Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Âm Nhạc » Johann Sebastian Bach: Christmas Oratorio

Johann Sebastian Bach: Christmas Oratorio

Vài Nét Về Tác Phẩm

Christmas Oratorio (BWV 248)Trường Ca Giáng Sinh – là một tác phẩm của nhạc sĩ nổi tiếng Johann Sebastian Bach (1685-1750). Cùng với George Frideric Handel,  Johann Sebastian Bach được công nhận là hai nhạc sĩ hàng đầu của trường phái Baroque.  Johann Sebastian Bach sáng tác Christmas Oratorio để trình diễn vào mùa Giáng Sinh năm 1734 tại hai nhà thờ Tin Lành Lutheran St. Nicholas và St. Thomas tại Leipzig, Đức.

Bố Cục

Trường Ca Giáng Sinh gồm sáu phần thuật lại những nét chính trong sự tích Chúa giáng sinh được ghi lại trong Thánh Kinh Tân Ước.

  • Phần I: Chúa giáng sinh.
  • Phần II: Thiên thần loan báo cho mục đồng.
  • Phần III: Các mục đồng tôn thờ Chúa.
  • Phần IV: Lễ cắt bì và đặt tên cho Chúa.
  • Phần V: Hành trình của các nhà thông thái.
  • Phần VI: Các nhà thông thái đến tôn thờ Chúa.

Cấu Trúc

Mỗi phần của Trường Ca Giáng Sinh được bắt đầu với một khúc Kinh Thánh ngắn nhắc lại bối cảnh câu chuyện.  Sau đó, nội dung câu chuyện được thuật lại bằng những ca khúc được trình bày bởi ban hợp xướng hoặc bởi ca sĩ đơn ca với phần phụ họa của dàn nhạc. Toàn bộ Trường Ca Giáng Sinh kéo dài hơn 2 giờ 35 phút.

Trình Diễn

Vào thời Trung Cổ, cũng như trong một số cộng đồng Cơ Đốc ngày nay, lễ giáng sinh được kỷ niệm suốt hai tuần lễ, bắt đầu từ lễ Giáng Sinh (25/12) đến lễ Khải Tỏ (8/1).  Khi biên soạn Trường Ca Giáng Sinh, Johann Sebastian Bach đã chia tác phẩm thành sáu phần để trình bày trong sáu lễ thờ phượng khác nhau trong mùa giáng sinh năm 1734.

  • Phần I được trình bày vào sáng ngày 25/12/1734 tại nhà thờ St. Nicholas và vào buổi tối tại nhà thờ St. Thomas tại Leipzig, Đức quốc.
  • Phần II được trình bày vào sáng ngày 26/12/1734 tại nhà thờ St. Thomas và vào buổi tối tại nhà thờ St. Nicholas.
  • Phần III được trình bày vào sáng ngày 27/12/1734 tại nhà thờ St. Nicholas.
  • Phần IV được trình bày vào sáng ngày 1/1/1735 tại nhà thờ St. Nicholas và vào buổi tối tại nhà thờ St. Thomas.
  • Phần V được trình bày vào sáng ngày 2/1/1735 tại nhà thờ St. Nicholas.
  • Phần VI được trình bày vào sáng ngày 6/1/1735 tại nhà thờ St. Thomas và vào buổi tối tại nhà thờ St. Nicholas.

Âm Nhạc

Để soạn Trường Ca Giáng Sinh, Johann Sebastian Bach đã dùng một số tác phẩm mà ông đã sáng tác hoặc soạn hòa âm trước đó, biên soạn lại cả nhạc lẫn lời cho phù hợp với nội dung lễ giáng sinh.

Bên cạnh những thánh nhạc,  trong đó có hai thánh ca quen thuộc với nhiều tín hữu Tin Lành Việt Nam là bài Thánh Thủ (Thánh Ca số 98) và Bức Thành Kiên Cố (Thánh ca số 41), Johann Sebastian Bach đã dùng ba bài cantatas, mà các nhà nghiên cứu gọi là nhạc thế tục do chính Johann Sebastian Bach sáng tác là Laßt uns sorgen, laßt uns wachen (BWV 213), Tönet, ihr Pauken! Erschallet, Trompeten! (BWV 214), và Preise dein Glücke, gesegnetes Sachsen (BWV 214) trong Trường Ca Giáng Sinh.  Tuy nhiên, vì lời thánh ca phù hợp thật nhuần nhuyễn với nhạc của những cantatas này; do đó có ý kiến khác cho rằng có thể  Johann Sebastian Bach đã sáng tác những cantatas nói trên cho thánh nhạc; và vào những dịp đặc biệt, Johann Sebastian Bach đã đặt lời mới cho những cantatas này để chúc mừng hoặc bày tỏ lòng tôn kính cho những người mà ông quý mến.  Vì những cantatas đó phổ biến rộng rãi bên ngoài Hội Thánh nên nhiều người nghĩ rằng những cantatas đó là nhạc thế tục.

Mời bạn đọc cùng theo dõi phần I-III của Trường Ca Giáng Sinh.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành
Tháng 11/2013

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top