Chúa Giê-xu Tại Bắc Kinh – Chương 1a
Chương Một: Chúa Giê-xu Đến Bắc Kinh
Mười tám du khách Hoa Kỳ thăm viếng Trung Quốc không mong chờ gì từ một buổi diễn thuyết đã được định trước. Họ mệt nhoài sau một ngày thăm viếng Bắc Kinh, song điều họ nghe từ diễn giả làm cho họ ngạc nhiên.
“Một trong những vấn đề chúng tôi được yêu cầu nghiên cứu là điều gì đã giúp cho sự thành công, hay đúng ra sự siêu việt của Tây Phương trên khắp thế giới.” Ông ta nói “Chúng tôi nghiên cứu tất cả mọi vấn đề từ mọi phương diện khác nhau: lịch sử, kinh tế, văn hóa. Lúc đầu chúng tôi nghĩ lý do chính là quý vị có nhiều súng mạnh hơn chúng tôi. Sau đó chúng tôi nghĩ là quý vị có một hệ thống chính trị tốt nhất. Sau đó chúng tôi lại chú tâm vào hệ thống kinh tế, nhưng trong hai mươi năm qua, chúng tôi nhận thấy là trọng tâm văn hóa của quý vị là tôn giáo: Cơ Ðốc giáo. Ðó là lý do tại sao Phương Tây quá mạnh. Nền tảng đạo đức Cơ Ðốc của đời sống xã hội và văn hóa là điều đã giúp cho sự xuất hiện của tư bản rồi đến dân chủ trong chính trị. Chúng tôi không nghi ngờ gì về điều này.”
Ðây không phải là ý kiến của một tổ chức nghiên cứu bảo thủ từ Orange County, California, cũng không phải từ Ðại Học Liberty của Mục sư Jerry Falwell ở Lynchburg, Virginia. Ðây là lời phát biểu từ một học giả của một viện nghiên cứu uy tín nhất của Trung Quốc, Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc (Chinese Academy of Social Sciences (CASS) tại Bắc Kinh (Beijing) vào năm 2002. Dầu Hàn Lâm Viện này nổi tiếng từ buổi đầu là đã tìm cách nghiên cứu những địa hạt khó chấp nhận tại Trung Quốc, nhưng đây không phải là chỗ của các nhà có tư tưởng tự do.
Chúng ta tạm gọi ông là Tiến sĩ Wu, một học giả thông minh vào lứa tuổi 30. Ông ta nói tiếng Anh tuyệt vời, là chuyên viên nghiên cứu về tôn giáo có kiến thức rộng không những chỉ về các vấn đề tại Trung Quốc, song về lịch sử của Tây Phương và đặc biệt là của Hoa Kỳ. Trong buổi thuyết trình dành cho các khách Hoa Kỳ, ông cho họ ghi lại các điều ông nói, ngay cả ghi âm, song ông không muốn được chụp hình, và dùng tên thật của ông.
Những người Mỹ này không thuộc về 12 triệu du khách mỗi năm thường đến thăm quan Trung Quốc; dầu họ có đi thăm quan các nơi du lịch như Vạn Lý Trường Thành (Great Wall), Lâu Ðài Mùa Hạ (Summer Palace), và một tiệm ăn chuyên về vịt Bắc Kinh trong chuyến đi tám ngày nầy. Hành trình của họ được gọi là “Hành Trình Thăm Viếng Gia Sản Cơ Ðốc tại Trung Quốc (A Christian Heritage Tour of China). Nhóm này gồm có 12 chuyên gia trung lưu, phần lớn là các mục sư từ Texas và California, sáu người là vợ của các vị này; và họ đến Trung Quốc để xem những gì còn lại của gia sản Cơ Ðốc trong lịch sử của Trung Quốc.
Dầu các nhà cầm quyền trong lãnh vực du lịch của Trung Quốc vui mừng làm thỏa mãn nhu cầu kỳ dị của những người Mỹ về khảo cổ Giáo Hội, các du khách này chờ đợi nghe quan điểm cổ lỗ của cộng sản về tôn giáo như là thuốc phiện của dân và giáo sĩ là công cụ của đế quốc Tây Phương, chứ không phải là lối quan sát về Cơ Ðốc này từ một thành viên của viện nghiên cứu số một của Trung Quốc.
Có phải Cơ Ðốc giáo đã đi sâu hơn vào văn hóa và xã hội của Trung Quốc như người bên trong và bên ngoài Trung Quốc trước đây suy nghĩ? Câu trả lời của tôi là phải, như sách này dựa trên nhiều thập niên tìm tòi về đề tài, nhiều thời gian viết về Trung Quốc vào mùa hè và mùa thu năm 2002 sẽ cho thấy. Cho kỳ xuất bản này tôi còn gồm tin tức mới từ cuộc thăm viếng Trung Quốc vào tháng Bảy năm 2004, tất cả điều này cũng đưa đến kết luận tương tự.
Có Bao Nhiêu Cơ Đốc Nhân Tại Trung Quốc?
Có bao nhiêu tín hữu tại Trung Quốc? Câu trả lời không đơn giản. Như một phần của cuộc du lịch các du khách Mỹ này thăm viếng một số nhà thờ lớn mà chính quyền cộng sản từ thập niên 1970 cho phép mở cửa lại tại Bắc Kinh cũng như những nơi khác. Một số các nhà thờ này đã được xây dựng hàng chục năm trước trong thời kỳ hoạt động mạnh mẽ của các giáo sĩ tại Trung Quốc.
Họ ngạc nhiên khi thấy các nhà thờ này thường đầy người, không những chỉ trong ngày Chúa Nhật song những ngày trong tuần trong các giờ thờ phượng và các giờ giảng dạy khác.
Tổ chức Tin Lành duy nhất được Ðảng Cộng Sản cho phép hoạt động cách chính thức là Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc (China Christian Council – CCC), một tổ chức bao gồm các nhà thờ được chính phủ cho phép. Về phía Công Giáo thì có Hội Công Giáo Yêu Nước (Catholic Patriotic Association – CPA). Ðó là các tổ chức tôn giáo chính thức được hoạt động.
Tổ chức CCC được thành lập vào đầu thập niên 1980 để giúp cho Giáo Hội Tin Lành có hệ thống tạo một khoảng cách nhỏ giữa các tổ chức chính phủ được Ðảng Cộng Sản thành lập vào thập niên 1950 để kiểm soát các Giáo Hội Tin Lành Trung Quốc. Tổ chức này gọi là Phong Trào Yêu Nước Tam Tự (Three-Self Patriotic Movement – TSPM), một tổ chức hành chánh nhằm mục đích theo dõi các Giáo Hội Tin Lành để họ theo đúng các mục tiêu chính trị và xã hội của Bắc Kinh. Như chúng ta thấy, liên hệ giữa Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc và Phong Trào Tam Tự nhiều lúc giẫm lên nhau. Hội Ðồng Tin Lành Trung Quốc thường xưng là họ có 15 triệu tín hữu đã nhận Lễ Báp Têm từ các Hội Thánh trong toàn cõi Trung Quốc. Hội Công Giáo Yêu Nước cho mình có 6 triệu người Công Giáo Báp-têm đã được đăng ký.
Song các con số nầy không được xem là đáng tin cậy ngay cả bởi công an nhà nước. Tổ chức này trong các năm qua đã cho biết có ít nhất 25 triệu Cơ Ðốc nhân tại Trung Quốc, song các tín hữu bên trong Trung Quốc và các nhà quan sát ngoại quốc của Trung Quốc tin là số người Cơ Ðốc tại Trung Quốc đang tham dự các nhà thờ không được chính quyền cho phép, các nhà thờ tư gia, có thể gấp 3, 4 lần con số các nhà thờ được chính phủ thừa nhận.
Thật thế, số người tin Chúa tại Trung Quốc cả Công Giáo lẫn Tin Lành có thể lên đến 80 triệu, hơn cả số 21 triệu là số chính phủ đưa ra. Một mục sư trong phong trào Tam Tự ước đoán là số tín hữu Tin Lành có thể lên đến 1/10 dân số và các du khách Hoa Kỳ được một số nhân viên chính phủ (không phải từ phong trào Tam Tự hay các tổ chức liên hệ) cho biết là con số có thể lên đến 100 triệu. Nhưng thực tế là không ai biết được con số thật. Ðiều chúng ta biết là Cơ Ðốc giáo đã phát triển với tốc độ cao từ năm 1979 khi Trung Hoa bắt đầu nới những hạn chế hoạt động tôn giáo bắt đầu từ các thập niên 60 trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa.
Cơ Đốc Nhân Ở Mọi Nơi
Như đã rõ từ các năm 1980 Cơ Ðốc nhân bắt đầu lộ diện, song họ không xưng nhận là Cơ Ðốc nhân trong Ðảng Cộng Sản. Trong thập niên 1990 có một điều gì khác lạ xuất hiện. Tôi bắt đầu gặp các nhà tri thức, học giả, các nhà khoa học xã hội, thương gia, nghị sĩ và nhạc sĩ. Một số là đảng viên song hầu hết không phải là đảng viên. Rõ ràng họ là Cơ Ðốc nhân, và họ xác nhận với tôi một cách riêng tư về điều này.
Tôi bắt đầu nhận thấy số người thăm viếng Trung Quốc gia tăng, một số là người Hoa, một số là người Tây Phương. Họ có nhiều câu chuyện về việc gặp gỡ các Cơ Ðốc nhân trong toàn quốc. Tôi chưa sẵn sàng tiếp nhận điều tôi học biết được từ họ.
Năm 2000, một số các nhà lãnh đạo Liên Hữu Phương Thành (Fengcheng Fellowship), một trong những mạng lưới các nhà thờ tư gia lớn nhất, đến Quảng Châu (Guangzhou) đã đến gặp tôi và cho tôi biết về tình trạng hiện tại của Cơ Ðốc giáo tại Trung Quốc. Từ đó tôi nhận biết là tiến bộ của Cơ Ðốc giáo tại Trung Quốc không phải là những gì nằm trong các tờ tường trình hàng năm của các ban truyền giáo tại các nhà thờ miền Nam nước Mỹ, thường được gọi là Vòng Ðai Kinh Thánh (Bible Belt).
Từ những nông dân cho đến các tầng lớp cao của xã hội Trung Quốc, Cơ Ðốc nhân đã có mặt. Nói về con số, họ vẫn là thiểu số, có lẽ 7,8 phần trăm của một dân số 1.2 tỉ người. Nhưng họ đã được chú ý, và họ xuất hiện ở những nơi ít người tưởng đến.
Các Tòa Lãnh Sự và Viên Chức Chính Phủ:
Tôi biết tối thiểu là ba trong sáu tòa Tổng Lãnh Sự Trung Quốc tại Hoa Kỳ có Cơ Ðốc nhân trong vòng các nhân viên lãnh sự. Tòa Ðại Sứ Trung Quốc tại Tokyo có một tín hữu. Có thể nói là tín hữu Cơ Ðốc đều có mặt tại các Tòa Ðại Sứ Trung Quốc ở Âu Châu, Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh. Tôi khám phá là có Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh, chánh án, luật sư là tín hữu tại Trung Quốc, và các luật gia đang làm việc hăng hái để thực hiện luật tự do tôn giáo và rộng hơn là vấn đề luật trị, không chỉ những Cơ Ðốc nhân thôi, để họ không bị quấy rầy, song để đảm bảo tự do tôn giáo cho tất cả mọi tôn giáo.
Thương Gia:
Trong các tầng lớp thương gia tại Trung Quốc cũng có các tín hữu, kể cả những người giàu nhất tại Trung Quốc. Zhang Jian, 42 tuổi, cùng em của anh ta đi thành lập công ty Broad chuyên về máy lạnh. Hai ông là người Trung Quốc đầu tiên có máy bay riêng. Ông Zhang trở nên tín hữu Cơ Ðốc vào năm 2001, và rất nhiệt tâm liên kết với các thương gia Cơ Ðốc khắp nước. Ông ta không phải là người duy nhất. Các nhà CEO chủ các tập đoàn Cơ Ðốc thường họp tại các thành phố kể cả Bắc Kinh và Thượng Hải để bàn về đạo đức thương mại và cách nào họ có thể làm gương.
Tài Tử, Ca Sĩ Và Các Nhân Vật Khác:
Tại Trung Quốc cũng có các tài tử, ca sĩ, nhạc trưởng là Cơ Ðốc nhân; những người này xác nhận họ là Cơ Ðốc nhân một cách công khai hơn là những người trong các ngành nghề khác. Trong hai năm liên tiếp từ năm 2002 Phòng Nhạc tại Cấm Thành ở Bắc Kinh (Forbidden City Concert Hall), Trường Ca Messiah của Handel được trình diễn do hai ca đoàn của ban nhạc Ðại Hòa Tấu Quốc Gia (National Symphony Orchestra) dưới sự hướng dẫn của nhạc trưởng Su Wenxing, một Cơ Ðốc nhân. Ðiều đặc biệt hơn hết là có bài viết về buổi trình diễn và về chính ông Xu được đăng trên tờ báo China Daily. Báo này trích ông Xu khi ông này tuyên bố “Các nhà sáng tác nhạc nổi tiếng như Bach và Handel là những Cơ Ðốc nhân trung thành.” Ông Xu còn sử dụng tên Cơ Ðốc của mình là Timothy. Ông nói từ ngày tôi trở thành Cơ Ðốc nhân (năm 1990) tôi có một hiểu biết mới về các bản nhạc, và tôi đã hướng dẫn các bản nhạc đó tốt hơn. Tờ báo nhận thấy Xu là một thanh niên trẻ, chỉ 30 tuổi, và đã trích lời bình luận của một trong các nhạc trường nổi tiếng của Trung Quốc cho ông Xu là một trong các nhạc trưởng điều khiển các bản trường ca và nhạc tôn giáo giỏi nhất của Trung Quốc.(1) “Dầu vậy từ năm 2002, Xu không được phép hướng dẫn nhạc tại Trung Quốc nữa.”
Trong ngành báo chí, từ địa phương cho đến quốc gia, cũng có tín hữu. Song những người này không dám xưng nhận họ là Cơ Ðốc nhân cho những người đồng đội và người ngoài ngành, vì dưới chế độ chuyên chế ngành báo chí thường được xem là dụng cụ tuyên truyền để kiểm soát và ảnh hưởng tư tưởng.
Cũng có tín hữu làm việc trong nhà cho người già, các cô nhi viện do Cơ Ðốc nhân bảo trợ, bệnh viện, trường học tư do Cơ Ðốc nhân quản lý.
Đảng Cộng Sản và Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân:
Tôi nghe từ một số tín hữu Cơ Ðốc tại Trung Quốc là trong Quân Ðội Giải Phóng Nhân Dân có các sĩ quan và binh sĩ Cơ Ðốc, tôi chưa có cơ hội gặp người nào, và vì lý do rõ ràng, nếu tôi đã gặp thì tôi cũng không tiết lộ tên của họ được.
Nhân viên chính quyền Trung Quốc nhiều lần xác nhận là trong Ðảng Cộng Sản cũng có Cơ Ðốc nhân, điều chúng ta không biết là họ ở địa vị nào trong hệ thống chính quyền. Thật tôi đã gặp một vài người. Ðiều chúng ta biết là một số con cái của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện tại, hay trong quá khứ đã trở thành Cơ Ðốc nhân và chịu Báp-têm. Lý Bằng (Li Peng) từng là Chủ Tịch Quốc Hội Trung Quốc, có một người con gái du học tại Nhật Bản đã trở thành Cơ Ðốc nhân và đã chịu Báp-têm. Wang Guanymei, vợ của Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqui) đối tượng chính trị của Mao Trạch Ðông, trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, có ba người con gái , cả ba đã trở thành Cơ Ðốc nhân.
Sinh Viên và Học Giả:
Một phân nữa của tổng số 150.000 sinh viên Trung Quốc du học tại Hoa Kỳ trong các thập niên 70 đã đến thăm các nhà thờ trong khi du học tại Mỹ theo lời tường thuật của các tổ chức truyền giáo cho Trung Quốc. Một số đã trở thành Cơ Ðốc nhân và chịu Báp-têm tại Hoa Kỳ.
Zhang Boli là một cựu sinh viên bất đồng chính kiến và là một người trong danh sách 21 sinh viên bị cảnh sát lùng bắt trong cuộc nổi dậy của sinh viên tại Thiên An Môn vào năm 1989. Anh đã trở thành Cơ Ðốc nhân trong khi trốn chạy trong nước và trước khi chạy thoát ra nước ngoài vào năm 1991. Anh ta bây giờ là Mục sư của Hội Thánh người Hoa tại Washington D.C. Anh ta ước đoán là ít nhất 20% sinh viên Trung Quốc sống tại ngoại quốc đã trở thành Cơ Ðốc nhân.
Những Người Bất Đồng Chính Kiến
Zhang Boli cho biết là 2 trong số 21 người lãnh đạo của nhóm sinh viên chống đối đã trở thành Mục Sư Tin Lành, cả hai hiện sống tại Mỹ. Người thứ hai là Xiong Yan. Anh này là một trong những người tuyệt thực, và là một trong những đại diện sinh viên gặp các lãnh đạo nhà nước kể cả Lý Bằng trong cố gắng làm giảm căng thẳng trước cuộc tấn công vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Anh Xiong bây giờ là một tuyên úy trong quân đội Hoa Kỳ, và anh vừa hoàn tất chuyến công tác thứ hai tại Iraq vào tháng 5 năm 2005.
Hai người lãnh đạo khác của cuộc chống đối Thiên An Môn cũng là tín đồ. Wu’er Kaixi hiện sống tại Ðài Loan với người vợ Ðài Loan. Wu’er là người Uighur, một dân tộc ở vùng Tân Cương (Xinjiang), miền cực Tây của Trung Quốc. Anh ta được Zhang Boli làm phép Báp-têm tại Ðài Loan vào năm 2002. Người thứ hai là Han Dongfang, người lãnh đạo của Liên Hiệp Công Ðoàn Tư tại Bắc Kinh một tổ chức công đoàn không chính thức.
Han đi vào phòng công an vào tháng 7 năm 1989, phản đối việc công an đưa tên anh vào danh sách các người cần bắt nhất, anh tìm cách thuyết phục công an là anh không làm điều gì sai trong các cuộc biểu tình. Dĩ nhiên anh ta liền bị bắt và bỏ tù với các phạm nhân mắc bệnh truyền nhiễn, tại đó anh bị bệnh lao và gần chết. Ðược thả và được phép đi đến Hoa Kỳ vào năm 1992 vì lý do chữa bệnh, anh ta trở thành tín hữu tại một Hội Thánh người Hoa hải ngoại ở New Jersey vào năm 1993. Bây giờ anh đang ở Hong Kong, phát thanh về Trung Quốc về những vấn đề lao động cho Ðài Phát Thanh Free Asia do chính phủ Mỹ bảo trợ.
Một số các nhà bất đồng chính kiến kể cả Wang Xizhe, người đã vẽ một biểu chương lớn trong cuộc chống đối tại Quảng Châu (Guangzhou) vào năm 1974. Anh ta bị tù 17 năm sau đó được thả và xin tị nạn tại Hoa Kỳ. Anh tin Chúa và chịu Báp-têm tại California vào tháng 8 năm 2000. Hai nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng khác cũng đã trở thành Cơ Ðốc nhân khi bị lưu đày tại Hoa Kỳ là Dr. Wang Bingzhan và Dr. Yang Jianli, cả hai bị công an bắt vào năm 2002 khi họ tìm cách trở về Trung Quốc, (Ông Wang bị bắt cóc tại Việt Nam và đưa về Trung Quốc, Yang vào Trung Quốc với giấy tờ giả mạo). Cả hai hiện đang ở tù, ông Wang tù chung thân và ông Yang năm năm tù ở.
(Còn tiếp)
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (1)