Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Kiến Thức Kinh Thánh: Chàng Rể

Kiến Thức Kinh Thánh: Chàng Rể

Kiến Thức Kinh Thánh: Chàng Rể

Lời Ban Biên Tập

Tháng Hai năm 2016 có một tuần khá đặc biệt. Thứ Hai ngày 8/2/2016 là ngày Mồng Một Tết, thứ Tư ngày 10/2/2016 là Lễ Tro, và Chúa Nhật 14/2/2016 là ngày Valentine. Tết khởi đầu cho mùa xuân, mùa của tình yêu, mùa cưới. Lễ Tro là ngày khởi đầu mùa tưởng niệm Đức Chúa Jesus chịu thống khổ và hy sinh. Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây về Chàng Rể, một trong những danh hiệu của Đức Chúa Jesus. Danh hiệu Chàng Rể được Chúa dùng để báo trước về sự hy sinh của Ngài cho công chúng. Bài viết là một phần trong loạt bài giới thiệu những kiến thức căn bản trong Kinh Thánh cho những người mới làm quen với Kinh Thánh do các cộng tác viên của Thư Viện Tin Lành thực hiện.

Chàng Rể

Chàng Rể là một trong những danh hiệu mà Đức Chúa Jesus đã dùng để chỉ về chính mình Ngài.

Tác giả Phúc Âm Mác kể lại rằng có một người đã đến hỏi Đức Chúa Jesus: “Tại sao các môn đồ của Giăng và các môn đồ của phái Pha-ri-si đều kiêng ăn, còn các môn đồ của Thầy không kiêng ăn?” (Mác 2:18)

Đức Chúa Jesus đã trả lời: “Những người trong tiệc cưới có thể kiêng ăn khi Chàng Rể còn ở với họ sao? Khi Chàng Rể còn ở với họ, họ không cần kiêng ăn.” (Mác 2:19)

Những người theo Do Thái giáo nhiệt thành thường kiêng ăn mỗi tuần hai lần vào thứ Hai và thứ Sáu, là những ngày mà họ tin rằng Môi-se đã lên núi Si-nai trong những ngày đó. Vì dòng Pha-ri-si tuân giữ giáo luật cách nghiêm nhặt cho nên các thành viên của dòng này kiêng ăn hằng tuần. Các môn đệ của Giăng Báp-tít, theo truyền thống của Do Thái giáo, cũng thực hành điều này.   Tuy nhiên các môn đệ của Đức Chúa Jesus không kiêng ăn; do đó, Đức Chúa Jesus và các môn đệ của Ngài đã bị một số người soi mói và phê bình.

Câu trả lời của Đức Chúa Jesus trong Mác 2:19 không chỉ giải đáp thắc mắc của người đến hỏi Ngài nhưng còn mang những ý nghĩa sâu xa hơn. Khi Đức Chúa Jesus xưng nhận Ngài là Chàng Rể, những người Pha-ri-si, vốn thông thạo Cựu Ước, hiểu rõ Ngài muốn nói gì.

Trong Thánh Kinh Cựu Ước, mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và người Do Thái, hay dân của Ngài, thường được so sánh như là quan hệ giữa Chàng Rể và Cô Dâu. Hơn 700 năm trước đó, Tiên tri Ô-sê đã ghi lại lời của Đức Chúa Trời đã nói với người Do Thái như sau: “Ta sẽ cưới ngươi cho ta đời đời; ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự công bình và chánh trực, nhân từ và thương xót” (Ô-sê 2:19).

Để diễn tả tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho dân Do Thái, Tiên tri Ô-sê đã so sánh tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho dân của Chúa như là tình yêu của một Chàng Rể dành cho Cô Dâu của mình. Đức Chúa Trời yêu dân của Ngài và muốn kết chặt với họ trong mối tương giao mật thiết với Ngài.

Tiên tri Ê-sai cũng dùng hình ảnh tương tự để diễn tả niềm vui của Đức Chúa Trời về dân của Ngài. “Như chàng rể vui mừng vì cô dâu, Đức Chúa Trời của các ngươi cũng vui mừng vì các ngươi” (Ê-sai 62:5).

Vì vậy, những người nghe câu trả lời của Đức Chúa Jesus vào lúc đó hiểu Ngài nói gì: Đức Chúa Jesus cho biết Ngài là Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, không phải chỉ có Đức Chúa Jesus dùng danh hiệu Chàng Rể để nói về chính Ngài, nhưng Giăng Báp-tít cũng đã dùng danh hiệu này để giới thiệu Đức Chúa Jesus. Có lần, khi có người đến nói với Giăng Báp-tít rằng Đức Chúa Jesus là Đấng mà ông đã giới thiệu trước đó, bây giờ đang thu hút rất nhiều người đến với Ngài; Giăng Báp-tít đã trả lời: “Tôi không phải là Ðấng Christ, nhưng tôi chỉ là người được sai đến trước Ngài. Cô dâu dành cho chàng rể, nhưng bạn của chàng rể, đứng bên cạnh, lắng nghe, rất vui khi nghe tiếng chàng rể. Ðó là niềm vui trọn vẹn của tôi bây giờ” (Giăng 3:29).

Giăng Báp-tít cho biết ông chỉ là bạn của Chàng Rể, là người đến trước để chuẩn bị cho Chàng Rể; nhưng chính Đức Chúa Jesus mới chính là Chàng Rể. Ngài là Đấng Christ, là Đức Chúa Trời, đã đến trong thân xác của con người, để kết thân không phải chỉ với dân Do Thái nhưng với cả loài người. Giăng Báp-tít đã vui mừng vì dân của Chúa đã đến với Ngài, bởi vì họ vốn thuộc về Ngài. Là bạn của Chàng Rể – là một trong rất nhiều người đã góp phần cho đám cưới – Giăng Báp-tít hãnh diện và vui mừng vì được đứng bên cạnh Chàng Rể, được lắng nghe, và được chứng kiến sự kiện quan trọng đang diễn ra.

Sứ đồ Phao-lô cũng đóng vai trò tương tự như Giăng Báp-tít tại Hội Thánh Cô-rinh-tô. Sứ đồ Phao-lô đã viết: “Tôi đã gả anh em cho một người chồng duy nhất, trình diện anh em như một trinh nữ tinh khiết cho Đấng Christ” (II Cô-rinh-tô 11:2). Tuy nhiên, khác với Giăng Báp-tít, Sứ đồ Phao-lô không được vui, bởi vì thái độ của các tín hữu tại Hội Thánh Cô-rinh-tô đối với Chúa: “Nhưng tôi sợ rằng, như Ê-va bị con rắn dùng mưu lừa dối thế nào, thì tư tưởng của anh em cũng bị hư hỏng, mất sự chân thật và tinh sạch đối với Đấng Christ như vậy” (II Cô-rinh-tô 11:3). Sứ đồ Phao-lô lo ngại các tín hữu tại Cô-rinh-tô, với sự hiểu biết còn đơn sơ về Chúa, có thể bị lừa dối bởi những dạy dỗ sai lạc thâm độc từ những kẻ âm mưu chống nghịch Chúa khiến họ mất đức tin thuần khiết nơi Đức Chúa Jesus Christ.

Trong Mác 2:19, Đức Chúa Jesus đã giải thích cho người đã hỏi Ngài lý do tại sao các môn đệ của Chúa không kiêng ăn. Họ không cần kiêng ăn cầu nguyện trong lúc này bởi vì họ không phải lo lắng tìm cầu thêm một nhu cầu nào khác – bởi vì chính Đức Chúa Trời chí cao đang ở với họ. Khi một người được Đức Chúa Trời ở cùng, người đó chỉ sống trong niềm vui và tận hưởng những giây phút phước ah5nh bên cạnh Chúa mà thôi.

Bên cạnh lời giải thích nêu trên, câu trả lời của Đức Chúa Jesus còn mang một ý nghĩa khác. Đức Chúa Jesus nói thêm: “Nhưng sẽ đến lúc chàng rể bị đem đi khỏi họ, lúc đó họ sẽ kiêng ăn” (Mác 2:20). Đức Chúa Jesus báo trước sẽ có lúc, Chàng Rể sẽ bị bắt đem đi. Ngày vui giữa Chàng Rể với những người bạn của mình bị gián đoạn. Lúc đó, các bạn của Chàng Rể sẽ kiêng ăn.

Những điều Chúa báo trước, đã ứng nghiệm một thời gian sau đó. Đức Chúa Jesus đã bị bắt và bị tử hình. Các môn đệ của Chúa đã buồn rầu và sầu não. Mặc dầu các sách Phúc Âm nhiều lần ghi lại chuyện Đức Chúa Jesus báo trước cho các môn đệ về sự hy sinh của Ngài, nhưng đây là lần đầu tiên Đức Chúa Jesus công bố điều này cho công chúng.

Tóm lại, mục đích chính trong câu trả lời của Đức Chúa Jesus được ghi lại trong Mác 2:19-20 không phải chỉ để trả lời thắc mắc của người Pha-ri-si về vấn đề kiêng ăn, nhưng để công bố việc Ngài sẽ bị bắt và bị giết. Đức Chúa Jesus cho biết sự chết của Ngài không phải là chuyện ngẫu nhiên, xảy ra do sự toan tính của loài người, nhưng đó là một phần trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời, và đó là sứ mạng mà Ngài đến thế gian. Đức Chúa Jesus đã biết trước điều đó và sẵn sàng thực hiện điều đó.

Khi Đức Chúa Jesus trình bày về niềm vui của tiệc cưới, Ngài đã nhìn thấy hình ảnh sầu đau của những người theo Ngài trong ngày Chúa bị treo trên thập tự. Tuy nhiên, bóng đêm tang thương của sự chết không kéo dài lâu. Niềm vui sẽ tái diễn sau ngày Chúa phục sinh; và tiệc vui huy hoàng sẽ diễn ra bất tận khi Chàng Rể, là Đức Chúa Jesus, đoàn tụ với Cô Dâu, là Hội Thánh của Ngài, trên thiên đàng.

Khải Huyền, sách cuối cùng trong Kinh Thánh, đã mô tả ngày vui đó như sau: “Ngày cưới của Chiên Con đã đến, và cô dâu của Ngài đã chuẩn bị mình sẵn sàng. Nàng được ban cho một trang phục bằng vải gai mịn, tinh bạch, và rạng ngời để mặc; vì vải gai mịn tượng trưng cho những việc công chính của các thánh đồ” (Khải Huyền 19:7-8).

Tác giả sách Khải Huyền viết tiếp: “Phước cho những người được dự tiệc cưới của Chiên Con” (Khải Huyền 19:9) – Là những người tin Đức Chúa Jesus, chúng ta trông mong được tham dự ngày vui trọng đại đó.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

©2012-2019 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top