Jacksonville – Một Ngày Được Nói Nhiều
Jacksonville – Một Ngày Được Nói Nhiều
Tôi trở lại Jacksonville lần thứ hai sau một năm. Sau một ngày thì nhớ lại hết những con đường mình đã đi qua, và trở thành quen thuộc như thành phố quê nhà của mình vậy, không cần phải dùng GPS để đi từ chỗ ở đến nhà thờ nữa. Tôi hy vọng rằng đây sẽ là một cái tên quen thuộc cho tôi và các bạn hàng năm vào tháng 1, là nơi mà những người phục vụ Chúa, những bàn chân truyền giáo sẽ gặp nhau, nói về Chúa, nói về những gì đã làm, đang làm và sẽ làm cho Chúa.
Tôi gặp lại những người quen từ đại hội lần trước, những người thân quen lâu ngày mới gặp, những người chưa quen mà ngỡ đã quen rồi, những người quen từ lâu mà vì lâu không gặp… tưởng rằng đã quên. Nhưng chỉ sau một vài giây phút là đâu lại hoàn đấy, bộ nhớ lại sắp xếp thứ tự đâu đó, ngạc nhiên vì gặp nhau ở đây, trong không gian và thời gian này, nhưng chẳng hề ngạc nhiên vì công việc của Chúa làm. Chẳng có việc chi mà Chúa không thể làm.
Về đại hội của First Baptist Church thì chắc không cần phải nói nhiều vì nhiều năm qua họ vẫn cứ… vĩ đại như vậy. Một thánh đường… vĩ đại chiếm hết 12 block đường của downtown Jacksonville. Một danh sách tên tuổi các Mục sư… tên tuổi, ca sĩ thượng hạng, một ca đoàn hùng hậu, cách tổ chức, phòng ốc, kỹ thuật hoàn hảo, chỉ có khen mà không thể chê. Cám ơn họ vì Chúa dùng họ để những người hầu việc Chúa Việt Nam có cơ hội gặp nhau cho công việc Chúa.
Tôi sẽ nói hơi nhiều về những điều cần nói, tại Hội Thánh Báp Tít Việt Nam, vì đây là nơi mà tôi được nói nhiều. Không phải mình tôi được nói nhiều, mà những người đến đây ai cũng ao ước được nói nhiều. Tại sao nói nhiều, vì họ đã làm nhiều trong suốt năm qua, và bây giờ họ muốn nói lại. Nói gì? Nói về những kinh nghiệm truyền giáo, những ơn phước lớn của Chúa, những khải tượng Chúa ban cho riêng mình, với sự nóng cháy… bốc khói được hầu việc Chúa. Trong ba buổi trưa từ thứ sáu đến Chúa Nhật những người Việt Nam tụ tập lại Hội Thánh Việt Nam để nói nhiều, để nghe nói nhiều, để hiểu nhiều và sẽ làm việc nhiều cho Chúa trong tương lai. Há chẳng phải là phước hạnh sao?
Phải nói rằng trong suốt ba bữa đó tôi phải amen rất nhiều… chục lần vì những lời làm chứng rất sống động và cảm động của những tôi tớ con cái Chúa, và thú thật là cũng rất hồi hộp chờ tới phiên mình. Ông Mục sư quản nhiệm Hội Thánh ở đây còn rất trẻ (trẻ hơn những người già, trẻ thì… technique nhiều, rất nghiêm chỉnh việc giờ giấc. Ông cho… diễn giả thì giờ ấn định và set alarm vào I phone, cứ đúng giờ quy định là nó reo lên êm ái, nhưng nếu người đang nói trên kia cố tình làm lơ thì tiếng reo sẽ gay gắt, khó chịu hơn, như muốn nói: xuống mau đi… cha nội. Lơ nữa thì Mục sư tiến lên đứng gần, càng lúc càng gần, sát bên cạnh, như muốn lấn cho diễn giả nói dai… lọt xuống khán đài. Tôi thành thật mà công nhận rằng (nói quý tôi tớ Chúa đừng giận, có tôi nữa) các Mục sư tỏ ra nhiều kinh nghiệm… nói dai hơn các tín hữu. Quý tín hữu thật sự tỏ ra nghiêm chỉnh hơn trong vấn đề giờ giấc đã được quy định. Tôi nhiều lần hướng dẫn các chương trình làm chứng trong đại hội, kinh nghiệm các vụ này lắm, nhưng công nhận Mục sư Quang là… sư phụ trong chuyên ngành này. Tôi thấy họ mà… sợ cho mình.
Để tôi… phân bua chút xíu về việc nói nhiều của tôi. Kỳ này bộ ba của VMI đã lên kế hoạch cùng đi, có thể cùng ở chung nhà một người bảo trợ, như một cái kiềng ba chân, nhưng vào giữa tháng 1 có một cái chân bị rụng (vì phải dạy học), gần đến ngày đi thì rụng thêm một chân nữa (vì phải phát hành báo Tết). Cái kiềng ba chân nay chỉ còn một, một mình khập khiễng bay tới Jacksonville từ phi trường Washington DC. Một buổi làm chứng có ba người nói, nay chỉ còn một, cho nên phải nói nhiều là vậy. Tôi đã hỏi kỹ về giờ giấc tôi được phép nói, và chuẩn bị đủ dàn bài bằng powerpoint để nói đúng giờ, và cầu nguyện Chúa để nói vừa đủ giờ vừa đủ nghe vừa đủ cho mọi người hiểu, đừng dai dài dở, đừng lụm cụm qua đường (tuổi 60- rồi, dễ rơi vào tình huống ấy lắm) … Tánh lo xa, tôi chuẩn bị báo Hướng Đi Tết còn mới toanh chưa ai có, CD Sống Đạo cũng mới toanh, để tặng cho đại hội truyền giáo Việt Nam trước khi nói (thành thật khai báo, đây là một bài học tôi copy từ sư phụ Phao lô. Đọc Kinh Thánh thử để ý xem, trong những thư tín Phao lô, dù là thư trách móc, trước khi “quở trách”, ông luôn luôn mở đầu thư bằng lời lẽ êm dịu, cho người nghe “mê man êm ái” rồi đột ngột chích kim vào thịt chẳng ai hay, biết ra thì cũng muộn rồi) Người ta lỡ nhận quà của mình rồi, thì người ta phải… ráng chịu mà nghe. Chí lý không?
Vui một chút, cũng đủ. Nói chuyện nghiêm túc đây. Tôi tạ ơn Chúa và cám ơn Mục sư quản nhiệm đã cho tôi nhiều thì giờ (40 phút) để nói một vấn đề hơi nhiều chi tiết. Giới thiệu một chương trình của VMI còn quá mới mẻ cũng cần ít nhiều thì giờ. Sau bài thuyết trình và trả lời câu hỏi thắc mắc của các… khán giả (20 phút), Mục sư Quang là người đầu tiên ghi tên mở một trung tâm và sau đó… hàng chục cánh tay đưa lên. Tôi vui lắm chẳng phải vì thành quả đạt được, mà tôi có một niềm tin chắc chắn rằng học trình này của VMI sẽ phụ giúp một cách tích cực cho những bàn chân truyền giáo, cho những linh hồn tội nhân và cho Hội Thánh tăng trưởng. Tôi tin rằng bất cứ ai, Hội Thánh nào bằng lòng học chương trình này, học một cách hết lòng, một cách… đam mê thì không bổ bề dọc cũng bổ bề… ngang. Lại nói đùa. Khi tôi mới đến Mỹ, một người kể cho tôi nghe chuyện sản xuất thịt bò đóng hộp trong xưởng “bò” của anh ta. Anh biết không, anh ta nói: người ta bỏ một con bò còn sống vào cái đầu máy bên này, một hồi sau chui ra đầu bên kia thịt bò đã đóng hộp. Thật độc đáo. Đây là một cách gần giống như vậy. Một người chưa biết gì về Chúa cả, mời đến học. Học xong, trở thành một… Mục sư. Chẳng quá tuyệt vời sao?
Tôi có một minh họa nho nhỏ này thường đem ra để nói chuyện và kêu gọi anh chị em tham gia học chương trình của VMI. Nhiều năm trong chức vụ, tôi kinh nghiệm rằng một trong những lý do lớn khiến cho Hội Thánh Việt Nam không… lớn nổi, lớn một chút thì bị cắt làm hai, là bởi vì có nhiều người nói hơn người làm. Xác suất đó là 10 (làm)/90 (nói), tính theo kiểu dâng 1/10 cho dễ hình dung. Trong một Hội Thánh trung bình 100 người thì có hết 90 người ngồi không, không làm gì hết, chỉ nói, tự nhiên là vậy, không có gì làm thì nói. Mà nói những điều không ích lợi, không gây dựng, chỉ gây đổ vỡ. Nhõng nhẽo, bùi lan, lý sự, đổ (đỗ) thừa…, và chỉ có 10 người làm. 10 người phục vụ 90 người. 90 người vừa lấn vừa đè 10 người, chịu gì thấu. Hội Thánh càng ngày càng teo tóp vì ngộp thở, lớn gì nổi. Một giải pháp xem ra đơn giản là làm sao… reduce số 90 lại, mà enlarge số 10 lên. Điều đó gọi là môn đồ hóa.
Môn đồ hóa là cách tốt nhất để giảm con số người ngồi không mà tăng con số người phục vụ trong Hội Thánh, nghĩa là bớt người làm tín đồ mà tăng người làm môn đồ, giảm bớt tình trạng tiêu cực của Hội Thánh, bớt người bệnh, bớt baby. Khi họ đã được huấn luyện kỹ lưỡng thì họ sẽ biết rõ về Chúa Jesus và biết rõ điều họ cần phải làm. Các Mục sư cũng đỡ… nhức đầu đau tim đau bao tử… Há chẳng phải là chính Chúa Jesus đã nói: hãy đi môn đồ hóa muôn dân hay sao? Mình có cách gì hay hơn Chúa?
Lấy ra một tờ giấy, (tấm bìa, mặt bàn, anything…) chia làm 10 phần, tô mầu xanh 9 phần, màu đỏ 1 phần, mầu xanh là thành phần ngồi chơi hay nói, màu đỏ là phần cặm cụi làm việc, quý vị có ngay sơ đồ tình trạng của một Hội Thánh. Nguyên tắc là làm sao để mầu đỏ phải từ từ (mà chắc chắn) xâm thực mầu xanh, con số “làm” tăng lên, con số “nói” giảm bớt, nhà thương giảm người bệnh, mà nhà thờ tăng người đi. Khi màu đỏ từ từ lan qua màu xanh là khi Hội Thánh chuyển mình để thay đổi. Một công thức đơn giản cho sự phát triển Hội Thánh là: Con người làm việc + Chúa ban phước. Chúa chỉ ban phước khi chúng ta làm việc. Chúa sẽ không làm gì cả cho đến khi chúng ta bắt đầu. Bài học sông Giô đanh cũ như trái đất nhưng luôn luôn mới cho chúng ta. Hãy bước đi thì Chúa sẽ rẽ nước.
Tôi tin rằng 11 cuốn sách mỏng của VMI (tuy đơn giản mà không hề… đang giỡn) có thể giúp đỡ được trong việc làm giảm con số 90, mà tăng lên con số 10. Quý vị cứ suy nghĩ xem, còn một ích lợi… tự nhiên nữa, khi những thành viên của khu vực 90 dần dần move về khu vực 10, những “member” còn lại của 90 sẽ mất dần member, cảm thấy lẻ loi, sẽ từ từ move tới chỗ “đông đúc” để… xem thử có cái gì mà vui vậy, rồi lần lượt sẽ được thu hút vào theo. Lý tưởng thay. Nhưng…
Trên nguyên tắc là vậy, biết bao phương pháp nghiên cứu của những tôi con Chúa xưa nay, thật là tốt, nhưng cũng chẳng làm sao “vực dậy” những con số đáng buồn của Hội Thánh, vì chỉ có “học” mà chẳng có “hành”. Học rất nhiều, nhưng chẳng làm gì hết. Đầu to ra, chân và tay teo lại, gọi là đầu to… teo. Xấu lắm, đi lụp chụp mất thăng bằng. Đây là điều chúng ta cần thay đổi, chỉ đổi chữ thôi, chữ ngồi ra chữ đứng, rồi từ chữ đứng ra chữ đi. Thay vì cứ ngồi trong nhà thờ năm này qua năm kia, đầu to tướng vì nhồi nhét quá nhiều kiến thức tôn giáo, nhiều người đứng dậy, nhiều người đi, đem người về, cho họ ngồi học, họ học rồi, lại đứng dậy đi. Càng có nhiều con “bò” đút vào đầu này, càng có nhiều “thịt bò hộp” để ăn đầu kia. Vừa học vừa đi, vừa đi vừa học. Đầu mình tay chân vận động thăng bằng, eo thon chân dài, trở nên… người mẫu. Thế thôi.
Khi về lại thủ đô Hoa Kỳ, tôi có thì giờ kiểm tra lại cái danh sách ghi danh mở trung tâm Đào Tạo Môn Đồ ở Jacksonville, 14 người ghi danh, 10 tiểu bang. Này nhé: California, Texas, Colorado, Oregon, Pennsylvania, Virginia, Arizona, Florida, Louisiana, Washington… và Việt Nam. Tôi điện thoại liên lạc và nghe nhiều thêm những thông tin đáng mừng. Tôi biết làm gì, tôi chỉ biết cảm tạ Chúa cho tôi được dự phần vào công việc nhà của Ngài trong cái khả năng thật sự là còn kém cỏi lắm của tôi (thật đấy, không có làm bộ khiêm nhường như… thiên sứ đâu). Có quá nhiều việc để làm. Những việc làm cho Chúa đều cần, đều tốt. Mỗi người mỗi việc làm theo ân tứ khải tượng Chúa cho. Anh giặt ủi được anh mở tiệm giặt ủi cứ mở, tôi chỉ biết vá giày tôi mở tiệm vá giày. Người giặt ủi và vá giày cứ làm việc mình, phục vụ trong chỗ nhỏ nhoi của mình, đừng phê bình dè bỉu ai. Mỗi người chăm chỉ làm việc mình thì Chúa ban thưởng. Ngay cả chúng ta là những người hầu việc Chúa, cũng “bớt” nói đi, mà hãy tập trung vào việc làm.
Một trong ba buổi nhóm của đại hội, tôi và Mục sư Quang gặp nhau ở cầu thang dẫn vào nhà thờ. Chúng tôi tình cờ chạm mặt nhau nhưng cuộc nói chuyện thì chẳng tình cờ. Ông nói: tôi mong là Mục sư sẽ viết bài về đại hội lần này. Tôi thích bài viết năm ngoái của Mục sư. Tôi nghĩ là Chúa đang bắt đầu làm một việc gì đó tại đây, và Chúa muốn chúng ta bắt đầu. Chúng ta sẽ làm một cái gì đó cho những anh chị em đang phục vụ Chúa, một đại hội bồi linh cho họ, cho họ có thời gian ngơi nghỉ, bồi bổ sức khỏe tinh thần, thuộc thể thuộc linh. Họ đã phục vụ Chúa hết lòng, họ cũng cần được phục vụ. Có thể chúng ta sẽ có một cái tên khác, thay vì Pastor’s Conference của người Mỹ. Tôi nói: This idea is good. Mục sư cứ suy nghĩ cái tên, chúng ta sẽ bắt đầu. Chiều đó, tại nhà hàng Golden Corral, khi tôi đang ngồi chuyện trò với 2 người bạn trẻ, Mục sư Quang lại gần, cười nói: tôi đã nghĩ ra một cái tên: Phục Vụ Người Phục Vụ Chúa. Nghe rất hay, thế là có thể bắt đầu. Rồi Jacksonville sẽ là một địa chỉ hàng năm mà những người phmục vụ Chúa đến để được phục vụ, chia xẻ, ca hát, bồi dưỡng, vui chơi. Chúa Jesus cũng có lúc nghỉ ngơi mà. Chương trình này hàng năm sẽ có thêm phần du lịch trên biển (cruise) Tất cả là để phục vụ người phục vụ. Như Chúa từng nói “… công khó anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” Trước khi về thiên đàng để hưởng phước do công khó mình làm cho Chúa, tôi cũng tin rằng Chúa muốn ban phước cho công khó chúng ta ngay tại trên đất này. Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn.
Điều cuối cùng tôi muốn viết trong bài viết này có lẽ là cuộc gặp gỡ khá đặc biệt (có vẻ như tình cờ mà chẳng phải tình cờ, với Chúa chẳng có gì là tình cờ. Sự tình cờ của mình là sự cố ý của Chúa) với 2 người bạn trẻ ở Baton Rouge, Louisiana, hai vợ chồng trẻ rất đẹp đôi. Một là một giáo sư đại học, một là một nhà thơ có tên (chưa có tuổi), quý vị sẽ thấy hình ảnh họ ở đây, sau lưng chúng tôi, tôi và một… đệ tử của VMI Fort Worth (người đã chiến đấu cam go để đến được Jacksonville lần này. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau khá… tương đắc (tôi nói nhiều hơn…) Nhìn từ phía trước mặt, họ thật là một cặp đẹp đôi, nhìn từ phía sau còn đẹp hơn. Tôi thích nhìn hình ảnh của họ khi cùng quay lưng bước đi và hình dung ra hình ảnh của những cặp đôi Cơ-đốc đang đi vào tương lai, như hình ảnh của con trai Hải Đăng và vợ ngày xưa. Họ có nhiều thứ, khả năng, ân tứ và một tấm lòng, đủ cho Chúa sử dụng, nếu họ sẵn sàng để Chúa sử dụng.
Tôi luôn luôn tin rằng một người có phước là một người được Chúa sử dụng cho công việc giá trị đời đời của Ngài. Chẳng phải sao, chúng ta chỉ là đất sét, mà được bàn tay của một nhà điêu khắc cự phách nhồi nắn, tạo hình để trở thành những chiếc bình tuyệt đẹp, một ngày kia sẽ sánh vai cùng những chiếc bình tuyệt đẹp khác trong viện bảo tàng đời đời trên thiên đàng. Bạn nghĩ thế nào?
Mục sư Lữ Thành Kiến
Trích từ Sống Đạo Online