Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Âm Nhạc » Johann S. Bach: Đức Chúa Jesus Là Niềm Vui Của Con – Jesu, meine Freude

Johann S. Bach: Đức Chúa Jesus Là Niềm Vui Của Con – Jesu, meine Freude

Thánh ca: Đức Chúa Jesus Là Niềm Vui Của Con (BWV 227)
Nguyên tác: Jesu, meine Freude
Lời: Johann Franck (1650)
Giai điệu: Johann Crüger (1653)
Hòa âm và hợp xướng:  Johann Sebastian Bach
Trình bày: Vocal Consort Berlin

Vài Nét Về Thánh Ca: Đức Chúa Jesus Là Niềm Vui Của Con (BWV 227)

Tác Giả

Chúa Jesus – Niềm Vui Của Con (Jesu, meine Freude) là một thánh ca do Johann Franck (1618-1677), là một nhà thơ, và cũng là một người viết thánh ca người Đức trong thế kỷ thứ 17 sáng tác. Bài thánh ca này được xuất bản vào năm 1650.

Johann Franck vốn là một chính trị gia. Ông từng làm thị trưởng của thành phố Königsberg của Đức. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, thành phố này bị người Nga chiếm và được đổi tên thành Kaliningrad (Калинингра́д). Về mặt địa dư, Königsberg không gắn liền với Nga; dầu vậy thành phố này vẫn thuộc chủ quyền của Nga cho tới ngày hôm nay.

Đầu thế kỷ 16, khi Phong Trào Cải Chánh diễn ra, dân chúng tại Königsberg hân hoan đón nhận niềm tin của người Tin Lành. Năm 1544, Viện Đại Học Königsberg được thành lập. Sau đó, trường đại học này trở thành một trong những trung tâm quan trọng dạy tư tưởng của người Tin Lành.

Một trong những đặc điểm của Phong Trào Cải Chánh vào thời đó là các tín hữu Tin Lành khi đến thờ phượng Chúa, không phải chỉ nghe ban hát lễ trình bày thánh ca, nhưng mỗi người đều cùng hát thánh ca. Đây là một nghi thức thờ phượng đã được dạy trong Thánh Kinh từ thời Cựu Ước cho đến Tân Ước. Những người lãnh đạo Phong Trào Cải Chánh đã khôi phục lại nghi thức thờ phượng này và khuyến khích mọi tín hữu cùng hát thánh ca tôn ngợi Chúa.

Thánh Kinh cũng khích lệ người tin Chúa sáng tác những thánh ca mới. Tác giả Thi Thiên viết rằng: “Hãy hát cho Đức Giê-hô-va một bài ca mới vì Ngài đã làm những việc diệu kỳ” (Thi Thiên 98:1).

Tại Königsberg, việc biên soạn thánh ca mới được chú trọng.  Thành phố Königsberg, có một câu lạc bộ của những nhà thơ mang tên là Hội Thi Ca Königsberg (Königsberger Dichtergruppe). Hội viên của hội thi ca này là những thi sĩ và nhạc sĩ tên tuổi như Simon Dach (1605–1659), Heinrich Albert (1604–1651), Robert Roberthin (1600–1648), … Bên cạnh những bài thơ tả cảnh tả tình, những thi sĩ này đã viết rất nhiều bài thơ đã được dùng làm thánh ca để tôn ngợi Chúa.

Hoàn Cảnh Sáng Tác

Là thị trưởng, và cũng là hội viên của hội thi ca của thành phố, Johann Franck đã sáng tác khá nhiều thơ. Những bài thơ của Johann Franck được xuất bản thành hai tập. Một trong hai tập thơ đó mang tựa đề Teutsche Gedichte, enthaltend geistliches Zion samt Vaterunserharfe nebst irdischem Helicon oder Lob-, Lieb-, Leidgedichte, etc (Guben, 1674).  Tuy nhiên, 340 năm sau khi những tập thơ này được phát hành, những bài thơ tả tình, tả cảnh của Johann Franck bây giờ không mấy người nhớ; chỉ có hơn 40 bài thơ ca ngợi Chúa, được in trong cuốn Thánh Ca của Hội Thánh Lutheran Đức, là vẫn còn phổ biến rộng rãi cho tới ngày hôm nay.

Johann Franck sáng tác thánh ca Jesus, meine Freude vào năm 1650. Ông viết bài thánh ca này để trình bày một tình yêu, tương phản với tình yêu mà Heinrich Albert, một người bạn của Johann Franck – và cũng là người đàn organ cho thánh đường chính tại Königsberg  – đã viết trong bản tình ca nổi tiếng Flora, meine Freude, được Heinrich Albert phổ biến vào năm 1645.

Lời Ca:

Jesu, meine Freude
Lời Đức: Johann Franck (1650)

1. Jesu, meine Freude,
Meines Herzens Weide,
Jesu, meine Zier,
Ach wie lang, ach lange
Ist dem Herzen bange
Und verlangt nach dir!
Gottes Lamm, mein Bräutigam,
Außer dir soll mir auf Erden
Nichts sonst Liebers werden.

2. Unter deinem Schirmen
Bin ich vor den Stürmen
Aller Feinde frei.
Laß den Satan wittern,
Laß den Feind erbittern,
Mir steht Jesus bei.
Ob es itzt gleich kracht und blitzt,
Ob gleich Sünd und Hölle schrecken:
Jesus will mich decken.

3. Trotz dem alten Drachen,
Trotz des Todes Rachen,
Trotz der Furcht darzu!
Tobe, Welt, und springe,
Ich steh hier und singe
In gar sichrer Ruh.
Gottes Macht hält mich in acht;
Erd und Abgrund muss verstummen,
Ob sie noch so brummen.

4. Weg mit allen Schätzen!
Du bist mein Ergötzen,
Jesu, meine Lust !
Weg ihr eitlen Ehren,
Ich mag euch nicht hören,
Bleibt mir unbewusst!
Elend, Not, Kreuz, Schmach und Tod
Soll mich, ob ich viel muss leiden,
Nicht von Jesu scheiden.

5. Gute Nacht, o Wesen,
Das die Welt erlesen,
Mir gefällst du nicht.
Gute Nacht, ihr Sünden,
Bleibet weit dahinten,
Kommt nicht mehr ans Licht!
Gute Nacht, du Stolz und Pracht!
Dir sei ganz, du Lasterleben,
Gute Nacht gegeben.

6. Weicht, ihr Trauergeister,
Denn mein Freudenmeister,
Jesus, tritt herein.
Denen, die Gott lieben,
Muß auch ihr Betrüben
Lauter Zucker sein.
Duld ich schon hier Spott und Hohn,
Dennoch bleibst du auch im Leide,
Jesu, meine Freude.

Jesus! Priceless Treasure
Lời Anh: Catherine Winkworth (1863)

1. Jesus, priceless Treasure,
Source of purest pleasure,
Truest Friend to me.
Ah, how long in anguish
Shall my spirit languish,
Yearning, Lord, for Thee?
Thou art mine, O Lamb divine!
I will suffer naught to hide Thee,
Naught I ask beside Thee.

2. In Thine arms I rest me;
Foes who would molest me
Cannot reach me here.
Though the earth be shaking,
Every heart be quaking,
Jesus calms my fear.
Lightnings flash and thunders crash;
Yet, though sin and hell assail me,
Jesus will not fail me.

3. Satan, I defy thee;
Death, I now decry thee;
Fear, I bid thee cease.
World, thou shalt not harm me
Nor thy threats alarm me
While I sing of peace.
God’s great power guards every hour;
Earth and all its depths adore Him,
Silent bow before Him.

4. Evil world, I leave thee;
Thou canst not deceive me,
Thine appeal is vain.
Sin that once did bind me,
Get thee far behind me,
Come not forth again.
Past thy hour, O pride and power;
Sinful life, thy bonds I sever,
Leave thee now forever.

5. Hence, all thought of sadness!
For the Lord of gladness,
Jesus, enters in.
Those who love the Father,
Though the storms may gather,
Still have peace within;
Yea, whatever we here must bear,
Still in Thee lies purest pleasure,
Jesus, priceless Treasure!

Nội Dung

Bài thơ Jesu, meine Freude gồm 6 phiên khúc, mỗi phiên khúc có 9 câu.

Phiên khúc thứ nhất – Jesu, meine Freude – bộc lộ một tình yêu tha thiết dành cho Đức Chúa Jesus, cùng nỗi nhớ nhung và niềm trông mong được hiệp nhất với Ngài.  Trong phiên khúc này, Đức Chúa Jesus được nhắc đến qua hình ảnh Chiên Con. Trong lời ca, tình yêu nồng nàn sâu đậm dành cho Chúa được thể hiện như là tình yêu của một cô dâu (Hội  Thánh) dành cho người chồng yêu dấu của mình (Đức Chúa Jesus). Những hình ảnh ẩn dụ này đã được Sứ đồ Phao Lô giải thích trong các Thư Tín và Sứ đồ Giăng ghi lại trong sách Khải Huyền.

Chủ đề của phiên khúc thứ hai là nương mình dưới sự chở che của Chúa (Unter deinem Schirmen). Phiên khúc thứ hai mô tả sự bảo vệ của Chúa dành cho người tin Ngài trước những tấn công của Satan. Lời thơ nói rằng trong tay Chúa, người tin Ngài sẽ được an nghỉ, không kẻ thù nào của người ấy có thể xâm phạm.  Dựa trên Thánh Kinh Cựu Ước và những điều dạy dỗ trong các Thư Tín của Phao Lô, tác giả viết rằng dầu đất rúng động, dầu sấm vang rền, dầu sét đánh, dầu mọi tấm lòng kinh hãi, nhưng Chúa đã xua tan tất cả những nỗi lo sợ đó và làm cho lòng tác giả được bình an.  Chúa không bao giờ để cho tác giả thất vọng.

Phiên khúc thứ ba là những lời công bố chống trả Satan (Trotz dem alten Drachen). Được ở trong sự chở che của Chúa, người tin Ngài không chỉ cảm thấy bình an nhưng còn có sức mạnh để chống trả những kẻ thù đã từng tấn công mình.  Trong ba câu đầu của phiên khúc thứ ba, tác giả đã thách thức ba kẻ thù là Satan, Sự Chết và Sợ Hãi. Người tin Chúa dám thách thức như vậy vì Đức Chúa Trời, là Đấng mà trái đất và mọi vật dưới đất tôn ngợi và phủ phục trước mặt Ngài, đã dùng quyền năng của Ngài chăm sóc, gìn giữ người ấy từng giờ.  Vì cảm nhận luôn được an ninh giữa mọi nghịch cảnh, nên người tin Chúa có thể cất cao tiếng hát (Thi Thiên 23:4).

Trong phiên khúc thứ tư – Weg mit allen Schätzen – tác giả đã nói lời giã biệt với phú quý và danh vọng. Chỉ có Đức Chúa Jesus là niềm vui và hạnh phúc của tác giả. Tác giả sẵn sàng chấp nhận nghèo khổ, đau đớn, sĩ nhục, gánh chịu thập tự, và chấp nhận cả sự chết, nhưng không bao giờ lìa xa Chúa.

Phiên khúc thứ năm Gute Nacht bao gồm bốn lời từ biệt: từ biệt thế giới, từ biệt tội lỗi, từ biệt kiêu ngạo danh vọng, và từ biệt nếp sống ô tội.  Những cám dỗ của thế giới bây giờ không còn tác dụng nữa.  Tội lỗi từng trói buộc tác giả ngày xưa, bây giờ đã lùi vào quá khứ, và sẽ không trở lại nữa.  Tác giả chia tay vĩnh viễn với những tham vọng, những kiêu ngạo, và nếp sống tội lỗi xấu xa.

Phiên khúc thứ sáu – Weicht, ihr Trauergeister– mô tả Đức Chúa Jesus là cội nguồn của niềm vui.  Dù cho cuộc đời có những sầu khổ như thế nào, khi Đức Chúa Jesus bước vào, mọi buồn đau sẽ tan biến, bởi vì Đức Chúa Jesus là Chúa của niềm vui. Đối với những người tin nơi tình yêu của Đức Chúa Trời, dù họ vẫn bị giông tố phủ vây, nhưng sự bình an của Chúa sẽ tràn đầy.  Dầu người tin Chúa phải gánh chịu thử thách, nhưng trong Chúa người đó sẽ nhận được niềm vui thuần khiết nhất.  Lời thơ khẳng định: Đức Chúa Jesus quả thật là một kho tàng vô giá.

Vì nội dung của bài thơ nói về việc lìa bỏ danh lợi quyền trong cuộc sống, bài thánh ca đôi khi được dùng để hát trong tang lễ.

Phổ Nhạc

Bài thơ  Chúa Jesus – Niềm Vui Của Con (Jesu, meine Freude) rất được yêu chuộng trong cộng đồng Tin Lành người Đức. Bài thơ được các nhạc sĩ Friedrich Wilhelm Zachow, Johann Gottfried Walther, George Frederic Handel (HWV 480), Friedrich Wilhelm Marpurg, Johann Gottfried Müthel, Max Reger (Op. 76/21, 1902), Sigfrid Karg-Elert (Op. 87, No. 2), Reinhard Schwarz-Schilling (1927), Karl Höller (Op. 22, 1936), Joseph Ahrens (1942) and Max Drischner (1945) phổ nhạc.

Về phần nhạc sĩ Johann Sebastian Bach, ông đã nhiều lần viết nhạc cho bài thơ này; trong đó có tác phẩm BWV 610, và một phần trong tác phẩm Orgelbüchlein.  Bach cũng đã dùng trích đoạn bài thơ trong cantata Weinen, Klagen, Sorgen, Zagen, (BWV 12 – 1714). Ông đã kết thúc Christmas cantata Sehet, welch eine Liebe hat uns der Vater erzeiget, (BWV 64 – 1723) với phiên khúc thứ năm, và kết thúc cantata Jesus schläft, was soll ich hoffen? (BWV 81-1724) với phiên khúc thứ hai.

Tuy nhiên, tác phẩm nổi tiếng nhất mà Johann Sebastian Bach đã viết cho bài thơ này là Jesu, meine Freude (BWV 227).  Bài thánh ca được viết trong cung Mi thứ (Em).  Xen vào 6 phiên khúc của bài thơ, Bach đã dùng 5 phân đoạn Kinh Thánh được trích trong Rô-ma 8:1-2, 4, 9-11 để viết nên một tác phẩm gồm 11 ca khúc.

Ca khúc đầu tiên là phiên khúc thứ nhất của bài thơ. Ca khúc này bày tỏ tình yêu sâu đậm dành cho Chúa.  Ca khúc thứ hai dựa trên hai câu Kinh Thánh Rô-ma 8:1 và 8:4.  Lời trong ca khúc cho biết người tin Chúa không còn sống dưới quyền cai trị của xác thịt, nhưng sẽ sống theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.  Họ không còn bị kết tội nữa bởi vì họ đã được Đức Chúa Jesus cứu chuộc.

Ca khúc thứ ba là phiên khúc thứ hai của bài thơ. Do người tin Chúa đã được Đức Chúa Jesus cứu chuộc nên họ sống bình an trong sự chở che của Đức Chúa Trời.

Nội dung của ca khúc thứ tư trích từ Rô-ma 8:2.  Đức Thánh Linh, là Đấng ban sự sống trong Đức Chúa Jesus, đã giải phóng người tin Chúa khỏi luật pháp của tội lỗi và sự chết.  Do đó, trong ca khúc thứ năm – phiên khúc thứ ba của bài thơ – người tin Chúa có thể chống trả lại Satan, Sự Chết và Sự Sợ Hãi.

Ca khúc thứ sáu dựa trên Rô-ma 8:9. Người tin Chúa không còn sống theo xu hướng của xác thịt, nhưng sống theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Vì thế, trong ca khúc thứ bảy – là phiên khúc thứ tư của bài thơ – người tin Chúa sẵn sàng vui lòng giã biệt với phú quý và danh vọng trong cõi đời này.

Trong ca khúc thứ tám, Johann Sebastian Bach dùng Rô-ma 8:10 nhắc người tin Chúa rằng: Đức Chúa Jesus đang ngự trong cuộc đời của họ; dù thân thể họ có thể bị hủy hoại nhưng tâm linh của họ vẫn sống, vì đã được xưng là công chính.  Vì vậy, người tin Chúa có thể từ biệt thế giới, từ biệt tội lỗi, từ biệt kiêu ngạo danh vọng, và từ biệt nếp sống ô tội – như những điều đã được nhắc đến trong ca khúc thứ chín là phiên khúc thứ năm của bài thơ.

Ca khúc thứ mười dựa trên Rô-ma 8:11.  Câu Kinh Thánh này nhắc rằng Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong lòng người tin Chúa, chính là Đấng đã làm cho Đức Chúa Jesus sống lại; và do đó, Ngài có năng quyền để ban sự sống cho người tin Ngài.

Lời ca khúc thứ mười một – là phiên khúc thứ sáu của bài thơ – đã khẳng định rằng: Đức Chúa Jesus là Chúa của niềm vui, Chúa của hy vọng, và Ngài chính là nguồn phước hạnh vô biên.

Mời bạn đọc lắng nghe bài thánh ca cổ điển này.

Châu Thanh
Tháng 7/2014

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Violin_03

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top