Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Lịch Sử » Hạ Xuyên Phong Ngạn – Toyohiko Kagawa – Phần 10

Hạ Xuyên Phong Ngạn – Toyohiko Kagawa – Phần 10

Hạ Xuyên Phong Ngạn  – Toyohiko Kagawa – Phần 10

Dầu sao, bên cạnh những lúc ưu tư lo lắng cho cuộc sống của đồng loại mình, vẫn còn có những giờ phút Phong Ngạn cảm thấy tâm hồn mình được nhẹ nhàng, thoải mái như hòa hợp với thiên nhiên bao la… Thiên nhiên của chàng nơi đây là những dãy đồi thấp thoáng dọc theo các sườn Rokko xanh thẳm với những chỏm cao ngất lắng chìm trong nắng vàng hoàng hôn.  Dưới mắt chàng thiên nhiên này bao giờ cũng tiềm tàng một vẻ đẹp kiêu hùng khó tả, bao giờ cũng vẫn là một thế giới khác biệt hẳn với thế giới chật hẹp và bẩn thỉu mà chàng đang sống.  Chàng cảm thấy say mê thiên nhiên một cách lạ lùng…

Đã từng có những buổi trời thu dìu dịu, Phong Ngạn ra đi từ sáng tinh sương với chỉ một tập thơ và vài mẫu bánh trong “sắc” tay.  Chàng ra đi chỉ vì cảm thấy thích đi như thế, và không hề định hướng cho những bước chân của mình.  Cuối cùng, chàng dừng lại tại đỉnh núi, nằm dài lên cỏ và lấy tập thơ ra nhưng rồi lại đặt xuống ngay.  Thế giới màu xanh của muôn vàn cỏ cây bao quanh chàng đã quyến rũ chàng mạnh hơn những dòng thơ kia.  Những cánh bướm rực rỡ tươi thắm tung tăng bay lượn, những khóm lau xanh duyên dáng nghiêng mình trước gió như đang cúi chào một vị vương.  Ngay đến cả thảm cỏ cũng mịn màng hơn và màu đất cũng tươi sáng hơn.  Chàng hít mạnh luồng khí trong lành và đưa mắt nhìn xuống thành phố: làng mạc, xe cộ, thuyền tàu đều xuất hiện như những món đồ chơi xinh xắn của trẻ con.  Chàng lấy làm vui thích đứng nhìn mọi vật từ một nơi cao như thế và tự trách mình vì sao từ trước không hề có ý nghĩ đến sống tại nơi này.  Chàng cảm thấy yêu thích một cuộc đời chỉ sống để tìm hiểu thiên nhiên mà thôi và quyết định từ đó mỗi tuần sẽ tìm cách đến nơi này một lần.

Có những lúc Phong Ngạn thấy nhớ tiếc quãng đời trôi qua trên nhung lụa, trong những khu vườn đầy hoa thơm với nhiều ao hồ thơ mộng… và nhất là những buổi trà thất tại nhà người chú với những lễ nghi trưởng giả đầy phiền phức nhưng cũng không kém phần thú vị.  Những lúc ấy, chàng được nghe người ta nói chuyện về thi ca, về hoa anh đào hoặc về trăng thu.  Dầu sao, những kỷ niệm êm đẹp ấy cũng không thể giữ lâu được tâm trí chàng vì chàng không muốn xa rời thực tại chàng đang sống và đó là xóm nghèo Shinkawa đáng thương của chàng.

Phong Ngạn ước ao có thể đem được lớp người từ trong những ngõ ngách tối tăm dơ bẩn ấy đến sống tại nơi này, giữa bầu trời cao rộng và rong sạch để gây trong tâm hồn họ một mối thông cảm với thiên nhiên.  Chàng không thể nào quên được những ngày mùa hạ nắng gắt, khắp xóm nghèo suốt ngày ồn ào những lời nguyền rủa, đập phá, la hét chỉ vì cuộc sống quá chen chúc và ngột ngạt.  Thật ra, những con người sống tại đây không phải dân Nhật chính thống vì người Nhật vốn sạch sẽ, cẩn thận, nổi tiếng là lương thiện và đứng đầu về nghệ thuật sống của họ.

Nhưng rồi hoàn cảnh đói khát và thiếu thốn đến cùng cực đã biến họ thành những con người chỉ còn hơn có loài thú dại và đạo đức thấp kém như đám dân nghèo khổ này.  Mức sống như thế đã kéo theo bệnh tật truyền nhiễm hầu hết mọi xóm làng và nạn nhân đầu tiên chính là lớp người này.

Phong Ngạn còn nhớ một ngày kia, sau lúc tắm sông về, thằng bé Matsuzo đã mắc bệnh thương hàn và chàng đã khổ nhọc săn sóc nó mãi đến hai ngày sau mới tìm được một chỗ nằm tại bệnh viện ở tầng thứ tư, nơi dành riêng cho lớp người ở xóm nghèo, vừa chật hẹp lại vừa thiếu người chăm sóc.  Chính Phong Ngạn đã phải săn sóc thằng bé tại bệnh viện.  Hôm đi theo chiếc xe cứu thương đưa Matsuzo đến bệnh viện, chàng cảm thấy thất vọng như đang đi đưa đám, vì ngay đến cả tiền xe cũng không còn để trả nữa.  Nơi Matsuzo nằm tại bệnh viện thật là cả một thảm cảnh: bệnh nhân nằm la liệt, y tá làm việc quá mức lao lực đến nỗi một bệnh nhân có thể chết khát nếu không có người nhà đến săn sóc.

Phong Ngạn ngồi trên chiếc ghế cạnh giường Matsuzo.  Thằng bé ngủ im lìm sau khi được chích một mũi thuốc.  Qua nhiều đêm mất ngủ vì săn sóc Matsuzo, giờ đây Phong Ngạn cảm thấy thèm ngủ hơn bao giờ hết.  Sau một hồi đi tìm chỗ ngủ không được, Phong Ngạn thất vọng trở lại phòng, lấy nước đá đắp lên trán Matsuzo rồi chui vào dưới giường, ngủ trên sàn nhà trơ lạnh.

So với hiện tại, Phong Ngạn đang được nằm trên thảm cỏ xanh của đỉnh Pokko và được hít thở khí trời thu trong mát, ký ức của đêm bệnh viện ấy càng nổi bật rõ rệt hơn trong tâm trí chàng.  Chàng thắc mắc vì sao chính phủ không tìm cách chấm dứt tình trạng bi thảm đó và cải tiến đời sống của đám dân nghèo.  Hoặc nếu chính phủ không đủ tiền để thực hiện ý muốn thì tại sao các gia đình khá giả không nghĩ đến việc dùng những phòng trống của nhà mình cho các bệnh nhân nghèo khó này?  Càng suy nghĩ, Phong Ngạn càng nhận thấy rõ rằng lỗi không do một ai cả, chỉ tại lòng con người ích kỷ mà thôi.

Dù là nghỉ hè, Phong Ngạn vẫn không được nghỉ ngơi.  Chàng thường dậy rất sớm, biệt riêng thì giờ suy gẫm cho đến 5 giờ sáng thì bắt đầu dạy học cho Masaru Tekeuchi, con trai của một người xem tướng số dạo trong xóm.  Ông ta rất cảm phục đời sống của Phong Ngạn và nói với chàng: “Ông là người truyền đạo độc nhất đã sống đúng như điều mình giảng, vì thế, tôi cũng muốn con tôi được học hỏi với ông”.  Về phần Phong Ngạn, vì cảm thương cho hoàn cảnh Masaru không đủ phương tiện tiếp tục học ở trường nên muốn giúp đỡ và nhân dịp khuyến khích cậu học trò mình đọc Tân Ước. Phong Ngạn thường nói với Masaru: “Nếu cậu đọc hết quyển sách này, cậu sẽ có thể làm được bất cứ việc gì”.

Dạy học đến 7 giờ, Phong Ngạn đã sẵn sàng tại Phòng Hội để đón tiếp các kẻ đau ốm đến xin thuốc, vì dân xóm biết rằng chỉ có vị Cố Vấn của họ mới săn sóc đến họ mà thôi.  Mỗi ngày Phòng Hội đều đông nghẹt bệnh nhân đến nỗi một ngày kia, vị thanh tra y tế khi đi qua đó, phải nói: “Đây không phải là chỗ dành riêng cho bệnh nhân”.  Phong Ngạn cũng nghĩ như thế vì đáng ra người bệnh cần phải được an nghỉ một nơi tử tế chu đáo hơn là căn nhà siêu vẹo này.  Cũng đã có lần chàng báo tin cho cảnh sát khi gặp một kẻ đau nằm bên đường để mong họ chở vô bệnh viện nhưng vô ích, vì ngoài chàng ra, không ai để ý giúp đỡ kẻ ốm đau cả.  Vì thế, Phong Ngạn ao ước có thể cất được một bệnh viện cho đám dân nghèo khó này, nhưng hiện tại, chính thức ăn cần dùng nuôi họ, Phong Ngạn cũng chưa có đủ tiền mua nữa.

Vào những hôm không phải đến lớp học, Phong Ngạn dành suốt buổi sáng vào việc viết sách.  Quyển đầu tiên lấy nhan đề là “Tình Bạn” nói về Đa-vít và Giô-na-than, dành riêng cho trẻ con.  Tiền bán sách chỉ đủ tiêu trong vài ngày.  Vì lo cho 30 người nên bao nhiêu tiền chàng kiếm được cộng với 50 mỹ-kim do một người Mỹ giúp mỗi tháng, Phong Ngạn vẫn phải ăn rau trái.  Tuy không đủ tiền mua thịt chàng vẫn thấy rau trái ngon hơn thịt nhiều và thích lên sườn đồi Rokko nhặt hái những hạt dẻ khô, vì tất cả đối với chàng đều mang ý nghĩa một đời sống ẩn dật.

Chiều đến, Phong Ngạn đi khắp xóm viếng thăm kẻ đau ốm hoặc cử hành tang lễ khi có cần hay viết thư hộ cho những người không biết viết.  Đám trẻ cũng thường gọi chàng đến chơi đùa với chúng và những lúc ấy, giấc mộng thành lập một ký-nhi-viện đầy đủ tiện nghi với những đồ chơi thích hợp xâm chiếm tâm hồn chàng cũng như mộng xây cất bệnh viện trước đây.

Buổi tối, Phong Ngạn đi giảng dạy cho dân xóm.  Giảng đường của chàng không có gì khác hơn là mọi nẻo đường, và hội chúng là tất cả những người đang đi đường, bằng lòng dừng lại nghe.  Ngoài ra, mỗi sáng thứ sáu, trước giờ dạy học cho Masaru, khi trời còn sẫm tối, Phong Ngạn còn đến giảng cho dân chài ở bến tàu.  Được trò chuyện với lớp người này, chàng rất hài lòng và cảm thấy hòa hợp với đại chúng hơn là giảng trong những giảng đường nguy nga đồ sộ.  Nhìn những người thất nghiệp thơ thẩn trên cầu tàu chờ đợi việc làm, một lần nữa, chàng mơ tưởng đến một nơi ăn chốn ở chu đáo dành riêng cho họ và chỉ lấy tiền thuê nhà khi họ có việc làm mà thôi.

Lúc này, chàng cảm thấy nguồn sinh lực cùng say sưa thời xưa phục hồi trong người chàng.  Chàng vẫn còn có lúc bị sốt nhưng vì biết làm việc điều độ nên có thể tiếp tục viết sách, viết sách về Giê-rê-mi và dự định viết sách về tâm lý người nghèo khổ.

Một sáng kia, Phong Ngạn bước vào một xưởng in và tự giới thiệu mình là cố vấn của đám hành khất ở Shinkawa.  Các công nhân trẻ tuổi ngước nhìn kinh ngạc khi thấy chàng không lớn hơn họ bao nhiêu mà lại ăn mặc tề chỉnh, vẻ mặt thông minh và đang thay thế chức vụ một vị mục sư vắng mặt.

Cũng may là ông chủ xưởng lúc ấy lại là một người rất mộ đạo và muốn các công nhân chia xẻ lòng tin với ông.  Lòng nhiệt thành biểu lộ cử chỉ cùng lời hát của Phong Ngạn đã có sức truyền mạnh mẽ vào lòng các công nhân, trong số đó có nàng Haru, một nữ công nhân xưa nay vẫn được mệnh danh là Chị Cả, nhìn Phong Ngạn cách chăm chú.

Và chẳng bao lâu sau, vào một chiều Chúa Nhật chính nàng Haru đã tìm đến xóm nghèo nghe Phong Ngạn giảng về Đức Chúa Trời là sự yêu thương.  Đám đông đang vây quanh Phong Ngạn, còn nàng, vì muốn tránh tia nhìn tò mò của họ, đứng nép mình vào bóng tối và theo dõi từng cử chỉ của Phong Ngạn.

Kết thúc buổi giảng, chàng mời gọi: “Nếu các bạn muốn nghe thêm, xin mời đến Phòng Hội chúng tôi rất hoan nghênh các bạn.”  Sau đó, vài người đi theo Phong Ngạn về Phòng Hội và nàng Haru cũng đi.  Đến nơi, mọi người đều bước vào quỳ xuống hiệp chung với buổi nhóm thờ phượng, còn nàng Haru đứng bên ngoài nhìn qua cửa sổ chứ không dám bước vào.

Hôm sau, Phong Ngạn trở lại xưởng in để nhóm như thường lệ mỗi sáng thứ Hai, và tia nhìn của chàng dừng lại chỗ Haru đang ngồi giữa đám công nhân trẻ tuổi hơn nàng.  Chàng hỏi: “Có phải cô đã đến nhóm với chúng tôi tối hôm qua phải không? Xin mời cô cứ đến với chúng tôi nữa nhé!”

Câu hỏi làm Haru không khỏi kinh ngạc vì đã tưởng rằng không có ai có thể nhìn thấy nàng được trong đêm hôm ấy.  Nàng theo Phật giáo và không hề để ý đến một tôn giáo nào khác dù có ai khuyến khích đi nữa.  Nhưng hôm nay, khi tiếp xúc với Phong Ngạn qua những lời giảng của chàng, nàng cảm thấy vui thích và trung thành theo dõi đến cùng.  Dịu dàng nhưng cương quyết, nàng có thể ngồi từ ngày này qua ngày khác để gấp những trang giấy in đóng thành sách và xem xét người khác làm việc.  Cử chỉ nàng biểu lộ một đợi chờ dường như nàng biết trước những gì lạ lùng sẽ xảy đến đời nàng và nàng cần sửa soạn ngay từ bây giờ.

Tuy chưa dứt khoát từ bỏ tôn giáo của mình, Haru vẫn thường đến Shinkawa mỗi tối Chúa Nhật dự những buổi thờ phượng.  Tại đó, nàng cũng hát Thánh ca, cầu nguyện và tỏ vẻ xúc động sâu xa.

Dáng điệu nàng dịu dàng, kín đáo quá đến nỗi Phong Ngạn không hề để ý gì đến sự có mặt của nàng cho mãi đến mùa Giáng Sinh sau đó, chàng mới nhận biết nàng khi tìm thấy nàng khác biệt hẳn với các thiếu nữ học với chàng và các thiếu nữ trong Hội Thánh.  Lễ Giáng Sinh năm ấy, giữa lúc Phong Ngạn đang bận rộn tổ chức buổi phát quà cho đám hành khất và bất cứ trẻ con nào có mặt tại đó, thì nàng Haru đến, tình nguyện bỏ một ngày làm việc để giúp chàng dù rằng Phong Ngạn chưa nhờ đến nàng.

Nàng lặng lẽ nấu nướng và dịu dàng chia sớt thức ăn cho hàng trăm người nghèo đói, tàn tật, phung hủi và bẩn thỉu.  Nàng làm việc cách chăm chỉ và dễ dàng như là suốt đời nàng đã từng quen thuộc với công việc đó trong khi các nữ tín đồ được mời đến lại chỉ lăng xăng choáng chỗ, đưa mắt dò xét cử chỉ vụng về của đám dân nghèo rồi khúc khích cười với nhau.  Phong Ngạn cảm thấy lo lắng về thái độ thiếu yêu thương của các bà ấy nhưng đồng thời cũng được yên tâm khi nhìn thấy nàng Haru luôn luôn vui vẻ, ân cần trao đồ ăn cho mọi người đến xin và làm thỏa mãn nhu cầu của họ.  Tuy đứng ở xa, chàng vẫn nhận thấy tia nhìn đầy tình thương và cảm thông hiện trong ánh mắt nàng Haru.

Tối đó lại có một buổi phát quà khác tiếp theo dành riêng cho trẻ con trong xóm nghèo.  Lần này không có các nữ tín đồ đến giúp nhưng là các sinh viên của lớp chủng viện.  Trước mắt Phong Ngạn lúc bấy giờ là hình ảnh của hàng ngàn trẻ con, phần nhiều là con hành khất, rồi đây cũng sẽ theo gót cha mẹ chúng, chỉ biết xin ăn cho qua ngày đến suốt đời mà thôi.  Tình cảm xót thương dâng lên rào rạt trong lòng chàng khiến chàng nảy ra ý nghĩ nếu có được vài gia đình tại Kobé và Osaka nhận nuôi dưỡng độ 3 hay 4 đứa trẻ này biết đâu tình trạng đáng thương này rồi một ngày mai sẽ biến đổi hẳn, chắc chắn chúng sẽ được dạy dỗ nên người, biết ăn nói dịu dàng, chào hỏi lễ phép và cư xử phải lẽ.

Đang trầm ngâm suy nghĩ, chàng bỗng ngước mắt lên và nhìn thấy Haru cũng có mặt ở đó với em nàng là Fumi.  Chàng không ngờ nàng đến nhưng thật ra chàng vẫn ước mong nàng có mặt.  Cũng vẫn dáng điệu dịu dàng, nhu mì nàng đã đem lại trật tự giữa đám trẻ ồn ào, lặng lẽ làm việc và chờ đợi cho đến đứa trẻ cuối cùng đi khỏi nàng mới ra về.

Phong Ngạn ý thức một thứ tình yêu dâng lên tâm hồn mình nhưng chàng muốn đè nén trấn áp ngay vì nghĩ rằng tình yêu và hôn nhân sẽ làm chướng ngại chức vụ chàng.  Chàng đã quyết định hiến trọn cuộc đời mình giữa đám dân nghèo này và không muốn một người nào khác san sẻ với chàng cuộc sống kham khổ ấy.

Bây giờ, mọi người đều bắt đầu sửa soạn đón Tết, một ngày lễ mà dân Nhật cho là quan trọng hơn cả.  Họ tin rằng mọi sự đều đổi mới nên cố gắng trút bỏ những vương vấn của năm qua như là trang trải nợ nần, quét tước nhà cửa sạch sẽ chẳng hạn.

Tại Đông Kinh, Hoàng Đế cũng khẩn cầu bình an và thịnh vượng cho đất nước.  Đường phố được trang hoàng đẹp đẽ và mọi cửa hiệu đều đóng kín.  Cờ Nhật bay phất phới trên các trụ ngỏ… Từ trẻ con đến người già cả, ai nấy đều ăn mặc đẹp đẽ, nét mặt hớn hở đi lại thăm viếng, chúc tụng vào trao tặng quà lẫn nhau.

Riêng xóm nghèo Shinkawa vẫn không có gì thay đổi chỉ trừ một vài người phải nghỉ việc ở nhà tìm kiếm những công việc khác trong ngày nghỉ mà thôi.  Nhân dịp đó, Phong Ngạn tổ chức những buổi nhóm trong Phòng Hội.  Nhìn đám người co ro trong những chiếc Kimono cũ kỹ, tay luồn vào áo để tìm hơi ấm, chân khập khểnh trên đôi guốc gỗ, kéo nhau đến quỳ xuống trên sàn Phòng Hội, lòng Phong Ngạn tràn dâng niềm xót thương vô hạn.  Chàng băn khoăn tự hỏi không biết rồi đây năm mới sẽ mang lại được gì cho lớp người đáng thương này.  Biết đâu vẫn không gì khác hơn là những nỗi đau đớn, bệnh tật và bất hạnh mà họ đã nếm trải trong quá khứ.  Biết đâu hoa đào xuân nở chính là lúc người ta phải đem đi cầm những chiếc áo lạnh sờn rách này mà rồi cũng chẳng bao giờ chuộc lại được.  Khi mở miệng thốt ra câu: “Chúc mừng năm mới nhiều may mắn” Phong Ngạn cảm thấy lời chúc của chàng hứa hẹn quá nhiều đối với họ.  Khi buổi họp bế mạc, theo tục lệ, mọi người ăn chung với nhau một bữa cháo.  Lần này, Haru cũng có mặt tại đó để giúp đỡ nhưng rồi cũng lại ra về trong lặng lẽ, không một ai thấy cả.

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top