu Luận Lạ Lùng bởi vì Đức Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời. Một trong những điều lạ lùng nhất về Đức Chúa Jesus đó là Ngài sống trên thế giới này như một con người, nhưng Ngài lại chính là Đức Chúa Trời. Khi còn tại thế, Đức Chúa Jesus đã chứng minh Ngài là Đức Chúa Trời qua việc thực hiện những việc mà chỉ có Đức Chúa Trời mới làm được. Hơn thế nữa, Sứ đồ Giăng, một môn đệ yêu dấu và cũng là môn đệ sống lâu nhất của Chúa, ghi nhận: Đức Chúa Jesus vốn có từ ban đầu, Ngài ở cùng Đức Chúa Trời, Ngài chính là Đức Chúa Trời, và mọi vật trong vũ trụ đã được tạo dựng bởi Ngài (Giăng 1:1-4).  Bản chất kỳ diệu của Đức Chúa Jesus không phải chỉ thể hiện qua những điều được ký thuật trong Kinh Thánh cách đây 2000 năm, nhưng còn có thể nhận biết qua việc suy gẫm những công trình sáng tạo trong cõi thiên nhiên mà Kinh Thánh ghi nhận Ngài là Đấng sáng tạo.

Ngày nay, đa số mọi người đều biết trái đất mà chúng ta đang sống là một hành tinh trong thái dương hệ và đang di chuyển trong không gian.  Vào thời xa xưa, tác giả sách Gióp trong Kinh Thánh đã mô tả mô tả vị trí của trái đất như sau: “Chúa trải bắc cực ra trên vùng trống, treo trái đất trong khoảng không không” (Gióp 26:7). Mặc dầu Kinh Thánh không phải là một cuốn sách giáo khoa về khoa học, và các ký thuật trong Kinh Thánh mô tả những hiện tượng thiên nhiên chỉ dùng ngôn ngữ phổ thông của người xưa; tuy nhiên đến thế kỷ thứ 17, Isaac Newton (1642-1726), một khoa học gia tin Chúa, đã khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn (universal gravitation), giải thích sự tương tác giữa các vật thể trong cõi thiên nhiên, trong đó có hiện tượng trái đất di chuyển trong không gian theo một quỹ đạo cố định quanh mặt trời.  Mặc dù Isaac Newton đã tìm ra định luật vạn vật hấp, tuy nhiên điều mà các khoa học gia không tin Chúa vẫn không thể nào giải thích được đó là ai đã đặt ra một định luật khôn ngoan như vậy và đã áp dụng định luật đó trên tất cả mọi vật trong vũ trụ, khiến những vật rất lớn – từ những hành tinh trong không gian – đến những vật rất nhỏ mà mắt thường không thấy được – như những nguyên tử – đều tuân theo định luật đó.   Các khoa học gia tin Chúa thì tin rằng Chúa – Đấng Mưu Luận Lạ Lùng – đã sáng tạo ra định luật đó. Trong khi nhiều người, với kiến thức căn bản, tin cậy vào khoa học; nhưng rất nhiều khoa học gia lỗi lạc trên thế giới đã nhận biết rằng những kiến thức mà con người có được thật là quá nhỏ bé trước Đức Chúa Trời – Cách đối phó của các khoa học gia với dịch Covid-19 là một minh họa cụ thể về sự hiểu biết và khả năng của con người –  Albert Einstein (1879-1955), một khoa học gia xuất chúng trong thế kỷ 20, đã phát biểu về động lực nghiên cứu khoa học của ông như sau: I want to know how God created this world. I am not interested in this or that phenomenon, in the spectrum of this or that element. I want to know his thoughts. The rest are details.” (The Expanded Quotable Einstein, Princeton University Press, 2000, p.202)Tạm dịch: “Tôi muốn biết thế nào Đức Chúa Trời đã tạo dựng thế giới này.  Tôi không thích thú về hiện tượng này hay hiện tượng nọ, quang phổ của nguyên tố này hay nguyên tố kia.  Tôi muốn biết về những tư tưởng của Ngài.  Tất cả những điều còn lại chỉ là tiểu tiết.” Thật vậy, như Kinh Thánh đã nói: “Tư tưởng Chúa thật diệu kỳ” (Thi Thiên 139:6) – những bí ẩn của khoa học tiềm tàng trong tư tưởng của Chúa – và đó chính là điều mà khoa học gia Albert Einstein muốn khám phá.

Tác giả Thi Thiên 139 cũng viết: “Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi” (Thi Thiên 139:6).  Như đã nói ở trên, Kinh Thánh không phải là một cuốn sách giáo khoa về khoa học, tuy nhiên tác giả Thi Thiên đã mô tả cách chính xác hình ảnh của việc hình thành một con người trong lòng mẹ.  Những khám phá khoa học gần đây cho thấy cấu trúc của DNA – phân tử mang thông tin di truyền trong bào thai – bao gồm hai chuỗi polynucleotide đan quyện, như được dệt vào nhau, giống như Kinh Thánh đã mô tả.  Tiến sĩ Francis Sellers Collins, Giám Đốc của Humane Genome Project, là chương trình giải mã cấu trúc di truyền của con người, vốn là một người vô thần, nhưng ông đã trở lại tin Chúa.  Sau khi hoàn tất công trình nghiên cứu và có dịp suy nghiệm về những cấu trúc kỳ diệu trong thân thể của con người, đã được sáng tạo với những chi tiết thật tinh vi và được sắp đặt thật khôn ngoan, là một khoa học gia hàng đầu của thế giới trong lĩnh vực sinh học, Tiến sĩ Francis S. Collins không thể nào chấp nhận được rằng cấu trúc di truyền của con người là một sản phẩm của sự ngẫu nhiên, như thuyết tiến hóa lập luận, nhưng chắc chắn phải là một công trình sáng tạo kỳ diệu của một Đấng Khôn Ngoan vô cùng. Năm 2007, Tiến sĩ Francis S. Collins đã xuất bản cuốn sách “The Language of God: A Scientist Presents Evidence for Belief” giải thích về những bằng chứng khoa học đưa ông đến niềm tin nơi Chúa.

Trên đây chỉ là vài ví dụ về những công trình sáng tạo kỳ diệu của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, trong đó có Đức Chúa Jesus là Đấng Mưu Luận Lạ Lùng mà Tiên tri Ê-sai đã dự ngôn, đã sáng tạo.    

Tóm Lược:

Tiên tri Ê-sai đã báo trước về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế mà Đức Chúa Trời đã hứa.  Đấng Cứu Thế sẽ được gọi là Đấng Mưu Luận Lạ Lùng. Danh hiệu đó đã được ứng nghiệm trong Đức Chúa Jesus. 

Khi suy gẫm về sự lạ lùng trong Đức Chúa Jesus, Sứ đồ Phao-lô cho biết tình yêu của Ngài thật lạ lùng: “Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:6-8).  Điều đáng tiếc là nhiều người ngày nay vẫn chưa nhận biết tình yêu kỳ diệu đó. Thi Thiên 88 cho biết – người sống trong tăm tối thì không thể nhận biết được sự kỳ diệu của Chúa (Thi Thiên 88:12).  Trong quá khứ, Sứ đồ Phao-lô đã từng trải qua một giai đoạn như vậy trong cuộc đời của mình.  Trước khi tin Chúa, do những hiểu biết sai lầm lệch lạc về Đức Chúa Jesus, ông đã bách hại đạo Chúa một cách khốc liệt. Tuy nhiên, sau khi hiểu biết Chúa và tin nhận Ngài, Sứ đồ Phao-lô cho biết: “Tôi xem mọi sự như là lỗ lã, bởi vì đối với tôi, được biết Ðức Chúa Jesus Christ – Chúa của tôi – là điều cao quý vô vàn” (Phi-lip 3:8). Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, Sứ đồ Phao-lô ước mong, và cầu xin Đức Chúa Trời mở con mắt trong lòng mỗi người, ban cho họ ánh sáng chân lý của Chúa, cùng sự khôn ngoan, để họ nhận biết Đức Chúa Jesus chính là Đấng Cứu Thế (Ê-phê-sô 1:17-23).

Tác giả Phúc Âm Giăng, trong phần kết cuốn sách tường thuật về cuộc đời Đức Chúa Jesus, đã viết: “Còn nhiều điều khác mà Ðức Chúa Jesus đã làm; ví bằng người ta phải viết hết từng việc một, thì tôi thiết tưởng cả thế gian cũng không thể chứa hết các sách được viết ra.” (Giăng 21:25).  “Ðức Chúa Jesus đã làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đồ Ngài nhưng không được chép trong sách nầy. Nhưng những việc nầy được chép ra để các ngươi tin rằng Ðức Chúa Jesus chính là Ðấng Christ, Con Ðức Chúa Trời, và để khi tin, các ngươi có sự sống trong danh Ngài.” (Giăng 20:30-31). 

Đó cũng chính là ước mong của người viết bài này.  Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc hiểu  thêm một ít về Đức Chúa Jesus, để tin nhận Ngài là Cứu Chúa của mình, và nhận được sự sống phước hạnh trong danh của Ngài. 

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành trích từ
Những Danh Hiệu Và Biểu Tượng Của Đức Chúa Jesus – Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top