Kiến Thức: Tìm Hiểu Danh Hiệu Chúa
Tìm Hiểu Danh Hiệu Chúa
Chúa là một trong ba danh hiệu của Đức Chúa Jesus đã được thiên sứ công bố cho các mục đồng trong đêm Đức Chúa Jesus giáng sinh: “Hôm nay tại thành Đa-vít đã sinh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa“ (Lu-ca 2:11). Thiên sứ là người mang sứ điệp từ Đức Chúa Trời đến cho loài người, vì vậy Chúa là một trong những danh hiệu quan trọng mà Đức Chúa Trời muốn cho loài người nhận biết.
Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Jesus đã được mô tả với hơn 100 danh hiệu và biểu tượng khác nhau. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Hội Thánh thời ban đầu đã chọn danh hiệu Chúa của Đức Chúa Jesus để ghi lại trong bản tín điều của những người tin Chúa nhằm nhắc nhở các tín hữu về thái độ của người tin Chúa đối với Đức Chúa Jesus.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu một ít về ý nghĩa của danh hiệu Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh.
Ngữ Căn
Danh hiệu Chúa mà thiên sứ đã loan báo cho các mục đồng trong nguyên văn Hy Lạp là κύριος. Chữ này khi được viết bằng mẫu tự Latin là kyrios. Trong tiếng Hy Lạp danh từ κύριος được dùng để mô tả một Đấng Thiêng Liêng (như Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus) hay một con người (như một ông chủ hay một nhân vật được tôn kính). Chữ κύριος đã được dùng 717 lần trong Kinh Thánh Tân Ước, trong đó có 650 lần được dùng cho Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus, còn 67 lần khác thì nói về một con người. Trong các bản in Kinh Thánh, khi ý nghĩa của chữ Kύριος nói về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus, danh hiệu này được viết hoa; ngược lại, khi ý nghĩa của chữ κύριος mô tả một con người, chữ đó được in bằng chữ thường.
Ý Nghĩa Thiêng Liêng
Trong nguyên văn Kinh Thánh Hy Lạp, chữ Chúa khi được dùng cho Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus mang ý nghĩa Ngài là “Chúa tể của cả vũ trụ”, tương tự như ý nghĩa của thành ngữ “Chúa tể của trời và đất” trong tiếng Việt. Theo các tài liệu hiện có, khái niệm mô tả Chúa là Đấng “Chúa tể của cả vũ trụ” đã được người Hy Lạp biết đến ít nhất khoảng 250 năm trước khi Đức Chúa Jesus giáng sinh.
Vào giữa thế kỷ thứ ba trước khi Đức Chúa Jesus giáng sinh, vua Ptolemy II Philadelphus (Πτολεμαῖος Φιλάδελφος) của Hy Lạp (283-246 T.C.) cai trị tại Ai Cập đã ra lệnh cho các học giả Do Thái dịch Kinh Thánh Cựu Ước sang tiếng Hy Lạp để đặt bản dịch Kinh Thánh này vào thư viện của thành phố Alexandria. Thư viện của thành phố Alexandria là thư viện lớn nhất của thế giới vào thời đó. Bởi vì số học giả Do Thái đã tham gia dịch bản Kinh Thánh Cựu Ước này là 70 người cho nên bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước từ nguyên văn Hebrew sang tiếng Hy Lạp này đã được gọi là bản dịch Septuagint, hay còn gọi Bản Dịch Bảy Mươi (LXX) – theo con số 70 của những dịch giả đã tham dự. Theo một số tài liệu khác, có thể có 72 người tham dự dịch bản dịch Septuagint vì thật ra mỗi chi tộc Israel chọn 6 người cho công tác phiên dịch này.
Kinh Thánh Cựu Ước mô tả Đức Giê-hô-va (Jehovah) là Đức Chúa Trời, là Đấng đã tạo dựng và cầm quyền cả vũ trụ. Đối với người Do Thái danh hiệu Jehovah (יְהֹוָה) là một trong bảy thánh danh vô cùng cao trọng của Đức Chúa Trời cho nên người Do Thái không bao giờ phát âm danh hiệu này của Đức Chúa Trời. Các học giả Do Thái vì không muốn những đọc giả ngoại quốc do thiếu hiểu biết có thể nhắc đến thánh danh Jehovah của Đức Chúa Trời một cách bất kính, cho nên họ đã dịch danh hiệu Jehovah trong ngôn ngữ Do Thái (Hebrew) thành Kύριος nghĩa là Chúa trong tiếng Hy Lạp (Greek). Vì vậy trong những thế hệ về sau một số dịch giả khi dịch Kinh Thánh Cựu Ước sang những ngôn ngữ khác đã dịch danh hiệu “Jehovah” là “LORD” trong tiếng Anh, và “CHÚA” trong tiếng Việt. Đây là cách dịch danh hiệu “Jehovah” đã được áp dụng cách đây hơn 2500 năm, từ trước khi Cơ-đốc giáo được hình thành, chứ không phải là cách dịch mới được áp dụng gần đây.
Trong cộng đồng Do Thái, để tránh phát âm danh hiệu Jehovah (יְהֹוָה), khi đọc Kinh Thánh đến danh hiệu Jehovah người Do Thái phát âm thành Adonay (אֲדֹנָי) hay Elohim (אֱלֹהִים). Chữ Adonay, thường được viết là Adonai, là danh từ số nhiều của chữ Adon, có nghĩa là “Chúa của tôi” (Adon), hay “Các Chúa của tôi” (Adonai). Tương tự, danh hiệu Elohim (Đức Chúa Trời) là danh từ số nhiều của Eloah, nghĩa là Trời. Vì vậy ngay từ trong ngữ căn được ghi lại trong Cựu Ước, các danh hiệu Adonay và Elohim đều mô tả Đức Chúa Trời là một Đấng có nhiều thân vị. Đây cũng là một trong những lý do Kinh Thánh Tân Ước đã nhắc đến ba thân vị của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh. Trong bản dịch Septuagint, cả hai danh hiệu Jehovah và Adonay đều được dịch sang tiếng Hy Lạp là Kύριος, có nghĩa là Chúa.
Do đó khi thiên sứ báo tin cho các mục đồng về việc Đức Chúa Jesus giáng sinh, thì ý nghĩa của danh hiệu Chúa (κύριος), tức là Đức Giê-hô-va (Jehovah), là Đức Chúa Trời (Elohim), là Chúa (Adonay), đã được dùng và được phổ biến tại khu vực Địa Trung Hải đã 250 năm; và do đó các mục đồng, cũng như những người Do Thái sau khi được nghe các mục đồng loan báo về tin Đức Chúa Jesus giáng sinh, họ hiểu rõ Đức Chúa Jesus là ai. Đức Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời được mô tả trong Cựu Ước và Ngài là Chúa Tể của cả vũ trụ.
Thẩm Quyền Của Chúa
Khi Đức Chúa Jesus sống trên đất, Ngài đã làm gì để chứng minh Ngài thật sự là Chúa như các thiên thần đã công bố. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus đã thể hiện quyền năng tể trị của Ngài trên nhiều lĩnh vực:
Đức Chúa Jesus có quyền trên bệnh tật: Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus đã chữa lành cho rất nhiều người với đủ thứ bệnh tật khác nhau (Ma-thi-ơ 4:23-24). Chúa đã chữa lành cho người mù có thể thấy được (Ma-thi-ơ 9:27-31; Mác 8:22-28; Lu-ca 18:35-43; Giăng 9:1-7), người què có thể đi được (Ma-thi-ơ 9:27; Lu-ca 5:18-25), người câm có thể nói được (Mác 7:31-37). Bệnh cùi là một chứng bệnh nan y, tuy nhiên Kinh Thánh ghi nhận Đức Chúa Jesus đã chữa cho rất nhiều người bị bệnh cùi được lành (Ma-thi-ơ 8:24; Lu-ca 17-11-19).
Đức Chúa Jesus có quyền trên cõi thiên nhiên: Đức Chúa Jesus đã đi bộ trên mặt biển giữa cơn giông bão (Mác 6:48-51; Ma-thi-ơ 14:25; Giăng 6:19-21). Nhiều lần, Ngài truyền cho bão tố phải yên lặng (Mác 4:37-41; Ma-thi-ơ 8:23-27; Lu-ca 8:22-25). Đức Chúa Jesus đã khiến các ngư phủ chuyên nghiệp phải kinh ngạc bởi vì thâu đêm họ không bắt được gì, nhưng khi chỉ vâng theo lời của Ngài, họ có thể bắt cá đầy thuyền (Lu-ca 5:4-11; Giăng 1:1-21). Kinh Thánh cũng thuật lại rằng Chúa biết cả một con đang cá sống dưới nước hiện đang ở đâu, trong miệng nó có gì, và Chúa đã chuẩn bị nó để dùng nó cho mục đích nào của Ngài (Ma-thi-ơ 17:24-27).
Đức Chúa Jesus có quyền trên thế giới vật chất: Phúc Âm Giăng cho biết chỉ trong chốc lát, Đức Chúa Jesus đã hóa hàng trăm lít nước thành rượu (Giăng 2:1-11). Các sách Phúc Âm cũng cho biết Ngài đã dùng năm cái bánh và hai con cá chu cấp thức ăn cho hơn năm ngàn người (Mác 6:35-44). Trong một lần khác, Đức Chúa Jesus dùng chỉ vài cái bánh để cung cấp đủ thức ăn cho hơn bốn ngàn người (Ma-thi-ơ 15:32-48).
Đức Chúa Jesus có quyền trên thế giới siêu hình: Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus đã chữa lành cho nhiều người bị quỷ ám (Mác 5:1-15; Ma-thi-ơ 9:32-33, 15:21-28, 17:14-18). Ngài truyền lịnh cho các tà linh, chúng phải kính sợ và vâng theo những mạng lệnh của Ngài (Ma-thi-ơ 8:28-34, 17:14-18). Các tà linh cũng biết Đức Chúa Jesus là Chúa, là Đấng đến từ Đức Chúa Trời và chúng đã xưng nhận như vậy (Ma-thi-ơ 8:31).
Đức Chúa Jesus có quyền trên sự sống và sự chết: Đức Chúa Jesus đã cứu nhiều người chết sống lại: trong đó có con gái của Giai-ru – một cô gái bị bệnh vừa chết (Ma-thi-ơ 9:18-25); chàng trai trẻ Na-in – một người chết vài ngày đang được gia đình đem đi chôn (Lu-ca 7:11-15); và La-xa-rơ – một người đã được chôn trong mộ bốn ngày (Giăng 11:11-15). Đức Chúa Jesus có toàn quyền trên sự sống và sự chết. Ngài không chỉ cứu sống những người khác nhưng chính Ngài, sau khi đã chết và chôn trong mộ ba ngày, cũng đã sống lại. Thô-ma là một môn đệ đã theo Đức Chúa Jesus gần ba năm. Thô-ma đã chứng kiến Đức Chúa Jesus cứu La-xa-rơ sống lại (Giăng 11:1-15) nhưng Thô-ma đã không tin rằng chính Đức Chúa Jesus có thể tự sống lại. Khi nghe các môn đồ khác thuật lại rằng họ đã gặp Chúa sống lại, Thô-ma nói: “Nếu tôi không thấy các dấu đinh trong những bàn tay của Ngài, và không đặt những ngón tay của tôi vào những dấu đinh, và không đặt bàn tay của tôi vào hông của Ngài, thì tôi sẽ không tin.” (Giăng 20:25). Sau đó, Đức Chúa Jesus đã đến gặp các môn đồ một lần nữa, lúc đó cũng có Thô-ma. Chúa đã cho Thô-ma cơ hội kiểm chứng những nghi ngờ của ông. Sau đó, Thô-ma đã nói: “Lạy Chúa tôi và là Đức Chúa Trời tôi” (Giăng 20:28). Từ chỗ hoài nghi, Thô-ma xưng nhận Đức Chúa Jesus chính là Chúa và là Đức Chúa Trời. Các môn đồ khác của Chúa cũng gọi Ngài là Chúa (Lu-ca 5:8; Giăng 21:7). họ nhận biết Ngài là Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Jesus có quyền trên tội lỗi: Các học giả Do Thái vào thời Đức Chúa Jesus biết rằng không ai có thẩm quyền tha tội cho loài người, ngoại trừ Đức Chúa Trời (Mác 2:7). Có lần người ta đem đến cho Đức Chúa Jesus một người bị bại liệt nằm trên chõng. Đức Chúa Jesus nói với người bệnh rằng tội lỗi của ông đã được tha. Các học giả Do Thái đang hiện diện tại đó nói rằng Đức Chúa Jesus đã phạm thượng khi Ngài dám tha tội cho người bị bệnh bởi vì chỉ có một mình ĐứcChúa Trời mới có thẩm quyền tha tội cho loài người. Biết được điều đó, Đức Chúa Jesus đã hỏi họ rằng giữa hai điều: chữa lành cho một người đang bệnh bại liệt, hay tha tội cho người đó, điều nào dễ hơn. Và trước sự kinh ngạc của họ, Ngài thực hiện cả hai điều. Đức Chúa Jesus chữa lành cho người bệnh và tha tội cho ông (Mác 2:1-12; Lu-ca 5:21; 7:49). Đám đông chứng kiến điều đó đã tôn ngợi Đức Chúa Trời bởi vì họ biết rằng nếu không bởi quyền năng của Đức Chúa Trời việc này không thể xảy ra. Đây là một trong nhiều trường hợp mà Đức Chúa Jesus chứng minh rằng Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài có thẩm quyền tha tội (Mác 2:10; Lu-ca 5:24). Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus không chỉ tha tội cho một vài người lúc Ngài sống trên thế gian này nhưng Ngài đến thế gian để thực hiện một giải pháp toàn vẹn để cứu tất cả loài người, như lời thiên sứ đã báo cho Giô-sép “Vì chính Con Trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:21). Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus đã hy sinh trên thập tự để đền tội thay cho cả nhân loại, và người nào muốn được tha thứ tội lỗi của chính mình thì người đó cần tin nhận đến danh của Đức Chúa Jesus (Giăng 3:16; I Giăng 1:9). Trong sách Công Vụ, Sứ đồ Phi-e-rơ đã vài lần nhắc đến tín lý quan trọng này: “Hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng nầy về Ngài rằng hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài” (Công Vụ 10:43); “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jesus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình “ (Công Vụ 2:38). Tương tự, Sứ đồ Phao-lô đã giảng cho người Do Thái rằng sự tha tội đã được ban cho họ qua Đức Chúa Jesus, là Đấng đã sống lại (Công Vụ 13:37-39). Sau đó, Sứ đồ Phao-lô cho biết ông đã được Đức Chúa Jesus chọn để công bố sự tha tội của Chúa cho các dân tộc ngoại quốc (Công Vụ 26:14-18). Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết vị trí hiện tại của Đức Chúa Jesus như sau: “Đức Chúa Trời đã đem Đấng ấy lên bên hữu Ngài, làm Vua và Cứu Chúa, để ban lòng ăn năn và sự tha tội cho dân Y-sơ-ra-ên “ (Công Vụ 5:31). Vị trí bên hữu Đức Chúa Trời chính là vị trí của Đấng được gọi là Chúa mà trong Cựu Ước Thi Thiên 110 đã mô tả “Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, Cho đến chừng ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chân cho ngươi.” (Thi Thiên 110:1). Đức Chúa Jesus đã trích dẫn Thi Thiên 110 để giải thích cho người Do Thái rằng Chúa là Đấng cao trọng hơn vua Đa-vít mà họ tôn kính rất nhiều (Ma-thi-ơ 22:42-46) và Ngài chính là Đấng đó.
Ý Nghĩa Phổ Thông
Bên cạnh ý nghĩa thiêng liêng, danh hiệu “κύριος” còn mang một số ý nghĩa phổ thông.
Ý nghĩa phổ thông đầu tiên của chữ “κύριος” mô tả một người sở hữu nhiều tài sản, kể cả con người, súc vật, và đồ vật. Ý nghĩa này tương đương với chữ “chủ” trong tiếng Việt như “chủ nhà”, “chủ đất”, “chủ hãng”. Các tác giả viết Phúc Âm đã dùng chữ này để mô tả chủ nhà (Mác 13:35), chủ của con lừa (Lu-ca 19:33), chủ vườn nho (Ma-thi-ơ 20:8; 21:40; Mác 12:9; Lu-ca 20:15). Kinh Thánh thường dùng hình ảnh vườn nho để mô tả dân Do Thái hay Hội Thánh, vì vậy hình ảnh người chủ vườn nho được dùng để chỉ về Chúa là Đấng sở hữu dân Do Thái và Hội Thánh.
Ý nghĩa phổ thông thứ hai của chữ “κύριος” được dùng để mô tả một bậc lãnh đạo trên một khu vực hay trên một lãnh vực, tương tự như ý nghĩa chữ “lãnh chúa” và “chúa tể sơn lâm” trong tiếng Việt. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời được mô tả là “Chúa của thần linh” (Dân Số Ký 16:22), “Chúa của các chúa” (Phục Truyền 10:17; Thi Thiên 136:3), “Chúa của các vua” (Đa-ni-ên 2:47), ” Chúa của chiến trận” (I Sa-mu-ên 17:47), …, Chúa của cả thế gian (Thi Thiên 97:5), Chúa của cả vũ trụ (Nê-hê-mi 1:4-5). Như đã nhắc đến trong những phần trước, Kinh Thánh Tân Ước mô tả Đức Chúa Jesus là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Cựu Ước, cho nên Đức Chúa Jesus cũng là Đấng có những thẩm quyền như vậy. Các tác giả của Tân Ước mô tả Đức Chúa Jesus là “Cứu Chúa của thế gian” (Giăng 4:42; Khải-huyền 11:4), “Chúa của sự sống” (Công Vụ 3:15), “Cứu Chúa của Hội thánh” (Ê-phê-sô 5:23; II Phi-e-rơ 1:11), “Cứu Chúa của mọi người” (I Ti-mô-thê 4:10), “Chúa của loài người” (Công Vụ 10:36), “Chúa của các chúa” (I Ti-mô-thê 6:15; Khải-huyền 17:14; 19:16), và Chúa của cả vũ trụ (Công Vụ 17:24). Xuất phát từ nguồn gốc trong Cựu Ước, Kinh Thánh Tân Ước mô tả Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời, là Đấng Chủ Tể của cả vũ trụ.
Ý nghĩa phổ quát thứ ba của chữ “κύριος” được dùng để chỉ một vị thầy hay một người được tôn kính. Ý nghĩa này giống như chữ “thầy” trong tiếng Việt. Các môn đệ của Đức Chúa Jesus thường gọi Chúa bằng danh hiệu nầy (Ma-thi-ơ 8:25; 16:22; Lu-ca 9:54; 10:17, 10:40; 11:1; 22:33, 22:38; Giăng 11:12; 13:6, 13:9, 13:13; 21:15-17). Người phụ nữ tại Sa-ma-ri nói chuyện với Đức Chúa Jesus bên giếng nước cũng gọi Đức Chúa Jesus bằng danh hiệu này (Giăng 4:11, 4:15, 4:19). Người phụ nữ tại Ca-na-an đã cầu xin Đức Chúa Jesus với danh hiệu này (Ma-thi-ơ 15:21-28). Viên sĩ quan La Mã đến cầu xin Chúa chữa bệnh cho một người phục vụ của mình cũng cầu xin Chúa với danh hiệu nầy (Ma-thi-ơ 8:8).
Lời Giải Thích Của Sứ Đồ Phao-lô
Trong số 717 lần danh hiệu κύριος được dùng trong Tân Ước, Sứ đồ Phao-lô đã dùng danh hiệu này hơn 200 lần. Sứ đồ Phao-lô là một học giả về Cựu Ước. Ông cũng là người uyên thâm văn hóa La Mã và Hy Lạp. Bằng nhiều phương thức khác nhau, Sứ đồ Phao-lô giải thích cho người đọc những bức thư của ông, vốn là những người quen thuộc với Kinh Thánh Cựu Ước – trong nguyên văn Hebrew hay trong bản dịch Hy Lạp – hiểu rằng Đức Chúa Jesus là chính là Chúa, và Ngài là Giê-hô-va Đức Chúa Trời được mô tả trong Cựu Ước.
- Xưng nhận Đức Chúa Jesus là Chúa nghĩa là xưng nhận Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời
Điểm quan trọng đầu tiên mà Sứ đồ Phao-lô thường nhắc đến trong các bức thư của ông đó là Đức Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô đã dùng nhiều cách khác nhau để giải thích khái niệm này.
Trong cách thứ nhất, Sứ đồ Phao-lô trích dẫn nguyên văn Cựu Ước, rồi thay thế danh hiệu Đức Giê-hô-va trong Cựu Ước bằng danh hiệu Chúa trong Tân Ước. Một thí dụ điển hình của cách trích dẫn này được ghi lại trong Rô-ma 4:7-8 “Phước thay cho kẻ, lỗi mình được tha thứ, tội mình được che đậy! Phước thay cho người mà Chúa chẳng kể tội lỗi cho!” Đây chính là lời trích dẫn Thi Thiên 32:1-2 ” Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khỏa lấp tội lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho”. Nội dung của hai phân đoạn Kinh Thánh trên giống nhau. Sự khác biệt chỉ là danh hiệu của Đức Giê-hô-va trong Cựu Ước và danh hiệu của Chúa trong Tân Ước. Một số trường hợp tương tự có thể nhận thấy khi so sánh Rô-ma 9:28-29 với Ê-sai 28:2 và 1:9; Rô-ma 10:16 với Ê-sai 53:1; Rô-ma 11:34 với Ê-sai 40:13; Rô-ma 15:11 với Thi Thiên 117:1; I Cô-rinh-tô 3:20 với Thi Thiên 94:11; I Cô-rinh-tô 6:17-18 với Ê-sai 52:11, II Sa-mu-ên 7:14; I Cô-rinh-tô 10:26 với Thi Thiên 24:1;
Trong cách thứ hai, Sứ đồ Phao-lô trích dẫn một phần trong Cựu Ước, tóm lược nội dung phần còn lại của Cựu Ước trong Tân Ước, rồi thay thế danh hiệu Đức Giê-hô-va trong Cựu Ước bằng danh hiệu Chúa trong Tân Ước. Những ví dụ của cách giải thích này được ghi lại trong Rô-ma 11:3 so sánh với I Các Vua 19:10; Rô-ma 12:19 so sánh với Phục Truyền 32:35; và I Cô-rinh-tô 14:21 so sánh với Ê-sai 28:11.
Trong cách thứ ba, Sứ đồ Phao-lô không trích dẫn nội dung của Cựu Ước, nhưng chỉ tóm lược nội dung của Cựu Ước rồi thay thế danh hiệu của Đức Giê-hô-va trong Cựu Ước bằng danh hiệu Chúa trong Tân Ước. Vài ví dụ của cách giải thích này được ghi lại trong Rô-ma 10:13 với Giô-ên 2:32; I Cô-rinh-tô 1:31 với Giê-rê-mi 9:23-24; II Cô-rinh-tô 10:17 với Giê-rê-mi 9:23-24.
Sau khi đã xác định danh hiệu Chúa là Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời trong Cựu Ước, trong các thư tín của mình rất nhiều lần Sứ đồ Phao-lô nói rõ Chúa chính là Đức Chúa Jesus: “Chúa là Đức Chúa Jesus Christ” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1 BDHĐTT; II Cô-rinh-tô 13:13), “Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:3 BDHĐTT; Rô-ma 5:1, 5:11, 5:16-20; Ga-la-ti 6:18), “Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 1:4; 5:21; 6:23; I Cô-rinh-tô 15:31), “Chúa, Ðức Chúa Jesus” (Rô-ma 14:14 0 BD2011; I Cô-rinh-tô 11:23). Khi đọc giả đã hiểu được ý nghĩa căn bản này, sau đó rất nhiều lần Sứ đồ Phao-lô đã dùng danh hiệu Chúa để chỉ về Đức Chúa Jesus mà không cần viết thêm lời giải thích nào khác (Rô-ma 14:6, 14:8, 16:2, 16:8, 16:11-13, I Cô-rinh-tô 3:5, 4:4-5).
Bởi vì Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời, do đó Sứ đồ Phao-lô đã nói rõ rằng sự tôn kính thờ phượng mà người tin Chúa thời xưa đã dành cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời trong Cựu Ước thể nào: “Ta đã chỉ mình mà thề, lời công bình ra từ miệng ta sẽ chẳng hề trở lại: mọi đầu gối sẽ quì trước mặt ta, mọi lưỡi sẽ chỉ ta mà thề. Người ta sẽ luận về ta rằng: sự công bình và sức mạnh chỉ ở trong Đức Giê-hô-va, người ta sẽ đến cùng Ngài. Mọi kẻ giận Ngài sẽ bị hổ thẹn. Cả dòng dõi Y-sơ-ra-ên sẽ được xưng công bình trong Đức Giê-hô-va, và nhờ Ngài mà được vinh hiển.” (Ê-sai 45-23-25), thì Đức Chúa Trời muốn người tin Chúa ngày nay cũng hãy thờ phượng Đức Chúa Jesus như vậy: “Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jesus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jesus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” (Phi-líp 2:9-11).
- Đức Chúa Jesus là Chúa là một tín lý quan trọng của người tin Chúa
Kinh Thánh cho biết khi một người tin nhận Chúa thì Đức Thánh Linh ngự vào lòng người đó và xác nhận người đó thuộc về Chúa (Rô-ma 8:16). Sứ đồ Phao-lô nói rõ nếu không bởi sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh thì không một ai có thể xưng nhận Đức Chúa Jesus là Chúa “Nếu Đức Thánh Linh không hướng dẫn thì cũng không ai xưng “Đức Chúa Jesus là Chúa!”” (I Cô-rinh-tô 12:3). Vì vậy việc xưng nhận Đức Chúa Jesus là Chúa, và Ngài đã chết và sống lại, là một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của một người tin Chúa “Vậy nếu miệng anh em xưng Đức Chúa Jesus là Chúa, và lòng anh em tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại thì anh em sẽ được cứu” (Rô-ma 10:9). Sứ đồ Phao-lô cũng giải thích rằng Đức Chúa Jesus là Chúa và Ngài là Đấng sáng tạo, bảo quản cả vũ trụ cùng với Đức Chúa Trời “chúng ta thì chỉ có một Đức Chúa Trời là Cha, Đấng tạo dựng muôn vật, và chúng ta sống vì Ngài; cũng chỉ có một Chúa là Đức Chúa Jesus Christ, muôn vật nhờ Ngài mà có, chúng ta cũng nhờ Ngài mà hiện hữu.” (I Cô-rinh-tô 8:6).
- Tin nhận Chúa là chấp nhận sống dưới sự hướng dẫn của Chúa
Sứ đồ Phao-lô giải thích một người sau khi tin Chúa thì cuộc đời của người đó được giao phó cho Chúa (I Cô-rinh-tô 7:22). Thân thể của người tin Chúa là Đền Thờ của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 3:16), và được dùng cho Chúa hay “vì Chúa“ (I Cô-rinh-tô 6:13). Tất cả những người tin Chúa đều được ở “trong Chúa“ (Rô-ma 16:2, 16:8, 16:11-13), sẽ nhóm họp lại “nhân danh Chúa“ (I Cô-rinh-tô 5:4), và làm việc theo sự hướng dẫn của Chúa (I Cô-rinh-tô 4:19, 16:7). Những người tin Chúa thông công với nhau trong bữa tiệc của Chúa (I Cô-rinh-tô 11:20). Người tin Chúa trông chờ “ngày của Chúa” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2), là lúc Chúa trở lại (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17; I Cô-rinh-tô 1:7-8).
Truyền Thống Của Hội Thánh Ban Đầu
Bên cạnh những lời giải thích của Sứ đồ Phao-lô, các sứ đồ khác cũng dạy rằng Đức Chúa Jesus là Chúa.
Tác giả thư Gia-cơ tự nhận mình là một nô lệ của Chúa (Gia-cơ 1:1). Ông khuyên người tin Chúa hãy khiêm cung trước mặt Chúa (Gia-cơ 4:10), hãy nhân danh Chúa xức dầu cầu nguyện cho người bị bệnh (Gia-cơ 5:14). Tác giả thư Gia-cơ cho biết Chúa là Đấng ban thưởng cho người phục vụ Ngài (Gia-cơ 1:7, 1:12). Chúa là Đấng cho phép người tin Chúa thực hiện việc này hay việc kia (Gia-cơ 4:15). Tác giả thư Gia-cơ khuyên người tin Chúa hãy kiên nhẫn chờ ngày trở lại của Chúa (Gia-cơ 5:7-8).
Giống như Sứ đồ Phao-lô, Sứ đồ Phi-e-rơ nhiều lần nhấn mạnh rằng Đức Chúa Jesus là Chúa (I Phi-e-rơ 1:3; II Phi-e-rơ 1:2, 1:8, 1:11, 1:14, 1:16, 2:20, 3:2, 3:18). Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết lời của Chúa còn lại đời đời (I Phi-e-rơ 1:25). Người tin Chúa có thể nếm biết sự ngọt ngào trong đạo của Chúa (I Phi-e-rơ 2:3). Vì danh của Chúa, người tin Chúa cần biết sống thuận phục (I Phi-e-rơ 2:13, 3:6). Người tin Chúa hãy tôn kính Chúa trong lòng của mình (I Phi-e-rơ 3:15). Chúa có quyền giải cứu người tin Chúa khỏi hoạn nạn (II Phi-e-rơ 2:9). Các thiên sứ cũng tôn kính Chúa (II Phi-e-rơ 2:11). Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nhắc đến ngày của Chúa (II Phi-e-rơ 3:10). Ông giải thích rằng thời gian chỉ có giá trị tương đối đối với Chúa; và Chúa là Đấng Thành Tín, Ngài giữ trọn lời hứa của Ngài (II Phi-e-rơ 3:9-10), lý do Chúa chưa trở lại đó là vì lòng nhân từ của Ngài muốn dành thêm thời gian để nhiều người có cơ hội ăn năn (II Phi-e-rơ 3:15). Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên người tin Chúa nên tăng trưởng trong sự hiểu biết Chúa (II Phi-e-rơ 3:18).
Một số ký thuật khác trong Tân Ước cho thấy những sự dạy dỗ về rằng Đức Chúa Jesus là Chúa đã phổ biến trong cộng đồng Hội Thánh thời ban đầu. Trong thư II Cô-rinh-tô, Sứ đồ Phao-lô đã nhiều lần nhắc đến danh hiệu Chúa của Đức Chúa Jesus mà không cần lời giải thích. Cuối bức thư, trong câu 16:32 Sứ đồ Phao-lô viết lời cầu chúc manaratha trong nguyên văn Aramaic, mà không cần dịch sang tiếng Hy Lạp. Từ ngữ manaratha nghĩa là “Chúa của chúng ta, xin hãy đến!” (marana: Chúa của chúng ta, và tha: “đến”) Cách viết này cho thấy những tín hữu trong Hội Thánh ban đầu đã quen thuộc với danh hiệu Chúa của Đức Chúa Jesus, và đã sử dụng trong sự giao tiếp với nhau trong sinh hoạt của Hội Thánh.
Tóm Lược
Chúa là một trong ba danh hiệu của Đức Chúa Jesus đã được thiên sứ công bố cho các mục đồng trong đêm Đức Chúa Jesus. Trong nguyên văn Hy Lạp, chữ Chúa theo ý nghĩa thiêng liêng mô tả Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus là Chúa, và Ngài chính là Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cũng cho biết không ai có thể xưng nhận Đức Chúa Jesus là Chúa nếu không bởi sự cảm thúc của Đức Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 12:3). Khi xưng nhận Đức Chúa Jesus là Chúa, người tin Chúa xác nhận thẩm quyền thiên thượng của Ngài trên cả vũ trụ và trên chính đời sống của mình. Trong bài cầu nguyện mà Đức Chúa Jesus đã dạy, người tin Chúa cần dâng sự suy tôn, vinh quang, quyền năng và vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng vì Đức Chúa Jesus cũng là Đức Chúa Trời, người tin Chúa cần dâng sự suy tôn, vinh quang, quyền năng và vinh hiển cho Đức Chúa Jesus (Phi-líp 2:9-11).
Phước Nguyên – Những Danh Hiệu Và Biểu Tượng Của Đức Chúa Jesus
Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.