Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Bảy Lời Nói Cuối Cùng Của Đức Chúa Jesus Trên Thập Tự – Lời Thứ Tư

Bảy Lời Nói Cuối Cùng Của Đức Chúa Jesus Trên Thập Tự – Lời Thứ Tư

Lời Thứ Tư: “Ðức Chúa Trời của tôi ôi! Ðức Chúa Trời của tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:48)

Đức Chúa Jesus bị đóng đinh từ 9 giờ sáng và Ngài đã bị treo từ đó cho đến trưa.  Tuy nhiên, từ giữa trưa cho đến 3 giờ chiều, có một bóng đen kỳ lạ bao trùm khắp cả xứ (Ma-thi-ơ 27:45). 

Quang cảnh tối tăm tại đồi Gô-gô-tha lúc đó thật tương phản so với lúc Đức Chúa Jesus vào đời.  Khi Đức Chúa Jesus giáng sinh, cả thế giới – lúc đó đang chìm trong tối tăm – đã bừng sáng trong vinh quang của Chúa (Lu-ca 2:9).  Tuy nhiên trưa hôm ấy, khi Đức Chúa Jesus sắp lìa trần, ngay giữa ban ngày, bóng đen của sự chết và tội lỗi dường như muốn quay lại để thống trị địa cầu.

Kinh Thánh đã nói trước về biến cố này. Trước lúc lễ Vượt Qua đầu tiên diễn ra, toàn nước Ai Cập đã chìm trong bóng đêm 3 ngày (Xuất Ê-díp-tô Ký 10:21-23); và trước khi Chiên Con của Đức Chúa Trời chịu chết đền tội cho nhân loại vào lễ Vượt Qua năm đó, cả xứ đã chìm trong bóng tối 3 giờ (Ma-thi-ơ 27:45). Sự kiện này đã được Tiên tri A-mốt loan báo khoảng 780 năm trước: “Chúa Giê-hô-va phán: Sẽ xảy ra trong ngày đó, ta sẽ khiến mặt trời lặn đi trong lúc giữa trưa, và khiến đất tối tăm trong giữa ban ngày” (A-mốt 8:9).

Trong Kinh Thánh Tân Ước, khi giới thiệu Đức Chúa Jesus cho độc giả, Phúc Âm Giăng cho biết Ngài đã hiện hữu từ nguyên thủy, Ngài ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngài chính là Đức Chúa Trời. Phúc Âm Giăng giải thích Đức Chúa Jesus chính là Đấng Tạo Hóa. Ngài là sự sống và là sự sáng của loài người (Giăng 1:1-5). Giăng nói thêm: Đức Chúa Jesus đã đến trong thế giới mà Ngài đã tạo dựng nhưng nhân loại khước từ Ngài (Giăng 1:9-10). Thái độ khước từ đó thể hiện rõ nhất khi họ đóng đinh Đức Chúa Jesus trên thập tự vào ngày hôm đó. Sau hành động đó, bóng tối bao trùm cả xứ. Các thiên thể dường như xót xa khi thấy nhân thế phủ nhận Cứu Chúa của nhân loại, và cũng là Đấng sáng tạo ra mình, cho nên đã không chiếu sáng tại nơi phủ nhận Đức Chúa Jesus.

Khi bóng đen phủ xuống, tất cả tội lỗi của nhân loại được trút lên trên Đức Chúa Jesus (Ê-sai 63:6).  Trước những ô nhơ kinh hoàng trong tội lỗi của cả nhân loại đang chất trên người Đức Chúa Jesus, Đức Chúa Trời đã quay mặt khỏi Ngài. Sứ đồ Phao-lô giải thích: Đức Chúa Jesus – Đấng đang bị treo trên cây gỗ vào lúc đó – đã chịu rủa sả vì cớ chúng ta (Ga-la-ti 3:13).        

Bên cạnh những đau đớn trên thân thể, Ðức Chúa Jesus đã kinh nghiệm nỗi đau tột cùng trong tâm linh của một người khi bị Đức Chúa Trời lìa bỏ.  Vào khoảng ba giờ chiều, Ðức Chúa Jesus đã kêu lớn: “Ê-li! Ê-li! Lê-ma Sa-bách-tha-ni?” – nghĩa là “Ðức Chúa Trời của con ôi! Ðức Chúa Trời của con ôi! Sao Ngài lìa bỏ con?” (Ma-thi-ơ 27:48).

Những dòng chữ mà Đức Chúa Jesus đã thốt ra là câu đầu tiên trong Thi Thiên 22.  Thi Thiên 22 gồm 31 câu đã được viết khoảng 1000 năm trước khi Đức Chúa Jesus giáng sinh. Tuy nhiên, phần đầu của Thi Thiên 22 dường như là một kịch bản tóm tắt những điều đang xảy ra tại đồi Gô-gô-tha vào ngày hôm ấy.    

“Đức Chúa Trời của con ôi! Đức Chúa Trời của con ôi! Sao Ngài lìa bỏ con? Vì sao Ngài xa cách không giúp đỡ con; và không nghe lời kêu van của con? Đức Chúa Trời của con ôi! Con kêu cầu giữa ban ngày, nhưng Chúa chẳng đáp lại.” (Thi Thiên 22:1-2a)

“Nhưng con là một con sâu, chứ không phải là người; bị loài người sỉ nhục, bị thiên hạ khinh khi.  Mọi người thấy con đều nhạo cười, trề môi lắc đầu mà nói: “Nó đã phó thác mình cho Đức Giê-hô-va, hãy để Ngài giải cứu nó. Hãy để Ngài giải thoát nó, vì Ngài yêu thích nó” (Thi Thiên 22:6-8).

“Một bọn hung ác vây quanh con; chúng đâm thủng các tay và chân của con” (Thi Thiên 22:16b).

“Chúng chia nhau y phục của con; bắt thăm áo choàng của con” (Thi Thiên 22:18).

Nửa đầu của Thi Thiên 22 diễn tả tâm trạng của một người trong lúc đau thương, nhưng phần cuối của Thi Thiên 22 là khúc hoan ca của một người đã hoàn thành sứ mạng và mô tả sự tể trị của Đức Chúa Trời trên mọi dân tộc.

“Giữa một hội chúng đông đảo, sự ca ngợi của con sẽ thuộc về Chúa;
Con sẽ trả xong sự hứa nguyện của con trước mặt những người kính sợ Ngài.
Người nhu mì sẽ ăn và được no nê;
Những người tìm kiếm Đức Giê-hô-va sẽ ca ngợi Ngài;
Nguyện người có lòng nhu mì được sống muôn đời.
Khắp cả trái đất sẽ nhớ và trở về cùng Đức Giê-hô-va,
Dòng dõi của muôn dân sẽ thờ lạy trước mặt Ngài.
Vì vương quyền thuộc về Đức Giê-hô-va,
Ngài cai trị trên muôn dân.”
(Thi Thiên 22:25-28)

Câu nói thứ tư của Đức Chúa Jesus trên thập tự “Ðức Chúa Trời của tôi ôi! Ðức Chúa Trời của tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” diễn tả nỗi đau sâu xa nhất của Đức Chúa Jesus lúc Ngài bị Đức Chúa Trời xa lánh. Dầu vậy, Đức Chúa Jesus đã bằng lòng gánh chịu tội lỗi của loài người và chết thay cho nhân loại. 

Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, để trong Đấng đó, chúng ta nhận được sự công chính của Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:21). 

Do đó, tiếng kêu của Đức Chúa Jesus thực ra không phải là một lời oán trách thở than nhưng là một dấu ấn đánh dấu việc Đức Chúa Jesus đã làm xong trách nhiệm khó khăn nhất trong công tác cứu chuộc của Ngài – và vì vậy, đó cũng là khởi đầu của một bài hoan ca đắc thắng.

Phước Nguyên (2015)

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

3. Lời Thứ Ba
5. Lời Thứ Năm

 

Comments (2)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top