Hạ Xuyên Phong Ngạn – Toyohiko Kagawa – Phần 17
Thắng lợi này mở đường cho phong trào lao động phát triển khắp Nhật Bản. Phong Ngạn liền chuyển suy nghĩ của ông về một nhóm người khác rất cần được giúp đỡ – đó là những nông dân.
Phong Ngạn thấy rất nhiều thanh niên trôi dạt vào xóm nghèo do sự nghèo khổ, cùng cực của cuộc đời làm nông. Tại Nhật, chỉ có một ít đất đai được dùng cho canh tác – những khu đất này thường nằm trên sườn núi thật dốc – tuy nhiên phân nửa dân Nhật lúc đó sống bằng nghề nông. Ít có nông trại nào lớn hơn một mẫu đất. Phần lớn đất đai thuộc về những chủ đất vắng mặt nhưng các chủ đất này lại nhận hoa lợi gấp ba lần của những nông dân trực tiếp canh tác. Một người đàn ông với một con bò kéo cày trên một mảnh đất nhỏ – cùng một thứ cày đã được dùng nhiều thế kỷ, kể từ thời vương quốc Nhật mới được thành lập – còn người vợ thì giúp chồng bằng một cây cuốc cũng xưa như vậy.
Mục sư Phong Ngạn ước mơ xây dựng một nước Nhật mới từ những nông dân. Trên những dốc núi cao, nơi lúa không thể mọc, có thể trồng những loại cây ăn quả và kết hạt như hạt dẻ, hạnh nhân, anh đào, hồ đào, … những loại cây tạo tinh dầu, giàu chất đạm có thể làm thức ăn cho người và gia súc. Rễ của những loại cây này sẽ làm phong phú đất. Cần nuôi dê sữa tại những sườn đồi để có sữa và giảm cỏ dại. Cần nuôi ong mật. Nước Nhật có thể trở thành một nước đượm sữa và mật như xứ Ca-na-an trong Kinh Thánh. Và như một người Nhật truyền thống với tâm hồn nghệ sĩ, bên cạnh những kết quả thực tế này, Phong Ngạn hình dung những ngọn đồi với những vườn cây trổ đầy hoa và những đàn chim hót líu lo trong các khu vườn đó.
Một thời gian sau, những liên đoàn nông dân đã được thành lập. Phong Ngạn đã đi đến những vùng quê nói chuyện với những nông dân, giải thích cho họ biết cách nào họ có thể hợp tác với nhau để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông mở trường học tại những làng quê như đã ông đã mở trường cho những công nhân tại thành phố; hướng dẫn và trình bày những phương thức trồng trọt mới, vận động thành lập luật bảo vệ nông dân khỏi những chủ đất bất công, và dạy những phương thức vệ sinh phòng bệnh.
Mười bốn năm sống trong xóm nghèo khiến Phong Ngạn vướng bệnh đau mắt. Trong thời gian ông đi khắp nước Nhật cùng với những lãnh đạo của Hiệp Hội Nông Dân, bệnh đau mắt của ông trở nên trầm trọng. Mắt Phong Ngạn đau đến nỗi ông không thể mở ra; nhưng lo ngại công việc có thể bị đình trệ nên ông không trở về Kobe điều trị.
Khi chuyến công tác hoàn tất, mắt Phong Ngạn hoàn toàn không thấy được. Ông được đưa vào bệnh viện chữa trị gần hai tháng. Phong Ngạn đã nghĩ rằng ông sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy trở lại. Trong nỗi đau buồn, Phong Ngạn được an ủi với suy nghĩ rằng Đức Chúa Trời chính là sự sáng, và ông luôn có Ngài là ánh sáng bất diệt trong tâm hồn mình.
Dần dần, mắt của Phong Ngạn được hồi phục nhưng nhìn qua kiếng chỉ thấy đục ngầu chứ không thấy trong suốt, nhìn nước thấy giống như đá cục, nhưng ít nhất ông có thể phân biệt ánh sáng và bóng tối. Sau này Phong Ngạn mô tả kinh nghiệm đó trong cuốn sách Lắng Nghe Lời Thì Thầm Của Những Bức Tường, với trích đoạn trong một bức thư ông gởi cho vợ như sau:
“Như mặt trời mùa xuân dần dần tác động trên tuyết, đôi mắt của anh từ từ hồi phục. Anh sẽ thấy! Ôi ánh sáng thật quý! Đức Chúa Trời đã làm cho anh mù để dạy anh giá trị và sự mầu nhiệm của thị lực. Tâm hồn anh hoàn toàn bình an để cho đôi mắt tâm linh cũng như mắt thể chất được mở ra. Tuy nhiên, anh vẫn nài xin Chúa ban thêm sự sáng và lời nài xin của anh đã được Chúa nhậm. Anh đã thấy! Ánh sáng! Ánh sáng ở khắp nơi! Mặt trời, mặt trăng, cầu vồng, những vì sao, đèn điện, những tấm gương lấp lánh, những đồ gốm đầy màu sắc, đủ thứ ánh sáng, ánh sáng rực rỡ. Ôi! Vợ của anh! Hãy cùng vui với anh vì anh đã thấy được. Anh sẽ có thể đọc sách, thư từ trong tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và mọi thứ.”
Và Phong Ngạn thưa với Chúa: “Ôi! Ánh Sáng của con! Ngài thật kỳ diệu dường nào. Những ánh mắt ân cần chăm nom biết bao lâu nay mà con không nhận biết! Hãy ở với con. Đừng xa lìa con. Hãy chiếu sáng vào những nơi sâu thẳm của tâm hồn con.”
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.