Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Lịch Sử » Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 6.b

Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 6.b

jib
Những Chủng Viện Tại Thành Thị

Hóa ra Em-ma-nu-ên lại là trường độc nhất vô nhị với đồi và thung lũng cỏ xanh tách rời phần còn lại của Trung Quốc.  Hàng trăm chủng viện khác nằm rải rác ở các ngoại ô và thành thị trên khắp đất nước.  Một vài tuần sau đó, tôi đã đến thăm một chủng viện thầm lặng khác tại một thành phố chính ở phía tây nam của Trung Quốc.  Ðịa điểm mà tôi được đưa tới là một số căn hộ, một trong năm căn hộ đó được dùng làm chủng viện.  Lần này, ngoài việc đi trong xe tải cửa bọc tôn, tôi cũng phải cuối đầu xuống để đi qua khu căn hộ này.  Thậm chí nếu những người đi thăm là người Trung Quốc nếu họ không chú ý nhìn kỹ thì họ cũng không thể nhận ra nơi này, và quá nhiều điều không lường trước được như bị công an có thể bắt bất cứ lúc nào.

Chủng viện thành thị này đã được xây dựng với sự trợ giúp của nhóm hội thánh Mỹ.  Các hội thánh này từ nhiều năm đã cố gắng giúp những Hội Thánh Tư Gia Trung Quốc về quản trị, tài chánh, phát triển học trình, tài liệu huấn luyện.  Một người Mỹ tên là Bob (không phải tên thật) sống trong thành phố này đã giúp điều phối sự phát triển của chủng viện.  Bob biết khá rõ về các lãnh đại của Hội Thánh tư gia, và đã qua một thời gian gầy dựng được sự tin cậy cơ bản với họ.  Một phụ nữ Trung Quốc làm phụ tá cho Bob, cô là người kết hôn với một người Mỹ và tin Chúa chỉ trước khi theo học tại một trường học tại Mỹ.  Cô ta đã vận dụng những hiểu biết của mình về thành phố này để giúp tổ chức các chủng viện. Bob, người tôi đã gặp lần đầu ở Hồng Kông, đã giúp sắp xếp chuyến đi thăm của tôi đến chủng viện ở thành phố này.

Trong cả thành phố này có khoảng 240 học viên nam nữ dâng trọn thời giờ để theo học chương trình huấn luyện tại chủng viện rải rác ở năm căn hộ khác nhau này.  Trong số họ có người đang chuẩn bị rời Trung Quốc để làm giáo sĩ cho thế giới Hồi Giáo và đang chờ đợi những thầy giáo đến để dạy tiếng Ả-rập, Urdu, In-đô, và nhiều ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh.  Tôi có ghé thăm một chủng viện khác nằm ngay trung tâm của thành phố và từ trên xuống chỉ có bốn tầng.  Ba mươi sinh viên và bốn giáo viên sống trong căn nhà, nhưng điều ngạc nhiên là việc cư trú đông đúc này lại không tạo ra sự chú ý nào.  Căn phòng lớn nhất, có lẽ là phòng khách của căn hộ trước đây, là phòng học chính, và có đủ chổ để bàn và ghế cho tất cả ba mươi học viên ngồi nghe giáo viên dạy.

Các giáo viên của chủng viện được phân công trực tiếp từ những mạng lưới Hội Thánh Tư Gia chính và tất cả dường như đều có nhiều kinh nghiệm thực tế như là những chứng đạo viên, những mục sư, những người tổ chức lớp học ở nhiều nơi khác nhau của Trung Quốc.  Quả là những việc nhức đầu đối với họ.  Nhiều lần công an từng viếng thăm căn hộ này trước đây, đòi biết tại sao có nhiều người bên ngoài thành phố hiện diện ở đây.  Những giáo viên tại đây giải thích rằng những học viên này đang học tiếng Anh, dĩ nhiên là điều này có thật, và họ cố gây ấn tượng về việc đây chỉ là một trong rất nhiều trung tâm tư thục chật chội dạy tiếng Anh nổi lên như nấm trên khắp Trung Quốc vì ngày càng nhiều người Trung Quốc tìm cách qua Mỹ du học.

Thế nhưng với tôi thì dường như đó không phải là câu chuyện thuyết phục.  Không có một biểu hiện thông thường nào thể hiện đây là một trong những trường dạy tiếng Anh của nước ngoài: không có một áp phích du lịch, không minh họa nào về thành phố New York, không có một cụm từ hay một vựng tiếng Anh nào viết trên bảng.  Tôi đề nghị là ít nhất họ nên bao bọc bên ngoài chủng viện với những gì thể hiện là một trường dạy tiếng Anh.  Nhưng tôi không nghĩ là tôi thuyết phục được những giáo viên ở đây.

Một giáo viên giải thích “Nếu công an đến, chúng tôi sẽ mở cửa ngay.  Chúng tôi sẽ chuyển tất cả những sách vở tôn giáo và Kinh Thánh xuống phòng riêng của người chủ nhà.”  Ðược thôi, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu công an không chờ đợi một cách lịch sự cho đến khi mọi tài liệu Cơ Ðốc để dạy học được di chuyển từ phòng học xuống phòng của người chủ nhà?  Ðiều gì xảy ra nếu họ xông vào thình lình?  Cô giáo vừa rồi lại phản ứng “Chúng tôi có sách học tiếng Anh, nhưng họ đã nghi ngờ chúng tôi là trường học Cơ Ðốc vì họ thấy phòng ở của học viên, vật dụng nấu ăn, và nhiều thứ khác.”

Ðược thôi.  Vậy là căn hộ đã bị nghi ngờ.  Có lẽ nó cũng đang bị theo dõi.  Tôi nhìn lại đồng hồ.  Chúng tôi đã ở đây gần nữa giờ đồng hồ rồi.

Những học viên, kể cả trường hợp của chủng viện Em-ma-nu-ên, đều đến từ khoảng mười một tỉnh thành khác nhau ở Trung Quốc.  Một học viên đến từ tỉnh Cam Túc khá xa, gần miền tây của Tân Cương.  Anh ta thổ lộ: “Nếu tôi nói với ông là tôi không nhớ gia đình mình thì điều đó không đúng.  Nhưng chúng tôi không dám gọi điện về nhà vì cuộc điện đàm sẽ bị nghe trộm.”

Những nan đề nội bộ như vậy cũng gặp phải ở năm căn hộ được dùng làm những chủng viện kia.  Một trong những chủng viện này có một nam học viên bị đuổi về vì đem lòng yêu một nữ học viên và không muốn giữ gìn luật cấm trong vấn đề hẹn hò và tỏ ra thân thiết với nhau trong viện.  Một ví dụ khác, bảy học viên bị phát hiện nhiễm viêm gan.  Họ phải về nhà để tránh lây lan cho người khác.

Việc cô lập cách cứng nhắc càng nghiêm khắc với học viên trong môi trường thành thị hơn là những nơi đồi núi hẻo lánh như ở Em-ma-nu-ên.  Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi với anh bạn cùng phòng thì bạn không thể tìm chổ đi dạo được, bạn không được phép rời khỏi căn nhà.  Các học viên chỉ được phép ra ngoài theo nhóm nhỏ, nhưng họ phải rất cẩn thận về những gì họ nói với người lạ.

Paul Yang, hai mươi bốn tuổi, từ tỉnh Hà Nam nói “Điều tôi khó chịu nhất là tôi được huấn luyện để rao giảng Phúc Âm, nhưng khi gặp người khác thì lại không nói gì với họ được.  Dĩ nhiên một trong những điều ích lợi nhất đó là tôi được dạy về lẽ thật mỗi ngày.  Tôi có thể nhìn thấy bức tranh lớn hơn.  Khải tượng của tôi được mở rộng ra.  Tôi có đức tin tin rằng rồi sẽ có một ngày Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia Cơ Ðốc.  Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó Ðức Chúa Trời sẽ mở cửa cho Trung Quốc để người dân có thể đi ra ngoại quốc rao giảng Tin Lành.”

Một trong những giáo viên của Paul là Mark, ba mươi tuổi, cũng từ Hà Nam, đã từng tham gia chiến dịch chia xẻ Tin Lành sáu tháng khắp Trung Quốc của Liên Hữu Ðường Hà vào năm 1994.  Anh ta từng chịu trách nhiệm cho một trường trong một năm tại Hà Nam và nói anh ta nghĩ rằng chỉ mạng lưới Ðường Hà thôi thì cũng đã có đến gần sáu mươi chủng viện khắp Trung Quốc rồi.  Tất cả mọi nhóm ở đây có khoảng chừng hai trăm chủng viện.

Trong tất cả những giáo viên của những chủng viện mà tôi gặp thì Mark dường như thận trọng với những vấn đề an ninh liên quan đến những học viện học ở những chủng viện thầm lặng nhiều hơn hết.  Theo Mark, một trong những chủng viện tại Hà Nam đã bị khám xét vào tháng Chín năm 2000, và một trong những học viên tên Liu Haitao, chỉ mới hai mươi tuổi, đã bị công an đánh chết.  Anh ấy thật sự là một Cơ Ðốc nhân tử đạo.  Mặc dù có rất nhiều người Trung Quốc tử đạo, những học viên đang học ở những chủng viện này dường như không lường trước điều này được.

Có khoảng hai trăm chủng viện từ bốn mạng lưới Hội Thánh Tư Gia chính:  Phương Thành, Ðường Hà, Tái Sanh và An Huy, nhưng tổng số những chủng viện thực sự hoạt động tại Trung Quốc có thể ít hơn hai trăm.  Chúng tôi gặp một người Mỹ gốc Ðại Hàn dạy ở một chủng viện ở Bắc Kinh trong một năm phải dời nơi cư trú sau vài tháng trước khi chính quyền biết đến.  Chủng viện này có hai điều khác thường.  Ðó là chủng viện được tổ chức và tài trợ bởi những Cơ Ðốc nhân Ðại Hàn, và họ khuyến khích những người tốt nghiệp từ những chủng viện của Hội Thánh Tam Tự theo học.  Người giáo viên Mỹ gốc Ðại Hàn dạy ở đây nói rằng anh ta dạy về sự hòa giải vốn đem lại sự nhẹ nhàng trong mối bất hòa giữa các học viên từ Hội Thánh Tư Gia và những người tốt nghiệp từ Hội Thánh Tam Tự.

Ðể đáp lại điều này đã thúc đẩy sự tham gia của hàng giáo phẩm cấp dưới của Hội Thánh Tam Tự tại Diễn Ðàn Bắc Kinh, cuộc gặp gỡ lịch sử tại Bắc Kinh vào năm 2002 giữa các lãnh đạo Cơ Ðốc Trung Quốc, Ðại Hàn và Mỹ.  Chi tiết của diễn đàn này được bàn luận trong chương 10.

Chủng viện do người Ðại Hàn sáng lập tại Bắc Kinh chưa từng bị chính quyền quấy rầy, nhưng Wenshou, một học viên từng học tại chủng viện này nói rằng anh ta tin là chính quyền có thể dính líu đến vụ đụng xe dẫn đến việc một cấp lãnh đạo cấp cao người Ðại Hàn của chủng viện qua đời ở Bắc Kinh vào năm 2002.

Người giáo viên Mỹ gốc Ðại Hàn tôi gặp thì không đồng ý với ý kiến này nhưng anh ta biết về vụ tranh cãi tại Bắc Kinh giữa công an thành phố và chính quyền trung ương.  Các cấp chính quyền thành phố ban hành những qui định hà khắc về hoạt động tôn giáo đối với những người theo Phong Trào Pháp Luân Công chống chính quyền tại quảng trường Thiên An Môn.  Theo như giáo viên này, công an cấp trung ương tại thành phố càng lo lắng hơn về những phản ứng mạnh mẽ của nước ngoài nếu công an mạnh tay với những hoạt động Cơ Ðốc khác nhau trong thành phố.  Có vẻ như chính quyền trung ương nhận thức được rằng những Cơ Ðốc nhân không phải là “những người cuồng tín” và ít nguy hiểm hơn so với Pháp Luân Công.

Gíao Sư Ji Tai

Tại một khách sạn ở Thượng Hải, tôi đã có dịp nói chuyện với cựu giáo sư tại Chủng Viện Thần Học Tổng Hợp Nam Kinh (Jinling Union Theologocial Seminary) ở Nam Kinh.  Anh là người có thể biết về hoạt động của các chủng viện thầm lặng của Trung Quốc hơn bất cứ ai.  Anh là Ji Tai, một trí thức Cơ Ðốc được đào tạo từ Ðức, người nhanh chóng đứng vào những hàng ngũ của Hội Thánh Tam Tự với chức vụ là phó trưởng khoa tại chủng viện này, thường chỉ gọi đơn giản là Chủng Viện Nam Kinh, cho đến khi anh bị nghỉ việc vào năm 2000.

Ji Tai đã từng được Giám Mục Ding Guangxun, Viện Trưởng Chủng Viện Nam Kinh và Tổng Thư Ký Hội Thánh Tam Tự che chở.  Anh sinh năm 1958 ở Wuxi, tỉnh Giang Tô trong một gia đình với người cha làm công nhân trong một xưởng dệt, và mẹ là giáo viên.  Năm mười bảy tuổi anh được gửi về quê.  Ba năm sau anh trở lại Wuxi và làm việc trong cùng một xưởng với cha mình.  Nhưng với sở thích tìm tòi văn chương cổ điển Tây Phương cuối cùng đã đưa anh đến với niềm tin Cơ Ðốc.

Dù là một công nhân, cha của Ji đọc sách rất nhiều và đã có cách để đọc Kinh Thánh tại nhà trong suốt thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa.  Vì lý do nào đó Ji Tai cũng thích đọc Kinh Thánh, nhưng khi anh đọc thì lại không thật sự hiểu nhiều.  Rồi sau đó anh bắt đầu đi nhà thờ Tam Tự trong thành phố, nơi đó anh gặp một cụ già là một tín hữu tin kính sốt sắng.  Ông cụ này nói cho Ji Tai biết về tội lỗi và Thập Tự Giá và giúp cho Ji Tai có một hiểu biết cơ bản về Cơ Ðốc Giáo.  Ji Tai tin Chúa vào năm 1980.

Ba năm sau anh thi vào Chủng Viện Thần Học Nam Kinh và được gọi nhập học.  Dù cha của ông không vui về quyết định này – điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh mất việc làm tại xưởng dệt với khoảng 60 nhân dân tệ (chừng 12 USD vào năm 1983) một tháng.  Anh là một trong số bốn mươi người vượt qua kỳ thi trong tổng cộng bốn trăm thí sinh.

Sau khi học từ 1983-1987 tại chủng viện này, anh đã dành ra một năm để quản nhiệm một hội thánh Tam Tự nhỏ và ở miền quê.  Hội Thánh này yêu mến anh vì anh là người có tâm tình chăn bầy, dễ tính và sống thật lòng.  Với mảnh bằng cử nhân, Ji vui vẻ ngủ yên trong bốn bức tường nhà thờ nhưng cũng rất thích gặp gỡ những người sốt sắng đi nhóm lại. Những người này luôn có mặt lúc 5 giờ sáng mỗi Chúa Nhật để cầu nguyện và được khải đạo.

Ji luôn giữ liên lạc với những người thầy cố vấn của mình tại Nam Kinh, luôn cả Giám Mục Ding. Năm 1988, nhận thấy đây là một người trẻ tuổi thông minh đầy hứa hẹn, giới chức của Chủng Viện Nam Kinh sắp xếp cho Ji Tai đi học ngoại ngữ và thần học tại Ðức.  Anh bắt đầu tại Munich, và sau đó chuyển đến Heidelberg và Stuttgart, tại đây  anh học về ngôn ngữ Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp.  Anh nói rằng trong vài tháng đầu ở Munich, “thần học ở đây hơi tự do, nhưng tôi có cơ hội để sống cùng với những anh chị em Cơ Ðốc thật.”  Ji cũng đã giúp một Mục sư Hoa kiều đang chăn bầy cộng đồng Cơ Ðốc Hoa Kiều của thành phố này.

Tôi hỏi Ji Tai tại sao các giới chức của Chủng Viện Nam Kinh mạo hiểm gửi anh đi học ở Châu Âu.  Anh ta trả lời thẳng thừng, “Chiến lược của Ding Guangxun muốn dùng những người Tin Lành thuần túy, kể cả thầy của tôi, Wang Weifan, để tạo liên hệ.  Mục đích của ông ấy là trở thành chứng nhân cho Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, không phải cho Chúa Giê-su Christ.”  Dù điều này có đúng hay không thì cách phán quyết thẳng thắn như vậy mô tả mối quan hệ của Ji với Giám mục Ding từ đó về sau, và cuối cùng dẫn đến quyết định của anh chia tay với Nam Kinh.

Anh từ Ðức về nước năm 1981 và lập tức bắt đầu việc giảng dạy môn Giảng Luận (nghệ thuật giảng dạy) tại Chủng Viện Nam Kinh.  Dù có vị trí thuận lợi và đặc biệt không đòi hỏi nhiều, Ji vẫn không nghỉ ngơi.  Anh được chính thức thụ phong Mục sư năm 1992 trong một buổi lễ có nhiều Mục sư, khách mời và cả Giám mục Ding.  Nhưng tấm lòng của anh dường như vẫn cùng với những tín hữu chân chất ở thôn quê, những người anh biết họ và yêu thương trong quãng thời gian một năm chăn bầy sau khi tốt nghiệp chủng viện và trước khi đi Châu Âu.  Thỉnh thoảng, những Hội Thánh Tam Tự, không phải Hội Thánh Tư Gia, đã mời anh đến giảng cho họ và làm báp-têm cho những người mới tin Chúa.  Anh giải thích, “Hầu hết những giáo sư chủng viện không bao giờ đến những vùng thôn quê như vậy.  Tôi đã làm báp-têm cho rất nhiều người.  Ở tỉnh An Huy, tôi đã báp têm hơn ba trăm người từ sáng đến chiều.”

Những chuyến đi về miền quê của Ji Tai bắt đầu có những để ý tiêu cực.  Một số giáo sư bắt đầu tức giận vì họ không được mời giảng nhiều như anh.  Những người khác, ngay cả Ding, cũng nghĩ rằng Ji đang thúc đẩy việc thừa nhận hoạt động Mục sư trong Hội Thánh Tam Tự.  Dù là Viện Trưởng của chủng viện, Ding đã không nói trực tiếp bất cứ điều gì với Ji, nhưng các giới chức khác trong chủng viện đã đưa ra những nguyên tắc khắt khe với số lần trong một học kỳ mà một giáo sư được phép rời trường để làm công tác mục vụ.

Sự xung đột đi đến quyết định cắt đứt với ông Giám mục Ding vào năm 1998, khi Ding bắt đầu đẩy mạnh phổ biến “Thần Học Cấu Trúc” của mình trong chủng viện cũng như trong Hội Thánh Tam Tự.  “Thần Học Cấu Trúc” của Ding nặng về chính trị, nổ lực để kềm chế Tin Lành theo một khuôn khổ tương thích với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội.  (xem phụ lục C.)

Ji đã viết ba bài báo tiếng Hoa và tiếng nước ngoài cho những tạp chí thần học lên án một cách dứt khoát “Thần Học Cấu Trúc.”  Ðiều này làm Ding giận dữ.  “Ðiểm chính của tôi là chúng ta phải phân biệt giữa chính trị và tôn giáo.  Tôi nói trong những bài báo của tôi rằng hai điều này không giống nhau.  Quan điểm của tôi đó là chúng ta không thể lấy chuẩn mực chính trị để xét tôn giáo.  Tôi cũng đã nói tôn giáo không đơn thuần là đạo đức chính trị.  Chỉ “phục vụ con người” Ji Tai nói như vậy, trích khẩu hiệu đã được Mao Trạch Ðông đặt ra và phổ cập sau này.

Các giới chức của Chủng Viện Nam Kinh muốn đẩy Ji ra ngoài, nhưng vào sau những năm 1990 thì điều này trở nên khó làm nếu chỉ là những vấn đề “thần học.”  Họ đã tìm thấy lý do một cách dễ dàng khi trong một cuộc truy quét của công an, Ji bị bắt gặp đang dạy tại một chủng viện thầm lặng ở Thượng Hải.  Tháng Sáu năm 2000, Ji bị sa thải ra khỏi chủng viện với lý do “có những hoạt động tôn giáo phạm pháp” và chống lại chính sách giáo dục của chủng viện.  Trong lỗi phạm thứ hai Ji liên quan đến việc không đến lớp dạy học các môn học hằng tuần theo như quy định cho tất cả các giáo viên của chủng viện.

Ý thức rằng anh đã phá vỡ những điều cấm kỵ của Hội Thánh Tam Tự vì đã đến với những Hội Thánh Tư Gia, Ji biết là tương lai của mình với Hội Thánh Tam Tự coi như chấm dứt.  Anh quyết định chú tâm vào việc giảng dạy cho những chủng viện thầm lặng tại Thượng Hải cũng như các nơi khác ở Trung Quốc.  Anh phỏng đoán là chỉ Thượng Hải không thôi thì đã khoảng gần một trăm chủng viện thầm lặng khác nhau, và anh nghĩ rằng con số những chủng viện như vậy trên khắp Trung Quốc có thể lên đến một ngàn.

Trong khi giảng dạy cho những lớp học của mình trong chủng viện, anh cũng còn phục vụ như là một giáo sư, mục sư cho một nhóm các Hội Thánh Tư Gia không thôi mà còn trong hàng ngũ lãnh ngũ lãnh đạo ban ngành của Hội Thánh Tam Tự.  Họ là những người bất mãn với “Thần Học Cấu Trúc” của Ding mà họ bị ép buộc phải theo.  Làm việc tại Thượng Hải cũng như trong những vùng ngoại ô, Ji đã có cơ hội gặp gỡ một thế hệ sinh viên mới của Thượng Hải từ những đại học lớn đang quay trở lại Cơ Ðốc giáo.  Anh nói rằng, “Có nhiều sinh viên đại học tại Thượng Hải trở thành Cơ Ðốc nhân.  Tôi biết điều này sẽ đóng một vai trò to lớn cho tương lai của Trung Quốc.”

Huấn Luyện Một Thế Hệ Mới

Trương Dung Lương một lãnh đạo tự phát, một lần kia giải thích về việc tiếp nhận chương trình đào tạo của mình ở đâu với một tác giả Cơ Ðốc người Anh đến viếng thăm.  Ông ta nói: “Nhà tù Trung Quốc là chủng viện của tôi.  Còng tay và roi điện của công an là phương tiện của chúng tôi.  Ðó là sự huấn luyện đặc biệt của Ðức Chúa Trời cho Phúc Âm.”

Thật sự đây có thể là điều đúng, nó từng là cách huấn luyện khá dĩ duy nhất – trong lúc các Cơ Ðốc nhân tại Trung Quốc vẫn còn cảm nhận họ đang thoát ra khỏi những thập kỷ cô lập và liên tục bị bách hại trong những năm 1980.  Nhưng đến giữa những năm 1990, việc huấn luyện những mục sư và lãnh đạo cho một thế hệ mới lại trở nên cần thiết vô cùng.  Dĩ nhiên, vấn đề lớn nhất đó là vì nhà nước vẫn tiếp tục đòi hỏi các Hội Thánh Tư Gia phải đăng ký với các cấp chính quyền và thông qua họ với Hội Thánh Tam Tự, nên tất cả các công tác huấn luyện đều phải thầm lặng.  Hội thánh địa phương và những nhóm các Hội Thánh Hoa Kỳ, Hồng Kông, Ðài Loan và Ðại Hàn đã giúp đỡ bằng nhiều cách khác nhau để đáp ứng nhu cầu, cung cấp tài liệu, ủng hộ tài chánh, và thường có những giáo viên tình nguyện đầy ơn đến giúp cho những khóa học ngắn hạn.  Những chủng viện thầm lặng cũng giúp huấn luyện những lãnh đạo mới cho cộng đồng Cơ Ðốc đang tăng nhanh tại đất nước Trung Quốc này.

Cũng cần giải thích điều này: tại sao Hội Thánh Tam Tự muốn tất cả các hoạt động Cơ Ðốc Tin Lành tại Trung Quốc phải quy phục họ?  Phải chăng Hội Thánh Tam Tự chẳng khác gì hơn là một con rối của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, và từ buổi đầu, vai trò lãnh đạo đã bị thỏa hiệp, và thần học, thực chất gần giống như một phiên bản của chủ nghĩa Mác-xít?  Hay là Hội Thánh Tam Tự đang làm những gì họ cho là tốt để bảo vệ ít ra là bề ngoài của Cơ Ðốc Giáo tại Trung Quốc trong hơn năm thập niên qua, khi những chính sách của đất nước chao đảo từ thái cực này đến thái cực khác dưới thời Mao Trạch Ðông?

 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top