Joseph Haydn: Bảy Lời Cuối Của Chúa Trên Thập Tự
Tựa đề: Bảy Lời Cuối Cùng Của Cứu Chúa Trên Thập Tự
Nguyên tác: Die worte des erlösers am kreuze
Tác giả: Joseph Haydn (1732-1809)
Trình bày: The Podlasie Opera and Philharmonic European Art Centre
Nhạc trưởng: Michał Klauza
Vài Nét Về Tác Phẩm
Die sieben letzten Worte unseres Erlösers am Kreuze (Bảy Lời Cuối Cùng Của Cứu Chúa Trên Thập Tự) là một bản giao hưởng do nhạc sĩ Joseph Haydn sáng tác.
Tác Giả
Joseph Haydn (1732-1809) là một nhà soạn nhạc người Áo (Austria) nổi tiếng vào thế kỷ thứ 18. Ông được các nhà nghiên cứu âm nhạc ghi nhận là người đã có công đóng góp rất quan trọng trong việc phát triển cấu trúc nhạc giao hưởng và tứ tấu đàn dây (string quartet).
Em trai của nhạc sĩ Joseph Haydn là Michael Haydn. Nhạc sĩ Michael Haydn (1737–1806) là người bạn và cũng là người hướng dẫn cho nhạc sĩ Wolfgang Amadeus Mozart (1765-1791). Nhạc sĩ Michael Haydn cũng là vị thầy đã dạy nhạc cho nhạc sĩ Ludwig van Beethoven (1770-1827).
Tác Phẩm
Tác phẩm Bảy Lời Cuối Cùng Của Cứu Chúa Trên Thập Tự được viết để trình bày vào mùa Phục Sinh năm 1783 tại Cádiz, Tây Ban Nha. Tác phẩm được xuất bản vào năm 1787, và sau đó được trình bày tại Paris, Berlin và Vienna.
Năm 1787, nhạc sĩ Joseph Haydn đã viết lại cho tứ tấu đàn dây, và đến năm 1789 thì viết thêm lời ca để trở thành oratorio. Về sau, tác phẩm cũng được cải soạn cho đàn piano.
Nội Dung
Nội dung của tác phẩm trình bày 7 câu nói cuối cùng của Đức Chúa Jesus trên thập tự. Bảy câu nói đó đã được các sách Phúc Âm trong Kinh Thánh ghi lại như sau:
- Lạy Cha! Xin tha cho họ, vì họ không biết họ đang làm điều gì. (Lu-ca 23:34)
- Thật vậy, Ta nói cùng ngươi: Hôm nay ngươi sẽ ở với Ta trong thiên cung. (Lu-ca 23:43)
- Thưa bà! Đây là con trai của bà. Này con! Đây là mẹ của con. (Giăng 19:26–27)
- Đức Chúa Trời của tôi! Đức Chúa Trời của tôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi? (Ma-thi-ơ 27:46, Mác 15:34)
- Ta khát. (Giăng 19:28)
- Công việc đã hoàn tất! (Giăng 19:30)
- Thưa Cha! Con xin trao linh hồn con trong tay Cha. (Lu-ca 23:46).
Truyền Thống
Từ thế kỷ 16, bảy câu nói cuối cùng của Đức Chúa Jesus thường được các tín hữu trong các nhà thờ Tin Lành và Công giáo suy niệm trong mùa Thương Khó và Phục Sinh. Bảy câu nói cuối cùng của Đức Chúa Jesus được người tin Chúa ghi nhận như là những lời nhắc nhở về:
- Sự tha thứ.
2. Sự cứu chuộc.
3. Tinh thần trách nhiệm.
4. Sự quên mình tận hiến.
5. Nỗi sầu đau.
6. Sự đắc thắng.
7. Sự tái hợp.
Tại một số nhà thờ, các mục sư thường soạn những bài giảng về những đề tài liên hệ trong mùa Thương Khó và Phục Sinh.
Tại các nhà thờ thờ phượng Chúa theo nghi thức truyền thống, những bài giảng ngắn và những tác phẩm âm nhạc liên hệ đến những nội dung nói trên – như các ca khúc trong oratorio, những phân đoạn trong các tác phẩm viết cho piano và tứ tấu đàn dây của Joseph Haydn – được trình bày trong thánh lễ.
Cấu Trúc
Mặc dầu nội dung của bản giao hưởng trình bày 7 lời cuối cùng của Đức Chúa Jesus trên thập tự, toàn bộ tác phẩm gồm có 9 phần. Bên cạnh 7 phần trình bày những lời nói của Đức Chúa Jesus, tác phẩm còn có phần mở đầu và phần kết luận. Phần kết luận thường được các nhà phân tích âm nhạc gọi là phần “động đất“ bởi vì trong phần này nhạc sĩ Joseph Haydn đã dựa trên câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 27:51 mô tả cảnh động đất sau khi Đức Chúa Jesus qua đời.
Cấu trúc của bản giao hưởng Bảy Lời Cuối Cùng Của Cứu Chúa Trên Thập Tự như sau:
• Introduzione in D minor – Maestoso ed adagio
• Sonata I in B flat major – Largo
• Sonata II in C minor – Grave e cantabile
• Sonata III in E major – Grave
• Sonata IV in F minor – Largo
• Sonata V in A major – Adagio
• Sonata VI in G minor – Lento
• Sonata VII in E flat major – Largo
• Il terremoto in C minor – Presto e con tutta la forza
Mời bạn đọc cùng lắng nghe và suy niệm những lời cuối cùng của Đức Chúa Jesus trên thập tự.
Phước Nguyên
Thư Viện Tin Lành (2016)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.