Bảy Lời Nói Cuối Cùng Của Đức Chúa Jesus Trên Thập Tự – Lời Thứ Nhất
Lời Thứ Nhất: “Lạy Cha! Xin tha cho họ, vì họ không biết họ làm điều gì.” (Lu-ca 23:34)
Những người lính La Mã thi hành bản án đóng đinh Chúa nghĩ rằng Ngài sẽ kêu gào, than khóc, hoặc nguyền rủa như những người đã bị đóng đinh trước đó.
Lucius Annaeus Seneca (4 T.C. – 65 S.C.), một triết gia La Mã sống cùng thời với Chúa, đã viết rằng những tử tội khi bị đóng đinh, trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời mình, đã nguyền rủa đủ mọi thứ. Họ rủa ngày sinh của mình, chưởi kẻ đã hành hình mình, khạt nhổ vào những kẻ đến xem hành hình, họ chưởi rủa cay đắng bất kỳ ai họ thấy vào lúc đó,…. Họ tiếp tục nguyền rủa, phỉ báng như vậy nhiều giờ liền cho tới khi chết.
Marcus Tullius Cicero (106 T.C. – 43 T.C.), một chính trị gia La Mã, đã viết rằng đôi khi những người lính La Mã phải cắt lưỡi những tử tội để họ không thể tiếp tục phỉ báng và nói những lời phạm thượng. Vì vậy, những người đã hành hình Chúa biết rằng sẽ có những lời thốt ra từ miệng Ngài, tuy nhiên họ không bao giờ nghĩ đến những lời kỳ diệu chứa đựng sự tha thứ mà họ đã được nghe từ chính Ngài.
Những lãnh đạo Do Thái giáo và người Pha-ri-si cũng trông chờ phản ứng của Chúa. Họ đã nghe Chúa giảng “Hãy yêu kẻ thù” và “Hãy làm ơn cho kẻ ghét các ngươi”, nhưng họ tin rằng khi những mũi gai đã đâm thấu trán Ngài, khi những làn roi xé nát tan thịt Ngài, khi những mũi đinh nhọn xuyên thủng tay chân Ngài, thì những lời giáo lý cao siêu đó sẽ tan biến, và những lời thù hằn cay độc sẽ vang ra. Họ trông chờ điều đó.
Tuy nhiên, những điều họ suy nghĩ và trông chờ đã không xảy ra. Ngược lại, họ đã nghe những lời mà họ không bao giờ kỳ vọng. Như một số loài gỗ trầm quý giá, mỗi nhát dao chặt vào cây lại làm cho thân cây phát thêm ra những mùi hương bất tuyệt. Những kẻ sát hại Chúa đã gieo những lời châm chọc, cay đắng, miệt thị vào Ngài, nhưng họ đã được đáp lại bằng một lời cầu nguyện dịu dàng, ngọt ngào, và tha thứ: “Lạy Cha! Xin tha cho họ, vì họ không biết họ làm điều gì.”
Tha thứ! Tha thứ cho ai? Cho những kẻ thù hay sao? Tha cho kẻ đã đấm vào mặt Ngài tại nhà Cai-phe? Cho Phi-lát, một chính trị gia đã chấp nhận ký án xử tội tử hình cho một người vô tội, để lấy lòng một đám đông cuồng tín và để giữ địa vị cho mình? Cho Hê-rốt, kẻ đã dùng áo choàng của vua để diễu cợt Vua của các vua? Cho những tên lính La Mã đã đánh đập, diễu cợt, và rồi đã treo Con Đức Chúa Trời lơ lửng giữa trời và đất? Cho những lãnh đạo Do Thái và những người Pha-ri-si là những kẻ chủ mưu giết Đấng Chịu Xức Dầu, là Đấng mà họ trông đợi, và lẽ ra họ phải thờ phượng?
Tha thứ! Tha thứ cho họ! Tại sao? Bởi vì họ nhận biết những điều họ đã làm hay sao? Không! Tha thứ cho họ bởi vì họ không biết những gì họ đã làm. Họ không biết họ đã phạm một tội ác kinh khủng là đã giết chết Chúa của sự sống. Họ không biết họ đã làm sai lệch cán cân công lý như thế nào khi tha cho tên giết người Ba-ra-ba nhưng kết án Đấng Vô Tội. Họ không biết dòng huyết mà họ nhúng tay làm đổ ra chính là dòng huyết có quyền năng cứu chuộc chính họ.
Một tử tội sắp chết có thể khẳng định mình vô tội đã bị xử oan, hoặc nhận biết mình có tội và cầu xin sự tha thứ; tuy nhiên Đấng Hoàn Toàn Vô Tội đã không xin sự tha thứ; ngược lại, Đức Chúa Jesus – Đấng Trung Gian giữa Đức Chúa Trời và loài người – đã ban sự tha thứ. Ngài là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đã dâng chính Ngài như là một vật sinh tế. Ngài đã cầu xin Đức Chúa Trời ban sự tha thứ cho những kẻ có tội.
Những kẻ có tội không phải chỉ là những người chống Chúa, nhưng cũng là những người môn đệ của Ngài. Họ đã bán Chúa để lấy tiền, đã chối Chúa để được bình an, đã chạy trốn khi Ngài bị phản bội. Những kẻ có tội đó cũng bao gồm bạn và tôi.
Đức Chúa Jesus đã cầu nguyện: “Lạy Cha! Xin tha cho họ, vì họ không biết họ làm điều gì.”
Lúc Đức Chúa Jesus bị đóng đinh chỉ có một môn đệ của Chúa có mặt tại đó, tuy nhiên lời cầu nguyện đầy sự khoan dung tha thứ của Chúa đã được các tín hữu ban đầu ghi nhớ. Họ không chỉ ghi nhớ nhưng đã làm theo. Ê-tiên, vị tử đạo đầu tiên, đã noi gương Đức Chúa Jesus cầu nguyện cho những người đang ném đá giết mình rằng: “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ!” (Công Vụ 7:60).
Lời cầu nguyện đó của Ê-tiên đã được Đức Chúa Trời nhậm. Chúa đã tha thứ và biến cải Sau-lơ – một trong những người đã tham dự vào vụ giết Ê-tiên – trở thành Phao-lô, một sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ.
Sau nhiều năm hầu việc Chúa, Phao-lô đã nhắc những người tin Chúa rằng: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32). Phao-lô nhắc lại điều này không phải chỉ xuất phát từ kinh nghiệm phước hạnh cá nhân của riêng mình, nhưng đây cũng chính là mạng lệnh mà Đức Chúa Jesus đã truyền cho những người theo Ngài: “Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:24). Thêm vào đó, tha thứ cũng chính là điều Đức Chúa Jesus muốn những người theo Ngài phải thực hiện trước khi đến với Đức Chúa Trời và thưa với Ngài rằng: “Xin tha tội lỗi cho chúng con, cũng như chúng con tha thứ cho người có lỗi với chúng con” (Ma-thi-ơ 6:12).
Phước Nguyên (2015)
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
2. Lời Thứ Hai
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (1)