Hạ Xuyên Phong Ngạn – Toyohiko Kagawa – Phần 11

Cuối mùa hạ năm 1912, dân Nhật bất ngờ mang một đại tang: vị Thiên Tử của họ đã băng hà. Mọi người thương tiếc và khắp xứ chìm ngập trong yên lặng cùng hoang vắng. Các hí trường cũng như mọi nơi giải trí đều đóng cửa. Những tiệc tùng cùng mọi cuộc hội kiến xã hội đều được đình chỉ vô hạn định. Trên mọi nẻo đường, người ta không còn tìm thấy những vẻ mặt hân hoan, những hàng hoa tươi thắm cũng như âm thanh hòa điệu từ những bản ca vui vẻ nữa. Cả đến những người bán hàng rong cũng rao hàng một cách dè dặt và sầu thảm.
Thế là thời đại Minh Trị vừa chấm dứt. Hoàng Đế Taisho I sẽ thay chỗ cho Hoàng Đế Minh Trị 45 kể từ đây. Người ta băn khoăn nghĩ đến những đổi thay sẽ đến với đất nước trong tương lai. Người ta hồi tưởng những biến chuyển trải 45 năm qua, kể từ khi chàng thiếu niên 16 tuổi lên ngôi. Lúc ấy Nhật-bản đã từ địa vị của một hải đảo bé nhỏ cô lập, hãnh diện trong vẻ vinh quang quá khứ của một nền văn hóa vĩ đại, bước lên hàng cường quốc giữa thế giới tân tiến này.
Giờ đây thì tất cả mọi ngành hoạt động: chính quyền, kỹ nghệ, khoa học, nghệ thuật và ngay cả tôn giáo nữa, đều như đứng lại. Ngày mà quốc tang được cử hành, một vị đại tướng danh tiếng đã mặc tang phục trắng, quì xuống, rút gươm tự sát để tỏ lòng trung thành với Hoàng-đế. Cùng lúc đó, trong một căn phòng nọ, vợ ông ta cũng đã noi gương chồng mình tự sát.
Có nhiều chuyện truyền tụng kể lại những lúc hoàng đế giả trang đi dạo chơi trên các đường phố để cảm thấy gần gũi với quần chúng hơn. Tuy nhiên không một mẫu chuyện nào kể lại rằng Ngài đã đặt chân đến viếng thăm xóm nghèo Shinkawa chật hẹp và tối tăm này cả. Cuộc sống nơi đây vẫn đều đều với những tranh giành muôn thuở vì miếng cơm đỡ đói, manh áo sưởi lạnh cùng nơi trú ẩn qua đêm trường dằng dặc.
Những cảnh tượng đi tìm lượm giẻ rách nơi thùng rác, mài miệt cờ bạc bên ngọn nến với đôi mắt e dè cảnh sát, hoặc cảnh trẻ con đứng nhìn thèm thuồn những cửa hàng bánh ngọt, những thiếu niên tụ họp tập tành trộm cắp, vẫn thường xuyên diễn ra hằng ngày. Hoàng Đế băng hà kể đã năm tháng rồi mà dân chúng vẫn còn than tiếc. Tang đen vẫn còn vương trên tay áo, buồn rầu vẫn còn in trên nét mặt.
Lễ Giáng Sinh năm đó không có buổi họp mặt cho đám trẻ tại xóm nghèo. Dầu sao, Phong Ngạn vẫn muốn mang lại ánh vui tươi tô điểm cho cuộc sống tại đó nên đã tổ chức vài buổi họp tại Nhà Hội. Lúc này tình trạng đình trệ tại Shinkawa lại mang đến thiếu thốn và nghèo đói hơn bao giờ hết. Khi những người buôn lẻ đóng cửa hàng thì người thiếu ăn, kẻ thất nghiệp, và hành khất chết đói.
Cứ mỗi cuối năm gần đến ngày trang trải nợ nần, lại có một số người chờ đến đêm khuya, lặng lẽ thu xếp đồ đạc dời nhà đi chỗ khác và đặc biệt năm nay, số người đó tăng lên nhiều hơn cả. Mà số tiền đó có phải nhiều đâu, chỉ vào khoảng 20 đồng yen hoặc 10 Mỹ kim thôi, thế nhưng, những con người bất hạnh đó không bao giờ hy vọng có thể trả được.
Trong những tháng đầu tại xóm nghèo, Phong Ngạn cũng đã từng có lần phải đem cầm cả bộ áo Kimono hoặc chiếc giường độc nhất của mình để có tiền sống đến cuối tháng. Cuộc sống luôn túng thiếu ấy khiến chàng càng nuôi nhiều mộng ước hơn và giấc mộng cuối cùng ấy là lập nên một nơi cho mọi người tự do mượn tiền khi cần, hoặc gởi những món tiền dư và có thể lấy ra khi túng thiếu.
Đúng lúc giao thừa, từ các đền miễu vang lên 108 lần tiếng chiêng và mọi người tin rằng những tiếng vang đó có thể đuổi được 108 tội ác trong con người. Dầu vậy, trong những lời chúc tụng năm mới, lời chúc mỗi người vẫn tiềm ẩn mối âu lo sâu xa về thời cuộc tương lai. Không một ai mặc đồ mới, cũng chẳng người nào thiết đến giải trí nữa.
Năm 1909, đã đánh dấu cái Tết thứ 4 mà Phong Ngạn cảm thấy tiếng chiêng đượm vài ý nghĩa. Một năm qua chàng đã thuyết phục được vài gia đình tại Kobé và Osaka, vui lòng nhận trẻ con nghèo về sống với họ trong một ngày. Đối với đám trẻ đó chẳng khác nào một câu chuyện thần tiên hiện thực trong cuộc đời. Chỉ cần trong vài giờ thôi, chúng cũng đủ cảm thấy mình hoàn toàn là những hoàng tử và công chúa rồi. Chúng rất sung sướng và đã được biến đổi ít nhiều: không còn la lối, cãi vả hoặc xô đẩy nhau như trong những buổi họp đầu tiên nữa.
Thằng bé Matsuzo cũng được sống vài ngày như thế tại Kobé, đã biết xử sự hơn, nhưng rồi chứng nào vẫn tật nấy, mãi mê chơi đùa với bạn bè quên cả giờ ăn tối. Giờ này, mọi người đều lần lượt đi ngủ cả mà thằng bé vẫn chưa về, còn Phong Ngạn thì cứ trần trọc mãi. Một cơn gió lạnh len qua khe cửa vào phòng, chàng khơi lớp tro trên lò sưởi để tìm hơi ấm. Xóm nghèo hoàn toàn chìm trong vắng lặng… Tay Phong Ngạn vẫn tiếp tục đùa nghịch với lớp tro nhưng trí óc chàng chìm sâu trong muôn vàn ý nghĩa…
Đã có lần Phong Ngạn tin rằng vấn đề thanh thiếu niên cũng có thể giải quyết được nếu chúng có việc làm để khỏi túng thiếu. Và chàng đã thực hiện ý tưởng đó bằng cách gửi một đứa đi học nghề nơi một người bán tạp hóa, nhưng chỉ 3 tháng sau, nó lại bỏ về nhà. Nhiều đứa trẻ khác cũng học tập nghề như thế nhưng cuối cùng chúng đều bỏ cuộc về món tiền kiếm được quá ít ỏi. Hiện tại đã quá bi thảm mà tương lai lại là một khoảng không vĩ đại… nhưng dù sao tại xóm nghèo này ai nấy đều xem nhau bình đảng.
Duy lúc vào sống trong những gia đình trung lưu, chúng mới cảm thấy bị đối xử như kẻ dưới. Ngay chính trong Nhật ngữ cũng đã có những danh từ dành riêng cho kẻ dưới, người ngang hàng và kẻ bề trên rồi. Ngoài ra lại còn những phiền phức như muốn đi từ ngõ vào nhà phải cúi chào ít nhất 15 lần; chỉ được ăn sau khi mọi người ăn xong và chỉ được đi guốc khi ra khỏi nhà mà thôi. Lúc thiếu phòng, chúng phải ngủ trong những hành lang vô cùng chật chội, vì thế chẳng trách đám thiếu niên nầy bỏ việc làm để trở về với xóm nghèo của chúng.
Mãi đến 11 giờ đêm hôm ấy Matsuzo mới về nhà. Sáng hôm sau, khi ông già Kishimoto xếp giường lại, một chiếc đồng hồ đeo tay mạ bạc rơi xuống đất.
Matsuzo la lên: “Cái đó của tôi, trả lại cho tôi!”
“Ở đâu con có được cái đồng hồ đó?”
“Một thằng bạn đã cho tôi.”
Thằng bé bảo rằng nó còn có nhiều đồng hồ khác nữa và đặc biệt là một cái bằng vàng nó đang giữ làm của riêng. Phong Ngạn bảo đứa bé:
“Em phải trả lại cho người ta, vì em đã ăn cắp, nên em không được quyền giữ nó.”
“Nhưng mà em có ăn cắp đâu, đó chỉ là một quà tặng thì đã sao?”
Cuối cùng thằng bé đã vâng lời trả lại đồng hồ, tuy nhiên, trong đời nó, nó không thể nào hiểu được chổ sai lầm trong việc làm của mình.
Đã một năm qua, Matsuzo vẫn còn bối rối giữa phải trái, và không biết ăn năn là như thế nào. Còn về phần Masaru thì khác, cậu bé này đã tiến bộ rất nhiều trong việc học. Chủ hãng làm nút áo muốn nhận cậu làm con nuôi, nhưng cậu lại thích đến ở Nhà Hội để giúp đỡ đám dân nghèo hơn. Nguyên do chỉ vì Masaru được nuôi dưỡng trong tình thương bên cạnh một ông cha luôn nghĩ đến gia đình và ước mong con cái sẽ sống cách khá giả hơn chính mình. Trong khi đó Matsuzo vốn đã thuộc thành phần bị xã hội ruồng bỏ lại còn bị gia đình xô đuổi, và chỉ khi được Phong Ngạn đem về nuôi, nó mới hiểu biết được ý nghĩa lòng tử tế của người đối với người là thế nào.
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.