Hy Sinh
Hy Sinh
Năm 1418, Lê Lợi cùng một số người cùng chí hướng khởi nghĩa tại Lam Sơn. Lê Lợi tự xưng là Bình Ðịnh Vương. Ông kêu gọi toàn dân Việt Nam đứng lên đánh quân Minh giành độc lập. Trong những năm đầu khởi nghĩa (1418-1422), lực lượng Lam Sơn chỉ có vài ngàn người. Quân khởi nghĩa thắng được vài trận nhỏ nhưng sau đó bị quân Minh tấn công. Năm 1419, Lê Lợi cùng lực lượng khởi nghĩa bị vây chặt tại núi Chí Linh. Lương thực cạn dần, lực lượng suy yếu, Lê Lợi và các tướng lãnh không biết làm sao thoát khỏi vòng vây.
Trước tình cảnh đó, vì việc nước, Lê Lai, một trong số 19 người đã tham gia Hội Thề Lũng Nhai với Lê Lợi vào năm 1416, quyết định hy sinh để cứu Lê Lợi và quân khởi nghĩa. Theo gương Kỷ Tín nhà Tây Hán, Lê Lai giả làm Lê Lợi. Ông đánh lạc hướng quân Minh bằng cách mặt áo của Bình Ðịnh Vương kéo 500 quân và hai thớt voi ra đánh. Quân Minh lầm tưởng là Lê Lợi, kéo đến tấn công. Quân Minh bắt được Lê Lai, giết ông vào ngày 29 tháng tư năm âm lịch 1419. Tưởng đã giết được Lê Lợi, quân Minh rút quân. Nhờ thế, Lê Lợi và những người còn lại thoát chết.
Mười năm sau, khởi nghĩa thành công. Lê Lợi lên ngôi vua vào năm 1428. Lê Lợi cai trị được 6 năm và mất vào ngày 22 tháng 8 năm nhuận Âm Lịch 1433. Trước khi mất, Lê Lợi căn dặn triều đình phải làm giỗ Lê Lai trước ông một ngày. Từ đó, trong dân gian có câu: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi.”
Nghĩa cữ của Lê Lai thật hiếm. Ông bằng lòng chết thay cho người khác. Tuy nhiên, nghĩa cữ của Lê Lai cũng có thể hiểu được, vì ông chết thay cho một người xứng đáng. Thánh Kinh cho biết: “Vả, họa mới có kẻ chết vì người nghĩa. Dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Ðức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Ðấng Christ vì chúng ta chịu chết.” (Rô-ma 5:7-8).
Chúng ta cũng ở trong tình trạng ngặt nghèo không kém Lê Lợi và các lãnh tụ khởi nghĩa ngày xưa. Lực lượng đang tấn công và vây chặt chúng ta không phải là quân Minh nhưng là quyền lực của tội lỗi. Bạn và tôi không phải là những bậc cao nhân, quân tử hay là những anh hùng cứu nước như Lê Lợi hoặc Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, có một người bằng lòng chết thay cho chúng ta. Người đó là Chúa Giê-xu. Chúa đã hy sinh để chúng ta được tự do. Ngài chết vì tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá.
Tại sao Chúa làm điều đó. Chúa hy sinh cho chúng ta vì Ngài yêu chúng ta. Chúa Giê-xu phán: “Chẳng có tình yêu nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:13). Chúa dạy về tình yêu và Ngài đã chết để bày tỏ tình yêu. Ngài chết để chúng ta được sống.
Lê Lợi đã biết ơn và sống xứng đáng vì người đã chết cho ông. Ông nhắc cho mọi người phải tưởng niệm Lê Lai. Mùa Phục Sinh, chúng ta hoài niệm tình yêu của Chúa. Mong bạn và tôi cũng biết ơn và sống xứng đáng cho Người đã chết thay cho chúng ta.
Phước Nguyên
Chân Trời Mới
Tháng 2/2008
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org