Hạ Xuyên Phong Ngạn – Toyohiko Kagawa – Phần cuối

Chưa có cuộc chiến tranh nào tàn khốc như Đệ Nhị Thế Chiến. Số lượng vũ khí và khả năng hủy diệt của các chiến cụ thật kinh hoàng. Mỗi bên đều tuyên truyền về lòng hận thù. Phong Ngạn bị giằng xé giữa lòng yêu nước, niềm tin Cơ Đốc, chủ trương bất bạo động, và ông trở thành mục tiêu bị tấn công từ mọi phía.
Trong một bài phát biểu được truyền trên đài phát thanh, Mục sư Phong Ngạn nói: “Nước Mỹ! Hãy trở lại với tinh thần của Lincoln.” Ông đã chứng kiến những khu định cư, những cửa hàng hợp tác xã, những phân xưởng mà ông đã vất vả xây dựng bị quét sạch bởi những trận bom được thả từ các máy bay. Và sau đó, hai trái bom nguyên tử đã nổ ra tại Hiroshima và Nagasaki. Không chỉ tại Nhật, nhưng cả thế giới đã rung động và bàng hoàng khi nghe tin này.
Nước Nhật, cũng như nước Mỹ, chưa bao giờ bị xâm chiếm bởi một quyền lực ngoại xâm. Khi Thành Cát Tư Hãn và đoàn quân chinh phục của ông càn quét phương Đông, đoàn quân đó đã phải dừng lại khi đến Nhật. Vài lần Thành Cát Tư Hãn cố gắng chinh phục những hòn đảo nhỏ này, lần nào đoàn quân của ông cũng bị thất bại. Những cuộc chiến mà Nhật đã tham chiến đều diễn ra bên ngoài nước Nhật: tại Nga, Trung Hoa, Okinawa, Đại Hàn, Trân Châu Cảng, Philippines, Indonesia và Đông Dương. Bây giờ, đoàn quân chinh phục đang tiến đến và kêu gọi nước Nhật đầu hàng vô điều kiện.
Nhóm quân phiệt đang ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Máy bay của lục quân và hải quân rải truyền đơn kêu gọi trăm triệu dân Nhật hãy chết trong danh dự. Đài phát thanh công bố cho dân chúng rằng chính Hoàng Đế và cả triều đình đang lâm vào cảnh nguy hiểm, và kêu gọi dân chúng hãy sẵn sàng tử chiến hơn là đầu hàng.
Nhật Hoàng, nhận biết sự trung thành của thần dân, đã khôn ngoan can thiệp bằng cách công bố một sắc chỉ. Nhật Hoàng nhìn nhận sai lầm về chính mình, và nhận trách nhiệm về việc chiến tranh đã mang đau khổ và thiếu thốn đến cho dân chúng. Hoàng Đế kêu gọi thần dân chấp nhận đầu hàng.
Dân Nhật vâng theo ý muốn của Nhật Hoàng nhanh chóng chuyển từ tinh thần quyết chiến sang hòa bình. Một số nhân vật trong quân đội và những người ái quốc, dựa trên những lý thuyết từ thời Minh Trị, đã tự vẫn theo kiểu Samurai bày tỏ vinh dự được chết để thể hiện lòng trung thành với Hoàng Đế.
Niềm tự hào dâng lên từ những cuộc chiến trước đây giờ đây nhường chỗ cho nỗi sợ hãi hoang mang vô định. Những kẻ xâm lược sẽ là những người như thế nào? Thái độ tương tự cũng diễn ra giữa những chiến binh Mỹ đã mệt mỏi vì chiến tranh. Lúc đầu có những nghi ngờ và thiếu tin cậy giữa hai bên. Binh lính Nhật thất trận xếp hàng dài nghiêm chỉnh khi đoàn quân Mỹ đi qua nhưng họ quay lưng lại với đoàn quân Mỹ. Nhiều người nghĩ rằng đây là một hành động khinh bỉ nhưng không biết rằng đây là một thái độ bày tỏ lòng tôn kính cao nhất. Đây là cách những người lính Nhật đứng bên đường chào đón Hoàng Đế của họ.
Mục sư Phong Ngạn viết một bức thư cho Đại Tướng MacArthur, không phải trong tư cách của một quốc gia bại trận nhưng trong vị thế của lương tri thế giới. Trong bức thư đó, Mục sư đã giải thích phẩm chất của người Nhật, rồi thuật lại rằng, dù cho có bom nguyên tử, dân Nhật vẫn sẵn sàng chiến đấu đến người cuối cùng nếu Hoàng Đế của họ muốn như vậy.
“Mở rộng cách tay cứu giúp dễ hơn là hành hại một quốc gia đã bại trận. Hãy chào đón quốc gia này nhanh chóng hội nhập vào hành trình xây dựng một thế giới văn minh mới.”
Và ông viết tiếp: “Nước Nhật, vâng theo sắc chỉ của Hoàng Đế, đã sẵn sàng bắt đầu một con đường mới như là một thành viên của các quốc gia trên thế giới. Xin Ngài đừng dùng cây roi nhưng hãy giúp người Nhật thể hiện toàn bộ phẩm chất của họ để họ có thể tiến về phía trước tham dự vào việc phát triển một nền văn hóa mới và một thế giới mới.”
Sau chiến tranh, người chú của Nhật Hoàng trở thành Thủ Tướng. Ông đã mời Mục sư Phong Ngạn làm cố vấn cho nội các của ông, và Phong Ngạn đã nhận lời. Phong Ngạn cũng nhận làm cố vấn cho Bộ Phúc Lợi Xã Hội, nhưng ông kiên quyết yêu cầu được tự do tiếp tục công việc truyền giảng khi cần thiết. Đại Tướng MacArthur đã chấp nhận yêu cầu của Mục sư Phong Ngạn cung cấp lương thực và gỗ để xây dựng chỗ ở cho những người vô gia cư vì hậu quả của chiến tranh và sẽ không trừng phạt nước Nhật. Khi những điều này được hiểu rõ, dân chúng không còn nghi ngờ và đã chú tâm vào việc xây dựng một nước Nhật mới. Đến nay, quân đội Mỹ vẫn còn đồn trú tại Nhật nhưng đây là một cuộc xâm chiếm an bình nhất trong lịch sử.
Hoàng Đế Nhật công bố một sắc chỉ mới. Ngài loan báo cho thần dân rằng Ngài không phải là thần linh. Ngài cũng là người như họ và họ nên cư xử với Ngài cũng như vậy. Nhưng bởi chính hành động này, Nhật Hoàng chứng tỏ Ngài xứng đáng được dân chúng quý mến càng hơn.
Nhật Hoàng cũng mời Mục sư Phong Ngạn đến tiếp kiến và làm cố vấn cho Nhật Hoàng. Để có thể thực hiện điều này, Nhật Hoàng bổ nhiệm Mục sư Phong Ngạn làm một thành viên trong Thượng Viện, bao gồm những người thuộc giới quý tộc và những người do Hoàng Đế bổ nhiệm. Mục sư Phong Ngạn tiếp tục làm thành viên tại Thượng Viện cho tới khi cơ quan này được giải thể vào năm 1947.
Mục sư Phong Ngạn cũng giảng cho Hoàng Đế, Hoàng Hậu, và triều thần, đại diện của 15 gia đình quý tộc. Mục sư Phong Ngạn nói với Hoàng Đế rằng nhu cầu lớn nhất của nước Nhật là xây dựng phẩm chất con người, và đã khuyên Hoàng Đế rằng Ngài phải phục vụ quốc gia trong tinh thần của một người phục vụ, gần gũi dân chúng, và khích lệ họ với niềm khao khát về tinh thần dân chủ và công chính. “Chỉ qua việc phục vụ người khác, một người có thể mang lại sự hòa hợp và hòa bình cho người dân.”
Hoàng Đế đã thực hiện chuyến công du đầu tiên bằng cách đến thăm những khu định cư mà Mục sư Phong Ngạn đã xây dựng làm nơi ở cho hai chục ngàn nạn nhân chiến tranh. Cơ sở này tương tự như những cơ sở khác mà ông đã giúp xây dựng tại những thành phố và làng mạc khắp nước Nhật.
Nhật công bố một hiến pháp mới. Dân chúng được tự do hội họp, tự do tôn giáo, và tự do báo chí. Phụ nữ được quyền đi bầu. Ngân sách, trước đây được dùng trang bị cho vũ khí và chiến tranh, bây giờ được đầu tư cho trường học và giáo dục. Hiến pháp mới cũng loại bỏ chiến tranh. Điều khoản thứ chín viết: “(1) Trải qua thời đại nguyên tử, vì lý tưởng của nhân loại, chúng tôi vui lòng từ bỏ vũ khí để làm một ví dụ cho những quốc gia khác. (2) Dân Nhật vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh và việc dùng, hay đe dọa dùng, vũ lực làm phương tiện giải quyết những tranh chấp quốc tế. Như vậy, vũ khí sẽ không được lưu giữ.”
Những cải cách mà Mục sư Phong Ngạn thực hiện từ lâu, đã phải chấp nhận đau khổ tù đày và thường bị bách hại vì niềm tin của mình để thực hiện, nay đã được chấp nhận. Ông đã thấy những xóm nghèo được xóa bỏ và những tòa nhà mới được chính quyền xây lên cho giới nghèo. Những cô nhi viện và những vườn trẻ được thành lập và duy trì. Những hợp tác xã mà ông đã dự định từ lâu, cùng những bệnh viện cho những người không có khả năng trả giá cao tại các bệnh viện tư, đã được thành lập.
Mục sư Phong Ngạn cùng vợ, một con trai và hai con gái sống trong một ngôi nhà nhỏ ngoài lề của Tokyo. Họ đã vượt qua tuổi mà những người khác đã về hưu, nhưng họ vẫn bận rộn như chưa từng có. Có một nhà nguyện được dùng làm trường mẫu giáo những ngày trong tuần, làm hội trường và phòng học vào ban đêm, và làm nơi thờ phượng vào Chúa Nhật. Sau chiến tranh, Mục sư Phong Ngạn sang Mỹ vài lần để diễn thuyết. Ông thường xuyên đi khắp nước Nhật để diễn thuyết, giảng, và cố vấn cho những cộng sự. Ông đến thăm các trường học, bệnh viện, cư xá cho công nhân, ngân hàng và nhà in mà ông đã giúp xây dựng.
Có một giấc mơ mà Mục sư Phong Ngạn tiếp tục thực hiện với hy vọng còn sống để thấy trở thành sự thật đó là ước mơ được thấy vương quốc Đức Chúa Trời được hình thành trên nước Nhật và hòa bình được mang đến khắp nơi trên thế giới.
Charlie May Simon (1958)
Tham Khảo:
– Charlie May Simon, A Seed Shall Serve – A Story of Toyohiko Kagawa Spiritual Leader of Modern Japan. New York: E. P. Dutton & Company, Inc. (1958)
– Hoàng Bá, Hạ Xuyên Phong Ngạn, Nguyệt San Hừng Đông (1962-1964)